Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

ANNA KARENINA- VẤN ĐỀ TIỂU THUYẾT VÀ PHI TIỂU THUYẾT - BIỆN CHỨNG TÂM HỒN-


Ngô thị Thu Thủy 

           
I. L.N Tolstoy - “con sư tử của đại ngàn văn học Nga” và tiểu thuyết Anna Karenina 
1. Tác giả:
Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy  (9/9/1828-20/11/1910) là tiểu thuyết gia người Nga, nhà triết học, người theo chủ nghĩa hòa bình, nhà cải cách giáo dục, nhà tư tởng, đạo đức, được yêu mến khắpa mọi nơi như là một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của mọi thời đại, đặc biệt nổi tiếng với kiệt tác Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenin, miêu tả sự phóng khoáng và hiện thực của cuộc sống Nga,có thể nói hai tác phẩm này là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực Nga và thế giới.
Các tác phẩm của ông, dùng vật liệu là các kinh nghiệm cá nhân, đã gây ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn chương của thế kỷ 20 và các lời giảng dạy của ông đã giúp công vào việc hình thành cách suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo tư tưởng và chính trị sau này, đặc biệt là Mahatma Gandhi. 
Có thể nói sự phát triển của Chủ nghĩa hiện thực Nga khởi đầu từ Pushkin đến thời kì của L.N Tolstoy đã đạt đến đỉnh cao nhất của nó. Bằng những bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh… L.N.Tolstoy đã vinh danh mình như là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất mọi thời đại Cùng với Dostoyevski, ông được đánh giá là một trong những đại biểu lớn nhất và xuất sắc nhất, là "tập đại thành"  của văn học hiện thực Nga và thế giới thế kỉ XIX.
2.Tác phẩm:
Nếu như Chiến tranh và hòa bình gây ấn tượng với người đọc bởi sự đồ sộ về cả đề tài, thời gian sự kiện, đến hệ thống nhân vật thì Anna Karenina lại thu hút người đọc bằng những sự am tường tinh tế, sâu sắc của nhà văn về các vấn đề của gia đình, xã hội cũng như sự nhạy cảm trong khả năng nắm bắt tâm hồn con người của nhà văn. Có cách nhìn nhận riêng về khả năng và giới hạn của thể loại, không đánh giá cuốn tiểu thuyết đồ sộ nhất của mình là Tiểu thuyết nhưng Tolstoy lại cho rằng Anna Karenina xứng đáng với tên gọi là một “tiểu thuyết” thực thụ và ông xúc động thổ lộ “ Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong đời tôi đã bám chặt lấy tâm hồn tôi và lôi cuốn toàn thân tôi” (Dẫn theo Nguyễn Hải Hà- Lich sử văn học Nga TK XIX,NXB ĐHQGHN).
                        Anna karenina là thành quả của hơn 4 năm sáng tác (từ năm 1873-1877). Tác phẩm được nhà văn manh nha ý tưởng từ năm 1870 với dự định ban đầu viết về một người đàn bà thượng lưu hư hỏng nhưng “đáng thương chứ không đáng tội”,sau 12 lần sửa đổi nội dung và đổi tên tác phẩm ( “Một bà trẻ trung”-> “Hai đám cưới”-> “Anna Karenina”), vượt khỏi dự định ban đầu về một cuốn tiểu thuyết gia đình nhỏ hẹp, Tolstoy đã sáng tạo nên cuốn tiểu thuyết tâm lí-xã hội rộng lớn, phản ánh cả buổi giao thời của nước Nga trong năm năm 70 qua đó đề ra biết bao vấn đề xã hội lớn lao và cấp bách.
Anna Karenina ra đời đã đánh dấu một mốc mới quan trọng trên con đường phát triển tư tưởng và nghệ thuật sáng tác của Tolstoy, đặc biệt trong nghệ thuật xây dựng kết cấu tiểu thuyết và xây dựng tâm lí nhân vật bằng “phép biện chứng tâm hồn”.Tác phẩm đã đưa chủ nghĩa hiện thực lên đến đỉnh cao ,từ hiện thực rộng lớn về lịch sử xã hội  đến hiện thực của “lịch sử tâm hồn con người”.
ÊAnna Karenina là đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết Tolstoy nói riêng và chủ nghĩa hiện thực Nga nói chung.
II. Vấn đề tiểu thuyết và phi tiểu thuyết.
        1.Anna Karenina, “cuốn tiểu thuyết đích thực” của Tolstoy
Chú trọng đến vấn đề cá nhân, đời thường (chủ đề gia đình, tình yêu, bệnh tật, cái chết)
Trong khi khẳng định rằng Chiến tranh và Hòa Bình là một tác phẩm “sử thi văn xuôi” và xem Anna Karenina là một tiểu thuyết, Tolstoy chắc chắn rằng đã đánh giá tác phẩm ở đề tài, diện phản ánh, quy mô số lượng nhân vật cũng như thời gian sự kiện của tác phẩm . .  So với Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina rõ ràng khiêm tốn hơn về quy mô. Chiến tranh Hòa Bình có tham vọng tái hiện lịch sử xã hội và con người nước Nga trong khoảng 20 năm đầu của thế kỉ với những sự kiện, biến động quan trọng về lịch sử trong đó có cuộc chiến tranh vệ quốc 1812 chống lại sự xâm lược của quân đội Napoleon  trong khi Anna Karenina chỉ gói gọn cuộc sống của đời sống xã hội Nga mà chủ yếu là tầng lớp thương lưu trong vòng 5 năm tương đối bình lặng của thập niên 70. Xét ở dung lượng và độ dài, về sự tập trung chủ đề chính, cũng như số lượng nhân vật thì tác phẩm này rõ ràng gần với “tiểu thuyết”- với ý nghĩa đúng như với tính chất của thể loại.  Nhưng điểm quan trọng nhất để xem Anna Karenina là “tiểu thuyết” chính là ở chỗ Tác phẩm thiên về cảm hứng đời tư, lịch sử cá nhân hơn là cảm hứng sử thi lịch sử xã hội rộng lớn. Nói như vậy không có nghĩa là Anna karenina không kém phần quan trọng, bởi mỗi tác phẩm thể hiện một quan điểm chủ đạo của nhà văn. “Với "Chiến tranh và hòa bình", điều nhà văn quan tâm hơn cả là số phận và hạnh phúc của dân tộc, còn với "Anna Karenina" là số phận và hạnh phúc của cá nhân” (…)."Anna Karenina" là một "tiểu thuyết lấy từ cuộc sống đương đại", trong đó "lịch sử tâm hồn con người" được mở ra thông qua tình yêu và hôn nhân..”( Trần thị Phương Phương-Chủ nghĩa hiện thực Nga TK XIX) Đối tượng chủ yếu của Anna Karenina không phải là số phận dân tôc, giai cấp mà là những vấn đề cá nhân, đời thường, những vấn đề rõ ràng nhỏ hẹp hơn nhiều (chủ đề gia đình, )tình yêu, bệnh tật, cái chết).Dù có những chủ đề phụ nhưng tác phẩm vẫn giải quyết tập trung và xuất sắc vấn đề mà nhà văn đặt ra từ đầu đó là viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài gia đình “ý tưởng gia đình”. Vấn đề mà nhà văn đặt ra một cách trực diện ở đây chính là quan niệm về hôn nhân, tình yêu- một trong những vấn đề mà Tolstoy rất quan tâm.Khái niệm tiểu thuyết ở đây cũng còn được hiểu là câu chuyện về tình yêu “ Từ tiểu thuyết trong tiếng Nga (roman) có nhiều nghĩa. Nó còn có thể chỉ chuyện tình yêu đôi lứa. Nhân vật Kitty trong tác phẩm đã dùng từ tiểu thuyết với nghĩa này”…( Trần thị Phương Phương-Chủ nghĩa hiện thực Nga TK XIX )Thông qua 2 mối quan hệ hôn nhân, tình yêu của Anna và Levin  nhà văn muốn bày tỏ quan niệm của mình về vai trò của gia đình, về sự  suy đồi của gia đình trong đời sống xã hội Nga lúc bấy giờ. Xây dựng hai câu chuyện tình Anna-Vrosky; Levin-Kitty và ba cuộc hôn nhân: Anna – Karenin; Stephan – Dolly; Levin-Kitty ,ý định của nhà văn ngay từ đầu đã khá rõ ràng. Nhà văn muốn đề cao gia đình, tình yêu qua mối tình của Levin-Kitty và phê phán mối tình của Anna nhưng thực tế cuộc sống đã buộc nhà văn phải thừa nhận những điều mâu thuẫn với quan điểm của mình: “ Nhà văn tin rằng "nòi giống loài người phát triển thông qua gia đình", song đồng thời cũng không thể không nhận thấy sự tan rã của gia đình khi mất đi sự an bình hòa hợp”.( Trần thị Phương Phương-Chủ nghĩa hiện thực Nga TK XIX).
   Rõ ràng trong mọi xã hội gia đình luôn luôn đóng vai trò nền tảng, bởi gia đình là tế bào của xã hội.Sự biến động trong đời sống đạo đức,nếp sống của gia đình phản ánh những biến động trong đời sống tinh thần của xã hội đó. Xã hội Nga được phản ánh trong tác phẩm là một xã hội đang biến chuyển dữ dội.Giai cấp quý tộc thượng lưu đang trên đà suy tàn, mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân ngày một sâu sắc, chủ nghĩa tư bản đang bắt đầu phát triển. Trong đời sống tinh thần những cái cũ đã bắt đầu tỏ ra lỗi thời,suy đồi và những mầm mống của cái mới, những mầm mống phản kháng đã bắt đầu nảy sinh. Tất cả những biến chuyển mạnh mẽ của xã hội đã dội vào tổ ấm của mỗi cá nhân trong cộng đồng.Điều đó thể hiện đầu tiên chính ở sự thay đổi quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong gia đình. “Trong quan niệm đạo đức của Tolstoy, vấn đề vai trò của người phụ nữ phải được giải quyết một cách đơn giản, theo những giáo huấn truyền thống: vị trí của người phụ nữ là trong gia đình để thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ”
(
Trần thị Phương Phương-Chủ nghĩa hiện thực Nga TK XIX).Người phụ nữ lí tưởng của xã hội đó và của Tostoy chính là những người phụ nữ  mà nhà văn từng nói đến qua nhân vật Natasha “ "một con mái khoẻ mạnh và mắn con"(..) không quan tâm đến vấn đề nữ quyền và tự đặt mình vào vị trí kẻ nô lệ của chồng con”.Người phụ nữ trong xã hội phải như thế còn là phụ nữ thượng lưu lại càng không nên nghĩ đến tình yêu, những mối quan hệ hôn nhân của họ dựa trên sự mối lái trên cơ sở “môn đăng hộ đối”.Anna, Dolly, Kitty và tất cả các phụ nữ khác… đều như vậy. Cuộc sống hôn nhân nhàm chán vắt kiệt sinh lực và tuổi thanh xuân của họ.Dolly là một ví dụ điển hình, mới hơn 20 tuổi nhưng tất bật với việc làm bà nội trợ, quản lí gia đình và nuôi dạy con cái đã làm cho nhan sắc nàng sớm phai tàn khiến cho ông chồng chán chường ngoại tình với cô gia sư, Anna trước khi đến Moskva phải sống bên người chồng khô khan,giả dối,hiếu danh và không biết yêu, mặc dù cuộc sống hôn nhân chưa kịp tàn phá vẻ đẹp của nàng nhưng đời sống tinh thần của nàng đã rất cằn cỗi, chỉ biết hướng nguồn yêu thương duy nhất vào đứa con trai. Xã hội thượng lưu giả dối bù đắp cho họ bằng những đêm vũ hội phông màn hào nhoáng phủ lên hợp pháp hóa che giấu cho việc ngoại tình … Ngược đời thay xã hội đó chấp nhận và dung túng, khuyến khích những cuộc ngoại tình lén lút bất chính nhưng lại căm ghét tình yêu và khao khát được yêu thật sự của người phụ nữ. Bi kịch của Anna chính là ở chỗ đó. Anna không phải là một người đàn bà lí tưởng, không phải là nhân vật tích cực của thời đại mình.Tất cả mọi mối quan tâm của nàng chỉ là  tình yêu.Nàng chỉ muốn được sống và được yêu nhưng nàng không phải là người đang bà trụy lạc. Người phụ nữ xinh đẹp, tinh tế, trung thực căm ghét giả dối như nàng không thể chấp nhận được thực tế và nàng đã phản kháng.Cuộc sống hôn nhân mà nàng thừa nhận là “một sai lầm ghê gớm đã bóp nghẹt cuộc sống của nàng”. Bởi vậy Anna luôn khao khát yêu đương, ước mong có một mối tình chân chính. Người phụ nữ khao khát tình yêu đó đã dám đón nhận tình yêu của Vronsky trước cái nhìn cay nghiệt của xã hội. “Câu chuyện Vronsky - Anna là cái mới mẻ chưa từng có trong các sáng tác trước của nhà văn. Anna và những khát vọng có tính nổi loạn mà nàng là hiện thân là một sự bùng nổ trong thế giới vốn bình lặng của Tolstoy. Chuyện tình Anna với Vronsky đi ngược lại quan niệm đạo đức của nhà văn, nhưng đồng thời lại là một sự thật mà ông không thể cưỡng lại được.” (Trần thị Phương Phương-Chủ nghĩa hiện thực Nga TK XIX)
 Số phận của Anna có thể đã khác nếu nàng cam tâm thuận theo lối sống giả dối đó của xã hội thượng lưu như chính lời khuyên của chồng nàng. Cái chính là phải giữ gìn vẻ bề ngoài, chỉ cần nàng biết dè dặt kín đáo, và biết cách làm cho cuộc tình ấy phù hợp với cung cách của giới thượng lưu. Nhưng Anna ,với bản tính và sức sống mãnh liệt của mình đã không thể làm theo sự giả dối ấy, nàng yêu và muốn sống chân thật, công khai với tình yêu của mình.Và Xã hội thượng lưu tất yếu không thể bao dung với đứa con nổi loạn . Chúng gạt nàng ra khỏi xã hội, cô lập mối tình của nàng, khinh khi nói xấu nàng và cắt đứt mối quan hệ của nàng với đứa con trai mà nàng yêu hơn bản thân,“xã hội thượng lưu đã nhằm đúng chỗ hiểm để giày vò nàng, làm cho tâm hồn nàng tan nát” gián tiếp đẩy Anna vào đường cùng. Chấp nhận rời bỏ chỗ đứng trong xã hội thượng lưu và cả đứa con trai mà nàng yêu quý vì tình yêu nhưng rồi cũng chính vì tình yêu mà nàng tìm đến với cái chết. Đoạn tuyệt tất cả, Anna chỉ còn biết bám vào hy vọng cuối cùng là Vronsky nhưng chàng lại không dứt bỏ được xã hội với những định kiến.Tình yêu của nàng dần trở thành vị kỉ “khi người đang yêu chỉ dồn mọi tâm lực trí lực vào bản thân mình, không còn thấy được gì khác to lớn hơn, đáng giá hơn ngoài tình yêu. Trong nỗi đau khổ ghen tuông vì Vronsky, Anna trở nên xa lạ với mọi sự sống xung quanh nàng”. Hoang mang, ghen tuông, đau khổ Anna chọn cho mình cái chết. Cái chết của nàng là bi kịch thương tâm, nhưng lối hành xử quyết liệt vì tình yêu mà đương đầu với xã hội của nàng là dũng cảm và không hẳn là sai trái.Nó là sự phản kháng đối với cuộc sống gia đình thượng lưu hào nhoáng, giả dối, đòi tình yêu hạnh phúc đích thực một cách chính đáng của người phụ nữ chính vì vậy mà mặc dù mục đích ban đầu của nhà văn là phê phán Anna, phê phán lối sống như nàng nhưng cuối cùng những trang viết của nhà văn lại tỏ lòng cảm thông với số phận và hành động của nàng. Anna là nạn nhân của chính lòng yêu sống của nàng nhưng còn là nạn nhân của thói đạo đức giả của xã hội . Nàng “đáng thương chứ không đáng tội”.Hình tượng Anna và tính cách nổi loạn của nàng là mới mẻ so đối với tiểu thuyết Nga nói chung và đối với Tolstoy nói riêng nhưng nàng vẫn là người phụ nữ rất Nga, là đứa con đẻ tất yếu của chính xã hội đó.
Là mô hình hoàn chỉnh về cuộc hôn nhân lí tưởng của Tolstoy.Chuyện tình Levin - Kitty chiếm phần lớn tiểu thuyết. Khác với Vronsky quan niệm hôn nhân một cách hời hợt, Karenin xem đó là một công việc thì trái lại Levin xem đó là công việc đại sự, nghiêm chỉnh.Chàng đã sống những phút sôi nổi với mối tình duy nhất của mình. Nhưng khác với Anna chàng không chỉ quan tâm đến hạnh phúc cá nhân mà còn suy nghĩ nhiều về xã hội và muốn cải thiện tình trạng xã hội..Chàng mong muốn mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, muốn sống một cuộc sống tích cực,có ý nghĩa.Tình yêu của chàng vì thế vượt ra ngoài sự vị kỷ và chàng đã có hạnh phúc. “ Anna và Levin đi trên hai con đường song hành, song dẫn đến hai kết cục khác nhau, đó cũng là hai sự kiện quan trọng và đầy tính biểu trưng: cái chết của Anna kết thúc cuộc đời bi kịch của nàng và sự ra đời của con trai Levin khởi đầu hạnh phúc của chàng. Cũng như Anna, Levin là người đi tìm hạnh phúc trong tình yêu, nhưng tình yêu của Anna hoàn toàn trần thế, còn Levin ngoài tình yêu trần thế còn khao khát tình yêu lớn hơn. Bởi vậy cái chết của Anna đã khép lại bi kịch của nàng, song Levin, dẫu đã có Kitty và con trai, thì vẫn mãi băn khoăn kiếm tìm giải pháp để làm cho cuộc sống của riêng mình và cuộc sống xã hội nói chung trở nên tốt đẹp hơn. (Trần thị Phương Phương-Chủ nghĩa hiện thực Nga TK XIX)
   Như vậy bằng những mô tả về các mối quan hệ cá nhân, những chuyên đời thường, Anna karenina đã dựng nên một bức tranh chân thực về đời sống gia đình, hôn nhân, tình yêu của xã hội Nga. Nó đã cho thấy một thời đại mà “Tất cả đã bị đảo lộn và chỉ mới đang được sắp xếp”,qua đó thể hiện tư tưởng của nhà văn và khái quát được bức tranh đời sống tinh thần của xã hội Nga những năm 70.
Ngoài chủ đề chính về hôn nhân, tình yêu trong tác phẩm này Tolstoy còn mở rộng vào những chủ đề phụ (bệnh tật, cái chết ..)Tuy là những chủ đề phụ nhưng nó không làm phân tán  mà trái lại còn góp phần thể hiện chủ đề chính.Chủ đề về cái chết vốn là một chủ đề thường gặp trong sáng tác của Tolstoy. “chỉ có hai chủ đề Tolstoy thực sự quan tâm và cho rằng đáng viết — đó là cuộc sống và cái chết …( Vladimir Nabokov,)  .Quan hệ giữa cuộc sống và cái chết đã được ông phân tích nhiều lần, lặp đi lặp lại, với sự phức tạp ngày càng tăng trong bản thảo cuối cùng của Kholstomer, trong Cái chết của Ivan Ilyich, trong Một người cần bao nhiêu ruộng đất? Tolstoy là nhà văn hay viết về cái chết. Ông không chỉ viết về nó từ con mắt của người còn sống, mà còn cả từ con mắt của người chết. Có thể nói không gì khó khăn và mạo hiểm hơn đối với nhà văn khi phải đặt mình vào vị trí của người đang sắp đi vào cõi chết và mô tả những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời người đó. Tolstoy đã làm điều đó trong "Chiến tranh và hòa bình", trong "Anna Karenina", trong "Cái chết của Ivan Ilich (. Trong Anna Karenina cái chết luôn có mặt, nó đe doạ, ám ảnh rồi kết liễu cuộc đời một số người..  Vronsky từng thấy hổ thẹn trước sự tha thứ của chồng Annavà tự sát hụt. Với nhân vật Levin, trước những bế tắc trong cuộc sống chàng đã từng có ý định tự sát và khi chứng kiến cái chết đang đến gần với người anh mình. Chàng đã suy nghi về sự sống, cái chết: “ Cái chết, sự kết liễu không tránh khỏi của mọi sinh vật, lần đầu tiên hiện ra trước mắt chàng với một sức mạnh không cưỡng nổi. Và cái chết đó ở kia, trong người ông anh thân yêu đang rên rỉ trong giấc ngủ và quen miệng kêu gọi lung tung, lúc kêu trời, lúc gọi ma, chàng thấy cái chết đó như gần hơn nhiều so với trước. Nó cũng ở ngay trong người chàng, chàng cảm thấy thế. Nếu không phải hôm nay thì ngày mai, nếu không phải ngày mai thì sẽ là ba mươi năm nữa; trước sau cũng thế thôi! Và cái chết tất yếu đó là thế nào, không những chàng không biết, không những chàng không bao giờ nghĩ tới, mà chàng không thể và không dám nghĩ tới."Mình làm việc, mình muốn làm cái gì đó và mình quên rằng tất cả đều kết thúc bằng cái chết.(..)Cái chết sẽ đến, mọi cái đều kết liễu, chẳng vạ chi mất công làm bất cứ việc gì và không ai thay đổi được gì hết. Thật khủng khiếp, nhưng đúng như vậy.  Ở đâu, chàng cũng chỉ nhìn thấy cái chết hoặc con đường dẫn tới cái chết. Vì thế chàng càng quan tâm đến sự nghiệp của mình hơn. Phải sống cho thật đầy đủ trước khi cái chết ập đến.”(Anna Karenina, NXB VH) Cái chết đầy bi kịch của Anna trên đường tàu gây nhiều ám ảnh với người đọc "nàng muốn đứng dậy và nhảy lùi về sau, nhưng một khối đồ sộ và rắn chắc đã đập vào đầu và xô nàng nằm ngửa ra".  Đối mặt với cái chết “Các nhân vật đều chống cự với cái chết, mệt mỏi, đau đớn, hay sợ hãi, song khi cái chết đã thực sự đến, thì dường như luôn là sự giải thoát, sự thức tỉnh - thức tỉnh ở một thế giới khác”. Cái chết của Anna chỉ là khoảnh khắc, nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, nàng cũng đã thấy "luồng ánh sáng đã soi cho nàng thấy rõ cuốn sách cuộc đời với bao nhiêu lo âu, phản phúc và đau khổ, lúc này càng bừng lên chói lọi hơn, rọi chiếu vào mọi vật bấy lâu nay vẫn chìm trong bóng tối...".Cái chết gợi lên sự u ám, bi quan, ám ảnh cho bầu không khí của tác phẩm nhưng cái chết cũng đồng thời là sự giải thoát, thức tỉnh .“Không một ai đang sống có thể kiểm chứng được những gì Tolstoy mô tả có đúng sự thực không, nhưng những trang viết về cái chết của Anna, cũng như về các nhân vật khác luôn hấp dẫn và gây xúc động, khiến người đọc cảm giác đó chính là sự thực. Và cái ánh sáng của sự giải thoát, sự thức tỉnh ở những giây phút cuối cùng làm người ta tin rằng chết chưa phải là hết.” (Trần thị Phương Phương-Chủ nghĩa hiện thực Nga TK XIX )
Xung đột kịch tính (những cốt truyện làm nổi bật những khủng hoảng trong đời sống, đặc biệt trong đời sống đạo đức của nhân vật)
Anna Karenina được Tolstoy xem là “tiểu thuyết” thực thụ đầu tiên  còn bởi đây là tác phẩm mà nhà văn rất chú trọng trong việc xây dựng kết cấu. Tác phẩm có cấu trúc phức tạp, thể hiện sự sắp xếp công phu của nhà văn . Khi vừa mới ra đời nhiều người  cho rằng cuốn tiểu thuyết này là sự kết hợp của hai tiểu thuyết: Tiểu thuyết về Anna và Tiểu thuyết về Levin được đặt bên nhau một cách khéo léo tài tình mà không có kết cấu chung. Còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng tiểu thuyết Anna Karenina không có kết cấu song song, mà tiểu thuyết này có kết cấu đan chéo, quyện chặt vào nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Ngược lại, Tolstoy khẳng định: "Tôi tự hào bởi kiến trúc của nó là những khung cửa tò vò được nối liền với nhau đến mức không thể nhận ra ổ khóa ở đâu". Và theo ông thì cấu trúc của tác phẩm được tạo nên không phải dựa vào cốt truyện và cũng không phải dựa vào mối quan hệ quen biết giữa các nhân vật mà dựa vào mối quan hệ bên trong.
Nhìn qua thì rõ ràng hai câu chuyện: về Anna một phụ nữ ngoại tình bị kẹt trong những quy định và những trò lừa dối của xã hội và Levin một điền chủ mê triết học , người làm việc cùng với những người nông dân trên cánh đồng và tìm cách cải thiện cuộc đời họ có vẻ không liên quan đến nhau, tưởng như có thể tách ra làm hai mà không mấy ảnh hưởng. Đây có thể là hệ quả của những lần phát triển biến đổi từ dự định ban đầu của nhà văn. Từ tuyến truyện của Anna nhà văn dần dần bổ sung thêm tuyến truyện của Levin, và sau đó là câu chuyên về gia đình Stephan-Dolly như một sự kết nối.Tuy nhiên nó không phải là một sự thêm bớt lắp ghép đơn giản, mang tính cơ học mà chất keo dính kết chúng lại chính là tư tưởng của nhà văn, chủ đề của tác phẩm: ý tưởng gia đình.Tất cả đã làm cho chúng khi được hoàn chỉnh trở thành một chỉnh thể gắn bó khăng khít.. Kết cấu tác phẩm được thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm. Ban đầu nhà văn đặt tên cho tác phẩm là "Hai đám cưới" (“Dva braka” – hay Hai cuộc hôn nhân”) đã gợi ra việc tác phẩm được xây dựng trên sự phát triển song song của hai tuyến quan hệ tình yêu và hôn nhân: một là “Levin – Kitty” và hai là “Vronsky – Karenin – Anna”. kết cấu này mang tính ẩn dụ một cách tự nhiên, thể hiện ở sự song hành nhưng đối lập của hai chuyện tình, một bất hạnh và một hạnh phúc.Ngày Anna đến giàn hòa cho gia đình anh chị là ngày nàng bước vào bi kịch của mình và cùng lúc ấy Levin đến cầu hôn ,đau khổ bị từ hôn nhưng để rồi kết thúc trong hạnh phúc.  Hai con đường của hai nhân vật đều vang tiếng gọi của tình yêu, nhưng một bên là tội lỗi và đau khổ, một bên là đạo đức và hạnh phúc. Nhưng sự đối lập này chỉ là trên bề mặt thực ra chúng vẫn gắn kết chặt chẽ trong việc hướng về việc thể hiện chủ đề."Tất cả cho bản thân mình" - bi kịch của Anna nằm ở đó, còn "tất cả cho mọi người" là nền tảng câu chuyện của Levin. Đối với Tolstoy, vấn đề "cho bản thân" và "cho mọi người" phải giải quyết đồng thời, hai vấn đề đó không những chỉ tồn tại song hành trong con người, mà còn luôn tác động qua lại, thâm nhập lẫn nhau. Bởi vậy, câu chuyện của Anna và câu chuyện của Levin, tuy phát triển độc lập, nhưng vẫn có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Và xét đến cùng thì cả Anna và Levin cũng còn giống nhau ở điểm họ cũng là những con người thẳng thắn, trung thực chống lại những quy định sinh hoạt giả dối của xã hội.Tolstoy rất tự hào về kết cấu tác phẩm, nơi sự kết nối được làm khéo đến độ không thể nhận ra. Mối quan hệ bên trong mà ông nói đến đó là "quy luật của cái thiện" và "sức mạnh của cái ác". “Những khái niệm trừu tượng đó được thể hiện trong vô số những tình cảnh, những trạng thái, những tính cách, tạo nên một sự thống nhất, hài hòa cho tiểu thuyết. Và mặc dù bi kịch của Anna là bi kịch khép kín, song cái kết của tiểu thuyết "Anna Karenina" vẫn là một cái kết mở: Anna chết đi, mối tình của nàng với Vronsky đã kết thúc, nhưng sự sống vẫn còn đó và tình yêu vẫn còn đó. Chương cuối của tiểu thuyết không phải là chương của Anna, mà là của Levin với cái kết đầy lạc quan:  Levin khám phá ra tình yêu của mình đối với đứa con trai nhỏ mới ra đời; tình yêu đó khiến chàng thức tỉnh, hiểu rằng cuộc sống của bản thân chàng và của tất cả xung quanh chàng vẫn sẽ tiếp diễn với mọi vui sướng, khổ đau như trước, nhưng nó đối với chàng "từ nay không còn trống rỗng, vô nghĩa nữa”, bởi vì chàng "đã thấy được một ý nghĩa hiển nhiên và có thể đưa vào làm cho cuộc sống trọn vẹn: ý nghĩa của điều thiện".( Trần thị Phương Phương, Chủ nghĩa hiện thưc Nga TKXIX)
Kết cấu độc đáo của tác phẩm đã góp phần tạo nên thành công trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm và nó cũng tạo nên cốt truyện với những xung đột kịch tính góp phần thể hiện những sự khủng hoảng trong đời sống đặc biệt là trong đời sống đạo đức, tinh thần của các nhân vật. Đó là xung đột được tạo nên bởi các mâu thuẫn trong tính cách, lối sống, quan điểm . Xung đột rõ rệt nhất là giữa tính cách trung thực ghét giả dối của Anna với lối sống đạo đức giả của xã hội thượng lưu mà mâu thuẫn đó được thể hiện chính ngay trong gia đình nàng.Nàng là người phụ nữ tinh tế nhạy cảm, khao khát yêu thương ghét giả dối nhưng lại phải sống cạnh người chồng khô khan, ưa sĩ diện, giả dối. Karenin sống bên cạnh vợ mà không bao giờ hiểu vợ, ông ta luôn nói đến từ yêu nhưng bản thân ông lại không hề biết yêu là gì. Ngay cả khi biết Anna ngoại tình, việc mà Karenin muốn làm chỉ là muốn vợ giữ cho kín đáo để khỏi ảnh hưởng đến danh tiếng của mình. Và không chỉ Karenin mà cả xã hội đó đều đồng lòng như thế. Xã hội đó có thể dung túng cho ngoại tình nhưng không dành chỗ cho sự trung thực, yêu đương chân chính và đáng sợ thay chân lý xét về bên ngoài lại thuộc vào những kẻ đạo đức giả này.  Những mệnh phụ phu nhân như Betxi, Lidia… có cả tá nhân tình nhưng vẫn có thể lên giọng đạo đức để lên án Anna, và nàng vẫn phải chịu sự khinh miệt của xã hội. Sự xung đột giữa mối tình của Anna với xã hội chính là xung đột giữa tình yêu chân chính với những tiêu chuẩn sinh hoạt đạo đức giả của xã hội..Mối tình của Anna với Vronsky dần đi vào bế tắc chính bởi xã hội đó không cho nó cơ hội nào để tồn tại. Xã hội thượng lưu đã khoét sâu hơn mối bất hòa giữa hai người và đẩy Anna vào tình trạng tuyệt vọng. Chúng hùa với nhau đẩy nàng vào chỗ chết, buộc người mẹ phải chọn giữa tình yêu và tình mẫu tử và chúng đã thắng bởi Anna không thể chọn lựa mà không bị đau đớn giày vò.
Xung đột thứ hai có thể kể đến chính là trong tư tưởng của Levin với thực tiễn hiện thực của xã hội Nga. Levin luôn suy nghĩ tìm đường giữa xã hội đang đầy rẫy mâu thuẫn, khủng hoảng trầm trọng, không ngừng tác động vào cuộc sống riêng tư. Là người thẳng thắn, rất nhạy cảm và phản ứng cũng rất nhanh với mọi thay đổi trong đời sống xung quanh, chàng luôn bất mãn với hiện thực, luôn lo lắng tìm hiểu chân lý và hạnh phúc ở đâu? Tất cả chặng đường phát triển về tinh thần của nhân vật là cuộc đấu tranh nội tâm gay go, phức tạp. Tâm tư chàng luôn bị giày vò, hết nghi ngờ, hoang mang rồi lại hối hận, tự trách mình. Chàng khao khát và cố gắng giành lấy cuộc sống sung sướng hơn, tốt đẹp hơn, bằng lao động và đấu tranh, bằng tình thương yêu và sự suy nghĩ. Chàng thực tâm muốn rời bỏ cuộc sống ích kỷ, tự tư tự lợi và tìm con đường đi vào gần gũi với nhân dân. .Đứng trước hiện thực của đất nước, chàng mong muốn cải tổ nó nhưng những chủ trương của chàng lại nửa vời.Một mặt chàng thấy được sự suy tàn, thối nát của giai cấp thống trị , thấy được sự tàn ác của chế độ nông nô, muốn đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân nhưng mặt khác chàng vẫn muốn bảo vệ quyền lợi của Địa chủ.Không muốn từ bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất nhưng lại muốn xóa bỏ bất công xã hội, Levin không thể thoát ra được khỏ sự mâu thuẫn đó, chàng bế tắc, bi quan thậm chí suýt tự tử. Xung đột trong tư tưởng của Levin cũng phán ánh xung đột trong tư tưởng của một bộ phận quý tộc, địa chủ tiến bộ ở nước Nga lúc bấy giờ
Những xung đột truyện này được cụ thể hóa bằng hành động của các nhân vật, có cái được giải quyết triệt để(mâu thuẫn của Anna), có cái vẫn tiếp tục (mâu thuẫn của Levin) dù nhà văn tìm cho nó một giải pháp bế tắc. Nhưng tất cả vẫn tạo nên sự vận động của truyện và góp phần bộc lộ những giằng xé trong nội tâm các nhân vật.
2.Anna Karenina và những yếu tố Phi tiểu thuyết:
Bên cạnh những đặc điểm trên, cũng như hầu hết các tác phẩm của Tolstoy, Anna Karenina còn mang nhiều yếu tố phi tiểu thuyết
Tính chất sử thi:
Mặc dù ngay từ  nhan đề ,chủ đề  tác phẩm đã hướng vào vấn đề của đời sống cá nhân, đời thường  nhưng với tư cách là một nhà tư tưởng, tác phẩm của Tolstol vẫn có một diện phản ánh rộng lớn vượt khỏi tầm của một tiểu thuyết gia đình để trở thành một tiểu thuyết tâm lí xã hội .Hầu hết những vấn đề quan trọng của nước Nga vẫn được nhà văn khéo léo thể hiện trong tác phẩm qua đó bộc lộ tư tưởng quan điểm của mình. Đây cũng là điều đễ hiểu bởi “số phận và hạnh phúc cá nhân không thể tách khỏi số phận và hạnh phúc của dân tộc, câu chuyện về gia đình còn là câu chuyện về các vấn đề xã hội..” Trung tâm của cuốn tiểu thuyết là hai vấn đề lớn của xã hội lúc bấy giờ: Vấn đề người phụ nữ, gia đình, tình yêu, hôn nhân và vấn đề mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân.Qua tác phẩm, nước Nga sau những năm cải cách hiện lên  với đầy đủ những quan hệ cơ bản và phức tạp của nó.Tồn tại trong đó đầy đủ những hạng người đại diện cho các lực lượng xã hội:Bọn quý tộc quan lại trong bộ máy chính quyền đang tư sản hóa; Bọn quý tôc thất thế ăn tiêu xa hoa, nợ như chúa chổm ,Bọn quý tộc tự do chủ nghĩa đang học mót tư sản Tây Âu, Bọn quý tộc bảo thủ nuối tiêc nước Nga trước cải cách, những người quý tộc tiến bộ biết suy nghĩ trước sự suy tàn của giai cấp và thế đang lên của tư sản cùng các vấn đề xã hội…Tolstoy đã lấy ngay rất nhiều chi tiết trong sinh hoạt hính trị, xã hội tôn giáo, khoa học nghệ thuật đương thời để dựng lại chân thật toàn bộ bầu không khí nước Nga những năm 70.Tất cả đã làm cho tiểu thuyết của Tolstoy vượt qua giới hạn của vấn đề cá nhân để hướng ra những vấn đề có tầm khái quát hơn của dân tộc, của xã hội, đó là số phận của Nước Nga sẽ ra sao? Và phải giải quyết những vấn đề đó như thế nào?Qua đó nhà văn muốn thử nêu lên cách giải quyết của mình
Tính chất tự thú:
Có thể hiểu tính chất tự thú ở đây như là việc nhà văn đã sử dụng khá nhiều yếu tố tự thuật của chính bản thân vào trong tác phẩm hư cấu.Điều này có thể thấy qua hầu hết các tác phẩm của Tolstoy. Ta thây hình ảnh của ông  qua nhân vật Pierre trong Chiến Tranh và Hòa bình hay Nekhlyudov trong Phục sinh và lần này là Levin.. “Tolstoy là một trong những nhà văn mà cuộc đời thực của chính ông và những người xung quanh ông được đưa vào nhiều nhất trong tác phẩm, trở thành nguyên mẫu cho nhiều nhân vật, nhiều tình tiết của các tác phẩm” và “Một trong những nguyên mẫu của Tolstoy là chính Tolstoy” (Trần thị Phương Phương-Chủ nghĩa hiện thực Nga TK XIX). Điều này cũng dễ lí giải với các nhà văn nhất là những nhà văn đồng thời là những nhà tư tưởng lớn tha thiết với cuộc sống như Tolstoy. Bóng dáng tự thuật của nhà văn có thể xuất hiện đây đó, chỗ này chỗ khác trong các nhân vật, các tác phẩm nó có thể trùng hợp nhiều điểm tuy nhiên không thể nào đồng nhất nhân vật với nhà văn.
Với Anna karenina, nhân vật Levin có thể xem là nhân vật tự thuật có nhiều điểm gần với nhà văn nhất từ tên gọi cho đến tính cách, lối sống, quan điểm, thậm chí cả những đề xuất và sự bế tăc trong việc đưa ra cách giải quyết những vấn đề xã hội. Tên goi Lev (viết tắt của tên Tolstoy) có thể là gợi ý cho Levin. Nhiều quan điểm triết lý của Tolstoy được thể hiện thông qua nhân vật Levin như những quan điểm về đạo đức về hôn nhân, về giáo dục, nhiều chi tiết trong tình yêu và cuộc hôn nhân của chính bản thân nhà văn với vợ- Sofya Behrs được đưa vào chuyện tình Levin - Kitty.  có thể thấy bản thân Tolstoy và cuộc sống của ông ở Yasnaya Polyana rất gần gũi với hình tượng Levin – Ông gắn bó với công việc điền trang và chăm lo đến việc cải thiện đời sống nông nô,sự căm ghét thói đạo đức giả của giới quý tộc thượng lưu và giới quan chức triều đình, tình yêu đối với cuộc sống của người lao động, niềm khát khao tìm ra chân lý, vươn tới cuộc sống tinh thần thánh thiện. Những phát biểu cải lương của Levin ta như thấy trong đó cả ước mơ, tin tưởng của Tolstoy : "Chỉ cần kiên trì theo đuổi mục đích và mình sẽ thắng, Levin nghĩ.ít nhất, mình cũng làm việc cho một cái gì. Đó không phải vì sự an lạc của riêng mình mà vì hạnh phúc chung. Tất cả nền nông nghiệp và nhất là hoàn cảnh sống của dân chúng phải được thay đổi về căn bản. Thay vào cảnh lầm than, khắp nơi sẽ giàu có và sung túc. Thay vào chống đối, là sự hòa hợp và thống nhất quyền lợi. Tóm lại, một cuộc cách mạng không đổ máu, nhưng là một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất, phát sinh từ cái xó bé nhỏ của quận ta để lan khắp tỉnh, khắp nước Nga, toàn thế giới. Bởi vì một tư tưởng đúng đắn không thể không đơm hoa kết quả”.Trong phần cuối của tác phẩm, Levin bày tỏ thái độ phê phán chính quyền Nga hoàng đã đẩy những người dân Nga vô tội vào cuộc chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ - đó cũng là quan điểm của chính Tolstoy về vấn đề này. Và đặc biệt là những bế tắc trong cách giải quyết những vấn đề xã hội của nhân vật Levin cũng chính là những khủng hoảng tinh thần của ông ở ngoài đời.Trong chính giai đoạn viết Anna karenina nhà văn đã phải tạm dừng vì thấy công việc viết văn chỉ là nhũng hư cấu tưởng tượng không thiết thực với hoàn cảnh xã hội.Levin chạy trốn sự bế tắc bằng cách vin vào tôn giáo, đạo đức thì Tolstoy cũng vậy.Những khủng hoảng bế tắc này còn mãi tiếp diễn đến những năm sau khi nhà văn viết Phục sinh và có lẽ nó cũng ảnh hưởng đến cả  cái chết cô độc của nhà văn trên hành trình rời bỏ trại ấp của mình lúc cuối đời.
      Qúa trình xây dựng nhân vật phân tích nhân vật cũng chính là quá trình nhà văn phân tích mổ xẻ con người mình, để trung thực với mình. Quá trình sáng tạo ra nhân vật có lẽ cũng là quá trình tự tìm hiểu của nhà văn. Đọc tiểu sử ông, ta tưởng như ông căn cứ vào cuộc đời mình để đẻ ra nhân vật, rồi sau đó lại dựa vào nhân vật mà suy nghĩ, sống và tiến lên. Những yếu tố tự thuật này là những đường link nhập nhằng giữa đời thực và hư cấu, giữa tiểu sử nhà văn và tác phẩm nghệ thuật, tuy không làm cho người đọc rơi vào mê trận đến mức đồng nhất nhà văn với nhân vật  nhưng nó cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm đồng thời giúp người đọc hiểu hơn về nhà văn. Nó phải chăng còn là những gợi ý cho những trò chơi kết cấu có sử dụng yếu tố tự thuật của các nhà văn hậu hiện đại sau này?
3.Tính chất triết luận, thuyết giáo:
Tính chất triết luận thuyết giáo có thể xem là hệ quả của tính sử thi và tự thuật ở trên. Tolstoy cũng như nhiều nhà văn đồng thời là nhà tư tưởng lớn khác thường đưa vào tác phẩm của mình những vấn đề triết luận, thuyết giáo.Đó vừa như là cách xây dựng nhân vật mở rộng biên độ tác phẩm vừa như là một sự phát ngôn không chính thức về tư tưởng, lập trường xã hội của mình. Trong Anna Karenina, những phát ngôn dạng này được thể hiện rải rác qua, suy nghĩ  của Levin và những đoạn đối thoại, tranh luận của chàng và các nhân vật khác. Nhất là  Ở đoạn cuối tác phẩm, sau khi lấy vợ, Chàng tưởng tìm thấy sự yên ổn và lòng yêu đời trong hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình. Nhưng cuộc đời chung quanh đang đầy rẫy mâu thuẫn tàn khốc và lương tâm chàng trở lại bị giày vò. Chàng tìm cách hướng về "tinh thần", chủ trương không đấu tranh, nhắm mắt làm ngơ trước thực tế xã hội tư bản và gắng tiếp tục truyền thống văn hóa cũ, lề lối sinh hoạt dân gian cũ. Chàng phản đối cách mạng, đi tới cùng đường bế tắc và chuyển những vấn đề xã hội sang vấn đề luân lý, đạo đức. Levin day dứt băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống. Chàng là ai? Vì sao chàng sống? Sống để làm gì và sẽ đi đến đâu? Những câu hỏi đó ngày đêm thúc giục buộc chàng trả lời. Nhiều định kiến cũ phá sản trước thực tế tàn nhẫn. Đâu là chân lý mới? Chàng phản đối các nhà duy vật để đi tìm lẽ phải ở các triết gia duy tâm khác như Platon, Xpinoza, Cant, Senlin, Hegel, Sôpenhaoơ, nhưng chỉ cần những lý thuyết đó chạm phải thực tế là lập tức đổ sụp. Chàng hoang mang, chán đời, thấy mình chỉ là cái bong bóng xà phòng trong không gian và thời gian vô tận..Và những người nông dân đã chỉ cho chàng thấy ý nghĩa sống ở chỗ sống còn vì mọi người, ý nghĩa cuộc sống không phải trong sự hưởng thụ của xã hội thượng lưu đầy tội ác, mà trong việc làm điều thiện của nhân dân.  Trong những giáo lý, đạo đức của nhà thờ Cơ đốc đã bị hủ hoá, đã trở thành vũ khí mê hoặc và áp bức nhân dân của giai cấp thống trị, chàng muốn rút ra cái phần nhân đạo, vị tha, bác ái, để đưa thành thứ tôn giáo mới. Từ đó Levin rút ra kết luận: để chống lại điều ác, chỉ cần làm điều thiện là đủ.  Con người phải tin ở Chúa Trời, tin ở điều thiện, không cần lý trí vì chàng hiểu biết được sự thật là nhờ tín ngưỡng, chứ không phải nhờ lý trí. “.. Và cũng như những kết luận của các nhà thiên văn học sẽ trở nên hão huyền và lung lay nếu không dựa trên sự quan sát một bầu trời có thể trông thấy được từ một kinh tuyến duy nhất và một đường chân trời duy nhất, những kết luận của ta cũng sẽ hão huyền và lung lay như vậy nếu không dựa trên nhận thức về điều thiện trước sau như một đối với mọi người, cái nhận thức do đạo Cơ đốc vạch ra cho ta mà bao giờ cũng có thể kiểm tra ở trong tâm hồn ta được. Còn vấn đề những tín ngưỡng khác và mối liên hệ của chúng với ý Chúa, ta không có quyền và không có khả năng giải quyếtNhưng bất luận mọi điều có thể xảy đến, đời mình, cả cuộc đời mình, từng giây, từng phút, từ nay không còn trống rỗng vô nghĩa nữa, mình đã thấy được một ý nghĩa hiển nhiên và có thể đưa vào làm cho cuộc sống trọn vẹn: ý nghĩa của điều thiện". (Anna Karenina, NXB Văn học). Và cũng trên hệ tư tưởng tiêu cực đó mà chàng đã có ý kiến chống lại cuộc chiến tranh Xerbi, không thừa nhận một dúm người dám tự xưng thay mặt cho tư tưởng, ý chí toàn dân tộc để đi trả thù và sát hại một dân tộc khác. Chọn cho nhân vật con đường như vậy cũng thể hiện sự bế tắc trong thế giới quan của nhà văn.Về cơ bản Tolstoy luôn là người theo chủ nghĩa duy lý. Nhưng ở thời điểm ông viết những kiệt tác của mình chủ nghĩa duy lý trong ông đã giảm sút.Tolxtoi được dạy dỗ về tôn giáo trong không khí nên thơ của những buổi lễ chầu từ hồi nhỏ.  Bởi vậy ông cho tôn giáo là nguồn gốc chính nâng cao tinh thần, hiểu đúng đắn thế nào là thiện, ác. Nhà văn hạ thấp vai trò của lý trí và hết sức đề cao chân lý vĩnh cửu của tôn giáo. Con mắt nhận xét hiện thực nghiêm ngặt đã làm ông xa lánh Giáo hội chính thống hợp pháp cùng bộ máy chính quyền và quân đội của nhà nước phong kiến Nga. Ông đi vào thực tiễn để tìm chân lý nhưng lại trở về với thứ chủ nghĩa nhân đạo chung chung, duy thiện, đầy thần bí. Nó phản ánh những hạn chế trong tư tưởng của nhà văn.
Những triết luận thuyết giáo này tuy không hệ thống và được phát biểu như là tư tưởng của nhân vật nhưng những trang viết này cũng góp phần cho ta hiểu thêm bộ mặt tư tưởng của nhà văn,một con người có trách nhiệm với xã hội với thời đại nhưng chưa vượt qua được những hạn chế tất yếu của nó.
III. BIỆN CHỨNG TÂM HỒN

1. Lý thuyết về “Biện chứng tâm hồn”
Anna Karenina là một cuốn tiểu thuyết tâm lý đặc sắc. Thành công nghệ thuật nổi bật của tác phẩm là nghệ thuật miêu tả tâm lý bậc thầy của L.Tolstoy.
Nguồn gốc xã hội và tâm lý xuyên suốt là cơ sở chủ yếu tạo nên tính cách nhân vật đầy phức tạp, mâu thuẫn và biến đổi không ngừng trong các tác phẩm của Tolstoy. Ông luôn nhấn mạnh rằng tính cách con người luôn luôn vận động, nghệ sỹ phải biết nắm bắt những khoảnh khắc điển hình cho dòng vận động tâm lý, tính cách nhân vật.
Trong nhật ký của mình, Tolstoy đã trình bày một quan điểm nổi tiếng đó là “tính động” trong tâm lý nhân vật.
Trong tác phẩm văn học, tính động đã được biểu hiện một cách rõ ràng và sáng sủa. Ông nói.“Hắn (tức nhân vật) mãi mãi là chính mình, song hắn cư xử như một tên vô lại hay như một thiên thần; hoặc như một người thông minh hoặc một kẻ ngốc nghếch; hoặc như một người có sức mạnh phi thường hoặc một kẻ vô tích sự. Sẽ tốt biết bao nếu một tác phẩm văn học được kể theo cách này”.
Trên những chặng dường quanh co, phức tạp, tính cách nhân vật biến đổi không ngừng, muôn hình ngàn vẻ như sự đổi hướng của những con đường.      
Xem “Những con người như những dòng sông”, Tolstoy quan tâm đến quá trình tâm lý , những hình thức, những quy luật của nó, quá trình biện chứng tâm hồn. Tính biện chứng của tâm hồn không chỉ họa lại những biến chuyển này nọ, nảy sinh từ trong quá trình tâm lý con người mà còn là sự hiểu biết cái thực chất chính xác trong tính cách con người qua sự nhận thức được những mâu thuẫn nằm trong tính cách đó.
Tính biện chứng tâm hồn là sự diễn đạt tư tưởng, tình cảm, lòng say mê của con người trong mối quan hệ khăng khít qua lại ảnh hưởng lẫn nhau và đối lập với nhau; tóm lại là trong toàn bộ tính phức tạp của nó, trong tính biến đổi muôn màu muôn vẻ của nó. Trong nhân vật, một tư tưởng tình cảm bất ngờ nảy ra từ ấn tượng hoặc sự việc cụ thể nào đó được nhà văn dẫn dắt, gắn liền với kỷ niệm, ý nghĩ khác. Sợi dây chuyền liên tưởng này xe kết với nhau, quyện lại và biến thành tư tưởng, tình cảm khác mới hơn, sâu hơn, rồi lại trở về với xúc động, tâm tư ban đầu ở mức độ cao hơn, mạnh mẽ hơn và cứ thế nó tiếp tục thay đổi, chuyển hoá, phát triển không ngừng, lẫn lộn hư với thực, cảm giác với suy tưởng, hiện thực với ước vọng, quá khứ, hiện tại với tương lai...
Phép biện chứng tâm hồn không chỉ bó hẹp ở chỗ nêu lên kết quả hợp lý của một chặng đường diễn biến tâm lý, mà chính ở ngay trong từng bước trên suốt dọc đường diễn biến đó, với những nét biểu hiện tinh vi, sâu sắc, có khi chỉ thoáng qua mơ hồ mà không ngừng vận động phức tạp đối lập nhau và thống nhất với nhau, theo một tốc độ rất nhanh dưới các hình thức muôn hình muôn vẻ, chằng chịt lẫn nhau.
Một trong những thủ pháp quan trọng để xây dựng tính cách nhân vật với Tolstoy đó là thủ pháp nhập thân vào nhân vật để hiểu thấu đáo những chuyển động sâu kín ẩn náu trong ngõ ngách tâm hồn họ mà về sau ông gọi là “sự chuyển lưu” của các tính cách con người. Ông cho rằng nhà văn cần có cặp mắt đại bàng để có thể thấy rõ “các hiện tượng, các quan hệ giằng xé, đan chéo lẫn nhau, là ánh sáng và bóng tối, là cái hài, cái bi, cái xáo động cái khủng khiếp”. “Muốn được sinh động mỗi nhân vật phải có một tâm trạng” và “các tính cách đều vận động bởi thời gian và mỗi một trong các tính cách đều có cơ sở của nó, có hạt nhân của nó và vẫn giữ mãi trong mọi biến dạng”. B.Burxop  đã khẳng định: “Sức mạnh nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa Tolstoy chính là sự thâm nhập của bản chất quá trình xã hội vào quá trình tâm lý.”

2. Biện chứng tâm hồn trong  Anna Karenina
Đối với Tolstoy, không thể hiểu được con người nếu như không hiểu được bản chất tinh thần và đạo đức của con người. Từ đó, việc thâm nhập vào đời sống tâm lý con người đã trở thành một yêu cầu nghệ thuật không thể thiếu.
Anna là nhân vật nữ có lẽ được đầu tư nhiều tâm huyết nhất của L. Tolstoy. Bi kịch trong tâm hồn nàng nói lên gần như trọn vẹn hơn hết thảy các nhân vật khác của L.Tolstoy về phép biện chứng tâm hồn trong nghệ thuật tiểu thuyết của ông.
Xinh đẹp, sang trọng với một tâm hồn cao quý bí ẩn, Anna không bằng lòng với cuộc sống tẻ nhạt giả dối bên người chồng khô khan giả dối gần mười năm chà đạp lên sức sống mãnh liệt ở nàng. Bởi vậy, gặp Vronsky, chàng trai trẻ trung thẳng thắn, tính cách nồng nhiệt, nàng lao vào yêu như thiêu thân lao vào ánh lửa, bất chấp sự ruồng rẫy của cái xã hội thương lưu đã sinh ra nàng.  Song Anna không điều hòa được tình yêu với con trai và người tình. Áp lực gia đình, xã hội.. đẩy nàng vào tình thế tuyệt vọng. Tâm hồn Anna dấy lên những cơn sóng dữ dội. Những dằn vặt, giằng xé trong tâm hồn nàng biểu hiện trọn vẹn không những tính cách, tâm hồn, tình yêu của nàng, mà còn là cuộc đấu tranh trong tuyệt vọng của tình yêu dũng cảm trước xã hội thượng lưu giả dối, nhẫn tâm.
Nhưng trước hết, ta thấy ở Anna một tâm hồn dịu dàng, cao quý. Nàng đến Matxcova là để hòa giải mối quan hệ giữa anh trai và chị dâu. Nhưng trái ngược với suy nghĩ của Doly, Anna khong hề an ủi chị - bản thân Doly đã chán nghe những lời an ủi vô ích đó rồi. Vẻ quan tâm và yêu thương hiện rõ trên gương mặt nàng khiến Doly phải mềm lòng.
Cảm nhận đầu tiên của Kitty về Anna đó là “giản dị và cởi mở nhưng vẫn mang trong mình một thế  giới khác, một thế giới cao quý thơ mộng và phức tạp mà cô không thể với tới”, “Kitty bỗng nhận thấy trong mắt nàng cái thế giới bí mật còn khép kín đối với cô”.
Lần đầu gặp Vronsky, lòng Anna đã dấy lên những cảm giác xao xuyến, yêu mến. Lần thứ hai gặp Vronsky tại nhà anh trai, “một cảm giác kỳ lạ, vui mừng pha lẫn sợ hãi, hốt nhiên nàng xao xuyến”, liền sau đó là nàng băn khoăn và phật ý khi chàng vô cớ cố tình ghé qua nhà anh nàng, vì mọi người cho rằng đó là vì Kitty. Đến vũ hội, nàng đã hờn giận chàng, đã đắc thắng khi khiến chàng phải chú ý tới mình. Sự ngưỡng mộ của Vronsky khiến Anna say sưa, sung sướng. Vronsky cũng không còn vẻ bình tĩnh, tự tin và vô tư, trong mắt chàng là cả sự phục tùng và sợ sệt, trước sự kiều diễm kỳ lạ và ma quái cuả Anna. Lúc trở về với gia đình, Anna nghĩ đến Vronsky mà hổ thẹn, tự coi thường mình. Thế mà khi Vronssky xuất hiện, nàng lại vui sướng tự hào. “Tại sao tôi tới Matxcơva? Bà cũng biết là để được có mặt ở chỗ nào có bà; tôi không thể làm khác được’’. Chàng đã nói đúng những lời tâm hồn nàng khao khát, nhưng lý trí lại e sợ. Nàng không đáp và chàng đọc được trên nét mặt nàng cả cuộc đấu tranh đang diễn ra trong nàng. Từ đó, tâm trạng căng thẳng dày vò nàng. Trạng thái thần kinh căng thẳng cùng những giấc mơ tràn ngập trí tưởng tượng đều không có gì khó chịu với nàng, trái lại chúng vừa vui vẻ, nồng cháy, lại vừa phấn chấn.
Chi tiết cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc của nhà văn đối với người phụ nữ tinh tế ấy là chi tiết miêu tả cái cảm giác sửng sốt, bất mãn với bản thân của nàng khi trông thấy chồng với đôi tai to, khuôn mặt lạnh lùng và nụ cười châm biếm của chồng. Dường như nàng mong được gặp ai khác kia. Cảm giác này tồn tại từ lâu trong mối quan hệ của nàng với chồng, song từ khi những cảm giác mới mẻ xuất hiện cùng Vronsky, nàng mới nhận ra chúng, và nàng tha thiết buồn. Trở về từ Matxcowva, nàng cũng không còn có thể chịu nổi nhóm bạn thượng lưu trước đây của nàng nữa. Tât cả đều gò bó và buồn chán, khó chịu đối với Anna.
Nàng năng lui tới các vũ hội để có thể gặpVronsky. Một mặt, nàng vừa cố gắng không tạo điều kiện cho chàng thổ lộ tình yêu, mặt khác lại vui sướng: tâm hồn nàng bừng cháy một cảm giác dạt dào. Hễ thoáng thấy chàng  là niềm vui bừng lên trong khóe mắt, buộc đôi môi nàng phải mỉm cười và nàng không thể giấu niềm vui đó được.
Tâm trạng trái ngược đó trong lòng người thiếu phụ lúc tình yêu chớm bắt đầu trong lòng quả thực phức tạp: chúng đối chiều nhau, mâu thuẫn mà lại cùng phát triển. Càng yêu, tâm hồn Anna càng bị dày vò. “trong khi nhớ chàng, nàng cảm thấy nỗi tủi nhục đang dày vò mình. “Thế là hết rồi. Em chỉ còn có mình anh. Anh hãy nhớ lấy”. Nàng cảm thấy lúc này không có lời nào tả xiết cái cảm giác  hổ thẹn, vui sướng và khiếp sợ tràn ngập tâm hồn nàng trươc khi bước vào cuộc đời mới…nàng không tìm ra những từ có thể giúp mình diễn tả hết cái phức tạp của tình cảm đó, mà thậm chí cũng không thể tìm lại được những ý nghĩ soi sáng cho bản thân mình hiểu thấu những điều đang diễn ra trong lòng mình nữa.
Và tình yêu cả họ lớn dần. Đó là cả một quá trình thay đổi mạnh mẽ trong tâm hồn Anna. Những chuyển biến nhỏ nhất trong tâm hồn nàng đều được nhà văn lọc kỹ, soi thấu bằng con mắt của đại bàng. Anna công khai thách thức chồng và cả xã hội thượng lưu: “Tôi hoảng hốt, nhưng tôi yêu chàng. Mình làm gì được tôi nào". Nàng ngẩng cao đầu kiêu hãnh nhưng đau khổ trước sự nhục mạ công khai của đám đàn bà thượng lưu từng ghen ghét với sự đoan chính trước đây của nàng. Tuy căm ghét nó, nhưng Anna không thể từ bỏ nó. Muốn ly dị chồng để đến vơi Vronsky, nhưng Anna không chấp nhận cái giá là phải xa con; bản tính thẳng thắn cũng không cho phép nàng sống giả dối, có nhân tình mà ra vẻ đức hạnh như những người đàn bà khác vẫn làm. Anna yêu con và người tình và không thể mất cả hai. Cả hai con người đó nàng đều yêu tha thiết và yêu hơn chính bản thân mình, Xerioja và Vronsky. Bi kịch của nàng là ở chỗ nàng không thể có cả hai và mất một trong hai.
Rời xa con để đến với người tình, Anna bị nỗi thương nhớ con giày vò. Nàng coi đó như cái giá phải trả quá đắt cho tình yêu của nàng. Và với nàng lúc ấy, Vronsky là tất cả: nàng đã đánh đổi tất cả để có chàng: gia đình, đứa con trai yêu, danh vọng, địa vị trong xã hội. Do đó, nàng cũng đòi hỏi ở chàng một sự đền bù xứng đáng với sự hi sinh đó: tất cả tình yêu trọn vẹn của chàng. Và vì vậy nàng chỉ còn chăm lo cho dung mạo đẹp đẽ để chiều chuộng, níu kéo chàng. Từ một người phụ nữ thông minh, lịch lãm, Anna rơi vào một tình yêu vị kỷ, tầm thường, đầy dằn vặt. Bi kịch là không thể tránh khỏi.
Độc thoại nội tâm là biện pháp chủ yếu và độc đáo nhất trong nghệ thuật tâm lý của nhà văn. Trên quá trình phát triển hành động của nhân vật, nhà văn thường dùng độc thoại để làm nổi bật tính cách. Độc thoại nội tâm góp phần làm nổi bật tính cách của Anna nhất là trong những phút giây căng thẳng gay gắt nhất lúc đứng trước quyết định tự vẫn: “Không, ta không cho phép người ta làm ta đau khổ như thế này đâu”. Lời đe dọa ấy không phải nói với nàng mà với người làm nàng đau khổ. “Lạy chúa, ta đi đâu bây giờ?...Ta sẽ trừng phạt anh ta và sẽ thoát khỏi mọi người, thoát khỏi bản thân ta…Ta ở đâu thế này? Ta làm gì thế này? Tại sao vậy?..Lạy chúa, hãy tha thứ tất cả cho con” .
Trước đoàn tàu đang rầm rập lao về phiá mình, cơn bão tố nổi lên trong lòng nàng: khát vọng tình yêu, nỗi tuỵêt vọng, ham muốn ích kỷ được trả thù tình yêu và người yêu…Tình yêu và nỗi đau, tính cách cao thượng và sự toan tính trong tuyệt vọng...quấn chặt lấy tâm hồn nàng…Không ở đâu, khi nào trong tâm hồn con người cuồn cuộn một dòng chảy mãnh liệt của những cung bậc cảm xúc tinh tế và phức tạp cho bằng bi kịch con người và nỗi tuyệt vọng khi đứng trước cái chết. Anna đã đối diện với mình, với tận cùng thẳm sâu tâm hồn mình ở cái phút giây cuối cùng ấy. Nàng đã chọn cái chết khi không thể chịu đựng nổi sự giằng xé đau đớn của tâm hồn mình. L.Tolstoy đã không trách cứ Anna. Bằng việc sọi rọi vào nỗi đau của nàng, nhà văn đã bày tỏ một sự thương cảm sâu sắc đối với người phụ nữ bất hạnh ấy.
Ngay cả một con người có vẻ đơn giản như Karenin cũng những dòng chảy tâm tư đầy xáo động. L.tolstoy không hề vì thương yêu Anna mà dành cho Karenin một tâm hồn cằn cỗi, nghèo nàn, đáng ghét.
Trung thành với tư tưởng tôn giáo, ông cho chúng ta thấy Karenin cũng có thể đổi mới tâm hồn, có thể làm những việc cao thượng. Đó là khi Karenin ở bên giường bệnh Anna, tha thứ cho vợ và dàn hòa với Vronxki. Karenin sung sướng vì đã tha thứ và yêu thương kẻ thù, đúng như lời Chúa từng răn dạy. Nguồn gốc mọi đau khổ trở thành nguồn gốc của vui vẻ thảnh thơi trong lòng. L.Tolstoy muốn chứng minh rằng Karenin hoàn toàn có thể thay đổi tinh thần: “Ông không hề nghĩ luật lệ đạo Giato mà suốt đời ông không muốn theo, đã ra lệnh cho ông phải tha thứ và yêu thương kẻ thù địch, nhưng một tình cảm yêu thương và khoan dung xán lạn tràn ngập tâm hồn ông”.
 “Tôi đã tha thứ cho nàng, và niềm hạnh phúc trong sự khoan dung vạch cho tôi thấy bổn phận mình. Tôi đã tha thứ cho nàng không chút dè dặt.Tôi muốn chìa má bên kia, cho nốt sơ mi khi người ta lấy mất của tôi cái áo choàng. Tôi chỉ cầu Chúa để người đừng tước đi của tôi cái hạnh phúc nằm trong sự khoan dung..Tôi sẽ không bỏ nàng và không trách ông lời nào”.
Nhưng, trên con đường đổi mới tinh thần của Karenin đã hiện ra một trở lực, đó là sức mạnh thô bạo của xã hội thượng lưu. Việc tha thứ cho vợ làm ông trở thành người khác thường, vượt lên trên xã hội; nhưng chung quanh, mọi người vẫn sống như cũ. Karenin trở thành lẻ loi, nhục nhã. Thế là ông giữ lại cái tư cách một người hèn hạ, độc ác như cũ, không thể tự mình đổi mới tinh thần.
Cái anh chàng Vronsky  trẻ trung, hãnh tiến “chỉ hiểu được những vấn đề thô tục và vật chất thôi”, chỉ ham mê gái gú, cờ bạc, danh vọng ấy cũng vì tình yêu với Anna mà thay đổi..chí ít ra cũng cao thượng hơn đám thanh niên cùng thời, biết tự ghê tởm mình “rất sạch, rất khỏe và hợm hĩnh, có thế thôi”.
Anh ta hoàn toàn không phải là một công tử quý tộc sa đọa, tâm hồn giản đơn. Vronsky từng tự tử hụt vì đau khổ và nhục nhã trước sự quay lưng của Anna và thấy mình hèn mọn trước sự cao thượng cảu Karenin. Sau cái chết của Anna, Vronsky trốn chạy, không phải là khỏi cái nơi ghi dấu kỉ niệm đau đớn của mình, mà chính là chạy trốn tâm hồn mình, vừa đau đớn xót thương, vừa ân hận, vừa nuối tiếc...
Cả Vronsky và Karenin đều không xứng đáng với Anna. Tuy vậy, họ không phải là những nhân vật giản đơn, một chiều. L.Tolstoy đã cho chúng ta thấy sự vận động đổi thay trong tâm hồn họ trước những biến cố của cuộc đời. Không chỉ vận động tiệm tiến, những nét tính cách trong các nhân vật còn vận động trái chiều, mâu thuẫn nhau, vượt lên nhau và chi phối các nét tính cách còn lại.
Ngoài Anna, Levin là một nhân vật thành công khác của Tolstoy trong tác phẩm, thậm chí nhâ vật này có phần vượt trội hơn cả Anna trên phương diện tinh thần. Levin là hiện thân của con người tư tưởng nhà văn, hình ảnh của nhà văn, là kẻ có lúc đã muốn tự tử khi bế tắc trong tư tưởng. Từ đầu đến cuối tác phẩm, nhân vật này không ngừng trăn trở. Tâm hồn anh ta xáo động không ngừng, tinh vi, được nhà văn soi rọi một cách tỉ mỉ, sâu sắc. Chính chàng là người duy nhất đã nhận ra vẻ đẹp sâu sắc trong tâm hồn bí ẩn của Anna và lo sợ rằng kẻ nông cạn, hời hợt như Vronsky không thể làm nàng hạnh phúc. Levin cũng là người đàn ông rất có trách nhiệm, trân trọng bổn phận với gia đình, coi chuyện hôn nhân là đại sự cực kỳ nghiêm túc. Chính  vì vậy mà chàng có lần thầm trách nhầm vợ là người nông cạn, hẹp hòi chỉ biết những chuyện tầm thường của đàn bà con gái mà không chú ý đến những việc làm lớn lao hơn.
Ngoài xã hội, Levin luôn suy nghĩ tìm đường đi đúng đắn giữa xã hội đang đầy rẫy mâu thuẫn, khủng hoảng trầm trọng, không ngừng tác động vào cuộc sống riêng tư. Levin ngày đêm canh cánh lo cho cuộc sống thay đổi. Chàng hoang mang, chán đời, thấy mình chỉ là cái bong bóng xà phòng trong không gian và thời gian vô tận. Điều đó xuất phát từ tâm hồn sâu sắc, trí tuệ mẫn tiệp, lịch lãm của chàng. Tâm tư chàng luôn bị giày vò, hết nghi ngờ, hoang mang rồi lại hối hận, tự trách mình. Chàng khao khát và cố gắng giành lấy cuộc sống sung sướng hơn, tốt đẹp hơn, bằng lao động và đấu tranh, bằng tình thương yêu và sự suy nghĩ.
Levin luôn day dứt băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống. Là người thẳng thắn, rất nhạy cảm và phản ứng cũng rất nhanh với mọi thay đổi trong đời sống xung quanh, chàng luôn bất mãn với hiện thực, luôn lo lắng tìm hiểu chân lý và hạnh phúc ở đâu? Chàng là ai? Vì sao chàng sống? Sống để làm gì và sẽ đi đến đâu? Đâu là chân lý ? Những câu hỏi đó ngày đêm thúc giục buộc chàng trả lời. Nhiều định kiến cũ phá sản trước thực tế tàn nhẫn. Chàng tưởng tìm thấy sự yên ổn và lòng yêu đời trong hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình. Nhưng cuộc đời chung quanh đang đầy rẫy mâu thuẫn tàn khốc và lương tâm chàng trở lại bị giày vò. Chàng luôn có cảm giác bế tắc như đứng trước những con đường cùng. Tất cả chặng đường phát triển về tinh thần của nhân vật là cuộc đấu tranh nội tâm gay go, phức tạp. Tâm lý nhân vật này được nhà văn diễn tả hết sức sâu sắc, tinh tế với những vận động mạnh mẽ và cũng nhiều lúc trái chiều, đầy đối lập.
Levin là con người của tư tưởng, không ngừng suy nghĩ, không ngừng bị dằn vặt bởi lương tâm, trách nhiệm. Khai thác tâm hồn nhân vật này một cách sâu sắc, L.Tolstoy đã khắc họa chân dung tư tưởng của chính mình, một tiểu thuyết gia có tư tưởng mang tầm vóc thời đại. Có thể nói, trong Anna Karenina, Levin là nhân vật nhiều trăn trở băn khoăn, dằn vặt nhất. Đó là con người không ngừng vận động tư tưởng, con người của tinh thần phong phú, tinh tế và sâu sắc.
Mục đích của nghệ thuật chính là biểu hiện, nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn mà không bao giờ có thể nói lên được bằng những lời giản đơn…nghệ thuật chính là chiếc kính hiển vi hướng nghệ sĩ soi rọi vào những bí ẩn của tâm hồn (L.Tônxtôi). Với tuyên ngôn nghệ thuật đó, Lev Tolstoy đã trở thành bậc thầy nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Cách phân tích tâm lý của ông đã khiến cho ông trở nên một nhà văn viết tiểu thuyết lớn lao bậc nhất. Theo Matthew Arnold, một tiểu thuyết của Lev Tolstoy không những là một tác phẩm mà còn là một "mảnh đời” và theo Isaak Babel, một tác giả người Nga thuộc thế kỷ 20, “ nếu thế gian tự nó có thể viết ra được, thì nó sẽ kể lại giống như Tolstoy đã làm”.
Câu nói cuối cùng của Lev Tolstoy trên cõi đời này, chính  là: "Sự Thật . . . tôi yêu lắm” . Với những gì ông đã làm được với tiểu thuyết, Leo Tolstoy được coi là hiện thân của lương tâm thế giới. Nhân loại sẽ không bao giờ quên đóng góp của ông đối với nền văn học thế giới, Chiến tranh và hòa bình Anna Karenina.          

IV. Kết Luận
Anna Karenina với những giá trị nội dung sâu sắc đã không chỉ giúp người đọc thông cảm  hơn cho số phận bi kịch của người phụ nữ và những trăn trở băn khoăn của trí thức trước thời đại đầy biến động mà còn cho thấy một bức tranh hiện thực sống động  về những vấn đề xã hội to lớn và cấp bách của  xã hội Nga những năm 70. Tác phẩm một lần nữa đã khẳng định tài năng tiểu thuyết bậc thầy của Tolstoy trong việc phản ánh  hiện thực đời sống xã hội Nga và nghệ thuật miêu tả “biện chứng tâm hồn” con người cũng như thể hiện một cách trọn vẹn đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực Nga trên giai đoạn  đỉnh cao.

Nghệ thuật thể hiện tư tưởng Lão Trang trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ngô thị Thu Thủy

Suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc ta đã tiếp thu những tác động không nhỏ từ nền văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là về mặt học thuật. Tuy nhiên, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, người Việt Nam vẫn luôn thể hiện bản lĩnh sáng tạo và bản sắc văn hoá của mình, chỉ giữ lại những gì đúng đắn, phù hợp và hữu ích.
Do những đặc điểm lịch sử và văn hoá quy định, trong lĩnh vực văn học, dân tộc ta đã tiếp thu với một thái độ tích cực đối với thi pháp - mỹ học cổ điển Trung Quốc. Nhà nho Việt Nam khi miêu tả hiện thực một triều đại phong kiến đã không tránh khỏi quan niệm về tính trau chuốt, trang trọng của lời văn câu thơ. Do vậy, những thi liệu cổ điển, ngôn từ bác học, những điển tích điển cố và những hình tượng nghệ thuật có tính chất ước lệ tượng trưng đều đã đi vào văn học trung đại Việt Nam một cách tự nhiên, uyển chuyển. Bên cạnh nguồn từ vựng Nôm bình dị, ngọt ngào, gần gũi tâm hồn người Việt thì ngôn ngữ, thi liệu văn học bác học, cổ điển từ văn học bác học, cổ điển từ văn học Hán có vai trò không nhỏ góp phần tạo nên hiệu quả, sức mạnh cho lời văn lời thơ và biểu đạt những tư tưởng có tầm vóc, chiều kích lớn lao.
Tác giả của "Bạch Vân quốc ngữ thi" được tôn vinh là danh nhân văn hoá, một phần vì ông đã tiếp nối truyền thống làm giàu kho tàng thơ ca dân tộc bằng chính tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc mình, truyền thống đã được ý thức từ "Hồng Đức quôc âm thi tập" và "Quốc âm thi tập". Nhưng nói như thế không có nghĩa là Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ nhận vai trò và tác dụng của chữ Hán. Ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" thể hiện rõ hơn cả qua một hệ thống ngôn ngữ, thi liệu, hình ảnh ít nhiều uyên bác tuy đã được chắt lọc, gạn bớt đi những thành phần huyền bí, cao siêu.
I. Ngôn ngữ thơ "Bạch Vân quốc ngữ thi" .
Dấu ấn Lão Trang để lại trong hệ thống ngôn ngữ biểu đạt của "Bạch Vân quốc ngữ thi" một cách sắc nét. Ở phương diện này, có thể nói Bạch Vân cư sĩ đã thực sự thành công trong việc lựa chọn ngôn ngữ biểu đạt tư tưởng. Nổi bật ở những bài thơ vịnh cảnh, ngôn chí, hệ thống ngữ liệu trong thơ Bạch Vân đều nhất quán hướng đến thể hiện một quan điểm, lẽ sống tích cực, đó là lánh xa danh lợi để ung dung tự tại sống tiêu dao, nhàn tản cùng cỏ cây, non nước. Với hệ thống từ ngữ này có thể tạm thời phân biệt: hệ thống từ ngữ được sử dụng theo hướng "Lão Trang hoá" và hệ thống từ ngữ miêu tả thiên nhiên.
1. Hệ thống từ ngữ được sử dụng theo hướng "Lão Trang hoá" .
Đối với các học thuyết, tư tưởng lớn khởi nguồn từ Trung Quốc, người Việt Nam thường ít có khuynh hướng nghiên cứu với tư cách là học giả uyên bác. Tiếp cận các thánh điển của nhiều trường phái triết học, tôn giáo khác nhau nhưng các nho sĩ Việt Nam không đem những thuật ngữ của kinh sách vào thơ văn của mình để biểu đạt tư tưởng. Trái lại, nhà nho Việt Nam luôn tìm cách diễn đạt uyển chuyển, mềm mại và gần gũi hơn với tâm hồn dân tộc. Đặc biệt với một trường phái triết học thâm viễn, huyền bí như Đạo gia, thi nhân xưa đã khéo léo lựa chọn ngôn ngữ biểu đạt gần gũi, cụ thể nhất. Trên tinh thần đó, tác giả của "Bạch Vân quốc ngữ thi" đã đưa vào thơ Nôm một hệ thống từ ngữ được "Lão Trang hoá", tức là hệ thống từ ngữ cùng liên kết nhằm hướng tới thể hiện tư tưởng Lão Trang trong thơ ông.
Khởi nguyên từ vũ trụ luận, những thuật ngữ của Đạo gia ít nhiều có tính huyền bí và tối nghĩa, đó là lý do tại sao có rất nhiều nguồn chú giải khác nhau về thánh điển của Lão Trang. Những thuật ngữ ấy không phải là không có phần nặng nề lý thuyết đối với người làm thơ đời sau. Nhưng trong "Bạch Vân quốc ngữ thi", tác giả hầu như không hhề nhắc đến một thuật ngữ nào của Đạo gia. Tư tưởng Lão Trang đi vào thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải dưới dạng những hình thức triết thuyết khô khan thuộc phạm trù triết học, chính trị, xã hội hay những phát ngôn khó hiểu mà thông qua những phương thức nghệ thuật, thẩm mỹ riêng không tách rời lý tưởng thẩm mỹ đặc trưng cho thi pháp văn học trung đại. Do vậy, biểu đạt một nhân sinh quan, một tinh thần sống đậm màu sắc Lão Trang mà không một lần nhắc đến"vô vi" "hằng thường", "vô danh", "vô kỷ"…. là cả một quá trình tiếp biến văn hoá tích cực của tâm thức dân tộc trong thẳm sâu tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm .
Tuy nhiên trong tập thơ lại xuất hiện một số từ ngữ được sử dụng theo xu hướng "Lão Trang hoá". Những từ ngữ ấy vốn không phải là những thuật ngữ riêng của Đạo gia. Chúng được Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng có hệ thống nhằm hướng đến thể hiện nhân cách sống, phong cách sống của Lão Trang. Tiêu biểu trong hệ thống từ ngữ này phải kể đến những từ : "tự tại", "nhàn", "tiêu sái", "vô sự", "ẩn dật", "tiên"… và một số từ có ý nghĩa đối lập : "công danh", "cửa mận", "phú quý"…
Những từ ngữ này xuất hiện với tần số cao, mật độ dày đặc trong "Bạch Vân quốc ngữ thi", rải khắp các bài thơ vịnh cảnh, ngôn chí của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có khi trong cùng một bài thơ, các từ này cùng xuất hiện, tạo thành một liên kết có tính hệ thống và nhất quán:
"Buồn làm biếng thấy cái đao binh
An phận thời lành ở một mình
Nghĩa cả luống quên tôi chưa cũ
Thề xưa nỡ phụ nước non xanh
Rồi nhàn thời nhẫn tiên vô sự
Ngâm ngợi cho nên cảnh hữu tình
Hai chữ mãn doanh này khá gẫm
Mấy người chọn được chữ thân danh"
(Bài 15)
Suốt cuộc đời hơn bốn mươi năm ẩn dật của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm có được hơn nghìn bài thơ, không bài nào không tỏ cái chí hiếu trung, ưu thời mẫn thế hoặc cái tâm hướng tới cuộc sống nhàn tản thanh bạch chốn quê. Ta không lấy làm lạ khi thấy trải khắp "Bạch Vân quốc ngữ thi", những từ ngữ "Lão Trang hoá" nói trên trở đi trở lại như một tín hiệu thẩm mỹ. Và ở mỗi bài thơ, những tín hiệu thẩm mỹ nói trên đều góp phần nói lên nhân cách sống cao đẹp của nhà thơ. Chúng chứng tỏ rằng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, tư tưởng phủ nhận danh lợi không phải là những suy nghĩ thỏang qua; phong cách sống ung dung tự tại gần gũi thiên nhiên không phải là lối sống nhất thời. Chúng là những quan điểm sống đã được quán triệt, có cơ sở nhân sinh bền chặt, có tính chất thường trực trong tâm thức Bạch Vân cư sĩ. Có thể khẳng định rằng, sự trở đi trở lại của lớp từ này tự chúng đã nói lên tính bền chặt, vĩnh viễn của quan điểm sống, phong cách sống Nguyễn Bỉnh Khiêm như là một phạm trù thẩm mỹ. Đó là cái đẹp cuả nhân cách sống trong thơ ông, là cái đẹp của đạo đức, là "phạm trù đạo đức được mỹ hoá"[8;317].
Qua từng bài thơ, có thể thấy, sự phối hợp, liên kết giữa các từ ngữ "Lão Trang hoá" này đã góp phần biểu hiện một khuynh hướng tư tưởng, một cốt cách cao quý của bậc ẩn sĩ Tuyết Giang phu tử:
"Già đã khỏi áng công danh
Tự tại nào âu luỵ đến mình
Nhàn được thú vui hay nấn ná
Nghĩ xem sự thế biếng đua tranh"
(Baì 17)
"Ngày ngày tiêu sái nhàn vô sự
Tuy chửa là tiên ấy ắt tiên"
(Bài 22)
Đặc biệt, lớp từ này xuất hiện trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" dưới hình thức các cặp phạm trù đối lập, càng làm nổi bật quan niệm sống tích cực của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là các cặp phạm trù : "Danh lợi - Thanh nhàn", "giàu - khó", "khôn ngoan- dại dột", "đua tranh- an phận", "áng công danh- nơi ẩn dật", "xuất- xử", "cửa mận- am hoa", "đường thông nhà trúc- cửa mận tường đào"….
- "Thuở áng công danh nhiều phải luỵ
Trong nơi ẩn dật mấy nên mầu"
(Bài 9)
"Để rẻ công danh đổi lấy nhàn"
(Bài 13)
"Cửa mận người yêu nhiều khách trọng
Am hoa ai ở đến ông nhàn"
(Bài 25)
"Nhà thông đường trúc lòng hằng mến
Cửa mận tường đào biếng ngại chen"
(Bài 51)
Tính đối lập giữa các cặp phạm trù này bản thân chúng đã tự nói lên một luận đề đạo đức trong thơ Bạch Vân: đó là sự đề cao lối sống thanh bần, trong sạch, phê phán tư tưởng chạy theo danh lợi phú quý giữa thời đại đầy rẫy sự đua tranh giành giật. Sự đối lập đó cũng thể hiện mối xung đột gay gắt giữa các luận đề đạo đức, giữa tư tưởng sống nhàn với thói đời nhiều tục luỵ. Phong cách sống Lão Trang đã trở thành một phạm trù đạo đức, một nét nhân cách đẹp của Bạch Vân cư sĩ.
Ngôn ngữ “Lão Trang hóa” như một biểu hiện nghệ thuật trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" đã góp phần phản ánh tư duy mỹ hoá các phạm trù đạo đức trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông quan niệm cách sống đẹp trong thời đại đảo điên ấy không gì khác chính là lối sống nhàn, vô sự, thái độ tự tại ung dung. Đó phải chăng là cách duy nhất khả dĩ vãn hồi được trật tự phong kiến chính thống đang dần đi vào mục ruỗng?
Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy không có những phát ngôn đầy tính lý thuyết cho tư tưởng Lão Trang nhưng thừa sắc sảo, sâu lắng để bày tỏ một tư tưởng triết học, một đạo lý sống cao quý ở đời. Vừa đủ rung cảm, tinh tế, lại rất uyển chuyển, gần gũi, ngôn từ trong thơ ông đã bày tỏ những tâm tư, ý chí của người ẩn sĩ biết rời xa vòng lợi danh để vui thú với cuộc sống an nhàn tự tại. Từ lớp ngôn từ "Lão Trang hoá" này đã góp phần tạo nên chủ đề, đề tài thơ xuất thế, thơ ẩn dật đạm vị đời, nhạt màu thế sự trong "Bạch Vân quốc ngữ thi". Có thể nói, màu sắc "ẩn dật"mà "Bạch Vân quốc ngữ thi" có được một phần rất lớn là nhờ hệ thống ngôn từ được sử dụng theo hướng "Lão Trang hoá" này.
2. Ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên.
Là một thi nhân, ẩn sĩ, Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thơ rất nhiều về thiên nhiên, qua đó bày tỏ một cuộc sống gần gũi, tôn trọng và hoà hợp với tự nhiên. Tình yêu đối với thiên nhiên đã giúp Bạch Vân vẽ nên những bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc: có phong cảnh tươi tắn sống động, có phong cảnh mỹ lệ, tao nhã vẻ Đường thi, lại có những bức tranh với những gam màu nhạt, đường nét thanh đạm và rất giản dị. Nhưng dẫu có những màu vẻ khác nhau, chúng đều tập trung thể hiện một mối tình giao hoà nồng thắm giữa thi nhân và tạo vật quanh mình.
Có thể dễ dàng nhận thấy trong "Bạch Vân quốc ngữ thi", bên cạnh một bộ phận thơ giáo lý có phần nặng nề khô khan, mảng thơ tươi tắn về thiên nhiên đã tạo ra một bầu không khí u nhã, một không gian thanh thoát, tĩnh lặng đến vô vi. Có được điều đó là nhờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng một cách linh hoạt tinh tế vốn ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên. Trong số vốn từ ấy có thể tạm thời phân loại: những thi liệu, hình ảnh thơ có tính chất ước lệ tượng trưng và ngôn ngữ miêu tả cảnh thôn quê mộc mạc giản dị.
2. 1. Những thi liệu, hình ảnh thơ cổ điển, ước lệ tượng trưng.
Là một nhà nho chính thống được đào tạo theo nền khoa cử Hán học, Nguyễn Bỉnh Khiêm không khỏi chịu ảnh hưởng của những quy ước văn học trung đại. Ông đã tiếp thu một cách tự nhiên những hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ và mẫu mực của thơ văn cổ điển. Những khuôn vàng thước ngọc của thi pháp, mỹ học cổ điển phương Đông đã đem lại cho thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều vẻ thiên nhiên trang nhã cổ kính :
 "Thu êm cửa trúc hồng vân phủ
Xuân tĩnh đường hoa tử cẩm phong"
(Bài 60)
 "Thu nguyệt sáng soi thông tư phủ
Xuân hoa đua nở lửa phong quang"
(Bài 97)
Những hình ảnh "trúc mai", "phong nguyệt", "yên hà", "hồng vân", "tử cẩm". . từng góp mặt trong Đường thi xưa nay lại xuất hiện trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm tạo nên sự tao nhã của thi liệu. "Phong, hoa, tuyết, nguyệt" trong thơ Bạch Vân do đó hiện lên cũng đầy vẻ trang nhã.
Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm có nét gần gũi thơ Nôm Nguyễn Trãi về mặt phong cách. Nhưng trong khi miêu tả thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không lựa chọn những hình thức biểu đạt kỳ vĩ để nói lên vẻ hùng tráng của thiên nhiên. Nguyễn Bỉnh Khiêm có xu hướng thiên về những hình ảnh gần gũi quen thuộc. Nhưng ngay trong cả vẻ thân thuộc của thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có thể phát hiện ra những nét đẹp riêng lộng lẫy, thanh nhã không kém gì thơ ca cổ điển:
-“Thi nên ngồi đòi vầng đan quế
Rượu chác hoa lầm ngõ hạnh hoa
Lục ỷ tiếng thanh đêm tựa ngọc
Lan châu chèo vỡ nước bằng
(Bài 129 )
-"Chim kêu hoa động ngày xuân muộn
Nguỵêt bạc đêm thanh hứng khách dài"
(Bài21 )
Góp phần tạo nên những vẻ gấm vóc ấy của bức tranh thiên nhiên, phải kể đến khả năng biểu đạt tinh tế của những hình ảnh, thi liệu cổ điển. Đi vào thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, những "vân, phong, hoa, nguyệt. . " đã bộc lộ tất cả vẻ hữu tình sống động của nó. Phảng phất trong tập thơ là những bức tranh thuỷ mặc đường nét thanh thoát, hài hoà mà tinh tế:
-"Phất phơ gió lay phiến trúc
Thánh thót mưa lọt cửa lan"
(Bài 50)
Ngôn ngữ thơ ở đây không những đượm vẻ cổ kính tao nhã của Đường thi mà còn góp phần thể hiện nhân cách thi nhân, biểu trưng cho phẩm chất nhà nho ẩn dật. Hình ảnh “trăng, mai, trúc”. . . xuất hiện và trở đi trở lại nhiều lần trong tập thơ như là biểu tượng cho phẩm chất cao thượng, khí tiết thanh quý của người quân tử, bậc cao nhân Tuyết Giang phu tử.
Sử dụng ngôn từ thi liệu bác học là một phương thức xây dựng hình tượng phổ biến trong thơ văn trung đại. Cái hay cái tài của Bạch Vân là ở chỗ đã lựa chọn sử dụng chúng ở mức độ vừa phải, chắt lọc để vừa bày tỏ mối giao hoà, tương hợp giữa tình người và thiên nhiên như là một lẽ sống cao đẹp, vừa tỏ được cái phẩm chất thanh cao, tịnh khiết của mình. Bởi trong một bầu không khí thiên nhiên tĩnh lặng, trong ngần đến vậy, chỉ có một nhân cách cao đẹp, đáng quý mới có thể thưởng ngoạn, tận hưởng được hết những lạc thú tinh thần mà thiên nhiên mang lại.
2. 2. Ngôn ngữ miêu tả cảnh trí thôn quê bình dị mộc mạc.
Trong "Đạo đức kinh", Lão Tử thường xưng tán những thứ đá quý không đục đẽo. Tư tưởng của ông là không nên tô điểm thiên nhiên bởi vì nghệ thuật hoàn mỹ nhất thì không để lộ một chút gắng sức nào của nghệ sĩ. Các nhà lý luận mỹ học cổ điển Trung Quốc cũng thường quan niệm nghệ thuật phải tự nhiên như nước chảy, mây trôi, không có vết đục đẽo. Sự dụng công đẽo gọt nhào nặn là can thiệp tự nhiên, phá hỏng sự hồn thuần của tạo vật. Có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm thấm nhuần lý thuyết về thuộc tính "phác" của Đạo do vậy mà phần nhiều thiên nhiên trong thơ ông nhẹ nhàng thanh đạm. Tác giả dường như không bao giờ có dụng ý trau chuốt ngôn từ để tô điểm thêm vẻ mỹ lệ cho thiên nhiên. Vì vậy ở mảng thơ này, ngôn ngữ miêu tả được Nguyễn Bỉnh Khiêm lựa chọn sử dụng đi vào thơ rất tự nhiên, mộc mạc và gần gũi.
Ta không lấy làm lạ khi bắt gặp vô vàn những hình ảnh thơ giản dị mộc mạc miêu tả cảnh trí thôn quê trong "Bạch Vân quốc ngữ thi". Gần trọn cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó với mảnh đất quê hương, tháng ngày tiêu dao cùng sông nước, tự tại chốn điền viên. Những cảnh vật của thôn quê đã ăn sâu vào tâm thức thi nhân và đi vào trong những bức tranh quê này, góp phần nói lên nét đẹp trong nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm : đã là quê hương thì cảnh trí nơi đâu chẳng đẹp, chẳng là "chốn xuân phong" :
"Song nhật hãy còn hai rặng quýt
Thất gia chẳng hết một căn lều
"Gió cuốn rèm thay chổi quét
Trăng kề cửa kẻo đèn treo"
(Bài 73 )
 "Vô tâm nướcgương soi bạc
Đắc thú kho đầy gió mái thanh"
(Bài 91)
Ngôn từ miêu tả được tác giả sử dụng rất mộc mạc, gần gũi, mang phong vị của đời sống hàng ngày. Vì lẽ đó mà cảnh trí thôn quê trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên rất tươi tắn, cụ thể. Ngay cả bóng trúc, ánh trăng xuất hiện trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng rất đỗi gần gũi, giản dị:
"Hoa nở luống hay tin gió
Đầm thanh còn thấy triều trăng"
(Bài 18)
"Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc
Bó củi cần câu chốn nước non"
(Bài 32)
Gắn bó cuộc đời mình nơi thôn dã, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã miêu tả cảnh sống thanh bần ở làng quê bằng những ngôn từ mang đậm phong vị của đời sống sinh hoạt:
-"Thèm nỡ phụ canh cua rốc
Lạnh đà quen nệm ổ rơm"
(Bài 34)
-"Cá tôm hôm chác bên kia bến
Củi đuốc ngày mua mé nọ đèo"
(Bài 38)
Nhìn chung, về phương diện ngôn ngữ thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những đóng góp đáng kể cho nguồn thi liệu thuần Việt. Việc đem vào thơ những "rèm, chổi, kho, canh cua, ổ rơm, tôm cá, củi đuốc. . " và bình dị hoá những hình ảnh thơ vốn biểu trưng cho tính trang nhã trong thơ cổ điển như "trăng, trúc" đã phá vỡ những quy phạm mẫu mực của văn học nghệ thuật phong kiến, tạo nên những môtíp nghệ thuật mới hoàn toàn thuần Việt, đậm đà tính dân tộc. Điều đó thể hiện nhu cầu được biểu hiện chân thực của hình tượng nghệ thuật và cái nhìn tự nhiên chân thực của thi nhân khi đứng trước thiên nhiên .
Có thể nói, cái đẹp giản dị trong ngôn ngữ thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một quan điểm nghệ thuật. Đó là tinh thần hướng tới cái đẹp tự nhiên, tôn trọng tính “phác” của sự vật, là lòng yêu mến đối với nghệ thuật không đục đẽo mà Lão Tử từng ca ngợi.
Thiên nhiên trong thơ "Bạch Vân quốc ngữ thi" dẫu cổ kính đường thi hay thanh đạm mộc mạc vẻ quê mùa, đều là chốn tĩnh lặng, thanh u, là nơi di dưỡng tinh thần của "ông nhàn". Vẻ thanh thoát u nhã ấy của thiên nhiên có được là nhờ Bạch Vân đã thổi vào hồn thiên nhiên ấy một ý vị đầy màu sắc"Đạo". "Đạo vị" ấy chính là suối nguồn thi ca của Bạch Vân thi sĩ giữa bối cảnh xã hội xô bồ bên ngoài làng Trung Am lúc bấy giờ.


II. Điển cố và các hình tượng nghệ thuật trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" .
Nguyễn Bỉnh Khiêm là người làm thơ Đường luật thành thạo, nhiều bài thơ của ông đã đạt đến độ tinh xảo, hoàn mỹ cả về mặt tư tưởng lẫn nghệ thuật. Ông tuân thủ khá chặt chẽ những quy ước nghệ thuật trung đại và cũng chịu ảnh hưởng của quan niệm về tính bác học của văn chương như là thước đo tài năng thơ ca vốn rất phổ biến thời kỳ phong kiến. Trong "Bạch Vân quốc ngữ thi", một mặt buông thả cho tứ thơ bay bổng tự nhiên, mặt khác Nguyễn Bỉnh Khiêm lại rất đề cao các nguyên tắc cơ bản của thơ cổ điển : ít lời nhiều ý, hàm súc cô đọng. Vì vậy, việc lựa chọn sử dụng điển cố và xây dựng hình tượng nghệ thuật rất được Nguyễn Bỉnh Khiêm chú trọng.
Những điển cố và hình tượng nghệ thuật là nơi gửi gắm, dồn nén những ý tưởng, tình cảm sâu sắc của nhà thơ. Trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" ta có thể nhận thấy một số lượng rất lớn những điển cố và hình tượng nghệ thuật được tác giả sử dụng như là những phương tiện để biểu đạt tư tưởng, phong cách sống Lão Trang .
1. Điển cố trong "Bạch Vân quốc ngữ thi".
Điển cố là một kho tàng quý báu của một nền văn hoá. Đó có thể là những hình ảnh sinh động của sự tích lịch sử, là kinh nghiệm quý báu được tích luỹ từ cuộc sống của cha ông hay có thể là phẩm chất, trí tuệ phong phú của người xưa. Điển cố chính là những chuyện xưa tích cũ được tác giả dùng làm phương tiện diễn đạt ý tưởng một cách ngắn gọn, hàm súc.
Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu đã định nghĩa điển cố:
"Điển cố (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hoặc một câu có ám chỉ đến một việc cũ, một tích xưa khiến cho người đọc sách phải nhớ đến việc ấy mới hiểu ý nghĩa và cái lý thú của câu văn"[4;68].
Vì lẽ đó, nhà nho xưa thường lấy tích cũ để diễn tả cái ý tình của mình như là một kỹ thuật hành văn, làm thơ. Đối với luật thi, trong khuôn khổ hạn hẹp của số câu số chữ, nhà thơ xưa đã tận dụng những tinh hoa kinh sử mẫu mực để dồn nén tư tưởng, ý tình. Bởi thế, điển cố trong văn học không đơn thuần là biện pháp tu từ mà còn là dạng thức độc đáo để xây dựng hình tượng trong thơ. Điển cố do đó không chỉ có giá trị nhận thức mà còn rất giàu biểu cảm. Với tính sinh động và đa nghĩa, điển cố có thể giúp người đọc nhận thức được vấn đề một cách sâu sắc hơn.
Mặt khác, thói quen tư duy tổng hợp và tâm lý sùng bái cổ xưa của người phương Đông đã dẫn tới nhu cầu mô phỏng những mẫu mực đã có, lấy cái cổ xưa làm chuẩn mực để so sánh.
Đối với một người làm thơ luật tài năng như Nguyễn Bỉnh Khiêm thì việc dùng điển cố đã trở thành thói quen, cộng với quan niệm trong sáng tác và cảm thụ văn học nói chung, việc vận dụng điển cố đã trở thành nguyên tắc làm thơ của ông.
Có thể thấy trong Bạch Vân quốc ngữ thi, số lượng điển tích điển cố trích rút từ thánh điển Đạo gia không nhiều nhưng có khả năng biểu thị chiều sâu tư tưởng trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm rất sâu sắc. Khi thi nhân buông một tiếng thở dài than thở thời gian trôi đi quá nhanh, ông đã sử dụng cách nói của Trang Tử với điển "Bạch câu quá khích":
"Tuổi đã ngoại tám mươi già
Thoắt thoắt xem bằng bóng ngựa qua"
(Bài 16)
Sử dụng điển cố trong "Nam Hoa kinh", Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn một cách nói ngắn gọn mà bóng bẩy về thời gian. Bóng ngựa lướt qua khe cửa là hình ảnh sinh động và giàu cảm xúc nhất mà thi nhân đã lựa chọn. Đó là sự lựa chọn trong tâm thế của một ông nhàn thảnh thơi chiêm nghiệm lại cuộc đời mình trong một ngày nhàn. Sở dĩ ông không chọn cách nói nào khác ngoài cách nói của Lão Trang là bởi vì trong ý thức về thời gian của một lão nhân ngoài tám mươi tuổi, cuộc đời trôi nhanh tựa mộng ảo; và vì thấm nhuần lẽ đạo "vô vi" mà lão nhân ấy có được cái nhìn bình thản như thế trước dòng chảy cuả thời gian.
Hay khi nhắc nhở con cháu về lẽ sống ở đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn lựa cách nói của Lão Tử, đó là điển “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” trong “Đạo đức kinh”:
“Đạo trời lồng lộng chẳng nào sai”
(Bài 27)
“Tội trời khôn thể trốn đâu nào”
(Bài 86)
Cái “Đạo trời” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nói tới ở đây chính là đại đạo tự nhiên bất di bất dịch, là tạo hóa bất khả xâm phạm, chỉ có thể tuân theo, không thể làm trái. Thuận theo quy luật tự nhiên ấy mà sống thì mọi việc sẽ thuận lợi; nhưng nếu can thiệp, xâm phạm cái lẽ đạo ấy thì khó tránh khỏi thất bại, bởi “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”.
Tư tưởng Lão Trang trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" bộc lộ một cách rõ nét ở một câu thơ có thể nói là đã tỏ rõ phẩm chất bậc quân tử ở Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
(Bài 79)
Danh lợi, phú quý nói riêng, cuộc đời nói chung đối với Đạo gia chỉ như mộng ảo, phù vân. Câu thơ này nhắc ta nhớ đến giấc hồ điệp của Trang sinh: một lần Trang nằm mơ thấy mình hóa bướm, tỉnh dậy mơ hồ tự hỏi mình không biết mình hóa bướm hay bướm đã hóa mình? Câu chuyện chỉ ngụ một ý: hư thực cuộc đời khó mà phân định; xét cho cùng người sống ở đời chỉ là một tồn tại tạm thời, phù du bởi cuộc đời chỉ là giấc mộng mà thôi. Đó là tinh thần tiêu dao, tự do tự tại của Lão Trang mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiếp nhận để sống ung dung, nhàn tản, không coi trọng lợi danh, phú quý ở đời.
Lịch sử Trung Quốc mấy nghìn năm phong kiến trải bao thăng rồi trầm khiến cho nhiều lúc Nho học mất địa vị độc tôn. Trong những giai đoạn suy thoái của các vương triều, nhiều nho sĩ không thực hiện được lý tưởng hành đạo của mình, đã quay lưng lại với con đường lập danh, bỏ chốn tường đào cửa mận để tìm đến Lão Trang như là một con đường giải thoát, cân bằng tâm thế. Vì lẽ đó, đã xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, lẫy lừng tên tuổi cả trong lịch sử lẫn văn học khi đi theo con đường mà Lão Đam, Trang Chu, Dương Chu đã chọn. Con đường xử thế, tàng thân của họ đã đi vào thơ ca và trở nên những tấm gương báu cho người đời sau học tập. Họ là những Tô Đông Pha, Khương Tử Nha, Nghiêm Quang, Lâm Bô, Đào Tiềm. . . gắn liền với những địa danh đã trở thành điển cố: Thạch Bàn, Ải Bắc, ngòi Đông, Phú Xuân, Đồng Giang. . .
Cũng giống như nhiều nhà thơ cổ điển khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường hướng về những tấm gương phẩm tiết của người xưa mà ngưỡng vọng, ngợi ca. Đưa những điển cố ấy vào thơ là một phương thức thi nhân bày tỏ sự sùng kính của mình đối với các nhân vật ấy. Quan trọng hơn, đó còn là cách để nhà thơ “tỏ chí”, muốn theo gương người đi trước.
Trong "Bạch Vân quốc ngữ thi", lớp điển cố này được sử dụng vô cùng phong phú, trước hết là với mục đích tổ chức ngôn từ theo nguyên tắc tiết kiệm lời và đảm bảo khuôn khổ câu cú, niêm luật. Trong tập thơ đã có những câu thơ chỉ nhắc đôi từ trong các điển xưa mà vẫn thể hiện một tư tưởng bay bổng, phóng khoáng và mạnh mẽ:
“Gẫm ấy ai phù vạc Hán
Đồng giang rủ một tơ câu”
(Bài 31)
“Tây Hồ thuyền nổi hoa mai bạc
Bắc ải cầm xoang vựng nguyệt thanh”
(Bài 17)
Năm Hồ có khách thênh thuyền mọn
Chờ nguyệt đêm thanh hé bóng mai”
(Bài 20)
Đối với nhà nho trung đại, làm thơ “ngôn chí” thì không thể không nhắc đến những nhân vật đã nêu gương phẩm tiết thưở xưa. Khi nhắc đến những nhân cách sáng ngời, những phẩm cách bậc trượng phu thưở trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm hẳn muốn lấy mẫu mực đạo đức người xưa để noi gương, bắt chước và tự chiêm nghiệm lại mình. Những nhân vật được ông nhắc đến nhiều nhất trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" là Khương Tử Nha với các điển “Ngòi Đông”, “Bàn Thạch”; là Nghiêm Tử Lăng với các điển “Đồng Giang”, “Phú Xuân”; là Hứa Do, Sào Phủ với điển “Bầu Cơ Sơn”; Lâm Bô, Đào Tiềm với điển “Tây Hồ, Ải Bắc”, Phạm Lãi với điển “Ngũ Hồ”. . Đây đều là những con người lừng lẫy, những địa danh tiếng tăm gắn với những câu chuyện bỏ triều quan đi ẩn dật, tỏ với đời phẩm chất cao khiết, khí tiết thanh cao, không màng thế tục của những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Hoa.
Họ đều là những danh nho tài đức vẹn toàn, song trước sau đều bỏ con đường lập thân giương danh để về vui thú cảnh lâm tuyền, điền viên. Trước thời cuộc xô bồ ngang trái họ đều quay lưng lại với vương triều phong kiến để tìm nhàn nơi thôn dã quạnh vắng, di dưỡng tinh thần. Những nhân vật này ít nhiều đều gặp niềm bi kịch “sinh bất phùng thời”, không có điều kiện thi thố tài năng, đành chọn con đường xử thế mà các danh gia của Lão Trang đã đề xướng làm lẽ sống. Hứa Do, Sào Phủ không tham thiên hạ, không nhận ngai vàng Nghiêu trao, lập chí, dưỡng tâm ở Ngọc Lĩnh. Lã Vọng căm ghét vua Trụ bạo ngược, không ra làm quan, thường ngày tiêu dao, buông cần bên bờ sông Vị. Lâm Bô tài đức song toàn mà bất hợp tác với triều Tống, ẩn dật bên Hồ Tây, vui thú cảnh nuôi hạc, trồng mai. Nghiêm Tử giúp Lưu Tú dựng lại cơ đồ nhà Hán rồi bỏ bạn mà về ẩn dật núi Phú Xuân. Đào Tiềm hơn mười năm làm quan mà “quá thẹn với chí bình sinh”, viết “Quy khứ lai từ”tỏ chí muốn về vui thú thanh nhà chốn nước non giữ tiết tháo trong sạch. . . Những gương đạo đức cao khiết ấy đã đi vào thơ ca đời sau như là những biểu tượng nhân cách, những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ.
Với Bạch Vân, những nhân vật kiệt xuất ấy là gương khí tiết. Ông bắt gặp ở họ sự đồng điệu về tâm hồn, nhân cách. Cũng là một danh sĩ chán nản với thời cuộc, bỏ vương triều về với thôn quê, Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm thấy ở Nghiêm Quang, Lã Vọng, Đào Uyên Minh. . . sự đồng cảm giữa những con người cùng cảnh ngộ. Những điển tích điển cố về họ do vậy đi vào thơ ông rất tự nhiên:
“Kìa kìa Lã Vọng câu Bàn Thạch
Nọ nọ Nghiêm Quang náu Phú Xuân
                                                                                        (Bài 142)
“Nọ khách ngòi Đông tay rủ câu”
                                                                                        (Bài 9)
Chịu ảnh hưởng của học thuyết Lão Trang, lại phải va chạm với hiện thực của chế độ phong kiến mục ruỗng, các danh sĩ tiết tháo thưở trước đã dựa vào Đạo gia để tỏ sự bất mãn của mình. Tuy nhiên đó không phải là thái độ phủ nhận đối với địa vị chính thống của Nho học mà chỉ là phương cách tạo thế quân bình giữa Nho và Đạo.Do vậy, ngợi ca những con người đã bỏ công danh để quay về sống thuận với tự nhiên, “vô vi” nhàn tản nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không quên thời đại mình đang sống. Bóng dáng những ẩn sĩ trong các điển cố xuất hiện trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" được Nguyễn Bỉnh Khiêm lưu giữ như một giấc mơ an lạc đang dần mất, như một phương thức cân bằng tâm thế của một ẩn nho chưa bao giờ nguôi nỗi đau thế sự. Bạch Vân tìm về những gương người xưa ấy như là một cách chiêm nghiệm, một niềm an ủi rằng quy ẩn là con đường duy nhất, sự lựa chọn đúng đắn nhất của ông để noi gương tiền nhân giữ trọn thân danh trong bối cảnh thời đại bấy giờ.
2. Những hình tượng nghệ thuật trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”.
Văn học là nghệ thuật xây dựng hình tượng. Hình tượng nghệ thuật là nơi đúc kết tư tưởng, gửi gắm triết lý nhân sinh và bày tỏ quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Tư tưởng nghệ thuật dù tầm vóc lớn đến đâu cũng đều được biểu hiện thông qua hình tượng, từ những chi tiết nghệ thuật nhỏ nhặt nhất.
Trong "Bạch Vân quốc ngữ thi", có những hình tượng nghệ thuật đã trở thành những điểm sáng thẩm mỹ góp phần thể hiện một tinh thần, một quan niệm sống đậm màu sắc Lão Trang. Đó có thể là những nguyên mẫu con người trong lịch sử hoặc những thành ngữ từng gặp rất nhiều trong thơ ca cổ điển chứ không phải là sáng tạo riêng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Do vậy, những hình tượng này tuy không sinh động mà có sức khái quát tư tưởng lớn lao.
Trong nhiều bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hai hình tượng Nghiêm Quang, Lã Vọng xuất hiện như là những tín hiệu thẩm mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà hai nhân vật này trở đi trở lại nhiều lần trong thơ Bạch Vân. Đó phải chăng là hai hình tượng nghệ thuật mà Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi gắm nhiều suy tư nhất:
“Nọ khách ngòi Đông tay rủ câu”
                                                                                        (Bài 9)
Đồng Giang rủ một tơ câu”
                                                                             (Bài 31)
“Kham hạ Nghiêm Quang từ tước Hán”
                                                                                        (Bài 125)
-“Kìa kìa Lã Vọng câu Bàn Thạch
Nọ nọ Nghiêm Quang náu Phú Xuân”
                                                                                        (Bài 142)
Non Phú Xuân cao, nước Vị thanh”
                                                                                        (Bài 149)
Từ xưa, Nghiêm Tử Lăng, Khương Tử Nha đã trở thành những cái tên cao quý biểu trưng cho phẩm tiết thanh cao của ẩn sĩ. Đi vào thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm qua những điển cố, hai nhân vật này đã trở thành những hình tượng nghệ thuật có sức mạnh khái quát tư tưởng: đó là hình tượng của những nhân cách cao khiết, những tấm gương đạo đức mà nho sĩ đời sau muốn noi gương. Khắc ghi hai hình tượng này một cách đậm nét trong thơ của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trực tiếp bày tỏ thái độ trân trọng ngợi ca đối với những ẩn giả danh tiếng đời xưa - những người đã lựa chọn con đường xử thế của Lão Trang khi không thể thực hiện lý tưởng “trí quân trạch dân” mà Khổng phu tử đề xướng.
Trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" cũng có những thành ngữ đã trở thành những hình tượng nghệ thuật giàu sức biểu cảm, mang đậm dấu ấn Lão Trang. Vốn dĩ không xuất phát từ thánh điển của Đạo gia, nhưng các thành ngữ này được sử dụng để biểu thị ý nghĩa phủ định danh lợi, ngợi ca cuộc sống ẩn dật, thanh nhàn. Tiêu biểu nhất phải kể đến các thành ngữ “Nhà thông đường trúc”, “cửa mận tường đào”, ”Ải Tần non Thục”, . . .
Cái ý phủ định danh lợi có hầu khắp các bài thơ trong "Bạch Vân quốc ngữ thi". Có khi Nguyễn Bỉnh Khiêm nói thẳng “đường danh lợi có chông gai”, nhưng có khi ông chọn cách nói hình tượng hơn:
Ải Tần non Thục đường nghèo hiểm”
                                                                                        (Bài 23 )
Ví con đường công danh như con đường vào đất Thục, qua ải Tần, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trực tiếp bày tỏ thái độ phủ nhận đối với danh lợi, coi danh lợi là hư ngụy, phiền toái như tội trời. Đây là điểm thừa kế tích cực của Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư tưởng Lão Trang.
Ngợi ca cảnh sống nhàn dật, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt nó trong thế đối lập với công danh. Biểu đạt ý tình này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn những hình tượng nghệ thuật giàu sức khái quát nghệ thuật :
Nhà thông đường trúc lòng hằng mến
Cửa mận tường đào bước ngại chen”
                                                                                        (Bài 44)
“Thông”, “trúc” vốn là những loài cây biểu trưng cho phẩm tiết thanh cao của người quân tử. Khi đi vào thơ Bạch Vân – người sống gần trọn đời trong cảnh ẩn dật, đã trở nên những loài cây ở chốn thanh tịnh - chốn ở của ẩn sĩ . “Nhà thông, đường trúc” trở thành biểu trưng nghệ thuật của không gian nhàn dật, tĩnh lặng của hàn nho, ẩn quân tử; giản dị đượm vẻ thanh bần mà trong sạch, cao quý.
Trái lại, “Cửa mận tường đào” lại là hình ảnh biểu trưng cho chốn quan trường, đua chen danh lợi. “Mận”, “đào” chỉ được trồng chốn công đường, cửa quan, biểu tượng của quyền lực, sự giàu sang, vinh quý từ xưa trong văn học. Trong "Bạch Vân quốc ngữ thi", hình tượng này trở đi trở lại nhiều lần trong thế đối lập với “am hoa”, “hiên trúc”. . . như là một thái độ phủ nhận triệt để của tác giả đối với danh lợi chốn quan trường, trái với thái độ ngợi ca trân trọng đối với cảnh sống thanh bần, trong sạch giữa không gian của “thông”, “trúc”.
Những hình tượng nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là kết quả tư duy nghệ thuật của riêng ông. Chúng vốn là mẫu mực trong văn học cổ điển, được ông vận dụng để biểu đạt ý tình riêng của mình. Dù vậy, sức khái quát nghệ thuật của những hình tượng này rất lớn, đặc biệt là với loại thơ ngôn chí vốn chỉ cần sức khái quát tư tưởng nhiều hơn là khả năng biểu cảm và tính sinh động.
Tư tưởng Lão Trang thể hiện trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" không phải bằng những phát ngôn thâm viễn của Lão Tử, Trang Tử hay những thuật ngữ của Đạo gia mà thông qua những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng của thi pháp- mỹ học trung đại. Ngôn từ, những điển cố và hình tượng nghệ thuật được sử dụng theo hướng “Lão Trang hóa” đã góp phần biểu đạt hình ảnh Bạch Vân cư sĩ - con người tư tưởng - nhà thơ trong tinh thần Lão Trang rất đậm nét. Được sử dụng một cách có hệ thống, những thủ pháp nghệ thuật này đã tạo nên những điểm sáng thẩm mỹ và tư tưởng cho tập thơ, đem đến cho "Bạch Vân quốc ngữ thi" ý vị “Đạo” sâu sắc. Có thể nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt đến trình độ bậc thầy trong việc làm thơ thất luật, đồng thời là học giả uyên bác đã tiếp thu một học thuyết, tư tưởng cao thâm của người xưa vào trong thơ mình một cách mềm mại, tinh tế.
t-siq �03 5 �� P� 96)
Nếu không có cái cốt cách ung dung tự tại của bậc cao sĩ biết quý trọng tự nhiên, cái tâm hòa đồng cùng vạn vật, thi nhân không thể cảm nhận, phát hiện được vẻ hữu tình của thiên nhiên ngay trong những điều giản dị của cuộc sống thường ngày.
Dẫu sử dụng bút pháp ước lệ, ngôn ngữ trang nhã để miêu tả thiên nhiên lộng lẫy gấm vóc hay thổi hồn sống động tự nhiên cho những cảnh vật thanh đạm nhẹ nhàng thì thiên nhiên trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" vẫn hiện lên rất tươi tắn, hữu tình bởi với thi nhân, đã là cảnh trí “nước non nhà” thì “chốn nào là chẳng chốn xuân phong”; tác giả có thể tìm thấy niềm hứng khởi thi ca ở bất cứ nơi đâu.
Đoạn tuyệt với thói ô trọc ở đời để trở về bến Trung Tân, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy ở thiên nhiên nguồn nuôi dưỡng tinh thần, nguồn suối di dưỡng cho tâm hồn thanh tịnh. Vẻ thuần phác của tự nhiên chính là gốc thanh khiết đưa con người trở về với trạng thái nguyên sơ, hồn nhiên của cảm xúc. Cái thuộc tính “phác” của tự nhiên mà Lão Tử thường đề cập đến chính là khả năng giúp con người tu tâm dưỡng tính để sống an lạc trong cảnh tự tại, tiêu dao:
  “Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình”
(Bài 91)
 “Cảnh cũ điền viên tìm tính cũ
    Khách nhàn sơn dã dưỡng thân nhàn”
(Bài 44)
          “Thanh nhàn dưỡng tính được tự nhiên”
(Bài 127)
Tìm về bến đỗ bình yên cho tâm hồn và thân xác sau mỗi lần trở về từ kinh kỳ bụi bặm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự được thiên nhiên tắm gội tinh thần. thi nhân nhờ đó mà trút sạch được gánh nặng lợi danh, gột rửa được nỗi ưu tư nhọc nhằn về thời thế. Thiên nhiên lại gieo vào lòng nhà thơ những nguồn hứng khởi mới về thi ca. Sống giữa mối giao cảm chan hòa ấy với thiên nhiên, Bạch Vân thi sĩ có được những khoảnh khắc vượt lên trên mọi giới hạn khách quan của cuộc đời đầy biến động để tự tại, thung dung hưởng “ thiên nhiên lộc” đến thỏa chí:
“Đủng đỉnh hôm mai chơi nước trí
Nghêu ngao ngày tháng dạo non nhân”
(Bài 142)
“Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích
Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao”
(Bài 89)
Với một nguồn cảm hứng dạt dào, Tuyết Giang phu tử đã trao cho thiên nhiên một vị trí đặc biêt trong thơ ông : là nguồn hứng khởi thi ca, là người bạn cố tri để gửi gắm tâm sự, nơi thanh tịnh để di dưỡng tinh thần. Tình yêu tha thiết và sự quý trọng ấy đối với thiên nhiên đã bộc lộ nét đẹp trong nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như trong tâm hồn bao đời người Việt: luôn biết đặt mình trong mối tương giao hòa hợp với tự nhiên để sống tốt đẹp hơn.
Phong cách sống thuận tự nhiên theo thuyết vô vi của Lão Trang đã đem đến cho thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm những tứ thơ đẹp lạ lùng về thiên nhiên va tâm hồn con người. Tinh túy của Đạo gia đã được ông chắt lọc, kế thừa để làm nên một "Bạch Vân quốc ngữ thi" ngập tràn cảm hứng tiêu dao với những mảng thiên nhiên thanh nhã, tươi tắn bên cạnh mảng thơ luân lý đậm màu sắc Khổng Mạnh. Có được điều đó là nhờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự thấu đạt cái “phi thường đạo”- cái Đạo bắt chước tự nhiên mà Lão Tử nói đến trong “Đạo đức kinh” để sống tương hợp thuận hòa với tạo vật.