Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

VÌ SAO PHẢI DẠY CÁI MƠI, HỌC CÁCH MỚI? TÔI ĐÃ TÌM THẤY ÁNH SÁNG CHO NỀN GIÁO DỤC! GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ BỘ SÁCH CỦA NHÓM CÁNH BUỒM


Ai quan tâm tới nền giáo dục của chúng ta hiện nay cũng phải than phiền vì sản phẩm giáo dục của chúng ta khiếm khuyết nhiều quá. Tinh hoa cũng có, nhưng hiếm hoi đến đau lòng. Phần đông học sinh của chúng ta trưởng thành trong môi trường giáo dục đang khủng hoảng ngày càng trầm trọng, rồi ra đời ngơ ngáo vì thiếu kĩ năng, bị kiềm tỏa trí lực và tệ nhất là xơ cứng cảm xúc. Nhưng vì thiếu hiểu biết nên nhiều người trưởng thành không nhận ra, và có nhận ra thì cũng không chịu thừa nhận rằng mình là một sản phẩm giáo dục hạn chế. Nếu hài lòng về bản thân, tại sao chúng ta vẫn ao ước mình được là một sản phẩm giáo dục của Mỹ, của Đức, Phần Lan? Và tại sao trong khi thế giới đang tiếp tục đào tạo ra những thế hệ năng động, những nhà khoa học lớn, những nghệ sĩ bậc thầy, những công dân có trách nhiệm và có khát vọng dấn thân cống hiến; thì chúng ta chỉ có thể sản xuất ra những người đi làm mải mốt kiếm tiền đến nỗi trơ lì cảm xúc, những người có nhiều bằng cấp leo lên những vị trí cao để tham nhũng…Chúng ta còn có cả một thế hệ trẻ ngồi đồng chém gió ở vỉa hè, quán café, tiệm net hay lang thang trên mạng để nhập vào một đám đông bạo lực, vô cảm và, trong thích phán xét đạo đức người khác lại cũng không ngần ngại bình phẩm tục tĩu về người mẫu này, hoa hậu nọ. Sản phẩm giáo dục của chúng ta lạc lối và hoang mang như vậy là do đâu?
Vấn đề của chúng ta là gì? 
Hãy nhìn vào thực tế: chúng ta có rất nhiều học sinh điểm cao, học giỏi, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc học sinh của chúng ta có tư duy. Chúng ta ngộ nhận rằng nhồi nhét cho học sinh thật nhiều kiến thức, biến các em thành những cỗ máy học bài và làm bài chuyên nghiệp thì các em sẽ trở nên thông minh và giỏi giang. Nhưng, kiến thức không làm nên trí tuệ; học sinh có thể có rất nhiều tri thức, nhưng nếu không có khả năng tái tạo kiến thức thành những sản phẩm sáng tạo thì tri thức chỉ là vũng nước đọng, là những con điểm vô nghĩa.
Mặt khác, với sự hạn chế của chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay, những học sinh chạy đua thành tích, có điểm số cao còn mắc phải vấn đề thiếu cảm xúc, niềm tin, giá trị sống. Nền giáo dục không giúp học sinh giàu có, phong phú nội tâm, không hạnh phúc thì học giỏi làm gì, điểm cao làm gì? Nhiều người ra đời thì có dáng vẻ của người thành đạt nhưng không biết đồng cảm, không khao khát vươn lên những giá trị sống cao quý, sống quay quắt vì đồng tiền và cứ mải miết chạy theo những gì mà người khác kì vọng: thăng chức trong nghề nghiệp, có địa vị xã hội, có uy quyền chính trị hay kinh tế. Tiếc thay, đó đều là những điều nằm bên ngoài tinh thần của một con người, không giúp hoàn thiện một con người chân chính, không giúp khẳng định phẩm tính NGƯỜI, và do vậy con người thành đạt đó không vươn tới hạnh phúc tối thượng với ý nghĩa là những khoái lạc tâm trí. Người học không giải phóng được hoàn toàn năng lực và phẩm tính của bản thân thì suốt đời chỉ luẩn quẩn với những giới hạn mà thôi. Một con người như thế tôi cho rằng còn chưa được khai minh. Và tiếc thay, họ tăm tối nên dễ dãi hài lòng với giá trị của bản thân, trong khi vẫn ao ước những giá trị của người khác, đất nước khác. Nền giáo dục như vậy ai cũng biết là thất bại.
Giáo dục, xét cho cùng là khiến con người sống hạnh phúc với những giá trị nhân bản. Xã hội nào có nhiều người hạnh phúc thì xã hội đó phát triển nhân văn. Nhân loại coi đó là những giá trị phổ quát. Xã hội Việt Nam trọng tình cảm, người ta thường dễ tìm thấy hạnh phúc trong đời sống tình cảm. Nhiều người do đó mà ngộ nhận rằng chúng ta là một dân tộc hạnh phúc. Cái dở ở chỗ sự trọng tình và dễ dãi thỏa mãn của chúng ta lại đi kèm thái độ coi thường tri thức và trí tuệ, cho rằng học vấn không quyết định con người có hạnh phúc hay không. Người Việt vốn không quan niệm được rằng trí tuệ đem lại khoái lạc tâm hồn. Chúng ta không theo đuổi tri thức suốt cả cuộc đời mình; chúng ta ngừng học ngay sau khi kiếm được việc làm; sự học cũng chỉ là để có bằng cấp nhằm tiến thân hoặc lòe thiên hạ. Sùng bái sách nhưng lại không đọc sách; thích là doanh nhân thành đạt hơn là nhà khoa học nghèo khổ; đi học chỉ chăm chăm mục đích kiếm được việc làm ngon lành chứ không muốn kết hôn với công việc… Tri thức với chúng ta chỉ là một công cụ đem lại tiền bạc, địa vị- những thứ mà người Việt chúng ta cho là đem lại hạnh phúc. Vậy nên, trong khi quay quắt với giấc mơ thành đạt, chúng ta tạm an ủi rằng mình có gia đình, có người xung quanh để yêu thương, mình sống đời tử tế, đó chính là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc này không khác một đứa trẻ có đồ chơi, một con cừu no cỏ hay con bò được mát xa trước khi vào lò mổ là bao. Chúng ta không thể khiến cuộc đời mình cao đẹp hơn nhờ thứ hạnh phúc đó.
Triết gia Spinoza đã nói: cuộc đời đạo đức chính là phần thưởng đẹp nhất dành cho con người, là hạnh phúc. Platon và Aristotle cũng để lại cho nền văn minh châu Âu một lẽ sống mà cả ngàn năm châu Âu đã tôn thờ, rằng hạnh phúc không nên là những khoái lạc giác quan, mà nên là khoái lạc tâm trí, một tâm trí được khai sáng dẫn dắt cho tâm hồn. Chúng ta nên truy cầu hạnh phúc ở một lương tri sáng suốt. Khi đó, hạnh phúc tối thượng sẽ là trạng thái đạo đức viên mãn của con người và xã hội nhân bản sẽ là nguồn nuôi dưỡng niềm hạnh phúc đó. Nền giáo dục của chúng ta đã bao giờ quan niệm được điều đó hay chưa? Hãy nhìn lại, nhìn thẳng vào nền luân lí Nho giáo đề cao nhân nghĩa nay đã đổ nát của chúng ta; hãy thừa nhận rằng thói trọng tình cảm tính, bản năng và thuần túy tự nhiên của cha ông ta là một thứ rất chông chênh, dao động và không kiểm soát được; cả hai nguồn giá trị nhân đạo từng làm nên cốt cách đạo đức của con người và luân lí xã hội ta đó đều đang chết mòn trước sự lên ngôi của đồng tiền và thói giả dối. Chúng không thể ràng buộc đạo đức con người được nữa, không thể cứu vãn một xã hội đang trượt dốc ở mọi phương diện, càng không thể làm con người hạnh phúc nữa. Thay vì tìm nguồn hạnh phúc ở những giá trị bền vững do nhận thức đem lại thì chúng ta quẩn quanh với những tình cảm nhỏ mọn và khiến hạnh phúc của chúng ta thấp bé và đơn sơ như những bản năng tự nhiên. Vì thiếu hiểu biết mà thế giới của chúng ta nhỏ bé; hệ quả là chúng ta cứ tưởng hạnh phúc của mình lớn lao. Tôi có cảm tưởng nhiều người quanh mình tự tại rằng mình viên mãn và hạnh phúc, thực ra chỉ lạc quan tếu mà thôi.
Đã vậy, người Việt hiện nay chọn kiểu sống lập lờ nước đôi, vừa hài lòng với bản thân để ngừng tu dưỡng phẩm tính và trau dồi tri thức, lại vừa ao ước những thứ mà bản thân mình, xứ mình không có. Cả cuộc đời chúng ta chỉ cố gắng để có công ăn việc làm, có chút của cải và địa vị, thế là coi như viên mãn và hạnh phúc. Nhưng thực tế là chúng ta vẫn khao khát một thứ hạnh phúc cao hơn: được thụ hưởng nền giáo dục khai phóng của Thụy Điển, bầu không khí học thuật của nền giáo dục Mỹ, những phẩm chất lí tưởng của người Đức, không gian văn hóa của Anh, lối sống của người Australia..Chúng ta ước có nhiều nhà khoa học và nghệ sĩ bậc thầy, còn giới trẻ của chúng ta tài giỏi, năng động và đầy trách nhiệm.. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta vẫn ước ao được phát triển đầy đủ năng lực và phẩm tính hơn so với chúng ta hiện tại; và nhiều người trong số chúng ta không chịu thừa nhận rằng nếu trí tuệ của chúng ta được khai mở, chúng ta sẽ có được tất cả những hạnh phúc đáng mơ ước đó. Với tình trạng khiếm khuyết hiện nay, việc vừa lười biếng tự giáo dục bản thân lại vừa cứ mơ ước được hít thở bầu không khí văn hóa giáo dục Anh, Mỹ, Úc của chúng ta thực là lố bịch.
Muốn xây dựng đạo lý xã hội từ đạo đức con người thì tinh thần nhân đạo, phẩm chất của người tử tế phải được bồi bắp bằng con đường giáo dục, nghĩa là phải kiến tạo từ bên trong, từ sự nhận thức. Những tình cảm nhân đạo tự nhiên chưa thông qua giáo dục khó mà bền vững được. Những phẩm chất tốt đẹp của con người phải xuất phát từ trí tuệ đã được khai sáng. Con người tử tế, tốt lành và hữu ích là con người có tâm hồn được khai mở, được trí tuệ dẫn đường. Những giá trị nhân văn do đó mới bền vững.
Nền giáo dục của chúng ta phải chịu trách nhiệm cho tình trạng thấp kém và những mơ ước tội nghiệp của người Việt hiện nay. Một nền giáo dục khiến người học ra đời chỉ quẩn quanh kiếm tìm hạnh phúc ở chuyện có công ăn việc làm, kết hôn, mua nhà, sinh con, đi du lịch mỗi năm hai lần, có nhiều bạn bè, không vi phạm pháp luật.. khiến con người dễ dãi chấp nhận một đời sống hạn hẹp với trí tuệ vụn vặt nghèo nàn trong bối cảnh đạo đức xã hội ngày một chông chênh… rõ ràng là đang kìm hãm con người.
Và, trong khi chúng ta cứ cố biến học sinh thành nô lệ cho những tri thức cùn vẹt vô bổ thì thế giới tri thức đã đang phát triển với tốc độ tên lửa; nhiều phát minh, nhiều học thuyết mới ra đời, đặc biệt là các tri thức về tâm lý, nhân học, xã hội học. Xã hội đang báo động rằng chúng ta cần những con người mới, có đam mê và lý tưởng, có tiếng nói nội tâm mãnh liệt, hiểu biết về bản thân trước khi hiểu biết về thế giới, được sống trong niềm hạnh phúc là chính mình, được xã hội tôn trọng vì sự nhân bản và độc đáo của nó, được xã hội khuyến khích và bảo vệ. Trong khi đó, nhà trường của chúng ta thì vẫn hì hụi đào tạo ra những kẻ săn việc làm, thúc ép học sinh phải trở thành con người hay cái máy lao động sản xuất mà xã hội yêu cầu; và người đi học, đi làm thì bị đánh giá năng lực và phẩm giá dựa trên những giá trị ảo vốn làm thấp kém con người như tiền bạc, hư danh, địa vị…Chúng ta muốn có những sản phẩm giáo dục mà ở họ ta có thể thấy trí lực, phẩm giá được thăng hoa thì phải được dẫn đường bởi một triết lí giáo dục nhân bản, khai phóng, vì con người; một chương trình giáo dục chú trọng xây dựng ở người học những giá trị sống và năng lực thực tiễn, khiến người học được khai minh cả về trí tuệ lẫn tâm hồn, nhân cách. Con người như thế sẽ biết tự xoay xở với cuộc sống của mình, dù thế giới có thế nào đi nữa.
Cách đây vài thế kỉ, những nhà khai sáng như J.J Rousseau, Diderot, Voltaire, Montesquier đã bàn về triết lí giáo dục. Từ khi khoa học bắt đầu phát triển, các triết gia này đã biết rằng tình trạng nô lệ tăm tối do thiếu hiểu biết phải chấm dứt. Decartes nói con người không gì hơn là một cây sậy biết tư duy. Nhờ tri thức, con người sẽ giành lấy quyền thống trị thế giới từ tay thần thánh. Tri thức ngày càng rộng mở, người đi học phải học cách tự học và học suốt đời. Giáo dục do vậy không phải là dạy cho trẻ em kiến thức, mà dạy cho trẻ biết làm thế nào để có kiến thức. J J Rousseau viết trong cuốn Emile hay là bàn về giáo dục: “Vấn đề là chỉ ra cho nó cần làm thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn là nói cho nó biết một sự thật. Nhờ tự học mà đứa trẻ sẽ có một đầu óc cởi mở, thông minh, sẵn sàng cho tất cả, có khả năng lĩnh hội bất kỳ điều gì”. Đó chính là đặc điểm của CON NGƯỜI TỰ DO. “Con người tự do là con người khi tư duy, khi hành động không bị ràng buộc bởi vật chất, thành kiến, không bị những đam mê mù quáng khống chế. Đó là con người trưởng thành và độc lập trong tư duy, tự chủ trong phán đoán, biết sử dụng lý trí của mình để suy xét, quyết định và hành động một cách hợp lẽ. Con người đó không “phục tùng luồn cúi như một nô lệ”, cũng không có “giọng điệu hách dịch của một chủ nhân” . Con người đó luôn sống và tỏ ra chính là mình, là chủ nhân của chính mình. Đến nay, rất nhiều quốc gia đã áp dụng triết lý giáo dục này để xây dựng nền giáo dục tiến bộ và nhân văn. Đây à một triết lý giáo dục mà chúng ta rất cần bây giờ.
Để đạt được mục tiêu giáo dục khiến học sinh trở thành những con người tự do, thì phải có chiến lược phát triển con người. Xã hội tôn trọng con người là xã hội có bản chất nhân văn và nó đương nhiên sẽ khuyến khích con người cống hiến vì thông qua cống hiến mà con người tỏa sáng. Xã hội nào bắt ép con người phải hi sinh chính nó cho những mục tiêu chính trị xã hội, tước đoạt của con người sự hiểu biết, phẩm giá, làm thui chột năng lực tư duy, sự sáng tạo và bắt con người chạy đua theo những giá trị thấp kém, xã hội đó không đáng được con người dấn thân cống hiến. Nó sẽ sản sinh ra rất nhiều những con người nô lệ cho ngu dốt, khuất phục và bám víu vào thần linh, sợ hãi tri thức vì tri thức làm đau trí não. Nó sẽ đẻ ra đầy rẫy hạng người sẵn sàng bẻ vụn từng miếng nhân phẩm để đổi ấy danh vọng, của cải. Đó là những cá thể sinh ra lành mạnh nhưng càng trưởng thành thì sẽ càng khiếm khuyết. Những cái họ tưởng có thể xoa dịu, lấp đầy sự khiếm khuyết của họ là những thứ phù phiếm nhất: vật chất để thỏa mãn giác quan và hư danh để lừa mị, trấn an bản thân.
Hãy thừa nhận, trong bối cảnh thế giới khai sáng với những giá trị nhân văn thì chúng ta cứ luẩn quẩn với cách giáo dục thiển cận và vô minh. Chúng ta đang tước đoạt đi của lớp trẻ cơ hội sống hạnh phúc với những giá trị chân chính mà thời đại đòi hỏi. Bi kịch của các thế hệ học sinh bây giờ là khi chúng trưởng thành mà không được trở thành chính mình, chúng phải trở thành những kì vọng tàn nhẫn của người lớn thì chúng sẽ không chịu trách nhiệm về chính mình. Chúng sẽ đổ lỗi hoàn toàn cho người lớn. Người học đó vừa tối tăm, nô lệ, vừa vô trách nhiệm.
Chúng ta phải thay đổi.
Muốn vậy, phải tiễu trừ tư tưởng đàn áp cá thể và tinh thần sùng cổ, nhường chỗ cho trí tuệ nảy nở và sự sáng tạo thăng hoa; tận diệt thói chạy đua những giá trị ảo từ trong nhà trường và chú trọng con người tư duy và con người cảm xúc. Nền giáo dục của chúng ta cũng cần thay đổi từ lối dạy áp đặt, nhồi sọ những tri thức lỗi thời sang hình thành cho học sinh năng lực tự học. Làm mới tri thức, sáng tạo nghệ thuật và thực hành lối sống đẹp phải trở thành mục tiêu dạy học. Sự thực hành và sự sáng tạo cần được đề cao. Học sinh được hoạt động, tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình. Giáo viên phải lấy học sinh để đánh giá kết quả giáo dục. Việc học phải làm cho học sinh thấy được đi học là niềm vui, niềm hạnh phúc. Chương trình giáo dục mới cũng cần phải tôn trọng người học thay vì chỉ tôn trọng người dạy.
Tôi đã tìm thấy một bộ sách giáo khoa đáp ứng được nhưng mục tiêu và phương pháp giáo dục đó, dựa trên triết lí giáo dục của Hegel, J J Rouseau và Piaget. Bộ sách giáo khoa văn, tiếng Việt và lối sống do nhóm Cánh Buồm thực hiện dưới sự chịu trách nhiệm chính của nhà giáo Phạm Toàn và Gs. Hồ Ngọc Đại. Dù đã ngoài tuổi 80, nhà giáo Phạm Toàn vẫn đang hết sức mình cống hiến cho mục đích khai dân trí. Ông vẫn ngày đêm trăn trở tìm cách cống hiến nhưng tinh hoa trí tuệ sư phạm cho nền giáo dục Việt Nam.
Từ năm 2009 đến năm 2014 nhóm Cánh buồm đã hoàn thành bộ sách giáo khoa Văn, Tiếng Việt bậc Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 và đã hướng dẫn thực hành, áp dụng thành công ở Trường Olympia International tại Hà Nội, chỉ với phí thực hiện chừng 300 triệu đồng trong 5 năm, do các nhà hảo tâm tài trợ, không mất một đồng thuế nào của người dân VN.
Ở bài viết này, tôi chỉ xin điểm qua nội dung bộ sách dạy văn THCS do nhóm Cánh Buồm biên soạn.
***
Sự ưu việt của bộ sách đọc văn này là gì: sự phong phú và tự do của nó.
Bộ sách này giàu có, phong phú vì so với cách xây dựng chương trình văn học hiện nay, nhóm soạn sách đã thay đổi hoàn toàn trục tác phẩm. Với cách giới thiệu hệ thống theo trục thể loại, chia ra làm ba bộ phận cơ bản là trữ tình, kịch và tự sự, nhóm biên soạn Cánh Buồm có cơ hội giới thiệu cho người học một khối lượng khổng lồ vô cùng đa dạng thành tựu văn học của nhân loại. Từ trước đến nay sách giáo khoa văn học của chúng ta theo trục thời gian, nghĩa là lịch sử đi tới đâu, văn học minh họa tới đó; và do đó văn học bị dính liền với lịch sử. Văn học do đó gần như là da thịt đắp ngoài bộ xương lịch sử, thậm chí là minh họa cho tư tưởng của thời kì lịch sử đó. Học sinh của chúng ta đã quá ngán vì phải học thứ văn chương tuyên truyền non kém về chất lượng nghệ thuật và nghèo nàn, áp đặt về nội dung tư tưởng.
Bộ sách còn là một thế giới nghệ thuật tự do vì nó không giới hạn người học; không phân biệt, không định hướng đầu óc học sinh. Tác phẩm văn học nào trăn trở với phận người, tôn vinh những giá trị làm người cao đẹp, khơi gợi những cảm xúc cao quý, được nhân loại tiến bộ thừa nhận thì được Cánh Buồm giới thiệu đến người học.
Điều đáng nể nữa là, song song với việc giúp học sinh tiếp cận các tác phẩm văn học, nhóm biên soạn đã khéo léo và rất tinh tế lồng vào đó tri thức về rất nhiều nhóm ngành khoa học, nghệ thuật đồng thời đặt những nền tảng kiến tạo giá trị sống, lối sống cho học sinh. Tôi khó hình dung được bao nhiêu chất xám đã đổ vào bộ sách này để học sinh có được những bài học nhẹ nhàng mà tinh diệu, sâu xa và đẹp đẽ như thế.
Với bộ sách này, văn học được tiếp cận dưới góc độ là một bộ môn nghệ thuật và nhóm biên soạn rất chú trọng khả năng tác động đến cảm xúc, thanh lọc tinh thần người học của văn chương. Bấy lâu chúng ta quan niệm về nghệ thuật khác nhiều so với người phương tây, nói rộng ra là chúng ta một mình một phách, đi ngược lại với cả thế giới. Thái độ cơ bản của chúng ta đối với nghệ thuật là thái độ vừa sùng kính vừa miệt thị, lại phân biệt nghệ thuật thuần túy vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Chúng ta hô to “nghệ thuật không có biên giới” nhưng chúng ta lại kì thị, phân biệt giới nghệ sĩ với các giới khác và đặt ra nhiều rào cản khiến nghệ thuật trở nên èo uột, không có đất phát triển. Điều này có lỗi một phần lớn từ Nho giáo, song chủ yếu là vì chúng ta không chịu thay đổi lối sống bất cần nghệ thuật. Hậu quả là chúng ta chưa bao giờ vươn lên được tầm cao văn hóa nghệ thuật tương đương với thế giới. Thành thử chúng ta với nghệ thuật, chúng ta vừa xa lánh, lại vừa thèm muốn.
Bộ sách này có tham vọng vừa khơi gợi tri thức, vừa mở ra thế giới cảm xúc cho người học, chủ trương phát huy những cảm xúc tự nhiên và nhân bản. Bởi vì, đối với nghệ thuật, không thể có sự cưỡng ép và giả dối trong cảm xúc, cả ở người nghệ sĩ lẫn người tiếp nhận. Học sinh phải được tiếp cận tác phẩm nghệ thuật với tâm hồn và cảm xúc tự nhiên của mình. Việc bồi đắp tâm hồn phải thông qua những cảm xúc tự nhiên và với một tình yêu hoàn toàn tự nguyện chứ không thể bằng những mệnh lệnh đạo đức, và sự cưỡng chế cảm xúc. Người sáng tác văn chương tuyên truyền không thể có cái chân thật và nhân bản này, sao có thể đòi hỏi người đọc cảm xúc lành mạnh, nhân văn. Người giáo viên cũng không có quyền đòi hỏi học sinh phải trả bài cảm xúc cho mình, vì điều đó có nghĩa là bắt ép học sinh phải giả dối. Có cái giả dối nào tệ hại bằng giả dối cảm xúc?
Bộ sách này giúp học sinh làm giàu tri thức khoa học về các môn nghệ thuật nói chung, nghệ thuật ngôn từ nói riêng, gợi mở suy tư và dẫn lối tâm hồn của người học. Chúng ta hãy yên tâm rằng nhóm biên soạn đã chọn cho học sinh của mình những tuyệt phẩm có ý nghĩa nhân văn rất đẹp đẽ và có giá trị vượt thời gian.
Thử nhìn vào cuốn sách văn lớp 6 xem học sinh của chúng ta sẽ học được gì.
Cuốn sách có tên là CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT gồm 6 bài chính, giới thiệu về thơ, tự sự, hội họa-mỹ thuật, âm nhạc và kịch.
Trước khi dẫn dắt học sinh khám phá nghệ thuật, người biên soạn muốn đặt nền móng đầu tiên cho học sinh, đó là sự đồng cảm đối với người nghệ sĩ. Muốn thưởng thức nghệ thuật, trước tiên phải hiểu thiên chức của nghệ sĩ, có thái độ trân trọng đối với nghệ thuật và người sáng tạo nghệ thuật. Những phần dẫn luận này rất giản dị nhờ được trình bày bằng văn phong trong sáng dễ hiểu và lôi cuốn. Bằng việc trả lời các câu hỏi vì sao người ta làm thơ, vì sao người ta viết văn tự sự, vẽ, sáng tác nhạc, chơi kịch… nhóm biên soạn dẫn dắt người học đi qua lí luận nghệ thuật để lấy đó làm công cụ suy tư, đồng thời giúp người học học cách làm bài nghiên cứu.
Những tác phẩm được giới thiệu là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, thơ ngụ ngôn của La Fontain, bài thơ Cánh buồm của Lermontov; tập truyện của Duy Khán, Cuốn sách của bạn tôi của nhà văn Anatole France với lời giới thiệu của thầy giáo Andre Menras, bài viết tìm hiểu về họa sư Nam Sơn- người đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại của VN và Tranh Tết …
Phải nhắc lại lần nữa là những bài học này được thiết kế giản đơn nhưng hấp dẫn, giàu có tri thức đến không ngờ, chắc chắn học sinh rất yêu thích. Sau khi được học, các em có được một nền tảng tri thức phong phú, cảm xúc đẹp và tinh thần trân trọng đối với khoa học và nghệ thuật. Đó là nền tảng của trí tuệ và xúc cảm rất cần thiết cho sự phát triển con người. Bài học cuối năm rất quan trọng là bài cảm hứng nghệ thuật, đặt ra một số đề tài để học sinh lựa chọn viết bài luận thu hoạch để tự tổng kết một năm học của mình.
Sách văn lớp 7 có tên là GIẢI MÃ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT
Giải mã tác phẩm nghệ thuật không phải là chụp mũ cảm xúc cho học sinh, đánh giá cảm xúc của học sinh đúng hay sai. Với bộ sách này, học sinh sẽ không phải đọc hiểu tác phẩm qua những câu hỏi định hướng một chiều kiểu độc quyền lẽ phải hay áp đặt cảm nhận; năng lực học văn của học sinh cũng không bị đánh giá dựa trên những kiến thức máy móc mà các em phải trả lại cho giáo viên. Như đã nói, cảm nhận của các em là tự do, hồn nhiên và chân thật; việc đồng cảm với tác giả không bóp chết sự tự nhiên lành mạnh trong tiếp nhận của các em.
Chương trình dành cho lớp 7 bao gồm Giải mã tác phẩm trữ tình thông qua ca dao VN, thơ ca phương Đông, thơ ca phương Tây và thơ ca VN hiện đại; các em sẽ tìm hiểu cách thức mà các bài thơ ra đời, tìm hiểu về nhạc tính, ngôn từ, tứ thơ, cảm hứng, tìm hiểu về nhà thơ và tâm hồn của họ; Các em cũng sẽ tìm hiểu cảm hứng nhân sinh, cảm hứng thiên nhiên, cảm hứng tôn giáo trong thơ của Đào Uyên Minh, Vương Duy, Đỗ Phủ, thơ đường ở VN. Ngoài ra, học sinh cũng sẽ tự dịch thơ của các nhà thơ phương Tây. Tôi cho rằng đây là hoạt động thú vị mà học sinh sẽ hưởng ứng nhiệt tình. Hoạt động này cho phép học sinh tự do cảm nhận tác phẩm đồng thời đi đến chỗ đồng cảm với người nghệ sĩ. Đây chính là sự đồng sáng tạo, là sự thưởng thức nghệ thuật ở mức độ cao nhất.
Các em cũng sẽ tham gia hoạt động giải mã tác phẩm kịch nghệ qua kịch chèo dân gian, vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long, kịch cổ điển châu Âu với vở Trận bão của Shakespeare, Những tên cướp của thiên tài Schiller, Tucaret của Lesage và cuối cùng là chuyển thể kịch với vở Đám cưới Chuột và Hà bá lấy vợ.
Kịch dường như chưa bao giờ được coi là loại hình nghệ thuật đỉnh cao ở VN. Việc dạy kịch trong nhà trường từ trước đến nay chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Việc dạy kịch như một loại hình nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật sân khấu rất bị xem thường ở VN. Điều này xuất phát từ thực tế chúng ta có thói quen chỉ coi trọng nội dung mà bỏ qua sự độc đáo về hình thức của cái Đẹp. Kịch có đặc thù nghệ thuật riêng. Học kịch, học sinh biết thêm những phương thức sáng tạo ra cái Đẹp. Các giá trị nhân văn phải được thấu cảm thông qua hình thức độc đáo. Không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm được nhân loại sùng bái nhất lại là kịch của Eschyle, Euripide, Dante, Goethe, Schiller hay Shakespeare.
Cuốn văn 8 GIẢI MÃ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TỰ SỰ có thể nói là cuốn thú vị nhất. Nội dung của nó dành cả cho văn xuôi, từ tự sự truyền miệng như truyện cổ tích, thần thoại Hy lạp, sử thi Đăm Săn và một số truyện dân gian; tự sự đương đại: tiểu thuyết lịch sử Chín mươi ba của V.Hugo, Hồ Qúy Ly của Nguyễn Xuân Khánh; Gulliver du kí, Hoàng tử bé, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Những lời bộc bạch của JJ Rousseau, Bút kí từ nhà chết của Dostoievski, Thân phận tình yêu của Bảo Ninh, Linh sơn của Cao Hành Kiện..
Tôi đảm bảo đây sẽ là cuốn sách quan trọng nhất và cũng được yêu thích nhất. Vì sao ư, vì nó còn hơn một cuốn sách văn học. Nó còn là cả một thế giới nghệ thuật đẹp đẽ để trí tưởng tượng của học sinh bay bổng khám phá. Nó cùng học sinh đi tìm phẩm chất người, tính người trong tác phẩm văn học. Nó mở ra một thế giới rộng lớn của văn chương nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nhân học, xã hội học, tâm lý người.. khắp đông tây, từ cổ chí kim. Học sinh vừa học văn vừa khám phá thế giới tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như nghi lễ tưởng nhớ thần Promethee của người Hy Lạp cổ đại, nguồn sống và tập tục của người Ê đê, cải cách tôn giáo ở nước Anh, thậm chí là biết đến bối cảnh hoang tàn về phương diện văn hóa tư tưởng của cả châu Âu cũng như thấu cảm với con người cô đơn không biết đi đâu về đâu trong Hoàng tử bé…Đây là một chương trình văn học vô cùng rộng lớn, đầy xúc cảm, bay bổng, tự do, nhân văn và chắc chắn sẽ khai sáng cho học sinh của chúng ta rất nhiều.
Những lời cuối cùng của cuốn sách này dành cho văn hóa đọc mà việc học văn lớp 8 chính là những gợi ý cho việc tiếp cận thư viện và tìm kiếm sách. Cuốn sách nhắn nhủ học sinh rằng văn hóa đọc nâng cao trình độ hiểu biết và tâm hồn con người. Việc đọc theo hướng đối thoại với tác giả sẽ khiến cho người đọc được khai minh về trí tuệ và tâm hồn.
Cuốn Văn 9 có chủ đề NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT bao gồm hai tác phẩm Truyện Kiều và Faust. Đây là năm học của nghiên cứu nghệ thuật, việc chọn hai kiệt tác nghệ thuật của dân tộc và thế giới là không khó hiểu.
Tại sao lại là Truyện Kiều thì chúng ta đều biết, đây là kiệt tác văn học của dân tộc, cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật đều cao cả không tác phẩm nào của nền văn học ta sánh kịp. Bản thân Nguyễn Du cũng là một nghệ sĩ đích thực, đúng nghĩa nghệ sĩ theo quan niệm nghệ thuật phổ quát, chứ không phải là kẻ sĩ làm thơ như nhiều trí thức phong kiến khác vốn làm thơ để ngôn chí, tải đạo. Nghệ thuật cao đẹp ở chỗ nó không phải cưỡng ép mà đồng cảm với con người, không phải giáo huấn mà nâng đỡ con người. Nghệ thuật do đó có giọng điệu bi thương và đời người nghệ sĩ nói chung là bi kịch. Điều này trong thơ và đời của Nguyễn Du khiến cho ông trở thành người nghệ sĩ lí tưởng của nền nghệ thuật Việt Nam. 
Nhóm biên soạn đã đưa ra rất nhiều gợi ý cho học sinh chọn lựa hướng nghiên cứu: bài tổng quan về Truyện Kiều giới thiệu về tác giả và dẫn dắt người học đi qua nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Du; bài cách thức truyện Kiều lan tỏa trong đông đảo nhân dân và trong giới trí thức cũng giúp học sinh tiếp cận các giá trị văn hóa của tác phẩm ở những góc độ khác nhau- góc độ văn hóa dân gian và góc độ nghệ thuật bác học. Ngoài ra học sinh nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du, ngôn ngữ nhân vật trong truyện Kiều.
Còn về Faust, đây là kiệt tác hàng đầu của nhân loại mà tác giả của nó được mệnh danh là một trong tứ đại danh hào của thế giới. Ông đã sáng tạo nên một nhân vật mà mọi người dân Đức đều coi là nguyên mẫu lí tưởng của mình. Đó là tiễn sĩ Faust, một nhà khoa học khao khát làm đầy tri thức, một người yêu lí tưởng và một tâm hồn dằn vặt đau khổ. Chúng ta cũng biết dân tộc Đức là một dân tộc tinh anh đã cống hiến cho nhân loại vô vàn triết gia và nghệ sĩ bậc thầy. Không hề lạ khi dân tộc này đã khai sinh ra một thi hào toàn năng như Goethe. Bậc thầy này đã tặng cho nhân loại một kiệt tác uyên bác về phương diện triết học và cao cả ở phương diện nghệ thuật. Tôi vẫn thường nói với học trò rằng: dân tộc nào yêu triết học và nghệ thuật, dân tộc đó cao cả. Với tác phẩm này, Goethe đã vinh danh loài người, nâng địa vị con người lên hàng thánh thần.
Nếu phải chê điểm gì ở bộ sách này thì tôi cảm thấy phiền lòng vì những tác phẩm văn học lớn của những nhà văn lớn như Lev Tostoy, văn học châu Mỹ, tiểu thuyết cổ điển TQ, Thơ ca Nhật Bản, nghệ thuật phục hưng và các trào lưu nghệ thuật hiện đại và đương đại chưa được điểm qua, rất đáng tiếc. Hy vọng mảnh đất ngon lành đó các tác giả đang để dành cho bộ sách THPT hoặc dự bị đại học.
7-12-2016


Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

CHUYỂN NGỮ TỪ TIẾNG ANH BÀI VIẾT HỌC THUẬT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ TIỂU THUYẾT CỦA HERMANN HESSE CỦA GIÁO SƯ ŞTEFAN BORBÉLY:


CHUYỂN NGỮ TỪ TIẾNG ANH BÀI VIẾT HỌC THUẬT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ TIỂU THUYẾT CỦA HERMANN HESSE CỦA GIÁO SƯ ŞTEFAN BORBÉLY:

HERMANN HESSE’S SPIRITUAL FORMULA
Ştefan BORBÉLY - Giáo sư khoa văn học tại đại học Babes-Bolyai là thành viên sáng lập Hiệp hội Nhà văn chuyên nghiệp của Rumani (Aspro), Cơ sở văn hóa Equinox và là một thành viên của Hội Nhà văn của Rumani (chi nhánh Cluj), Hiệp hội Văn học so sánh Rumani. Giáo sư Stefan Borbely đã viết và xuất bản một số công trình nghiên cứu về Hesse, được tập hợp trong cuốn The Steppenwolf's DreamStarting from Nietzsche.
Công trình Công thức tâm linh của Hermann Hesse của ông được công bố lần đầu tiên trên tạp chí học thuật Philologica Jassyensia[1] của Học viện Rumani ở Iassy với nhan đề: Stefan Borbely: Hermann Hesse’s Spiritual Formula. Hai năm sau, công trình này được chỉnh sửa để đáp ứng với yêu cầu học thuật của một bộ yếu lược văn học quốc tế về tiểu thuyết thế kỷ XX, được hiệu đính bởi giáo sư Micheal Sollar tại Đại học Texas: The facts on file companion to the world Novel, 1900 to the present[2]. Đây là một bộ sách lớn với hơn 600 mục là những bài viết học thuật điển hình của rất nhiều học giả nghiên cứu văn học trên thế giới về các tác gia -tác phẩm văn học thời kỳ hiện đại.
Nghiên cứu này của Borbely xem xét những ảnh hưởng khác nhau đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tác phẩm của Hesse: tình bạn của ông với Thomas Mann, đời sống và các tôn giáo Đông phương, phong cách Nietzsche, Phân tâm học Jung, ảnh hưởng trái ngược của người mẹ và người cha; chiến tranh thế giới…trong tiểu thuyết của Hermann Hesse.
* **
Hermann Hesse là đại diện xuất sắc của trường phải hậu-lãng mạn, suy đồi hiện đại ở Châu Âu vào nửa đầu thế kỉ XX. Hesse đã xây dựng một tình bạn thắm thiết với Thomas Mann, người bạn thường chia sẻ về những chủ đề văn học với ông, đặc biệt là những chủ đề liên quan đến mối quan hệ giữa trật tự chắc chắn vững vàng của giai cấp tư bản trong sự đối lập với nỗi cô đơn, chủ nghĩa tự do phóng túng, xung năng tính dục ở người nghệ sĩ. Hesse cũng bị thu hút bởi phong cách sống phương Đông và đạo Phật qua những kỷ niệm về gia đình với nhiều thành viên hoạt động với tư cách là những nhà truyền giáo ở Ấn Độ, và qua chuyến đi đến Sri Lanka và Indonesia tiến hành vào năm 1911 cùng với người bạn họa sĩ là Hans Sturzenegger ở Schaffhausen. Hermann Hesse đã ghi lại kinh nghiệm chuyến du hành trong nhật ký xuất bản năm 1913(Aus Indien; Từ Ấn Độ), và trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Siddhartha xuất bản năm 1923 (bản dịch tiếng Anh năm 1951). Chủ đề phương Đông được giới thiệu nhiều trong sáng tác của ông bởi ông cho rằng sức sống và sự thanh bình kiểu phương Đông có thể tạo ra thuốc chữa cho sự u uất, chủ nghĩa suy đồi, sự tự xa lánh và tha hóa ở Châu Âu. Sự nổi loạn hay đúng hơn là rối loạn tinh thần, sự mâu thuẫn trong tính cách đã kéo ông vào nhiều chấn động tâm lí nặng nề, chẳng hạn  những cuộc xung đột lặp lại nhiều lần với cha mẹ, một cuộc đào tẩu có dự tính khỏi trường học (được mô tả trong truyện ngắn Dưới bánh xe (1906), bản dịch tiếng Anh Beneath the wheel), một lần cố gắng tự tử (1892) cũng như vài lần ra vào những trung tâm chữa trị thần kinh nơi ông đã tiếp cận với tâm lý học của Jung.
Để bù lại cho sự nhạy cảm và yếu đuối cá nhân, Hesse đã cố gắng tự bảo vệ mình bằng cách xây dựng bầu không khí phương Đông xung quanh mình, giữa một nền chính trị hung hăng cuồng bạo ở Châu Âu. Ông rời Đức và chuyển đến Thụy Sĩ năm 1912 (theo sự nghiệp của hình tượng ám ảnh ông là triết gia Nietzsche), từ bỏ quốc tịch Đức năm 1923, chọn làm vườn và vẽ tranh, định cư ở những ngôi làng như Gaienhofen (cùng với người vợ đầu tiên Maria Bernoulli vốn bị rối loạn thần kinh), rồi chuyển tới Montaglola, miền Nam Thụy Sĩ nơi ông cố gắng gắn bó với cuộc sống đồng quê thanh tao hàng ngày, cho đến khi ông mất năm 1962.
Mặc dù ông cương quyết cho rằng người nghệ sĩ nên sống một cuộc sống bên lề, tự do phóng túng (kiểu bohemian), bên ngoài những gò bó của chính trị và xã hội, nhưng bài luận ngắn của ông: Ồ! Bạn ơi, không phải giọng ấy, xuất bản tháng 11 ngày 3 năm 1914, trong thời kì chiến tranh thế giới I đã được biết đến rộng rãi như là một lời cảnh báo chống lại lòng căm thù cộng đồng và Đế Quốc Đức. Suốt cuộc chiến tranh, Hesse đã giúp những người dân tị nạn và cam kết chính mình vào những hoạt động nhân đạo, và cuối cùng, khi bọn Phát xít lên nắm quyền ở Đức, ông đã như một người tự nguyện lưu vong, và cũng giúp Thomas Mann và những người dân tị nạn khác tìm đường đến tự do.
Bị ám ảnh bởi phong cách Friedrich Nietzsche, Hesse đã viết nên bản tuyên ngôn nhiệt huyết chào mừng sự kết thúc của Chiến tranh thế giới I và sự bắt đầu của kỉ nguyên mới (Sự trở lại của Zarathustra- một lời cho Thanh niên Đức 1919-1920, ấn bản đầu tiên ký tên vô danh), Hesse đã chuyển hóa nhận thức của Nietzsche về mâu thuẫn bổ sung cho nhau giữa nguồn năng lượng “Apollo” và cảm hứng “Dionysos” vào hai bản thể có nhân cách đối cực trong tiểu thuyết Demian (năm 1919, bản tiếng Anh năm 1923), Mùa hè cuối cùng của Klingsor (1920), và Narziss và Goldmund (1930, bản tiếng Anh tên là Cái chết và Tình yêu, 1932). Những tác phẩm này cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Hesse đối với tâm lý học phân tích của Jung. Chính tác giả sau đó cũng đã chỉ ra rằng cốt truyện trong Demian là một quá trình cá nhân hóa điển hình. Sự nghiệp rạng rỡ của Goldmund bên ngoài tu viện trong Narziss và Goldmund cũng tương tự như một cấu trúc cá nhân hóa, với sự bổ sung vào phức cảm tâm lý cơ bản những đặc điểm riêng về huyền thoại mẹ, với một cắt nghĩa có thể phát hiện ra trong chấn thương thời thơ ấu của Hesse. Hesse trải qua sự chữa trị bằng phân tâm học Jung vào tháng 5 năm 1916, khi ông điều trị chứng rối loạn tâm lí tại trại điều dưỡng gần Luzern. Ông gặp một bác sĩ trẻ tên là J.B Lang, người đã tạo ấn tượng mạnh với ông bởi việc điều trị cho ông với phương pháp phi chính thống-phương pháp của Jung dựa trên thông diễn học của biểu tượng và cổ mẫu văn hóa xa xưa.  Bác sĩ Lang đồng thời cũng là người khuyến khích Hesse bày tỏ nỗi sợ hãi và mặc cảm của mình ra bằng việc vẽ tranh. Nhà văn sẽ luôn duy trì trung thành phương pháp điều trị này, bằng việc hoàn thành hơn 3500 bức tranh sơn dầu và tranh màu nước, một số trong chúng  được sưu tập bởi bảo tàng Hermann Hesse ở Montagnola. Một mẫu của bộ sưu tập uy tín này được mang về Mỹ năm 1999 bởi Bảo tàng Đại học Oglethorpe. Phong cách hội họa của ông đầy màu sắc, theo trường phái Biểu hiện ôn hòa (không triệt để), và được coi là sự biến cách của phong cách của Klingsor, người họa sĩ trong truyện ngắn Mùa Hè Cuối Cùng của Klingsor. Sự phối màu trong những bức tranh này cũng cho thấy sự hỗn độn của nhục cảm và tinh thần nghệ thuật, giới hạn trong ý thức về cái chết và sự diệt vong. Vẽ chân dung bản thân kiểu Dionysos hoang dại lúc kề cận cái chết, Klingsor cố ý chuyển phong cách và màu sắc hội họa của mình thành năng lượng của hủy diệt, đầy nghệ thuật, được truyền cảm hứng bởi sự thôi thúc ma quỷ dâng lên từ cõi tối tăm. Họa trên tác phẩm “Nguồn gốc bi kịch” của Nietzsche,(1871-1872) lấy cảm hứng từ tác phẩm “Thế giới như là ý chí và biểu tượng của Schopenhauer 1816, Hesse lấy chủ đề sự sáng tạo nghệ thuật được thai nghén như quá trình suy vi, tự phá hủy- vốn là cấu trúc thường thấy trong nhiều tiểu thuyết của Thomas Mann. Kiểu nhân vật “rực rỡ” (flamboyant) của Hesse, trong cách hiểu đặc biệt của Nietzsche, là một Ngọ nhân[3] cuồng nhiệt (exuberant) kiểu Dyonisos và là một kẻ tôn thờ Mặt trời, người hướng nghệ thuật của mình ra ngoài khuôn khổ hình thức, vào sắc màu nỗi đau khổ và sự hủy diệt. Nhân vật của Hesse chủ yếu mang sắc thái ẩn dật của những người ưa những nơi u ám, bất chấp sự tự do phóng khoáng cô độc kiểu Bohemien, vốn là tính cách đã đưa họ rời xa những thị trấn và nhà cửa, đi khai phá những không gian rừng núi và thảo nguyên. Như là một hệ quả, Mặt trời hầu hết được đề cập đến trong các tác phẩm của ông với niềm đam mê có tính hủy diệt. Như chúng ta sẽ thấy, sau khi rời lãnh địa tâm linh Castalia, Josef Knecht, bậc thầy trò chơi hạt thủy tinh cũng bị khắc chế bởi sức mạnh của mặt trời mọc.
Hình mẫu anh hùng điển hình của Hesse là chống tư sản, tự do phóng túng kiểu bohemien, vô chính phủ, nghệ sĩ và người lang thang, được biểu hiện trong những tác phẩm đầu tay như Peter Camenzind (1914), Knulp (1915) và đặc biệt trong Sói đồng hoang (1927 bản dịch tiếng Anh năm 1929, sửa đổi năm 1963). Sói đồng hoang trở thành “Kinh thánh” cho phong trào phản văn hóa của xã hội mới vào những năm 60 ở Mỹ và Tây Âu. Một ban nhạc nổi tiếng từ California, Sparow, đổi tên thành Sói đồng hoang; bài hát của họ “Born to be wild” phát hành năm 1968 được dựng thành phim Easy Rider. Harry Haller, nhân vật chính bị xã hội ruồng bỏ trong tác phẩm, đã thu hút được những người trẻ chống đối của thập niên 60 chính vì tính cách nửa đàn ông, nửa phụ nữ của anh ta, những tính cách đó được anh ta vượt lên (transcend) bởi những ý nghĩa của tình yêu mà phép nhiệm mầu. Nhiều người hippy của thập niên 60 tự coi họ là những “Sói đồng hoang” với sự thôi thúc vi phạm những sự phân bậc và quy tắc. Họ cũng yêu mến Harry Haller bởi vì anh ta đã từ chối những giá trị để trở thành người lớn và khát khao nghịch lý được giữ nguyên là một đứa trẻ ngây ngô trong vũ trụ. Nhiều nhân vật được xây dựng trong những tác phẩm lớn của Hesse mang hơi hướng tính cách trẻ con. Tỉnh Castilia không tưởng nơi tập hợp những người anh em ưu tú chơi trò hạt ngọc thủy tinh cũng được mô tả là vùng đất tâm linh trẻ thơ bị bao vây bởi ảnh hưởng trưởng thành vì chính trị và lịch sử.
Phong cách dựng hình nghệ thuật theo hướng u sầu, tự do phóng túng kiểu bị xã hội ruồng bỏ luôn đeo đuổi Hesse từ lúc khởi đầu sự nghiệp văn chương của ông. Vả chăng, nó đi vào những câu chuyện của ông như những cấu trúc đối lập giữa sự cứng nhắc cằn cỗi của những người tổ chức xã hội, như người đàn ông trong gia đình, giai cấp tư sản hay những kẻ vô học, và sự hoa mỹ, tâm hồn phong phú của những kẻ lang thang. Hesse cũng có cùng chung mối quan tâm với Nietzsche và Thomas Mann về “tính nghệ thuật”, sự rực rỡ thuộc Ý hay nam Địa Trung Hải, như là sự đối lập với sự mờ ảo, u ám của chất Bắc Đức. Trong phản đề này, cái đã giải thích cho nhiều tính cách của những nhân vật chính, cái chất Bắc Đức đóng vai trò của dạng tổ chức, hạn chế, trong khi chất Nam Địa Trung Hải - tương tự như những gì diễn ra trong Death in Venice của Thomas Mann- đóng vai trò của nguồn cảm hứng hủy diệt kiểu Dyonisos của thế giới ngầm. Cấu trúc đối chọi này được dùng bởi Hesse lần đầu trong tác phẩm Knulp, trong đó nhân vật chính là một ông già sống bên lề xã hội. Knulp lang thang về nơi sinh ra để tìm cho mình một lối đi yên bình tới cái chết và tái hòa nhập vào nhịp điệu tự nhiên thuần túy. Lão già Knulp đã luôn luôn là một kẻ lang thang phóng túng; bất chấp áo rách giày mòn, dường như ông ta được trời phú cho một phong cách hùng biện nổi bật và sự xuất chúng của con người. Thời trẻ, Knulp rời bỏ quê hương ở miền bắc để chu du xuống miền Nam, trong sự tìm kiếm niềm đam mê nghệ sĩ. Ông ta chưa bao giờ có một việc làm hay nhà cửa, nhưng lúc nào cũng thành công trong việc làm hài lòng mọi người, bởi vì ông ta có khả năng làm dịu đi sự buồn phiền, nỗi đau khổ và những suy nghĩ u uất. Theo định nghĩa cổ điển xa xưa được của những người Hy lạp Athenaois (thế kỉ 3 trước công nguyên), Knulp có thể là kẻ sống ký sinh, tên phù thủy quyến rũ. Bất cứ nơi đâu anh ta dừng chân, anh ta cư xử như là tấm gương soi cho kẻ khác. Người ta hạnh phúc với Knulp, người xuất hiện để biết mọi người anh ta gặp trên con đường lang thang, khiến người ta cảm thấy đời họ như trở thành ngày hội.
Thật phù hợp, đàn ông, đàn bà và trẻ con (cả động vật) trải nghiệm sự nhiệt tình khi anh ta xuất hiện, đối xử với anh ta tử tế, khuyến khích anh ta ở lại bao lâu anh ta muốn. Trong quan niệm kiểu Nietzsche, Knulp là một Ngọ nhân hoàn hảo, một kẻ quyến rũ không có bóng, nghĩa là có tất cả sự chân thành, chan hòa và sự vắng bóng khổ đau cũng như thói xấu. Hesse đã nói về Knulp và trước đó là Peter Camenzind (1904) rằng họ tiêu biểu cho hình ảnh phản-suy đồi của “con người tự nhiên” được tán thành bởi Jean-Jacques Rousseau. Vì sự thanh thản vui tươi, Knulp cũng xuất hiện –theo Nietzsche- như là một hình ảnh “phản Chúa”, đúng hơn là tương đồng với thần Dionysus, người đến từ thế giới bên ngoài và là kẻ lang thang. Trong chương cuối của tiểu thuyết miêu tả Knulp như là đứa con cưng của Chúa, đang trên đường lên thiên đàng, nơi mà anh ta hi vọng Chúa Cha sẽ cứu rỗi anh ta khỏi những gánh nặng, như là phần thưởng cho việc giúp con người trên trái đất có cuộc sống dễ chịu hơn.
Phản đề mang tính lãng mạn giữa sự tồn tại tự nhiên và sự ruồng bỏ xã hội đã đánh dấu thành công bước đầu của Hesse, đó là Perter Camenzind (1904), một tiểu thuyết giáo dục (Bildungsroman), nhân vật chính là thế hệ sinh ra từ một cộng đồng biệt lập, cổ xưa (Nimikon), cộng đồng đó sinh sống trong sự hài hòa bất tận với tự nhiên ở miền núi cao trên dãy Alps. Peter lớn lên với một tín điều rằng không thể có sự khác biệt căn bản nào giữa những con người, hoa lá và cây cỏ, một khi tất cả đều có chung tâm hồn phong phú của vũ trụ. 
Khi lớn lên, sự vốn am hiểu truyền thống của Peter trở thành một ý thức hệ nhân đạo dựa trên sự hồn nhiên và lòng vị tha. Anh ta hướng tới một niềm sùng kính cháy bỏng đối với Thánh Francis xứ Assisi, thờ phụng cõi Niết bàn của Phật giáo và sự ẩn dật khổ hạnh trong cuộc sống của Tolstoy, và hát những bài thánh ca chứa chan lòng tôn sùng chung được gọi là Dionysos-Hermes-Eros (tên các vị thần), cái mà anh ta tìm thấy ở rượu và tình yêu đối với Erminia Aglietti, một nữ họa sĩ lớn tuổi hơn.
Khi tiếp cận với “nền văn minh” (trong trường hợp đặc biệt của anh ta, FlorenceItaly là mảnh đất màu mỡ của tư sản châu Âu), Peter đã trải nghiệm sự lố bịch của xã hội hiện đại. Cuối cùng anh ta đã bị xã hội đó làm cho ô uế khi trở thành một phóng viên lành nghề và khi anh hiểu biết sâu sắc về Paris, một thành phố mà Peter coi là nơi tập trung mọi tranh chấp của con người. Tuy nhiên, những nỗi khổ não đó không thể thay đổi được những tính cách căn bản, sự  hài hòa với tự nhiên được thừa hưởng từ những thế hệ cha ông sống ở miền núi cao. Anh ta vẫn còn nguyên vẹn, bất chấp những trải nghiệm cay đắng có liên quan tới những tác động phá hoại của quá trình văn minh hóa. Anh ta là một con người “lạc quan”, toàn vẹn trước những thử thách và sự tiêu cực. Hesse miêu tả anh ta như một Zarathustra mới, người đã đã thỏa mãn khát vọng của mình bằng cách rút về sống ở ngôi làng trên cao nguyên, nơi anh quản lý một quán trọ để phụng dưỡng người cha. Đó là nơi anh ta lấy lại được nguồn năng lượng vũ trụ tự nhiên, giản dị và chắc chắn, kết nối anh ta với vĩnh cửu.
Đi kèm trong những mối quan hệ xung đột vốn cũng là nền tảng cho tác phẩm của Thomas Mann (the Buddenbrooks, Tristan, Tonio Kroger, Death in Venice..) là hình ảnh người cha hiện thân cho sức mạnh vững vàng, làm cho mọi thứ ở trở nên có trật tự, khuôn phép. Tình mẹ, mặt khác, được kết hợp với xu thế cảm xúc nồng nhiệt, hướng về nghệ thuật. Trường phái biểu hiện của Đức có chung niềm tin với Schopenhauer và Nietzsche vào sự tồn tại của năng lượng tối tăm, nguyên khai, cái được biểu hiện ra ngoài để dẫn lối cho người nghệ sĩ tới sự diệt vong và tới cõi tối tăm. Dựa vào công thức này, mỗi người nghệ sĩ trước hết thuộc về Mẹ nguyên thủy tối tăm Urmutter, người mẹ với sức mạnh có thể chảy vào mỗi tạo vật, bất kể hình thức bề ngoài của nó. Cũng như vậy, mỗi nghệ sĩ, nói một cách trừu tượng, là một hình thái lưỡng phân, khi mà tính cách của người đó kết hợp sự chắc chắn của người cha và năng lực người mẹ của cói tối tăm nguyên thủy.
Sự lưỡng phân này đem lại cho những sáng tác của Hesse một chủ đề quí báu, đó là “vượt lên” giới hạn của bản thân và nhân cách, “vượt qua” sự phân chia tâm hồn bên trong thông qua sự kết hợp. Ở trong tác phẩm Narziss und Goldmund (Death and the Lover), chàng thanh niên Goldmund bị đưa tới một tu viện bởi người bố tàn nhẫn, để nhận những chỉ dẫn và để xóa bỏ trí nhớ về những xúc cảm, tính nghệ sĩ của một người mẹ “lăng loàn”. Được sự chăm sóc của Narziss, một “người cha” và một trong những người thầy trẻ tuổi của nhà tu, Goldmund trở thành một kẻ chống đối với những bức tường và sự áp bức. Anh ta rời tu viện, trở thành một nghệ sĩ và một kẻ phong tình, và do đó phát huy được năng lực thuộc phần người mẹ của mình. Từ đó anh ta không hề ngạc nhiên khi biết được rằng ở mỗi cô gái anh ta gặp, ở trong mỗi bức tượng đất sét anh ta làm, và ngay cả trong hình hài của Trinh nữ mà anh ta đã phát hiện, là hình ảnh chôn vùi của một nguyên mẫu người mẹ, đang kêu gọi anh ta từ thế giới bên trong, hướng tới sự bùng nổ (exuberance) và sự hủy diệt.
Sự nổi dậy chống lại hình ảnh người cha (cũng có thể được hiểu là chống lại Đức Cồ Đàm và những bài thuyết giáo điển hình của Ngài) thể hiện một chủ đề chính của Siddhartha. Câu chuyện về Ấn độ của Hesse dựa trên sự phát triển tâm linh nghịch lý của một người Bà la môn trẻ tuổi theo đạo phật. Siddhartha, một phần nào đó, là một người chống đạo Phật, bởi vì nhân vật chính của Hesse đảo ngược câu chuyện cổ điển của Gautama Buddha, người đã sống vào thế kỉ VI trước Công nguyên. Dựa vào huyền thoại của Ấn Độ, người thầy sáng lập ra đạo Phật mang tên Siddhartha lúc sinh thời (họ Gautama), và đã trở thành Phật Thích ca mâu ni thông qua một quá trình tái sinh của tâm linh, sau nhiều năm thiền tu và chịu khổ hạnh. Phật tổ đã chạm tới sự toàn giác thông qua việc ăn chay và ngồi thiền, và thành công trong việc đạt được sự thẩu hiểu hoàn toàn tâm linh, cái đòi hỏi Phật tổ khả năng cảm nhận sự tập trung hoàn toàn của bản thân và tiềm năng của sự siêu việt hướng tới cõi Niết bàn.
Một truyền thuyết khác cho rằng trong khi thực hiện quá trình ăn chay và được các môn đồ sùng bái, Phật đã khám phá ra sự vô dụng của sự hành xác khổ sở, và quyết định “trở lại” với thế giới của con người nhằm thuyết giáo về sự cứu rỗi linh hồn. Mặc dù năm trong số những môn đồ của ông đã bỏ ông bởi vì thất vọng đối với việc thầy của họ dừng việc thiền tịnh, Phật đã tự đề ra cho mình nhiệm vụ trên con đường thách thức tầm hiểu biết của đạo Hindu cổ xưa. Ông bắt đầu phát triển cộng đồng của các nhà sư và những người theo đạo, những người tập trung xung quanh ông và người đệ tử mới ưu tú nhất của ông, Ananda[4]. Truyền thuyết cổ của Ấn độ phân biệt rõ giữa hai giai đoạn thành công trong sự nghiệp của Phật, từ lúc bắt đầu quá trình tu hành khổ hạnh, tập trung tinh thần và sống ở nơi thanh tịnh, sau đó là quá trình kiên quyết đi theo con đường vị tha nhân bản, thuyết giáo và tình yêu thương. Trong giai đoạn đầu, Phật đạt đến cảnh giới hoàn thiện bản thân, giúp Người có thể tự chủ và vượt qua chuỗi luân hồi vô hạn. Điều này đưa đến việc Người vượt ra  khỏi giới hạn của thế giới và hoạt động ngoài vòng xoay của thời gian. Trong giai đoạn thứ hai, Người quyết định trở thành nhà giáo và là người giảng đạo, công việc đã trả lại sự nguyên bản của thời gian bên trong ông và khổ hạnh của người đời. Làm như thế, Đức Phật nhận ra được sự tồn tại của lịch sử và giúp con người tìm ra con đường thoát khỏi khổ đau và sự thăng trầm của đời sống.
Cốt truyện không chính thống của Hesse bắt đầu với cuộc nổi dậy của chàng thanh niên Siddhartha chống lại việc anh ta là một người Bà la môn (Brahmin). Anh ta cảm thấy rằng học thuyết về đức hy sinh, cái anh được học để trở thành một Brahmin thực thụ sau này, không thể giúp anh tự khám phá, bởi vì học thuyết đó bỏ qua những ý nghĩa của việc tu hành khổ hạnh- sự thanh tịnh bên trong và hiểu biết về bản thân mình. Để khám phá bản ngã mình, Siddhartha rời bỏ gia đình và gia nhập nhóm những người hành khất sa môn (samanas), những người sống trong rừng và thường xuyên thực hiện việc tu hành ẩn dật và tập trung tinh thần. Người bạn Govinda đi cùng Siddhartha. Cuối cùng, gặp được Đức Cồ Đàm đang giảng dạy tại một vùng lân cận, Siddhartha đạt tới cảnh giới độc lập về tinh thần, nhưng cũng trải nghiệm sự mặc khải nghịch lí vốn đã được anh theo đuổi với sự khổ hạnh và hành xác, sự mặc khải. Đó là sự mặc khải đã làm nên khoảng cách giữa anh ta và thực tại tối thượng.
Để bù đắp cho sự lệch lạc của mình, Siddhartha quyết đinh rời bỏ các sa môn và hướng tới những ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống thế tục. Làm như thế, anh ta đã tìm lại được những chi tiết thực nghiệm mà anh đã bỏ qua trước đó: những sắc màu chói lọi của tự nhiên, muôn vàn gương mặt sống động của con người và đời sống của họ, những hình thù không đoán trước được của vật chất, và tất nhiên, tình yêu. Bị quyến rũ bởi một cô gái đẹp, anh cảm thấy sự vô nghĩa của những năm tháng tu hành. Đến một ngôi làng nọ, anh ta gặp một cô kĩ nữ quyến rũ, Kamala, người đã dẫn anh vào nghệ thuật của tình ái. Để làm hài lòng nàng với những món quà quí hiếm, anh trở thành một nhà buôn thành đạt, dưới sự dẫn dắt của một lái buôn già dặn, Kamaswami. Nhưng anh ta thực hiện việc buôn bán với sự độc lập và niềm vui thú, như là một nghệ thuật hơn là con đường kiếm sống. Bất chấp thành công trong việc làm nhà buôn, cuối cùng anh cũng rời xa Kamala và Kamaswami, đi theo người bạn già Vasudeva sống trên bờ đê của một con sông lớn và trở thành một người lái đò khiêm nhường.
Những nhân vật và tình huống trong cuốn tiểu thuyết được xây dựng dựa trên những hiện thực và tượng trưng của Đạo Phật. Cô kĩ nữ Kamala là hiện thân của cuộc sống trần tục như là một ảo ảnh của Samsara-dòng chảy bất tận của vòng luân hồi. Dựa trên những gì đạo Hindu dạy thời xưa, và căn cứ vào nghiệp chướng của một người trong kiếp trước, linh hồn của họ sẽ phải tái sinh nhiều lần, bị giam cầm trong vòng luân hồi vô tận.
Những giáo điều của Phật Giáo cũng dạy rằng thông qua sự sám hối, tu hành và thiền định, một linh hồn hoàn hảo có thể vượt ra khỏi vòng luân hồi, đạt tới cõi Niết bàn. Bằng việc rời bỏ đoàn sa môn, Siddhartha tự nguyện tiếp tục cuộc sống của mình bên trong Vòng luân hồi: sự giam cầm của anh ta và Kamala trong thế giới của những ảo tưởng được thể hiện qua hình ảnh một con chim sống trong lồng, được cô kĩ nữ thả ra khi Siddhartha từ bỏ sự nghiệp  nhà buôn và đến sống bên bờ sông.
Mặt khác, Govinda, bạn của Siddhartha vẫn ở lại con đường tiến tới cõi Niết bàn, từ chối đi theo bạn mình khi anh rời bỏ cuộc sống tu hành của sa môn. Siddhartha chỉ ra cho anh ta thấy rằng quyết định của mình là dựa trên một diễn giải không chính thống của học thuyết cổ điển của Đạo Phật, là một cuộc nổi dậy đơn độc chống lại ý nghĩa cơ bản của những gì mà thầy dạy. Anh đã giải thích cho Govinda rằng để đạt được sự hoàn mỹ, Phật phân chia Cõi Niết bàn và Samsara, mặc dù vũ trụ mà chúng ta thấy không có dấu hiệu nào của sự phân chia. Ngược lại, nó là một sự kết hợp sinh động, một thể thống nhất mà trong đó cõi Niết bàn và Vòng luân hồi không đối chọi với nhau mà cùng tồn tại và bổ sung cho nhau. Nếu một nhà triết học mong muốn trở thành một nhà hiền triết thực thụ, ông ta phải hiểu hết cả hai mặt của Vũ Trụ, không chỉ Cõi Niết Bàn, khi mà sự thấu hiểu bản thân cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa của hai nửa của một linh hồn, chứ không phải sự ban cho đặc quyền nửa này chống lại nửa kia.
Dòng sông là biểu tượng chính của sự Toàn mãn trong tác phẩm. Siddhartha và Vasudeva sùng kính nó như là một người thầy vĩ đại, người kết nối hai nửa của Vũ trụ với nhau và liên kết Trái đất với sự bất diệt. Con sông lớn đánh dấu trung tâm địa lý trong trí tưởng tượng trong tiểu thuyết của Hesse. Siddhartha qua sông nhiều lần: lần đầu, khi anh ta vẫn là một người hành khất (saman), anh ta học được từ dòng sông rằng mọi vật đều mất đi, trong dòng chảy bất tận liên kết sự sống và cái chết trong vòng luân hồi của vũ trụ. Sau đó, khi anh ta quay lại dòng sông làm người lái đò, anh ta trải nghiệm những bí mật mà dòng sông nắm giữ, đồng thời, từ thời xa xưa, tất cả những nguồn nuôi dưỡng và những “hình ảnh” của thế giới.
Tiểu thuyết Demian được xuất bản năm 1919 dưới một bút danh tiếng Anh (Emil Sinclair). Nó được ra cùng khi với “Sự Trở Lại Của Zarathustra- Một Lời Cho Giới Trẻ Đức”, là một bản tuyên ngôn ngắn nhưng rực rỡ, qua đó Hesse chào đón cái kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ nhất và thể hiện niềm tin cháy bỏng của ông vào sự xuất hiện của một kỉ nguyên mới, linh thiêng, vươn lên như một con phượng hoàng vụt lên từ chính đống tro tàn của nó. Cả hai tác phẩm đều đã thành công rộng rãi, mặc dù tác giả đã giấu tên thật của mình trong một thời gian. Điều đó là sự thật, ví dụ như Thomas Mann đã rất quan tâm tới Demian (Mann cũng đã từng so sánh tác giả của nó với cả James Joyce), đã liên hệ với người chỉnh sửa Samuel Fischer nhằm tìm ra ai chính là tác giả. Việc này đã giúp ông tạo nên tình bạn khăng khít với Hesse, hoàn toàn ăn khớp với việc họ đã có quan hệ thư từ qua lại thường xuyên, việc Hesse ghé thăm gia đình của Thomas Mann ở Montagnola (Bắc Thụy Sĩ, nơi Hesse bén duyên cùng người vợ thứ hai, Ruth Wenger), và cuối cùng là cuộc vận động kiên quyết của Mann hướng tới giải Nobel Văn học cho người bạn mình năm 1946.
Demian, cái tên rõ ràng làm cho ta liên tưởng đến cái tên cổ “daimon, daemon” (quỷ dữ), có mặt trong tiểu thuyết trong vai của một thiên thần bóng tối, người giúp nhân vật chính phát huy năng lực nguyên khai, tăm tối trong tính cách của mình. Người anh hùng trong tiểu thuyết điển hình cho kiểu người lưỡng cực, từ khi anh ta bị dằn vặt từ thuở ấu thơ, bởi sự đối chọi giữa hai thế lực đối nghịch bóng tối và ánh sáng, tạo nên sự giằng co trong nhân cách anh ta. Rời xa gia đình nơi đã mang lại cho anh ta một tuổi thơ thanh bình, và rời bỏ những người chị em gái hiền lành, Emil Sinclair cảm thấy cách ứng xử khó gần của mình được qui định bởi một sự nguyền rủa vô hình nào đó. Max Demian, một người bạn học lớn tuổi và kì dị, giúp anh ta bộc phát năng lực bị dày vò trong tâm hồn anh ta, thuyết phục anh ta rằng anh ta mang “dấu ấn” của một người ưu tú bị quỉ ám mà nguồn gốc có thể được truy về tới Cain, hình ảnh nổi bật đầu tiên về thế lực bóng tối trong Kinh thánh.
Max Demian dạy Sinclair rằng mỗi con người nên biết cách “siêu việt” và trở thành siêu nhân, bằng lòng với sự nguyên vẹn của tồn tại, đó là sự kết hợp của năng lực ánh sáng và bóng tối. “Siêu việt”, Demian giải thích, nghĩa là sống vượt ra ngoài giới hạn, vượt ra khỏi cái xấu và cái đẹp, và trải nghiệm tự do như là một sự phun trào tổng thể của vũ trụ, trong đó Chúa và Quỷ dữ đến cùng với nhau. Đó là sự hăng hái với việc tạo nên một “tôn giáo mới”, bao bọc bởi những người mạnh mẽ, cô độc, những người tự tiến tới sự hoàn hảo của con người và vũ trụ, điều đó đã kết nối Demian và Sinclair lại. Mặc dù con đường của hai người đã chia cắt họ trong một thời gian, tuy nhiên họ vẫn có chung niềm tin rằng mỗi người nên tìm cho mình một linh hồn “sinh đôi”, người có thể giúp anh ta phát huy mặt còn bị che khuất trong tính cách.
Thế giới Abraxas, đánh dấu một tôn giáo mới, đưa chúng ta trở về với tinh thần “Ngộ đạo” (Gnostic) cổ xưa. Một chủ đề ngộ đạo khác trong Demian đó là sự mâu thuẫn của “hai bà Eva”. Một là Eva trong Kinh Thánh, và người kia là Bà Eva, mẹ của Max Demian, là sự nhân đôi tâm linh của nhân vật Eva trong kinh thánh, người nhắc ta nhớ lại Gnostic Sophia, sự hiện thân của Tri thức nhân loại và vũ trụ. Người thông thái trong cái trật tự trí tuệ mới -như tác giả đề xuất-nên tái hòa nhập dưới sự dẫn dắt tâm linh của Eva mới, trong bối cảnh sự hồi phục lớn hơn của loài người và nền văn minh mới tạo ra do Chiến tranh thế giới I. Ở khía cạnh này, những lời nhắn nhủ mang tính ý thức hệ nhân văn của tác phẩm tương đồng với chủ đề về sự trẻ hóa của tâm linh có chọn lọc, được Hesse đề cập trong Sự Trở Lại Của Zarathustra.
Kẻ lang thang cô độc, được thể hiện như là lực lượng bóng tối trong Knulp, cũng là đặc điểm trong chiều sâu cấu trúc của Sói Đồng Hoang. Nhân vật chính trong đó, Harry Haller, sống trong bi kịch và tự xa lánh người đời, nhưng anh ta bị lôi cuốn, giống với Detlef Spinell, gã nhà văn lố bịch từ Tristan của Thomas Mann, bởi môi trường tư sản có cơ chế một cách hoàn hảo và vững vàng. Anh ta tán dương những thứ đó như là sự thu nhỏ của những hình thái kiên cố và có kết cấu vững chắc của xã hội. Harry Haller cũng là một nhân vật lưỡng diện: tâm hồn anh ta được tổng hợp trong một sự tương phản mang tính bi kịch đối với niềm đam mê trật tự và “tiếng gọi của loài sói”, cái đã đưa anh ta tới cuộc sống của một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, xa rời sự hiểu biết và lòng thương xót của con người. Hesse có thiên hướng kết hợp hình ảnh kẻ nổi loạn này với xã hội chung của cái được gọi là “nghệ thuật của tầng lớp dưới”, bao gồm ảo thuật gia, diễn viên xiếc, phù thủy lang thang và người biểu diễn nhào lộn. Những gì mà Hesse cũng có chung với Thomas Mann đó là niềm khát khao để phơi bày ra rằng chính nghệ thuật nó có hai trình độ của tự-biểu hiện: một cái hùng vĩ đi theo cái thiên tài, và một cái châm biếm, lố bịch thì kết hợp với hình ảnh tên hề. Tình yêu của Harry dành cho một cô gái, Hermine, người cũng mang dấu vết lưỡng tính của Hermes, (một vị thần Hi Lạp trông cửa ra vào thế giới ngầm) đã đưa anh ta vào một “Hí viện ảo dị”, trong đó hai mảnh của tâm hồn anh ta sẽ hòa thành một.
Tinh hoa của lòng tin của Hermann Hesse vào sự tồn tại của một “cấp bậc thuần túy” của thi sĩ và nhà tư tưởng đã định hướng cho ông trong suốt cuộc đời, đóng một vai trò quyết định trong sự lựa chọn của ông để trở thành công dân Thụy Sĩ năm 1923. Nhận thức của ông về đất nước Thụy Sĩ gồm hai phần. Một bên, nó đã thể hiện sự độc lập chính trị, đất nước “hoàn hảo” của vùng Alps, nơi đã nuôi nấng J.J.Bachofen, Jacob Burchkardt[5] và Nietzsche, tất cả họ đều là những giáo sư xuất sắc của Đại Học Basel. Mặt khác, đây là mảnh đất rạng rỡ của những người ưa hòa bình, trung tâm văn hóa, thuần khiết, không mang tư tưởng chính trị Đức, cái mà Hesse cố gắng thể hiện trong những bài báo và bản tuyên ngôn chống lại Hitler và Đức Quốc Xã. Niềm tin mãi mãi của ông rằng người nghệ sĩ nên quây quần bên nhau trong một hội cấp cao, được dẫn dắt bới những giá trị phi phàm và sự rộng lượng chung, đã được đưa vào tiểu thuyết Die Morgenlandfahrt (Hành trình về phương Đông, 1932) và Das Glasperlenspiel (1943), một xã hội tâm linh không tưởng, huy hoàng được dựng vào năm 2200.
Niềm tin rằng con người nên thực hiện sứ mệnh nằm trong mỗi con người, đã định hướng cho cuộc đời của ông. Đặc điểm này được thừa hưởng từ gia đình những người truyền giáo cả hai bên nội ngoại của nhà văn. Sinh ra năm 1847 tại Estonia, người cha ngoan đạo của ông, Johannes Hesse, đã phụng sự việc truyền đạo thiên chúa tại Ấn độ. Tại đó ông gặp mẹ của Hesse, Marie Gundert (sinh 1842), người cũng thuộc gia đình truyền giáo. Trở lại Đức năm 1873, họ kết hôn với nhau và sống ở một ngôi làng thuộc Calw, gần khu Rừng Đen, trong vùng đất Württemberg, và điều hành một nhà phát hành sách truyền giáo, dưới sự chỉ dẫn của ông ngoại của Hesse, Hermann Gundert. Như là một hệ quả, Hesse luôn luôn chia sẻ ý kiến rằng mỗi chúng ta nên trở thành một người theo chủ nghĩa nhân đạo ưa hòa bình, và cái văn hóa đó, được dựng lên bởi những nhà tư tưởng và nghệ sĩ lỗi lạc với những nhu cầu nhân đạo thuần túy, có thể chữa lành tất cả những vết thương của một nền văn minh nặng về vật chất và bị dày xéo.
Hành trình về phương Đông gợi lên hào khí của cuộc thập tự chinh thời trung cổ, mặc dù tác phẩm bám vào hiện thực của thế kỉ 20. Nhân vật chính trong tác phẩm, được gọi là H.H (hầu hết các anh hùng trong những tác phẩm của Hesse đều ẩn chứa tính tự truyện), tham gia một phong trào tự do tư tưởng, đoàn kết những cá nhân văn hóa ưu tú một thời. Những thành viên của họ, tập trung lại thành nhóm, chu du khắp châu Âu, rồi hướng tới phương Đông xa xôi. Mục đích cơ bản của cuộc tuần hành của họ là sự thôi thúc về văn hóa cho mỗi người. Cộng đồng lang thang đó được điều hành bởi một hệ thống cấp bậc chặt chẽ, nó khảo sát sự hiến dâng và sự tự thực hiện của mỗi thành viên một cách nhân từ. Không có chỗ cho những chính trị gia trên chuyến đi: những người tham gia hành động và suy nghĩ vượt ra khỏi thời gian và lịch sử, được chỉ dẫn bằng những qui luật riêng trong tổ chức của họ.
Một nơi vượt thời gian như Castalia, là một cộng hòa kiểu đảo quốc của những người chơi Trò hạt ngọc thủy tinh, cuốn tiểu thuyết với tiêu đề đồng âm (Das Glasperlenspiel), được xuất bản năm 1943, vào thời điểm cao trào của Chiến tranh thế giới thứ hai, như là bản tuyên ngôn độc lập của cá nhân và là một sự phản kháng. Người thanh niên Josef Knecht, một bậc thầy của trò chơi trong tương lai, là một học trò với những khả năng xuất sắc. Những ưu thế đó khiến anh ta được chọn vào một ngôi trường đặc biệt ở Castalia, một cấp bậc của tư tưởng được điều khiển bởi một hệ thống nghiêm khắc nhưng nhân đạo của những quan chức và bậc thầy trong mười hai nhánh của khoa học nhân văn. Nhóm đặc biệt xuất sắc của hệ thống cấp bậc bao gồm những người chơi trò hạt ngọc thủy tinh xuất sắc, tinh tế bằng việc tổng hợp tất cả các nghệ thuật và biểu tượng của chúng vào một tổng thể dựa trên những luật lệ liên kết giữa toán học và âm nhạc. Trò chơi đòi hỏi một sự bắt đầu đặc biệt, theo kiểu Pythagor để tập cho người chơi làm quen với nghệ thuật của tư tưởng tương hợp. Thành công gồm cả việc trung hòa dao động tâm lí của những người chơi, như nó đã xảy ra trước đó đối với những người Gnostics.  
Tiểu thuyết là một thế giới không tưởng: những gì diễn ra trong đó được dựng trong bối cảnh năm 2200, nó cũng được đánh dấu, trong niềm tin của Hesse, là sự kết thúc của thời kì “hiếu chiến” và “sơ khai” của thời đại anh hùng. Kỉ nguyên mới ở Castalia nơi mà tinh hoa tư tưởng cư ngụ tại vùng đất trung tâm, bị thiếu thiên tài và sự sáng tạo, nhưng có khả năng phục chế những biểu tượng và công thức thành một mạng lưới tinh vi của sự tương đồng văn hóa. Tất cả những cư dân của Castalia đều là bậc thầy xuất sắc trong lĩnh vực của họ, được chắt lọc kĩ lưỡng và kiểm soát trong hàng thập niên của quá trình hình thành nên họ. Họ sống vượt ra cả thời gian và lịch sử, trong trạng thái trung hòa, tâm hồn thanh thản. Castalia dù sao cũng thể hiện một gánh nặng về tài chính của nhà nước phúc lợi (altruistic state). Khi lịch sử của lãnh hạt bên ngoài tăng tốc phát triển, đi vào một kỉ nguyên mới của rối loạn chính trị và giao tranh, thế giới này sẽ biến mất. 
Tác phẩm nói về câu chuyện của Josef Knecht, người hoàn thành sự thăng tiến trong hệ thống cấp bậc bằng việc trở thành một bậc thầy đáng kính, bậc thầy của trò chơi hạt ngọc Thủy Tinh. Trên đường thăng tiến của mình, ông được gửi gắm bởi những quan chức của Castalia để hoàn thành nhiều nhiệm vụ bên ngoài. Một chuyến đi đưa ông đến một tu viện dòng Benedictine, nơi ông gặp Pater Jakobus, một trong những thủ lĩnh tư tưởng của Nhà thờ dòng Catholic. Hesse mô tả thầy tu già như một bản sao của Jacob Burckhardt, giáo sư và là một học viên cũ của Nietzsche tại đại học Basel. Đây là một động thái đùa cợt đối với cảnh ngộ của chính Hesse, như là một người di cư tự nguyện vào vùng chính trị trung lập của Thụy Sĩ, bao quanh bởi sự dữ dội của Chiến tranh thế giới thứ hai. Dưới sự chỉ dẫn của Pater Jakobus, Josef Knecht bắt đầu với nghệ thuật của lịch sử và nhận ra rằng ngay cả Castalia cũng có khuynh hướng bị tàn lụi, những mâu thuẫn được nó chấp nhận cũng đầy miễn cưỡng (ngoại trừ những giá trị tâm linh) và số phận của nó mong manh một cách hiển nhiên. Với nhiều năm phụng sự trên cương vị là một bậc thầy xuất sắc, Knecht đã trải qua một chấn động gây ra bởi lòng tin của ông ta rằng với việc giữ nguyên một Castalia biệt lập, dù sao ông cũng đóng góp cho sự bí ẩn cho phép vùng đất tồn tại, trong khi không có khả năng điều khiển vận mệnh của chính nó. Để giải quyết tình huống tiến thoái lưỡng nan, Josef Knecht quyết định rời bỏ trách nhiệm và tiếp tục cuộc sống của một giáo viên dạy tư tại một ngôi nhà thuộc về tục của một người bạn và là một người từng đối lập với ông, chính trị gia Plinio Designori. Không hòa nhập được với hoàn cảnh mới, ông ta chết gần như tức khắc, trong khi bơi trong một hồ nước lạnh trên dãy Alps, được soi rọi bởi mặt trời buổi bình minh.
Đại học Babes-Bolyai, Cluj- Napoca, Romania.




[1] Số tháng 1 năm 2006, tr 13-22, theo Stefan Borbely.
[2] Micheal D. Sollars, (2008), Infobase Publishing, New York.

[3] Bản dịch tiếng Anh là “mid-day man”,người đàn ông không có bóng, chúng tôi tạm dịch là Ngọ nhân.
[4] Thánh tăng A Nan Đà, một trong những người anh em họ của Phật Thích ca.
[5] Nhà sử học có ảnh hưởng lớn tới Hesse.