Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Từ quan niệm của Đạo gia về tự nhiên đến không gian vũ trụ trong thơ Lý Bạch


Ngô Thị Thu Thủy

            Lý Bạch là một trong những nhà thơ lớn nổi tiếng ở thời thịnh Đường. Ông đã đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển nền thơ ca Trung Quốc. Tìm hiểu về không gian vũ trụ trong thơ ông dưới ảnh hưởng của tư tường Lão Trang sẽ giúp chúng ta tiếp cận và cảm nhận sâu sắc, thấu đáo hơn về nội dung và nghệ thuật trong thơ Lý Bạch, hiểu rõ cảm nhận thật sâu sắc và toàn diện về thi pháp nghệ thuật trong thơ Đường.
I. Thuyết vô vi và tinh thần tự do, hòa hợp tự nhiên trong quan niệm của Lão Trang
1. . Giới thuyết chung về Tư tưởng Lão Trang
Lão Tử, nhà triết học Trung Quốc thời Xuân Thu, là người khai sinh ra trường phái triết học Đạo gia. Theo “Sử ký” Tư Mã Thiên và truyền thuyết, Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, thụy là Đam, còn gọi là Lão Đam. Ông người làng Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở (nay thuộc Hà Nam, Trung Quốc). Ông là quan sử, từng giữ chức Thư tùng thất cho nhà Chu, sau lui về ở ẩn.
Toàn bộ tư tưởng của Lão Tử được trình bày ngắn gọn và súc tích trong cuốn “Đạo đức kinh” gồm 81 chương, chia làm 2 thiên: “Đạo kinh” (quyển thượng) và “Đức kinh”(quyển hạ).
Cốt lõi triết học của Lão Tử là “Đạo”. Đạo vốn là nòng cốt, cơ sở và tinh hoa của tư duy triết học phương Đông. Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử đã trình bày một khái niệm rất mới, rất thâm viễn về “Đạo”, đem lại cho “Đạo” một nội dung mới mà trước đó trong tư duy triết học Trung Quốc chưa hề có và sau này cũng chưa có văn triết nhân nào có thể vượt xa hơn.
Trang Tử (369 -286 tr. CN) tên thật là Trang Chu, nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thời Chiến Quốc, là một đại biểu quan trọng của Đạo gia. Ông là người xứ Mông, nước Tống, từng làm quan coi Tất viên, sau về ẩn cư tại núi Nam Hoa.
Tác phẩm "Nam Hoa kinh" được lưu truyền đến nay còn 33 thiên, chia làm 3 phần lớn: Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên. Tuy nhiên theo phỏng đoán của nhiều nhà nghiên cứu, chỉ có Nội thiên là do Trang Tử viết, còn phần lớn là do người đời viết thêm vào.
Trung tâm toàn bộ học thuyết triết học của Trang Tử là quan niệm về đạo đức, “cái cốt yếu nhất vẫn quy về thuyết Lão Tử”. Và như vậy, so với học thuyết của Lão Tử, học thuyết của Trang Tử có điểm tương đồng và có tính kế thừa. Cả hai ông đều có tư tưởng chống lại giáo điều truyền thống và chế độ đương thời.
2.Thuyết vô vi trong quan niệm của Lão Trang
Tư Mã Thiên nói: “Lí Nhĩ chủ trương vô vi mà dân tự cảm hoá, thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính”.
Cốt lõi triết học của Lão Tử là “Đạo”. Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử đã trình bày một khái niệm rất mới, rất thâm viễn về “Đạo”, đem lại cho “Đạo” một nội dung mới mà trước đó trong tư duy triết học Trung Quốc chưa hề có và sau này cũng chưa có văn triết nhân nào có thể vượt xa hơn.
Lão Tử cho rằng “Đạo” là bản nguyên của thế giới, “thứ hình thành trong cõi hỗn độn, sinh ra trước cả trời đất, là mẹ cả thiên hạ. Ở đây, Đạo là thực thể khách quan sinh ra trước muôn vật, là chủ tể của mọi hiện tượng tự nhiên xã hội. Bản chất của Đạo là “vô”: “thiên hạ vạn vật sinh ở hữu, hữu sinh ở vô”. Mở rộng tư tưởng về Đạo đến lĩnh vực đời sống xã hội, Lão Tử đề xuất học thuyết “vô vi” như là một học thuyết về nghệ thuật sống của con người trong sự hoà hợp với tự nhiên.
“Vô vi” dịch theo nghĩa đen là không làm gì. Nhưng hơn 2000 năm nay, người Trung Hoa vẫn hiểu nó theo nghĩa hành động một cách tự nhiên, không làm gì trái, không can thiệp vào guồng máy tự nhiên, không giả tạo hay cưỡng ép quy luật tự nhiên. Lão Tử sùng thượng “tự nhiên”, cho tự nhiên là hoàn hảo tột bực, năng lực vô biên. “Đạo đức là cái luật tự nhiên”. Nếu không thuận theo lẽ đạo ấy mà đem ý chí dục vọng con người ra cưỡng ép vạn vật tất sẽ chuốc lấy khổ đau thất bại. Vì vậy, con người không nên làm mất cái đức tự nhiên thuần phác vốn có của tạo vật, ham muốn những gì trái với bản tính tự nhiên của mình.
Vô vi còn có nghĩa là không là mất cái đức tự nhiên thuần phác vốn có của vạn vật, không ham muốn những gì trái với bản tính tự nhiên của mình. Nếu cố tìm cách thoả mãn dục vọng tất sẽ can thiệp tự nhiên và chuốc lấy tai hoạ.
So với “Lão Tử”, nội hàm “vô vi” của Trang Tử được mở rộng đến hành vi nhân cách của con người, đó là làm cho mọi vật đều được tự do bình đẳng sống theo bản tính tự nhiên để đạt tới hạnh phúc tuyệt đối. Đó chính là cái đức thuận tự nhiên, không chịu sự ràng buộc bởi các mối liên hệ xã hội của con người.
Trang Tử còn xem “vô vi” là mẫu mực sống của các bậc thánh nhân, “rong chơi ở cõi vô cùng, tâm hồn hòa đồng cùng vạn vật thản nhiên trước sự sống chết”, được thỏa mãn mọi ý thích và phát triển một cách trọn vẹn bản tính tự nhiên vốn có của mình. Đó là “chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh”.
Lão Trang đề cao “vô vi” là để cho người đời được sống thuần phác, yên ổn, thiên hạ được thái bình, tạo nên mối tương giao cộng đồng xã hội theo tinh thần giản dị hồn nhiên, bình đẳng, tự do và nhân ái. Trên nền tảng đó, Lão Trang đề xướng khái niệm tự nhiên, hư tĩnh.
3.Tinh thần tự do, hòa hợp tự nhiên
Lão tử đề cao tính khiêm nhu, đôn hậu,thương kẻ nghèo và yêu nếp sống tự nhiên, giản dị, tri túc, thanh tĩnh.. khiến ta hướng thượng, cao cả hơn, trong sạch hơn, cuộc sống lãng mạn, nên thơ hơn.
Với Lão Tử, hạnh phúc của đời người có được là nhờ biết thuận tự nhiên, bằng lòng với thực tại, là nhờ “vô vi” nhưng không gì không làm. Với Trang Tử, hạnh phúc của bậc chân nhân là đạt đến tự do tinh thần tuyệt đối, biết sống theo bản tính tự nhiên, được phát triển những năng lực, sở thích tự nhiên của bản thân và tạo vật.
Trong các tác phẩm của Trang Tử thường nói nhiều đến cái đẹp của tự nhiên, từ trong sự chuyển động trôi chảy lưu loát của thiên nhiên mà ngộ được cảnh giới tự do của con người trong cuộc sống cá thể. Cái đẹp của Trời Đất không phải ở nơi hình thức và sắc thái mà chính là ở chỗ không bị cái gì ràng buộc, mà hoàn thành trọn vẹn một cách tự nhiên. Trang Tử mong muốn ngộ được cái Đạo, hoà hợp với đại Đạo, tâm linh trao đổi với thiên nhiên. Như vậy, Trang tử luôn đề cập đến cái đẹp của thiên nhiên thông qua sự phản ánh của tinh thần tự do vô giới hạn của cuộc sống.
Biện chứng pháp trong học thuyết Lão Trang cũng chỉ rõ “Đạo” là bản nguyên của thế giới, “thứ hình thành trong cõi hỗn độn, sinh ra trước cả trời đất, là mẹ cả thiên hạ » . Ở đây, Đạo là thực thể khách quan sinh ra trước muôn vật, là chủ tể của mọi hiện tượng tự nhiên xã hội. Bản chất của Đạo là “vô”: “thiên hạ vạn vật sinh ở hữu, hữu sinh ở vô” : bản thể vũ trụ là vĩnh hằng nhưng trong thế giới không có gì tĩnh tại.Do vậy,vạn vật luôn luôn lưu động, chuyển hóa lẫn nhau, phát sinh từ Đạo rồi trở về với Đạo. Thế giới vạn vật đều có sẵn một năng lực nội tại tự sinh tự hóa vận động không ngừng. Sự sinh hóa ấy là cuộc đại chuyển tiếp giữa vũ trụ và vạn vật, là trạng thái của “Đạo” theo trật tự của tạo hóa. Thuộc tính khách quan đó khiến cho đất trời sinh hóa phó mặc tự nhiên không một lực lượng nào có thể can thiệp.
Như vậy, “Đạo” của Lão Trang là cái thế giới thường xuyên vận động biến đổi không ngừng, có sinh mà không có tử, tử cũng chỉ là một hình thái biến hóa của sinh. Do vậy, con người khi nắm được cái quy luật hóa sinh ấy của “Đạo” rồi thì bình thản sống theo quy luật tự nhiên, không ham sống lâu, không ham danh vọng tiền tài, vinh nhục, lợi danh, thanh sắc, giàu nghèo không còn là mối bận tâm nữa, có được phong cốt ung dung tự tại của bậc cao nhân thấu đạt đạo trời, thủ tiêu được những ràng buộc của ngoại giới, ly khai với mọi biến động ở đời. Bậc chân nhân vượt qua được giới hạn quan niệm sinh - tử tầm thường sẽ đạt tới sự giao hòa với vạn vật, sự sống chết trở nên nhỏ bé trước tự nhiên. Lẽ Đạo ấy có thể khiến con người ta sống bình thản, an nhiên tự tại trong đời. Đó là cái lẽ của tinh thần tự do.
Theo Lão Tử, cái dụng của hư không là vô tận. Kẻ sống theo Đạo cần phải giữ lòng mình như hư không (hư tâm), điềm đạm, nhu thuận và lặng lẽ, hòa hợp với Đạo. Hư tĩnh, điềm đạm và vô vi là con đường trở về cái gốc hư không thuần phác và bản nhiên của vạn vật - Đạo hiển hiện ở đó, Thiên chân cũng hiển hiện ở đó. Tinh hoa của bao kinh sách Đạo gia, đích đến của bao phương pháp tu luyện "tinh, khí, thần" đều quy cả về cái gốc hư không thuần nhiên ấy. Lão Tử nói: "Trí hư cực, thủ tịnh dốc; vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục, các phục quy kỳ căn”.(Đến chỗ cùng cực hư không, là giữ vững được cái tịnh; vạn vật đều sinh ra, ta thấy chúng trở về cội gốc).
Về mặt nghệ thuật, trong "Đạo đức kinh", Lão Tử thường xưng tán những thứ đá quý không đục đẽo. Tư tưởng của ông là không nên tô điểm thiên nhiên bởi vì nghệ thuật hoàn mỹ nhất thì không để lộ một chút gắng sức nào của nghệ sĩ. Các nhà lý luận mỹ học cổ điển Trung Quốc từ đó mà cũng thường quan niệm nghệ thuật phải tự nhiên như nước chảy, mây trôi, không có vết đục đẽo. Sự dụng công đẽo gọt nhào nặn là can thiệp tự nhiên, phá hỏng sự hồn thuần của tạo vật.
Chí khí của bậc hiền triết Lão Tử, Trang Tử chính là ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời.
Lão Trang đề cao “vô vi” là để cho người đời được sống thuần phác, yên ổn, thiên hạ được thái bình, tạo nên mối tương giao cộng đồng xã hội theo tinh thần giản dị hồn nhiên,thanh tịnh, bình đẳng, tự do và nhân ái. Tuy vậy, ngay trên lý thuyết, tư tưởng của Lão Trang đã mang nặng tính cực đoan và ảo tưởng.
Nhưng xét cho cùng, sự ra đời của học thuyết Lão Trang là một phản ứng tất yếu đối với cục diện xã hội thời Xuân Thu- Chiến Quốc. Trong đại cục rối loạn ấy, người sáng lập Nho gia mong muốn vãn hồi cảnh thái bình thời Nghiêu- Thuấn bằng luân lý, kỷ cương còn người khai sinh ra trường phái Đạo gia lại đưa ra học thuyết đối lập, chủ trương buông thả tự nhiên, quay về với thời kỳ hồn nhiên giản phác cuả lịch sử. Nhà nước phong kiến Trung Hoa hơn 2000 năm đã dùng Nho học để đào tạo ra những chính trị gia còn Đạo gia lại có công bồi đắp nên những tâm hồn thi sĩ và mở ra những không gian thi ca thanh thoát. Lịch sử Trung Hoa đã ghi nhận tên tuổi những chính trị gia – nhà thơ kiệt xuất như là mộht hiện tượng phổ biến: đó là sự điều hòa hai trường phái, học thuyết chính trị- đạo đức đối lập: trường phái cổ điển Nho gia và trường phái lãng mạn Đạo gia. Tô Đông Pha, Đào Uyên Minh và đặc biệt là các nhà thơ thời Đường. . . không nằm ngoài số ấy. Họ đã để lại cho hậu thế vô vàn những bài thơ đẹp về mối giao hòa giữa con người và tạo vật, tạo nên một không gian thanh thoát trong Đường thi.
II. Không gian vũ trụ trong thơ Lý Bạch
1.Màu sắc Lão Trang trong văn học Trung Quốc
Trong văn học, Đạo gia đã để lại những dấu ấn đậm nét. Quan niệm của Lão Trang về vô vi,tự nhiên, hư tĩnh đã gây ra ảnh hưởng lớn đối với thẩm mỹ ý cảnh và phong cách trong thi ca, thư pháp, hội hoạ, kiến trúc Trung Quốc.
Bắt đầu từ thời Nguỵ Tấn, khi tư tưởng đại nhất thống sụp đổ thì tư tưởng sống hoà hợp tự nhiên, tự tại tiêu dao của đạo Lão Trang được tôn sùng. Giới trí thức Nho học từ đó về sau tìm đến học thuyết Lão Trang như là một phương thức để cân bằng giữa con người hành động và con người tư tưởng, nhà chính trị - nhà thơ. Hoặc khi bất mãn với thời cuộc, họ tìm đến với Đạo gia để tỏ chí lánh đời. Giới trí thức Nho học đã tìm thấy ở thánh điển của Đạo gia tư tưởng thoát tục, gần gũi cuộc sống tự nhiên. Nguỵ Văn đế Tào Phi coi khinh lễ tiết, ưa chuộng phong cách tự nhiên. Lưu Linh say rượu mê thành tiên. Kê Khang thì “vượt danh giáo buông thả tự nhiên”.
Kim Thánh Thán thị tài, tự phụ, coi đời là cuộc chơi, đề cao tự do tự tại. Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha, Nghiêm Tử Lăng…đều là những cá nhân kiệt xuất ưa chuộng tiêu dao trong đời, coi thường danh lợi, đã để lại cho đời vô vàn những vần thơ bất hủ. Thi tiên Lý Bạch từng nói:
“Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Chỉ hữu ẩm giả lưu kỳ danh”
Thiên tử gọi về, thưa “thần nhờ rượu đã thành tiên ». Nhưng trên tất cả những sự buông thả lễ giáo ấy, tinh thần tôn trọng tự nhiên, quý vẻ hư tĩnh của Lão Trang đi vào tâm hồn thi nhân đã vẽ nên những nét mềm mại, khoan hòa trong nhân tính cùng lòng chuộng mến thiên nhiên. Cái mát rượi của non xanh, trời cao, nước thẳm không biết tự bao giờ đã trở thành nơi gửi gắm tâm tình của người thơ, mà một đại diện tiêu biểu chính là Lý Bạch.
2. Cuộc đời Lý Bạch
Lý Bạch (701- 762) tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, quê quán ở Thành Kỷ, Lũng Tây (nay thuộc tỉnh Nam Túc). Song sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Liên, huyện Chương Minh (còn gọi là Long Xương hoặc Xưởng Minh) thuộc Miên Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên).
Từ nhỏ ông đã giỏi thơ phú, trọng nghĩa khinh tài, thích múa kiếm, thích làm hiệp sách. Vốn là người say cảnh thiên nhiên hùng vĩ, non xanh nước biếc, Lý Bạch  đã du ngoạn qua nhiều danh lam của đất nước : hồ Động Đình, đến vùng sông Tương, qua Giang Hạ, Kim Lăng, Dương Châu, vào Ngô Việt lại quay về Giang Hạ, đến An Lục. Ở kinh thành vài năm, ông rời Trường An sang Lạc Dương, ông gặp Đỗ Phủ, hai người kết bạn, rồi cùng nhau sang vùng Sơn Đông săn bắn ngao du sơn thuỷ. Chia tay nhau, Đỗ Phủ về Trường An, Lý Bạch lại tiếp tục du lịch khắp lưu vực Hoàng Hà và Trường Giang.
Lý Bạch là một nhà thơ có ảnh hưởng lớn đối với thi đàn đời Đường và thơ ca nhiều thế hệ sau. Lý Bạch là thiên tài của những bài thơ Tuyệt Cú ngắn gọn, nhưng cô đọng, hàm súc, đầy đủ, là những tuyệt tác bất hủ được lưu truyền trong nhân gian từ đời này qua đời khác. đọc thơ Lý Bạch ai cũng thấy rõ tính cách ngang tàng, phóng khoáng, ý chí mạnh mẽ, rát đặc biệt mà không có một nhà thơ nào có.
Có thể nói cuộc đời Lý Bạch là một chuyến du hành không biết chỗ dừng chân. Hai mươi tuổi với tráng chí của tuổi trẻ ông muốn làm những việc khác đời. Ông không đắm mình vào lịch sử, đỗ đạt mà lại ngao du ở các nơi danh song thắng tích ở đất Thục. Vốn là người say cảnh thiên nhiên hùng vĩ, non xanh nước biếc,trước khi lên kinh thành Lý Bạch du ngoạn hồ Đông Đình, tới Kim Lăng Dương Châu và rất nhiều các địa thắng khác nữa. Lý Bạch đã hoà mình vào với thiên nhiên vũ trụ thể hiện cái khát vọng tương thông hoà với vũ trụ để rồi từ đó nảy sinh nên một hồn thơ phóng khoáng, lời hay ý đẹp, đã vẽ nên không gian vũ trụ cao - viễn cho ta một hình ảnh viên mãn về thế giới của sự hoà điệu giữa thiên nhiên với con người. Hình thành nên một phong cách Lý Bạch mà không một nhà thơ đương thời có được.
Tìm hiểu và ngao du sơn thuỷ khiến Lý Bạch suốt đời đi đến rất nhiều danh lam thắng cảnh, dấn chân ông dường như in khắp đất nước Trung Quốc. Sự hun đúc của thiên nhiên cộng với tinh thần lãng mạn khiến ông có một tâm hồn hào phóng, một tấm lòng rộng mở và ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành phong cách thơ ca của ông. Đối với thiên nhiên, ông quan sát trong thời gian dài, lại có tình yêu say đắm, nồng nàn nên ông đã cảm nhận, khám phá ra được những vẻ đẹp sâu xa thầm kín của thiên nhiên. Vì thế mà không gian thiên nhiên trong thơ ông thật đẹp, trong sáng, siêu phàm hùng vĩ và tráng lệ.
Yêu thiên nhiên, mê say với cảnh trí non nước, tư tưởng của Lý Bạch thiên về đạo Lão. Vẻ đẹp của tự nhiên, hư tĩnh thấm nhuần trong từng câu thơ ông. Cái phóng khoáng, tự do lãng mạn trong thơ ông là cái dự do tinh thần tuyệt đối mà Lão Trang thường xưng tụng.
Tuyệt đại bộ phận thơ Lý Bạch là trữ tình, trong đó có bộ phận không nhỏ mang đậm màu sắc lãng mạn. Qua thơ văn ông, có thể thấy được tâm tư, hình ảnh một kẻ sĩ hoài bão, có tài năng có tâm hồn lạc quan, hào phóng, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tinh thần lãng mạn tự do, quý chuộng tự nhiên của Lão Trang.
3. Không gian vũ trụ trong thơ Lý Bạch
            Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của hình tượng. Vậy không gian nghệ thuật là hình tượng không gian trong tác phẩm (Trần Đình Sử - giáo trình thi pháp học). Trong tác phẩm nghệ thuật con người xuất hiện với tư cách là hình tượng con người và không gian tượng trưng cũng chỉ là hình tượng không gian.
Trong thơ Đường tuy có hai kiểu không gian nghệ thuật, không gian vũ trụ và không gian đời thường,nhưng không gian vũ trụ vẫn chiếm ưu thế. Đặc trưng của không gian nghệ thuật trong thơ Lý Bạch là không gian vũ trụ - thiên nhiên. Điều này phù hợp với tâm hồn và phong cách thơ lãng mạn của ông. Tình yêu thiên nhiên và một tâm hồn luôn hướng đến khao khát giao hoà chiếm lĩnh thiên nhiên đã tạo nên một tâm hồn phóng khoáng, một phong cách lãng mạn bay bổng trong thơ Lý Bạch.
Tinh thần du hiệp kết hợp với tư tưởng coi thường lợi danh, ghét thói tục đã làm cho Lý Bạch quay về với thiên nhiên và tư tưởng này cũng chi phối trong toàn bộ các sáng tác của ông một cách mạnh mẽ. Theo Trang Tử , “chí nhân thì không kể mình, thần nhân thì không kể công, thánh nhân thì không kể danh” . Vậy nên để đạt tới hạnh phúc tối cao, thánh nhân phải thực hiện sự vũ trụ hóa con người mình, tâm linh hòa cùng vạn vật.
Đó là lý do tại sao Lý Bạch tìm thấy sự tự do tuyệt đối ở cõi rong chơi non nước. Đó là không gian vô cùng vô tận của vũ trụ, là núi cao, sông thẳm mây ngàn, hạc nội.Với tầm nhìn cao thẳm xa vời, với những cánh cửa thần tiên lộng lẫy vừa thực vừa mơ, không gian của các mối quan hệ của con người với thiên nhiên.
Lý Bạch do vậy cũng căm ghét những gì tầm thường. Cái đẹp trong thơ ông phải là cái gì cao cả, siêu phàm, tự do trong tinh thần phải là sự bay bổng tuyệt đích.Trong bài phú Đại bàng, ông đã đối lập tư thế hùng dũng hiên ngang của đại bàng với vẻ dung tục tầm thường của chim hộc để nói lên cái chí tự do cùng tạo vật của mình. Hình ảnh chim đại bàng bay cao chín vạn dặm rõ ràng là thoát thai từ Tiêu dao du của Trang Tử: đầy khát vọng tự do và lãng mạn:
                                                Đại bàng một lúc theo gió
                                                Chín vạn dặm cao vút tận trời
                                                Dẩu khi gió ngừng, sa xuống đất
                                                Chân còn lê tới tận biển khơi
Hình tượng thiên nhiên trong thơ Lý Bạch thường mang chiều kích khác thường. Những hình tượng gợi sự kỳ vĩ mạnh mẽ như dòng sông Hoàng Hà chảy từ vạn dặm chảy, hình ảnh con người dạo chơi trên núi, đứng trên đỉnh núi với tay đến tận trời, hình ảnh dải ngân hà tuột khỏi mây…là những hình tượng bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú, tính cách khoáng đạt, lãng mạn, tự do và bút pháp khoa trương phóng đại vốn là đặc trưng trong thơ lãng mạn. Không gian nghệ thuật trong thơ ông do vậy mang tầm vóc vũ trụ kỳ vỹ, hùng tráng.
Thi ca Trung Quốc nói chung thường thể hiện sự thống nhất giữa con người với vũ trụ. Con người phải đứng giữa đất trời để  nhìn ra mọi phía. Nó là trung tâm của  vũ trụ ấy và từ nó mà có sự đối xứng. Do vậy mà con người thường có động thái “đăng cao” để thu vào tầm mắt vũ trụ ấy, trở thành trung tâm của vũ trụ, chiếm lĩnh nó, hòa mình vào cái vĩ đại của đại ngã.
Chính vì vậy mà không gian cao - viễn là không gian đẹp nhất trong kiểu không gian thiên nhiên của Lý Bạch nói riêng và vẻ đẹp thẩm mĩ trong thơ Đường nói chung.
                        Đứng giữa vũ trụ bao la rộng lớn Lý Bạch đã mở rộng tầm mắt của mình ra mọi phía đó là đại vũ trụ
                                                Thành sơn hoành Bắc Quách
                                                Bạch thuỷ nhiễu Đông Thành
                                                Thử địa chất vi biệt
                                                Cô bồng vạn lý chinh
                                                            (Tống Hữu nhân)
            Đứng giữa không gian bao la rộng lớn, sâu thẳm và hun hút, thi nhân có lúc thấy mình nhỏ bé cô độc lạc lõng giữa đại vũ trụ, chính vì thế mà thi nhân càng khát khao được chiếm lĩnh toàn bộ không gian quanh mình, để hòa tan tiểu ngã vào vô biên đại ngã:
                                                Trường phong phá lãng hội hữu thì
                                                Trực quải vân phàm tế thương hải
                                                                        (Hành lộ Nan)
                                                (Sẽ có lúc cưỡi gió dài – sóng lớn
                                                Gương thẳng buồm mây vượt biển xanh)
Cũng chính vì xuất phát từ khát vọng chiếm lĩnh thiên nhiên vạn vật mà không gian vũ trụ trong thơ Đường được thể hiện bằng những số đo  ở cấp vĩ mô với những số đo lớn (thiên lý vạn dặm, tam thiên xích) để thấy được sự cao đẹp lộng lẫy, nguy nga của thiên nhiên và đồng thời nói lên được sự khó khăn trắc trở không dễ gì chiếm lĩnh nó. Điều này được thể hiện rõ trong thơ Lý Bạch
                                                Phi lưu trực há tam thiên xích
                                                            (Vọng Lư sơn bộc bố)
                                                Hoàng Hà lạc thiên tẩu Đông Hải
                                                Vạn lý tả nhập hung hoài gian
                                                            (Tăng Bùi Thập Tứ)
Không gian thiên nhiên trong thơ Lý Bạch không chỉ dừng lại ở không gian cao viễn mà còn là sự ca ngợi những cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, rộng lớn, đẹp như trong cõi tiên. Đất nước Trung Hoa hiện lên tráng lệ dưới ngòi bút của ông. Sông Hoàng Hà cuồn cuộn chảy ra biển đông như một lực sĩ:


Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

(Trương Tiến Tửu)

            Với một cảm hứng lãng mạn bay bổng, một cảm xúc mãnh liệt Lý Bạch đã khắc hoạ thành công hình tượng kỳ vĩ hào hùng của thác núi Lư
                                                Nhật chiếu hương lô sinh tử yên
                                                Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
                                                Phi lưu trực há tam thiên xích
                                                Nghi thị Ngân hà lạc cửu thiên
                                                            (Vọng Lư sơn bộc bố)
            Cảnh vật ở đây được nhìn từ xa. Điểm nhìn này không cho phép nhìn sự vật tỉ mỉ chi tiết nhưng sẽ phát hiện được cái đẹp tổng quát, toàn bộ. Vẻ đẹp toàn cảnh ở đây là sắc thái hùng vĩ của thác nước Lư Sơn. Thác núi Lư đẹp dữ dội, mạnh mẽ, hùng vĩ. Tâm hồn Lý Bạch thật nhạy cảm, thiết tha với những vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, phi thường.Yêu cái vẻ đẹp kỳ vĩ ấy, tác giả đã bộc lộ một tính cách thật mãnh liệt, thật tự do.                        
            Hay trong bài thơ Tảo phát bạch Đế Thành - cảnh đẹp thiên nhiên cũng được Lý Bạch ca ngợi và khắc hoạ rõ nét
                                                Triêu  từ Bạch Đế thái vân gian
                                                Thiên Lý Giang Lăng nhất nhật hoàn
                                                Lưỡng ngạn viên thanh đế bất tận
                                                Khinh chu dĩ quá vạn trùng san
                                                                        (Tảo phát bạch Đế Thành)
                                                (Sáng từ biệt thành Bạch Đế, trong làn mây rực rỡ
                                                Một ngày vượt tới ngàn dặm về tới Giang Lăng
                                                Hai bên bờ sông tiếng vượn kêu không dứt
                                                Thuyền nhẹ tênh đã vượt núi non muôn trùng)
            Tả cảnh thiên nhiên mà tráng lệ như thế, rõ ràng tác giả đã yêu quê hương, đất nước biết nhường nào. Lòng yêu nước ở Lý Bạch chính là bắt nguồn từ lòng yêu sông núi quê hương vậy.
Rất đẹp trong những hình ảnh thiên nhiên mỹ lệ trong thơ Lý Bạch là hình ảnh trăng. Trăng xuất hiện trong thơ Lý Bạch với nhiều dáng vẻ: có khi là vầng nguyệt vằng vặc trên cao, có khi là vầng trăng long lanh đáy nước; vầng trăng có khi gần gụi treo trước hiên nhà, có khi là vầng “lãnh nguyệt” ở mãi xa xôi.Thơ trăng Lý Bạch huyền ảo vô cùng,… Trăng trên núi, trăng trên sông, trăng với lữ khách, trăng ở quán trọ và trăng trong cả lúc cô đơn nhất. Với bài Tĩnh dạ tứ ta cũng đủ xao lòng cùng Lý Bạch trước trăng.
                                                Sàng tiền minh nguyệt quang
                                                Nghi thị địa thượng sương
                                                Cử đầu vọng minh nguyệt
                                                Đê đấu tứ cố hương
            Cả không gian ngập tràn ánh trăng. Ánh trăng rọi vào đầu giường, đánh thức thi nhân dậy, khơi gợi một nguồn thơ. Ánh trăng và cố hương gắn với nhau trong mạch cảm hứng trữ tình của tác giả hoà quyện thành một liên tưởng thấm thía, cảm động. Ánh trăng gợi nhớ, gợi sầu, vấn vương một hoài niệm, làm sống dậy hồn thơ và một tình quê. Đên thanh tĩnh, nhà thơ không ngủ được, có biết bao nỗi niềm hoài cảm đến với ông. Trăng rọi nơi đầu giường, trăng phủ tràn mặt đất khiến Lí Bạch ngỡ là sương sa. Nhưng chắc không hẳn chỉ có thế. Nhìn ánh trăng mà ngỡ là sương khói nói được những điều ẩn thật sâu xa sau câu chữ. Đó là lẽ "hóa sinh, sinh hóa" của vạn vật, lẽ biến dịch ở đời mà nhà thơ đã từng trải nghiệm, để rồi trong cái đêm thanh tĩnh này, chúng lần lượt trỗi dậy, dù lời thơ đã cố giữ thật đằm, mà cảm xúc thì dường như không kìm nén nổi...Trăng trong cái đêm thanh tĩnh này là trăng trĩu nặng suy tư. Câu thơ "Ngẩng đầu nhìn trăng sáng" cho thấy Lí bạch không thờ ơ với trăng. Ông "ngẩng đầu" ngắm trăng như đã bao lần từng ngắm. Nhưng vầng trăng đêm nay, cái "đêm thanh tĩnh" này có sức lay động tới niềm sâu thẳm nhất trong ký ức nhà thơ về một vầng trăng quê hương thuở nào...
            Đã có lúc ánh trăng ấy lại xuất hiện như một nhân vật đồng cảm với nhà thơ đó là người bạn tri âm, tri kỷ một người bạn tâm tình, là cái bóng theo suất cuộc đời thi nhân.
                                                Mộ tòng bịch Sơn há
                                                Sơn nguyệt tuỳ nhân quy
                                                            (Lý Bạch – Há Chung nam Sơn)
            Có thể nói trăng đã thâm nhập vào đời sống của thi nhân và trở nên gần gũi thân thuộc. Trăng trong thơ Lý Bạch cũng đã trở thành một nhân vật sống động, hữu tình soi tỏ tâm tư, lắng nghe những lời tâm tình và xoa dịu nỗi đau nhân thế trong lòng nhà thơ.
Lý Bạch đã đạt tới đỉnh cao hạnh phúc của bậc chân nhân hòa đồng tâm hồn cùng vạn vật, thưởng ngoạn và hưởng thụ vẻ tinh túy của tự nhiên. Có được hạnh phúc ấy ngay giữa trần thế này, có thể nói đã thấu đạt đến tận cùng lẽ “vô vi” của đại đạo tự nhiên, cùng thiên nhiên rong chơi đến cõi vô cùng và sống cuộc đời thanh tịnh. Ông đã đạt đến trạng thái tự do tinh thần, vượt lên trên những ràng buộc của ngoại giới để ung dung tự tại hóa thân thành tiểu thần tiên ở đời.
            Thơ Lý Bạch có một phong cách phóng khoáng, hào hùng, rất đặc biệt. phong cách gắn liền với nội dung và tư tưởng các bài thơ và cũng gắn liền với nhân cách của nhà thơ, lời thơ không sắp đặt, không trau chuốt, đẹp một cách tự nhiên. Có được điều này hẳn Lý Bạch thấm nhuần quan niệm về thuộc tính “phác” của tạo vật mà Lão Tử đề xướng: sự dụng công đẽo gọt chỉ làm mất đi sự hồn thuần của tạo vật. Sự vật đẹp là nhờ bản tính hồn nhiên, giản phác. Do vậy ngôn ngữ thơ nếu kỳ công đẽo gọt thì có vẻ mỹ lệ của kỹ thuật, nhưng với hồn thơ tự do bay bổng như Lý Bạch, cái đẹp của ngôn từ phải là rất tự nhiên, không chải chuốt, gọt giũa mà ý thơ sâu sắc, có sức truyền cảm quyến rũ một cách lạ lùng.
Sự bình dị, tự nhiên trong ngôn ngữ thơ cũng là sản phẩm tất yếu của một tính cách  không thể câu thúc, không thể trói buộc, yêu chuộng cái đẹp giản phác, không đẽo gọt. Bản thân Lý Bạch đã từng nêu chủ trương:
                                                Nước trong sẽ nở hoa sen,
                                                Thiên nhiên là đẹp,chớ nên vẽ vời
            Do vậy, nhiều bài thơ Lý Bạch ngân lên mộc mạc như một bài dân ca:
                                                       Có cô con gái nhà ai
                                    Hái sen chơi ở bên ngòi Nhược Gia
                                                Mặt hoa cười cách đoá hoa
                                    Cùng ai cười nói mặn mà thêm xinh…
                                                (Thái Liên khúc)
Từ một tính cách khoáng đạt, yêu chuộng tự do, Lý Bạch không gò mình vào khuôn khổ, đặc biệt trong sáng tác thơ .Thơ ông do đó cất lên lời hào sảng, bay bổng, tự nhiên, có khả năng diễn đạt được nhiều sắc thái, tình cảm phong phú. Vì thế đọc thơ ông, ta cảm nhận được sự dịu dàng tươi tắn, giản dị mà sinh động.Vẻ thuần phác của tự nhiên chính là gốc thanh khiết đưa con người trở về với trạng thái nguyên sơ, hồn nhiên của cảm xúc. Cái thuộc tính “phác” của tự nhiên mà Lão Tử thường đề cập đến chính là khả năng giúp con người an lạc trong cảnh tự tại, tiêu dao. Lý Bạch đã thực sự đạt đến tâm thế của bậc thiên tiên. Sống giữa mối giao cảm chan hòa ấy với thiên nhiên, thi sĩ có được những khoảnh khắc vượt lên trên mọi giới hạn khách quan của cuộc đời đầy biến động để tự tại, thung dung
Với một nguồn cảm hứng dạt dào, Lý Bạch đã trao cho thiên nhiên một vị trí đặc biêt trong thơ ông : là nguồn hứng khởi thi ca, là người bạn cố tri để gửi gắm tâm sự, nơi thanh tịnh để giải phóng tinh thần. Tình yêu tha thiết và sự quý trọng ấy đối với thiên nhiên đã bộc lộ nét đẹp trong nhân cách Lý Bạch biết đặt mình trong mối tương giao hòa hợp với tự nhiên.
Phong cách sống thuận tự nhiên theo thuyết vô vi của Lão Trang đã đem đến cho thơ Lý Bạch những tứ thơ đẹp lạ lùng về thiên nhiên và tâm hồn con người. Tinh túy của Đạo gia đã được ông chắt lọc, kế thừa để làm nên một  ngập tràn cảm hứng tiêu dao với những mảng thiên nhiên thanh nhã, tươi tắn. Có được điều đó là nhờ đã thực sự thấu đạt cái “phi thường đạo”- cái Đạo bắt chước tự nhiên mà Lão Tử nói đến trong “Đạo đức kinh” để sống tương hợp thuận hòa với tạo vật.
III. Kết luận
Người  Trung Quốc không phân bì yêu Khổng hay Lão hơn mà họ vẫn thích học thuyết Lão Trang dù trong xử thế thì coi Khổng là chính thuyết. Lúc trẻ các bậc hiền nhân theo “hữu vi” của Khổng về  hưu thì muốn theo “vô vi” của Lão; gặp thời bình trị thì “hành” giúp nước, thời loạn không cứu vãn được nữa thì “tàng”, giữ tiết tháo chốn điền viên sơn thủy,gần gũi thiên nhiên, chuộng lối sống thanh tĩnh.
 Do đó với họ, Khổng và Lão không phải trái ngược nhau hẳn mà bổ túc lẫn nhau, giúp cho họ cân bằng trong tư tưởng: Khổng thì mạnh mẽ trong việc định hướng con người trong hành động, Lão dạy họ tiết dục, khoan nhu, khiến cho cái tâm của họ tĩnh hơn.
Học thuyết Lão Trang với tư tưởng vô vi, thuận tự nhiên, coi trọng hư tĩnh đã có công làm cho dân tộc Trung Hoa bớt thực tế, yêu thiên nhiên hơn, khoan dung, khoáng đạt hơn. Đối với một đất nước chuyên chế, cuồng tín và bảo thủ như Trung Hoa cổ đại thì học thuyết của Lão Trang như là tiếng nói của một khuynh hướng chính trị lãng mạn đã góp phần làm dịu đi cái khô khan, lý trí cứng nhắc trong văn học, tạo nên dáng vẻ thanh nhã và trữ tình cho mảng thơ ca  về thiên nhiên và  bày tỏ một mối hòa cảm sâu sắc giữa thiên nhiên và lòng người.

2 nhận xét:

  1. Địa chỉ siêu âm tuyến nước bọt uy tín
    Hiện nay có rất nhiều cơ sở thực hiện siêu âm nhưng không phải ở đâu cũng thực hiện đúng kỹ thuật, an toàn. Nếu đang cần tìm một địa chỉ siêu âm tuyến nước bọt thì bạn nên tham khảo Đa khoa Phương Nam.
    Tại Đa khoa Phương Nam đang áp dụng công nghệ siêu âm hiện đại, tiên tiến. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng nhưng vẫn khiến bệnh nhân thoải mái.
    >>> Kỹ thuật siêu âm tuyến nước bọt hiện đại tại Phương Nam

    Trả lờiXóa
  2. Bản nhạc mình rất thích, Mời các bạn tham khảo kiến thức >>> Trồng răng giả với nhũng phương pháp nào ?

    Trả lờiXóa