Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Kafka bên bờ biển

Kafka bên bờ biển
Huyền thoại hậu hiện đại
Ngô Thị Thu Thủy
I. Bối cảnh hậu hiện đại, chủ nghĩa huyền thoại và Murakami .
Đầu thế kỷ XX, dưới tác động của tốc độ phát triển kinh tế đến chóng mặt, bộ mặt thế giới thay đổi mạnh mẽ. Những cuộc cách mạng công nghiệp- khoa học công nghệ- thông tin… lần lượt nối tiếp nhau ra đời, tạo nên diện mạo mới của thế giới khiến con người không ngừng sửng sốt. Khoa học phát triển cũng đã kéo theo sự thay đổi trong đời sống tinh thần con người.
Thế kỷ XX cũng là thế kỷ của những sự kiện vĩ đại. Cùng với thuyết Tương đối và thuyết Big Bang, con người có tham vọng dõi mắt vào cõi cùng tận của thế giới. Nhưng rồi những năm cuối của thế kỷ, thực tiễn đã chứng tỏ những chủ thuyết lớn rồi cũng sẽ đổ vỡ; con người lại nhận ra cái giới hạn của nhận thức của mình. Sự đổ vỡ của những thể chế quan liêu giáo điều, sự nổi giận của thiên nhiên chống lại sự cải tạo của con người, chạy đua chiến tranh, phân biệt chủng tộc, mất bình đẳng giới, chênh lệch giàu nghèo…xô đẩy con người vào chỗ hoài nghi hiện thực, truyền thống, chẩn mực, lý tính.. và cả chính mình. Trong khi đó,bối cảnh đáng quan tâm của triết học phương Tây thế kỷ XX là sự ra đời của các trào lưu nghệ thuật phản ánh thực trạng xã hội khủng hoảng sau hai cuộc đại thế chiến tàn khốc. Một loạt chủ nghĩa xuất hiện, nhân danh tiến bộ, làm nên gương mặt vô cùng đa dạng của nghệ thuật hiện đại:.. trường phái ấn tượng, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa thực chứng... Tất cả chúng đã làm “nghiêng” góc nhìn về sự thật- chủ nghĩa hiện thực.Chúng phản ánh thân phận của con người tồn tại trong một thế giới "vô thường", "phi lí", thực chất là thế giới của xã hội tư bản chủ nghĩa. Bắt đầu hình thành một giai đoạn "nổi loạn" mới của nghệ thuật.
Và thế là chúng ta đang sống trong thời hậu hiện đại, thời mà tất cả những lý thuyết có từ thời Ánh sáng đều đã bị đổ vỡ-một tinh thần hậu hiện đại coi mọi sự thật vĩnh hằng sẽ biến mất, thay vào đó là những biểu hiện của những hiện tượng không bản chất và sự phá vỡ khuôn khổ. Tác phẩm hiện diện như là một tổng thể của sự rối loạn, phi trật tự và vô chính phủ. Edit Deak tuyên bố: “Nghệ thuật hậu hiện đại sản sinh ra những cú shock của nhận thức chứ không phải những cú shock của cái mới”. Một nền văn hóa đa nguyên sẽ xuất hiện?
Và chủ nghĩa huyền thoại ra đời trong bối cảnh đó cũng đã góp phần làm nên một cú sốc lớn đối với văn học truyền thống. Ở đó, mọi cái phi lý nhất, siêu thực nhất, tượng trưng nhất ..đều tồn tại, đặt mình ngang hàng với tất cả những cái bình thường khác. Những G. Marques, Kafka..của thế kỷ trước và Murakami của thế kỷ này đã khiến cho chủ nghĩa huyền thoại trong văn học chiếm một vị thế đáng nể trong thế giới hậu hiện đại.
Và Franz Kafka, người được coi như là đã đề xướng ra phương pháp huyền thoại, đã mở ra một chân trời nghệ thuật mới cho một thế hệ nghệ sỹ sau này, trong đó có Murakami, nhà văn được coi là người kế nhiệm, môn đồ xuất sắc của bậc thầy huyền thoại. Một trong những tác phẩm mang dấu ấn huyền thoại độc đáo nhất của nhà văn Nhật Bản này, không phải tình cờ, lại mang tên Kafka bên bờ biển- một cái nhan đề khiến ai ngưỡng mộ Franz Kafka cũng phải lưu tâm..và rồi bị cuốn hút vào cái thế giới không còn đường biên giữa ảo và thực ấy...

 Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto và hiện đang sống ở Boston, Mỹ, là một trong những tiểu thuyết gia Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Ông đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản và thế giới đương đại.
Năm 1989, ông tạo được tiếng vang mạnh mẽ với tác phẩm Rừng Na Uy, một câu chuyện viết về thời quá khứ của mất mát và ẩn ức tình dục.Sau đó là tác phẩm Biên niên ký chim vặn dây cót. Tiểu thuyết này hợp nhất khuynh hướng hiện thực và tưởng tượng, và chứa đựng cả yếu tố bạo lực. Vào năm 2006,ông trở thành người thứ sáu nhận Giải thưởng Franz Kafka của Cộng hóa Séc cho tác phẩm Kafka bên bờ biển. Murakami từng  nói “Những tác phẩm của Franz Kafka là một sự khởi đầu cho nghiệp văn của tôi".
Không phải ngẫu nhiên người viết đề cập đến cha đẻ chủ nghĩa huyền thoại khi bàn về một tác phẩm của Murakami, cũng không vì cái tên Kafka thường gợi nhắc cho ta nghĩ tới một linh hồn cô đơn, xa lạ lạc tới một bến bờ phi lý xuất hiện trong nhan đề tác phẩm khiến ta tưởng như nó là một ẩn dụ hướng về nhà văn người Séc. Sự trùng khớp này dường như là tín hiệu của cái ám ảnh siêu hình ở Murakami, cái đã từng ám ảnh Franz Kafka mấy mươi thập niên trước.Và hẳn như nếu Franz Kafka còn sống, ông có lẽ cũng thừa nhận  là người kế thừa xuất sắc tư tưởng của mình.
II. Huyền thoại Kafka bên bờ biển
Với hơn 8000 câu hỏi dồn dập gửi về Nhà xuất bản chỉ sau một thời gian ngắn tác phẩm có mặt trên thị trường, Kafka bên bờ biển đã chứng tỏ sức cuốn hút mạnh mẽ từ bí ẩn của những huyền thoại mà nó mang theo.
“Trí tưởng tượng mãnh liệt của tác giả cũng như xác tín về sức mạnh cổ xa của câu chuyện ông kẻ lớn lao đến nỗi đã biến cái mớ hỗn độn này thành chân thực”- Một độc giả phát biểu. Cái huyền thoại nó mang theo là gì mà khiến người ta phải đặt nhiều câu hỏi đến như vậy?
Câu chuyện được kể theo hai tuyến truyện song song: một bên là  cuộc phiêu lưu của cậu bé mười lăm tuổi Kafka Tamura, con trai nhà điêu khắc Koichi Tamura, bỏ nhà ở Tokyo để trốn chạy khỏi lời nguyền cay độc của người cha điên loạn- người nghệ sỹ tài năng đã bị nền công nghiệp hiện đại hủy hoại nặng nề về tinh thần và đạo đức, đã giáng xuống đầu mình: giết cha và loạn luân. Bên kia là những chương kể về cuộc đời của Nakata, một ông già lẩm cẩm đã mất khả năng biết đọc biết viết sau một tai nạn bí hiểm từ tuổi thơ, biết nói chuyện với mèo và sống bằng nghề tìm mèo lạc.
Trên hành trình dài, Kafka đã gặp Sakura, người cậu luôn băn khoăn liệu có phải là chị gái của mình. Kafka dừng chân ở Takamatsu, tìm đến một thư viện tư nhân của dòng họ Komura để đọc sách hàng ngày. Một ngày,cậu đột ngột ngất đi và khi tỉnh dậy ở một nơi xa lạ, thấy áo quần mình thấm đầy máu. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Oshima, người làm tại thư viện, cậu được nhận việc tại đây và hàng ngày gặp gỡ người phụ nữ năm mươi hai tuổi Miss Saeki. Một mặt, Kafka luôn trăn trở Miss Saeki có phải là mẹ mình, mặt khác cậu yêu say đắm  linh  hồn  mười lăm tuổi của Miss Saeki đêm đêm tìm về phòng của người tình cũ.Kafka nhận tin cha cậu đã bị giết chết vào đêm cậu ngất đi. Đó cũng là lúc câu hỏi đầy ám ảnh dấy lên trong lòng cậu: có phải lời nguyền đã ứng nghiệm?
Về Nakata, trong khi tìm mèo lạc, ông đã phải giết Johnnie Walker, kẻ giết mèo hàng loạt. Từ đó ông bắt đầu một cuộc phiêu lưu huyền bí với những sự kiện không có lời giải thích: trận mưa cá ngừ và mưa đỉa; cùng với chàng lái xe tải Hoshino đi tìm "phiến đá cửa vào"..
Cuộc hành trình của Kafka và Nakata giao nhau tại hòn đảo Takamatsu. Cuối cùng Nakata cũng chết sau khi hoàn thành sứ mạng tìm thấy phiến đá thần kỳ, Miss Seaki cũng ra đi đầy mãn nguyện sau khi gặp Kafka trong giấc mơ ở khu rừng "bên rìa thế giới", nơi trung gian giữa cuộc sống thực tại và thế giới bên kia. Kafka trở về từ hành trình tìm kiếmn cội nguồn và khám phá chính bản thân...
1.Một bi kịch hiện đại hơi hướng Sophoclos.
1.1 Sôphôclô và bi kịch Eudipe.
Eudipe, vốn là nguyên mẫu trong thần thoại Hy Lạp,được xây dựng trong bi kịch của Sophoclo là người anh hùng nhưng phải còng lưng gánh số mệnh thật bi đát:giết nhầm cha và lấy mẹ.Hành động kịch của vở bi kịch “Eudipe làm vua được triển khai xung quanh mối xung đột của con người với số mệnh. Suốt đời Eudipe đãchạy trốn nó,nhưng lại bị số mệnh chơi trò ú tim với ông cho đến khi nó phơi bày sự thật phũ phàng. Eudipe buộc phải đối đầu với nó, phản kháng với định mệnh bất công, và rồi kết tội thần thánh.
“Tại sao con người phải chịu bất hạnh đau khổ”? Đó phải chăng là sự phi lý của xã hội phân chia giai cấp, xã hội người bóc lột người với sự khởi đầu của chế độ chiếm hữu nô lệ. Số mệnh Eudipe là số mệnh chung của con người.
Môtip đã trở nên quen thuộc với chúng ta trong thần thoại và bi kịch Hy Lạp mà tiêu biểu là trong bi kịch của Sôphôclô. Tư tưởng và cách lý giải về định mệnh của Sôphôclô có căn nguyên sâu xa từ thần thoại cổ, từ cái nhìn cổ xưa về thế giới, thể hiện sự bất lực của con người cổ đại đối với vũ trụ kỳ vĩ vượt quá tầm nhận thức của họ. Và đối với con người hiện đại, cái định mệnh ấy trải qua triệu năm năm vẫn khôn nguôi ám ảnh.
1.2. Với cốt truyện của Murakami, người đọc nhận thấy câu chuyện mang dáng dấp của bi kịch Hi Lạp, một nỗi ám ảnh đã được nhiều nhà phân tâm học gọi ra là mặc cảm Eudipe. Kafka là cậu bé mới mười lăm tuổi nhưng dường như “đã sống muôn kiếp người đau khổ, mang trong mình nỗi đau của nhân loại”, luôn phải vật vã, vùng vẫy để chống lại lởi nguyền đầy thù hằn của người cha. Cậu bé Kafka lớn lên trong nỗi sợ hãi lời nguyền độc địa của ông bố và sự thương nhớ đối với người mẹ. Koichi Tamura, cha cậu quả thực là thiên tài, nhưng những phần đầu thừa đuôi thẹo của tinh hoa nghệ thuật của ông, ông đem rải khắp nhà như rải độc, và thực sự ông đã đầu độc cậu bé Kafka.Giữa họ chỉ có sự trùng hợp sinh học, ngoài ra là căm thù, ghê tởm, khiếp hãi . Phải chăng caí định mệnh như một nguồn sức mạnh vượt lên trên cả giới hạn của thiện và ác chiếm nửa phần gene mà Kafka có được từ người cha khắc nghiệt đã khiến cho người mẹ cao quý bỏ cậu lại với cái nguồn dễ sợ đã bị ô nhiễm ấy?
Lời nguyền giáng xuống đầu Kafka thực sự là  một bóng ma định mệnh không thể thoát khỏi, Kafka mang một nỗi sợ hãi khôn nguôi có tính nguyên thủy của loài người: giết cha và loạn luân. Một cốt truyện đầy hơi hướng bi kịch của Sôphoclô.
Vào ngày sinh nhật lần thứ 15 của mình, Kafka đã bỏ trốn khỏi ngôi nhà với người bố cay nghiệt để tìm đường giải thoát cho mình khỏi lời nguyền như số phận đã giáng xuống đầu cậu, đi tìm người mẹ mà cậu luôn nhớ thương.
 Nhưng có vẻ  như cậu bé đã không thể thoát khỏi lời nguyền
 Cha em bảo không cách chi em thoát được cái mệnh đó. Lời tiên đoán của cha em giống như một cơ chế  định giờ được gá trong gien của em và không cách gì có thể hóa giải được. Em sẽ phải giết cha và ngủ với cả mẹ lẫn chị em”.(tr.230)
Thực tế có thể nhận định Murakami chỉ đang nói về thuyết định mệnh bằng một ẩn dụ nghệ thuật, bằng một môtip cổ xưa.
 “Nghe này Kafka. Những gì em đang trải qua đều là motip của nhiều bi kịch Hy Lạp. Con người ta không chọn số phận, mà số phận chọn con người. Đó là thế giới quan cơ bản của kịch Hy Lạp…Oedipe ngập sâu trong bi kịch..Mình đang tự lặp lại, nhưng mọi thứ trên đời đều là ẩn dụ. Thực tế người ta không giết cha và ngủ với mẹ mình..”(tr.227)
Có thể tất cả chỉ là ẩn dụ của Murakami
Và như vậy, phải chăng có thể khẳng định:
Sự phản kháng của Kafka với cha mình đã được cổ điển hóa thông qua lời nguyền Eudipe: giết cha.
Sự thương nhớ người mẹ vô hình của chàng trai cô đơn 15 tuổi cũng được bi kịch cổ điển hóa thông qua phần còn lại của lời nguyền: ngủ với mẹ.
2.Thế giới của những khái niệm
Cái cơ chế gá sẵn trong gene của Kafka ấy thúc đẩy cậu dấn thân vào hành trình chạy trốn khỏi ngôi nhà đầy độc tố của người cha. Motip lời nguyền có nguồn gốc huyền thoại cổ ấy cũng dẫn người đọc đi một hành trình mịt mờ huyền thoại. Dựa trên cái khung là mặc cảm Eudipe, câu chuyện diễn biến với vô số tình tiết li kì, hấp dẫn,  đã đưa vào đây cả một kho kiến thức khổng lồ tầng tầng lớp lớp những siêu thực, hiện thực huyền ảo, văn học dân gian Nhật Bản, thần thoại Tây phương, triết học cổ điển Đức, âm nhạc cổ điển và hiện đại... Tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở hư cấu và tự do tưởng tượng, nói đúng hơn, cái lõi của tiểu thuyết là một chuỗi những giấc mơ, một chuỗi những sự kiện không có thực.Vì thế tác phẩm tàng chứa những ý nghĩa lớn lao, lý giải những vấn đề muôn thuở của loài người: sự vô lí trong tồn tại con người, giải mã những giấc mơ, thế giới vô thức... Cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc siêu thực, các nhân vật, tình tiết, sự kiện đều được đẩy lên đến mức trừu tượng gần như trở thành những ẩn dụ, thậm chí là khái niệm.
Thế giới của Kafka bên bờ biển là một thế giới nghiêng, thế giới của những ẩn dụ và bản thân nó cũng là một ẩn dụ. Tác phẩm tràn ngập những suy lý về bản chất thế giới và con người. Và nều thần thoại cổ giải thích thế giới bằng các biểu tượng là các vị thần thì Murakami, trong thế giới hư thực Kafka bên bờ biển, giải thích thế giới bằng những nhân- vật- khái –niệm.Các nhân vật của tác phẩm cũng hiện lên như là những khái niệm của thế giới, một cách đầy huyền thoại.
 Kafka là một khái niệm về ám ảnh cô đơn và nỗi sợ hãi tột cùng của nhân loại: không thể chiến thắng cái phần vô thức trong mình, do đó không thể chạy trốn định mệnh, không thể hóa giải những lời nguyền của số phận.
 Johnnie Walker là một nhân vật phản diện hay chính là khái niệm của cái ác, luôn làm theo nguyên tắc. Johnnie Walker và nhà điêu khắc nổi tiếng Koichi Tamura (cha của Kafka) có một mối liên hệ nào đó, có thể là một người, cũng có thể không phải. Cha của Kafka cả đời nguyên tắc đến nghiệt ngã, tài năng nhưng đầy thù hằn đã giáng lên đầu con trai lời nguyền độc địa. Koichi Tamura hoàn toàn là một con người thực,tài năng và điên loạn đã trở thành khái niệm về cái ác dưới dạng Johnnie Walker.
Miss Seaki là đại diện cho người phụ nữ Nhật Bản truyền thống, sang trọng và quyến rũ, nhưng đời sống tâm hồn phần nào bị ảnh hưởng bởi xã hội công nghiệp là biểu tượng cho vẻ đẹp của quá khứ và hoài niệm, bà sống ở hiện tại nhưng cuộc sống thực sự đã chấm dứt ở tuổi mười lăm. Bà “trông giống như một biểu tượng. Cho một thời kỳ nào đó. Cho một nơi chốn nào đó. Cho một tâm thái nào đó”, đó là nước Nhật nữ tính và cao quý cổ xưa.
Oshima cũng là một người dị thường, giới tính không rõ ràng, bị bệnh máu không đông nhưng đam mê tốc độ là biểu tượng của thế hệ thanh niên Nhật Bản trẻ trung, trong sáng đầy tri thức, căm ghét nhất là những người không biết tưởng tượng, cứng nhắc, giáo điều,đáng sợ và đáng khinh : "Bọn tâm hồn chật hẹp, ích kỷ, thiếu tưởng tượng ấy giống hệt loài ký sinh làm biến dạng cả chủ thể lẫn môi trường, và sinh sôi hàng loạt" (tr. 182).
Ông già Nakata không quá khứ, trỗng rỗng trong hiện tại và hướng về tương lai trong một nhận thức rất mơ hồ chỉ còn một nửa cái bóng…nửa còn lại đã để lại ở bên rìa thế giới. Ông già như là một khái niệm về thực tại, về một góc hay có thể là cả thế giới hiện tai. Nhật của hiện tại đã đánh mất quá khứ, tróng rỗng và hoàn toàn mất phương hướng trên con đường đi tới tương lai.
Và vì như thế, Kafka, Saeki trong Kafka bên bờ biển hay Naoko, Toru trong “Rừng Nauy”,…là những biểu bượng để Murakami giải thích về bản chất của thế giới con người: sự cô đơn, sợ hãi, tuyệt vọng, cả sự bất lực và cái ác.
3.Câu chuyện chàng Orpheus và cái ngoái nhìn định mệnh
“Khi viết cuốn sách này, một hình mẫu quan trọng của tôi là huyền thoại về Orpheus xuống địa phủ tìm người vợ yêu đã khuất. Xưa kia con người từng quan niệm dưới bề mặt này còn một thực tại khác nữa. Giờ đây tôi vẫn tin như vậy, dĩ nhiên là hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Có thể hình dung thế giới chúng ta đang sống là một ngôi nhà. Có tầng trệt, tầng lầu và tầng hầm. Tôi tin bên dưới tầng hầm vẫn còn tầng hầm nữa. Nếu thực sự muốn, chúng ta sẽ tìm được đường đi xuống. Cuốn tiểu thuyết này dẫn dụ ta theo hướng đó.”
Như vậy, Murakami xây dựng cái thế giới bên kia cửa vào là có lý do xuất phát từ niềm tin của ông về sự tồn tại của tầng hầm thế giới, nơi Orpheus vĩnh viễn mất đi người vợ yêu vì một lần ngoái lại nhìn nàng, và cũng là nơi Kafka bỏ lại sau lưng chốn ngưng đọng thời gian và lãng quên ký ức để cô đơn trở về thực tại- trên mặt đất.
Cái khoảnh khắc Kafka ngoái đầu lại nhìn một lần nữa cái thế giới ngưng đọng thời gian bên kia cửa vào, nơi Saeki tuổi mười lăm sống bình yên với ký ức bị lãng quên, cậu suýt nữa đã vĩnh viễn ở lại bên rìa thế giới, không thể trở về với thực tại. Cái ngoái đầu của Kafka Tamura lại níu giữ lại trong tâm tưởng cậu một thế giới mà cậu biết chắc cậu không có lần quay về tìm lại người mẹ tuổi mười lăm tự nguyện từ bỏ quá khứ đầy khổ đau.
4.Thế giới dị thường.
4.1.Thế giới con người cô đơn, dị thường với ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng, khái niệm.
Cô giáo Setsuko Okamochi, cô gái trong giấc mơ đã giải phóng những ẩn ức tính dục của mình một cách điên cuồng trong tác phẩm này từng thốt lên: “Mỗi chúng ta, với tư cách là một cá nhân, là cực kỳ đơn độc, đồng thời tất cả chúng ta lại được liên kết bởi một ký ức có tính chất nguyên mẫu”. Cô cũng như nhiều nhân vật khác không thể phủ nhận hay càng không thể trốn chạy cái kiếp người cô đơn lạc lõng trong thế giới chật chội đâu đâu cũng người này. Nhân vật khác của  Murakami từng thốt lên “sống một mình thật khó” và cậu bé Kafka tự thú “mình là người tù cô đơn nhất thế giới”.
Các nhân vật của Murakami bị giam trong  nỗi cơ đơn, quẩn quanh với nỗi cô đơn cùng cực, và nôĩ cô đơn bí ân cuả chàng trai trong bức tranh Kafka bên bờ biển có phần trùng lặp với hư cấu của Franz Kafka: một tâm hồn cô đơn lạc đến mọt bến bờ phi lý.
Nỗi cô đơn đẩy con người đến “một sự khủng hoảng bản sắc mang tính cổ điển”, không biết mình là cái gì. Họ bị phân mảnh: một con người thực trong thế giới duy lý và một con người trong vô thức không tự chủ được, kiểm soát được khiến cho Kafka nhiều lần nhắc lại một câu nói của Yeats : “Trách nhiệm đến từ trong mơ”. Cái mà ta gọi là thế giới siêu nhiên chỉ là vùng tối trong tâm trí chúng ta. Từ lâu trước khi Freud và Jung rọi luồng sáng vào sự vận hành của vô thức, con người, bằng bản năng, đã thấy một mối tương quan giữa vô thức và cái siêu nhiên, cả hai đều là vùng bóng tối, đó không phải là ẩn dụ, cũng không phải là huyền thoại về linh hồn sống như truyện Genji mô tả.Cái mà ta gọi là bản ngã hay ý thức là phần nổi trên mặt nước của tảng núi băng mà thôi. Phần còn lại hoàn toàn là bóng tối. Kafka và “cái thằng tên Quạ” là hai cái tôi của một con người: Kafka đã thoát khỏi cái vỏ bọc vật chất  của mình một cách tượng trưng. Ông già Nataka cũng có một cái bóng nhạt hơn người bình thường: ông đã bị tách một nửa cái bóng ở bên kia cửa vào, bên rìa thế giới, và ông chỉ còn là một nửa của chính mình, chính vì thế mà ông đầy mặc cảm, tự ti. “Mỗi chúng ta nếu là chính mình vừa là một bộ phận của người khác” chỉ tồn tại ở thế giới bên kia phiến đá cửa vào, hoàn toàn không tồn tại ở thế giới thực. Họ cô đơn từ lúc mới sinh ra.
Trước tiên là cậu bé Kafka, một trong những nhân vật chính, bỏ nhà ra đi vào sinh nhật lần thứ mười lăm của mình.Kafka hẳn là một cậu bé khác thường so với tuổi mười lăm, cậu như đã sống từ trước đó hàng mấy chục năm, chất chứa trong mình nỗi đau khổ kinh hoàng của nhân loại: luôn phải vùng vẫy để thoát khỏi lời nguyền cay độc. Kafka quá đau khổ và dị biệt so với lứa tuổi mười lăm. Lời nguyền là căn nguyên phát sinh ra cuộc dấn thân của cậu bé. Từ đó Kafka bị cuốn vào một chuỗi những sự kiện kì bí nhưng lại diễn ra một cách hiển nhiên không đừng được, "Em không định làm thế nhưng em không đừng được". Điều này được coi là mấu chốt của tác phẩm, các nhân vật như bị sai khiến bởi một thế lực siêu nhiên, đầy quyền năng, nhưng hiểu cặn kẽ thì đó chính là phần vô thức trong mỗi con người. Sau một giấc mơ (không biết là thực hay mơ), Kafka tỉnh dậy thấy áo đẫm máu như vừa giết người; ngủ với Sakura (người mà cậu luôn băn khoăn liệu có phải là chị gái mình) trong mơ; yêu say đắm linh hồn ở tuổi mười lăm của Miss Seaki hằng đêm tìm về phòng, làm tình với Miss Seaki ở tuổi ngoài năm mươi... Chính lời nguyền đã đẩy Kafka vào tất cả những sự kiện siêu thực đó.
Gắn liền với Kafka là "cái thằng tên Quạ", thực ra đây là bản thể, là cái tôi thứ hai của Kafka (Kafka cũng có nghĩa là con quạ) - có thể coi như phần lí trí của cậu bé, cuối cùng Quạ cũng dám đối đầu với phần hồn của người cha cay độc "thằng cu tên là Quạ ráo riết tấn công con mắt bên kia. Khi cả hai mắt chỉ còn là hai cái hốc trống không, nó chuyển sang mổ túi bụi vào mặt ông ta"(tr493). Tác giả sử dụng Quạ là một nhân vật để thực hiện những cuộc độc thoại nội tâm của Kafka. Khi Quạ nói, tức là phần ý thức của Kafka lên tiếng, hiển nhiên người đọc không thấy Quạ xuất hiện trong những lúc Kafka làm tình hay giết cha, bởi cậu bé chỉ có thể thực hiện những hành động đó qua con đường giấc mơ - phần vô thức.
Nakata là một nhân vật không khác gì các nhân vật xuất hiện trong các truyện cổ tích, truyện thần thoại. Sau tai nạn bí hiểm (đến cục tình báo Mỹ cũng không thể tìm ra nguyên nhân), cậu bé Nakata mất hết khả năng biết đọc, biết viết, trở nên thiểu năng nhưng có thể nói chuyện với mèo. Nakata sống bằng nghề tìm mèo lạc, rồi cũng bằng còn đường vô thức đã đâm chết Johnnie Walker (kẻ hủy diệt mèo hàng loạt). Ông tiên đoán được mưa cá, mưa đỉa, rồi trở thành người có sứ mệnh trong việc thực hiện lời nguyền của Kafka, hoàn toàn vô thức. Nakata như một khái niệm của hiện tại: bên trong ông là cái gì đó hoàn toàn trống rỗng, không quá khứ, không ý niệm về tương lai. Nakata chỉ biết đến hiện tại. Vì là sứ giả của hiện tại nên Nakata giữ một vai trò vô cùng quan trọng: mở và đóng phiến đá thần kì để mọi việc trở lại như nó vốn có.
Johnnie Walker là một nhân vật phản diện hay chính là khái niệm của cái ác, luôn làm theo nguyên tắc3. Một trong những ý nghĩa của tiểu thuyết là lý giải sự tồn vong của loài người, sự phi lí trong tồn tại của con người. Bằng vô thức, sau khi tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của người mẹ ở tuổi mười lăm (cũng là tình yêu chân chính của Kafka), Kafka đã đủ mạnh để trở lại cuộc sống bình thường. Vứt bỏ niềm đau khổ, hận thù và trách móc, Kafka tiếp tục ngắm bức tranh Kafka bên bờ biển và tưởng nhớ tới Miss Seaki - như một điều hiển nhiên của tồn tại.
4.2.Dấu ấn Kafka và chủ nghĩa phi lý: những yếu tố huyền thoại như là một tượng trưng về thế giới hậu hiện đại.
Thế giới huyền thoại trong Kafka bên bờ biển là một thế giới thực - ảo lẫn lộn –  biểu trưng cho một thế giới đầy “phi lí bi kịch” (phi lí trần trụi).
Một mặt, Murakami xây dựng hàng loạt các chi tiết, nhân vật với những yếu tố kỳ ảo, mặt khác lại không giải thích gì cho những hiện tượng đó. Cái kiểu bỏ lưng của ông không nhằn ý đồ “câu” trí tò mò của đọc giả mà dẫn người ta đến sự vô hướng trong việc cắt nghĩa về thế giới: bản chất thế giới tưởng như có thể giải thích đựơc, nhưng với con người hiện đại, nó là một ẩn dụ lớn nhất mà con người không thể đi vào sâu trong tận cùng của nó nếu không mở ra phiến đá cửa vào, đi qua bên rìa thế giới, đối mặt với nó, đặt cược sinh mệnh để một lần vượt qua nỗi sợ hãi truyền kiếp. Trong các tiểu thuyết này của Murakami, các nhân vật thậm chí bình thường nhất cũng luôn mang những nét riêng biệt, bất thường, dự báo những sự kiện bí hiểm như trong thần thoại. Một hệ thống những điều bí ẩn diễn ra (tai nạn của đoàn học sinh khi lên đồi hái nấm, mưa cá, mưa đỉa, sự kiện giấc mơ, phiến đá cửa vào....) không được giải thích và không thể giải thích. Hay nói đúng hơn, tác giả khoái trá với việc bỏ mặc cho độc giả điên đầu mù mịt với hàng trăm câu hỏi và miễn bình luận.
Khả giải nhưng bất khả tận giải, đó là sự kỳ vỹ đáng sợ của thế giới, của bóng tối và vô thức con người mà Murakami muốn nói tới.
Độc giả thực sự bị choáng ngợp với tác phẩm đậm màu sắc siêu thực này. Vô số sự kiện nửa thực nửa mơ tạo nên bức màn bí ẩn.Thế giới nhân vật dị thường cùng với chuỗi sự kiện được các nhân vật này thực hiện bằng con đường giấc mơ, con đường vô thức. Tác giả hẳn là am tường về phân tâm học - đây là mấu chốt của mô típ mặc cảm Eudipe (cái sườn của cốt truyện.)Những cách lý giải về hữu thức và vô thức, sự xuất hiện của người và ma, hai thế giới bên này và bên kia cưả vào, sự phận mảnh của con người với bi kịch chạy trốn định mệnh, người nói chuyện với các loại mèo, những cơn mưa cá, mưa đỉa..khiến cho tác phẩm được bao trùm bởi một không khí huyền thoại. Thế giới huyền thoại ấy tồn tại song song với thế giới thực của con người, đan xen , xâm nhập, không còn ranh giới…
“Thế giới là một ẩn dụ”, “tất cả đều là ẩn dụ”(tr.227)..những câu nói kiểu này cuả các nhân vật cứ lặp đi lặp lại, nhấn mạnh tính siêu thực, không thể lý giải của thế giới vốn dĩ rất hung bạo và khó hiểu của Kafka bên bờ biển,chẳng hạn như khu rừng của hai người lính gác.Đó cũng là thế giới mà con người “cùng một lúc có thể ở hai nơi” “ cũng có thể trở thành ma ngay khi đang còn sống”(tr.254) . cái không khí huyền thoại còn ám ảnh người đọc từ đầu chí cuối qua những mẩu đối thoại giữa Kafka và bản thể thứ hai của mình –cái thằng tên Quạ. Nhưng con quạ ấy lại không phải là một sinh thể linh hồn chỉ tồn tại trong ý thức mà thực sự đã hiện hữu ở thế giới bên kia cửa vào: nó mổ như điên vào mặt Johnie Walker, nó thực sự chiến đấu với cái ác trong sinh thể hiện hữu, có da có thịt.
Quá trình không  -thể- giải- thích- và- gọi-tên- là cái gì đã biến một cậu bé thông minh Nakata thành con người rỗng tuếch, đó là sự hôn mê tập thể của 16 đứa trẻ, khoảng trí nhớ thiếu hụt của chúng, khả năng nói chuyện với mèo, sự thôi thúc không lý giải được từ tiềm thức đưa Nakata vào hành trình và con đường tiệm cận với hành trình của Kafka Tamura, Miss Saeki và phiến đá cửa vào.. cũng góp phần tạo không khí hư ảo huyền hoặc của câu chuyện.
4.3Dấu ấn thần thoại Nhật Bản
Murakami chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây một cách mạnh mẽ. Do đó trong tác phẩm của tác gia gốc Nhật này, không dễ gì tìm thấy dấu ấn Nhật Bản, cho dù các nhân vật của ông mang tên của nền văn hóa đó.Cái sườn cốt lõi xuyên suốt tác phẩm cũng là một cái môtíp lấy từ bi kịch Hy Lạp. Dẫu vậy, không phải là không thể thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng nước Nhật qua những chi tiết mang hơi thở của Shinto Thần đạo hay tiểu thuyết Genji. “Trách nhiệm đến từ trong mơ” (Yeats),vì thế mà Kafka Tamura làm tình với Miss Saeki và cưỡng hiếp Sakura trong mộng mị. Với lý giải của Freud và Jung, đó chính là sức mạnh chi phối của tiềm thức. Nhưng với nước Nhật cổ xưa trong huyền thoại, trong tinh thần Shinto, đó lại là sự chi phối của quan niệm vạn vật có linh hồn. Chính cũng từ đó mà có niềm tin rằng con người có thể trở thành ma ngay từ lúc còn sống. Ta còn nhớ trong Truyện Genji, Công nương Rojuko vì ghen với công nương Aoi mà hàng đêm trong mơ biến thành ma ám hại nàng ,nhưng chính bản thân Rojuko cũng không biết điều ghê gớm mình làm. Huyền thoại cổ xưa của nước Nhật dường như cũng được tái hiện cái phần tinh túy của nó trong tác phẩm này của : miss Saeki trở lại với tuổi mười lăm đêm đêm trở về căn phòng cũ của ngừơi tình, Kafka Tamura cũng yêu say đắm và làm tình với con ma ấy.
Bên cạnh đó, thời gian cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên sắc màu huyền thoại cua Kafka bên bờ biển.Với cái thế giới kỳ bí mập mờ hư thực ấy, “thời gian không phải là một yếu tố quan trọng” và “ký ức cũng không phải là một yếu tố quan trọng”. Thời gian gần như ngưng đọng ở thế giới bên kia cửa vào. Ký ức cũng bị lãng quên, bị vứt bỏ. Nó cũng là hình ảnh về thế giới con người: nỗi sợ hãi và tuyệt vọng tột cùng  khiến con người trốn chạy nỗi đau, quá khứ, ký ức. Nhưng con người cũng bất lực với khả năng của mình và chỉ có thể đào xới đến tận cùng thế giới ý thức và trốn chạy cô đơn và tuyệt vọng trong thế giới ấy mà thôi.
Tính phi lý của thế giới ấy còn khiến cho nhân vật luôn hoang mang về tính chân thực của sự việc: “Cháu có cảm giác xung quanh đều trôi chảy triền miên như thể tất cả đều có hai nghĩa”. Chính lão già  đại tá Sanders ranh ma có vẻ am hiểu tường tận về bản chât thế giới cũng khẳng định “Thế giới luôn có một độ cong vênh” và từ những góc cong vênh, bóng tối và những thế lực huyền bi ùa ra đe dọa, bám lấy con người. Con người sống trong thế giới ấy như Kafka “cũng không dám chắc là nó thực” và chỉ khi cậu nói chuyện với Sakura cậu mới có được cảm giác được kết nối với thực tại.
Trên đây chúng tôi vừa trình bày một cách khái quát những chi tiết nghệ thuật, những khía cạnh, phương diện làm nên tính huyền thoại của tác phẩm Kafka bên bờ biển của tiẻu thuyết gia Murakami. Mong rằng những kiến giải của chúng tôi sẽ góp phần nhỏ vào việc tiếp cận tác phẩm của Murakami- một nhà văn có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn trong thời đại hiện nay.
Xin chân thành cảm ơn

2 nhận xét:

  1. Bạn nì Viết phê bình khỏe thiệt, dài nhằng nhằng. Tui chỉ quan tâm tới cái câu "trách nhiệm đến từ trong mơ" (in dreams begin responsibilities) ông W.B.Yeats đã khởi sự mà thấy bạn chỉ viết sơ qua. Uổng quá.

    Trả lờiXóa