Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

MỘT CÁCH TIẾP NHẬN TÁC PHẨM BÓNG ĐÈ CỦA ĐỖ HOÀNG DIỆU


Sau một hồi khẩu chiến với cha nhằm bênh vực cho văn học hậu hiện đại, tôi lại phải đầu hàng ngồi im nghe ông ca tụng đỉnh cao nghệ thuật và tư tưởng không thể vượt qua của nền văn học cổ điển Anh, Nga, Pháp. Tự nhủ đã qua rất lâu rồi cái thời nhà văn áp đặt tư tưởng cho tác phẩm và dẫn dắt người đọc theo con đường mà mình đã sáng tạo, tôi biết cha mình thuộc một tầng lớp công chúng đọc khác mình- một tầng lớp công chúng được nuôi nấng trong bầu không khí hiện thực chủ nghĩa kiểu Mac-Lênin, và tôi nên để ông bằng lòng với những gì ông yêu thích. Mở rộng chân trời lý luận nghiên cứu văn học cho ông bây giờ không hẳn có thể khiến ông thay đổi cách đọc. Lâu nay ông chỉ đọc theo cách mà nhà văn (ngày xưa) muốn mà chẳng hề thấy vai trò của mình.
Không còn xa lạ với rất nhiều người yêu thích nghiên cứu văn học, từ mấy thập niên gần đây, lĩnh vực mỹ học tiếp nhận hay tiếp nhận văn học, lý thuyết tiếp nhận với những tên tuổi như Hans R. Jauss,Wolfgang Iser..đã trở nên rất phổ biến. Lấy việc nghiên cứu sự tiếp nhận của bạn đọc làm nhiệm vụ trung tâm, Mỹ học tiếp nhận ra đời là kết quả của một logic phát triển của tư tưởng văn nghệ phương Tây. Theo các nhà mỹ học tiếp nhận, tiếp nhận văn học gắn liền với vai trò của người đọc. Ðối với tác phẩm văn học, sự tiếp nhận của người đọc là khâu cuối cùng của quá trình sáng tạo. Lịch sử tác phẩm văn học sở dĩ có được, một mặt do giá trị của chính tác phẩm, mặt khác là do sự tiếp nhận một cách sáng tạo và năng động của công chúng.
Như vậy, người đọc là yếu tố nội tại của quá trình sáng tác văn học. Tác phẩm văn học chỉ có được đời sống khi được người đọc tiếp nhận và chiếm lĩnh các giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của nó; nghĩa là, chỉ khi được người đọc tiếp nhận, quá trình sáng tạo của nhà văn mới hoàn tất. Lý thuyết này là hệ quả tất yếu của sự thay đổi bầu không khí văn học và nghiên cứu văn học thời đại.
Với lý thuyết tiếp nhận của Hans R. Jauss, "sự thực của tác phẩm văn học gồm hai mặt: với nhà văn, nó là sự thể hiện ý đồ sáng tạo; tuy nhiên, với bạn đọc, nó phải được đánh giá bằng sự tiếp nhận thực tế như thế nào”. Kinh nghiệm sống, trình độ văn hóa, tính cách, khí chất cũng như thị hiếu thẩm mỹ của người đọc sẽ định hướng cảm nhận của anh ta khi tiếp xúc với tác phẩm và quyết định mức độ, tính chất, hình thức tiếp nhận ở người đọc. Đó chính là tầm đón đợi (chân trời chờ) ở mỗi người đọc.
Xét một cách tổng thể, trên toàn bộ chu trình văn học như một chỉnh thể bao gồm sáng tác, lưu thông và tiếp nhận thì trong sự vận động của chu trình này, các yếu tố đan xen, nối tiếp và tác động lẫn nhau. Yếu tố này vừa là tiền đề vừa là kết quả của yếu tố kia. Tiếp nhận vừa đi sau sáng tác vừa đi trước sáng tác. Nó chỉ tồn tại sau khi đã có quá trình sáng tác tác phẩm, nhưng với tư cách là kết quả của sự tác động và tiếp nhận những sáng tác trước đó, nó ảnh hưởng vào tiến trình ra đời những tác phẩm mới, làm điều kiện tiền đề cho sác sáng tác văn học mới.
Với việc đề cao vai trò chủ động sáng tạo của người đọc, lí luận tiếp nhận đã thúc đẩy lí luận văn học chuyển sang một hệ chuẩn mới: từ mĩ học sáng tạo sang mĩ học tiếp nhận, tác động mạnh mẽ đến sự cách tân kĩ thuật viết của nhà văn và mở ra một chân trời tự do khám phá đối với người đọc.
Hệ quả là nhiều năm lại gần đây,trên văn đàn Việt Nam đã xuất hiện những tác phẩm “gây tranh cãi”, không chỉ đối với công chúng đặc biệt- giới phê bình văn học mà đối với cả công chúng bình thường- những người yêu văn và quan tâm tới nền văn học nước nhà. Xuất phát từ sự tôn trọng đối với trình độ đọc ngày càng nâng cao của công chúng và yêu cầu đổi mới kỹ thuật viết để thỏa mãn “con mắt ranh mãnh” của độc giả, nhà văn Việt Nam hiện đại đã ý thức hơn trong thiên chức của mình. Họ viết, họ làm mới mình mà làm mới văn học. Có người được khen, có người bị chê, lại cả khen lẫn chê. Tiêu biểu có thể kể đến là Nguyễn Huy Thiệp (Vàng lửa), Vi Thùy Linh (Khát), Nguyễn Ngọc Tư (Cánh đồng bất tận), và ầm ĩ nhất là Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè).
Đỗ Hoàng Diệu là một cây bút trẻ. Thời điểm chị cho xuất bản Bóng đè là vào khoảng năm 2004. Cũng họp báo giới thiệu nhộn nhịp, tác giả hẳn biết số phận đứa con rồi sẽ đầy long đong.
Quả thật, vừa mới ra lò, Bóng đè (in trong một tập truyện ngắn cùng tên) đã gây chấn động văn đàn. Khen không ít, chê thì cũng thậm tệ, từ hình thức đến tư tưởng, kỹ thuật viết rồi tài năng, nhân cách tác giả. Cho đến giờ, nhắc tới Bóng đè, nhiều người vẫn không ngớt bình luận. Đả động không chỉ đến văn chương, họ còn đá sang đạo đức học, luân lý học, chính trị, văn hóa..đủ cả.
Sở dĩ truyện ngắn đó ngay lập tức đã gây ra nhiều dư luận trái chiều nhau, bởi cái cốt truyện của nó rất "ly kỳ rùng rợn". Đó là chuyện nàng dâu theo chồng về làm giỗ cho nhà bố chồng ở nhà quê, cách thành phố khoảng 3 giờ tàu hỏa. Thế rồi nàng dâu cứ luôn luôn bị ông bố chồng liệt sĩ từ sau tấm màn đỏ trên bàn thờ chui ra "hiếp dâm". Hiếp liên tục, thậm chí cả đến buổi trưa cũng không tha. Nàng dâu ban đầu còn sợ hãi, nhưng một năm 16 lần về quê chồng làm đám giỗ là mười sáu lần cô chờ đợi trong hoan lạc tột đỉnh như một con nghiện bạo dâm.
Tổng quan về sự tiếp nhận Bóng đè, người viết tạm thời phân biệt :
Xu hướng thứ nhất là khen ngợi. Trong nhóm này có Dương Tường, Nguyên Ngọc, Nguyễn Việt Hà, Phạm Ngọc Tiến. Phu nhân dịch giả Dương Tường còn mua cả chục cuốn tặng bạn bè. Nguyên Ngọc thì ca ngợi nhiệt tình “Truyện  ngắn Đỗ Hoàng Diệu toàn là những nhân vật phụ nữ, tất cả đều còn trẻ, khát khao sống, mãnh liệt sống, tràn đầy dục tính, song chắc chắn vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều vấn đề số phận đàn bà…Những người phụ nữ của Đỗ Hoàng Diệu là những người phụ nữ phải gánh chịu “cả một quá khứ phi phàm”, bị đeo đuổi vì một thứ “tội tổ tông”, “quá thông minh nhưng quá cả tin”…Một số đông người hâm mộ Đỗ Hoàng Diệu đã công khai trên các diễn đàn văn học coi chị như một tài năng,Bóng đè  là truyện mạnh nhất của chị “cả về ý tứ lẫn văn phong, xứng đáng là hiện tượng”..Hay theo Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, “chị đã dám dấn thân “lặn ngụp trong vực thẳm rẩy nóng của chính mình và phát ra tiếng kêu khát khao hạnh phúc”. Dấn thân để kiếm tìm cái “tôi” đầy nữ tính trong những ràng buộc định mệnh, dấn thân để khám phá chiếc bóng của đời mình, anh cho rằng  nhân vật của Diệu là một chiếc bóng thân phận: “chúng cũng sống động như thân thể tôi khát thèm vực thẳm”, “chúng tôi không biết chọn lựa vì cơ thể chúng tôi đòi hỏi những nhục cảm mà bóng tối ban phát”. Với nhà báoVăn Quang “Lối viết của Đỗ Hoàng Diệu mạnh mẽ, đầy cá tính, tự tin, văn phong của cô mới mẻ tạo thành một sắc thái rất đặc trưng của Đỗ Hoàng Diệu. Lối diễn tả của cô trắng trợn, không nề hà bất cứ một hành động nào trong một cuộc ái ân giữa một cặp trai gái hoặc ngay khi bị ông bố chồng như cái bóng nhào ra ghì lấy cô con dâu với đầy đủ những thú tính cuồng nộ”
Như vậy, Bóng đè được quan tâm trên cả phương diện hình thức, kỹ thuật viết lần tư tưởng. Người khen cho thấy một Bóng đè nhuần nhị, tự nhiên, mạnh bạo, nữ tính, quyết liệt trong cách viết, biểu hiện bứt phá, sức truyền đạt của một giọng văn cùng phong cách nổi loạn tràn lấp nhục cảm ở tác giả này; sâu sắc, đầy ẩn dụ khi thể hiện “một trạng thái truyền kiếp của dân tộc, với những người phụ nữ bị đeo đuổi vì “một thứ tội tổ tông” và “vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều vấn đề số phận đàn bà”.
Xu hướng còn lại là chê không tiếc lời. Đây là những độc giả công khai chỉ trích tác giả trên nhiều bình diện. Ấn tượng mà những đọc giả này gặp phải đầu tiên đó là “quái dị và ghê rợn”,”lợm mửa”; nhẹ nhàng hơn thì “sexy một cách lộ liễu và thông điệp còn lộ liễu hơn”. Trần Tiễn Cao Đăng bày tỏ anh “không hoan nghênh”, cho rằng Đỗ Hoàng Diệu “không có văn”. Theo Thanh Sơn với một bài viết trên Talawas cách đây 4 năm, Đỗ Hoàng Diệu là “nhà văn của một nền văn chương già nua đang hấp hối..đại diện cho một lớp trẻ lười biếng, nghèo nàn về tinh thần, sống lạc hậu và hời hợt”. Anh cho rằng Bóng đè chỉ đơn thuần viết về tính dục trong nghĩa thấp kém của từ này, và được viết “một cách sống sượng..nhân vật không có một cuộc sống tinh thần và tình yêu thương với con người”. Thậm tệ hơn nữa, những bạn đọc trên các diễn đàn không tiếc lời phê phán Diệu trên phương diện tư cách nhà văn là “quá khích”, “đáng sợ”, “phi luân” và “thấy ghê sợ khi chị ta lấy bố chồng là liệt sĩ ra để mà viết, dù trong văn học, mọi sự phóng đại đều là có thể. Nhưng trong con mắt Á Đông, hãy để người chết ngủ yên.
Trái lại, luồng ý kiến này lại thấy Bóng đè dưới hình thức một truyện khiêu dâm, hình thức “thiếu trang nhã” nếu như không muốn nói là thô bỉ. Ngập tràn trong 38 trang truyện là những “sự cương cứng thúc lên”, “cảm giác cứng cáp quệt ngang đâm vào”, “bốc cao, phịch hạ, chèn lấp, tọng đầy, thả hút mê man”, “cắt trọn trong một cú thọc sâu”, “nhồi vào, thúc sâu, bền bỉ, mạnh mẽ”… “cú thúc từ phía sau”, những “bóp nát, bục vỡ, khoan sâu”, những bộ ngực “cương cứng vì thèm khát”, những cào cấu cắn xé, những “âm thanh ập è sin sít”, “hơi thở đều đều vung vãi”..nhào nặn nên một người đàn bà ngập ngụa trong thèm khát và thỏa mãn tính dục trong những cuộc hoan lạc phi luân với tổ tiên nhà chồng. Đề tài cũng không thoát ra khỏi ám ảnh dục tính. Những tư tưởng mà tác giả úp mở, gán ghép cho nó chỉ là những áp đặt sống sượng và những gì Diệu viết thực ra chẳng có gì mới, có chăng, Hoàng Diệu chỉ mới với chính mình.
Theo lời Đỗ Hoàng Diệu, trong một bài phỏng vấn với phóng viên báo thể thao và Văn hóa, tác phẩm này của chị, không cứ phải viết về tình dục là khiêu dâm và “các nhà văn là người duy nhất biến tình dục thành nhân vật”. từ cách suy nghĩ của chị, có thể thất chị có cách nhín rất rộng rãi với vấn đề này. Sex, thực chất bên ngoài là một hành vi, bên trong là cảm giác và nó cũng bình thường như bao hành vi khác của chúng ta. Việc sex xâm nhập vào văn học là tất yếu, việc nhà văn mô tả nó không thể dễ dàng quy vào vấn đề đạo đức. Vậy hà cớ gì người ta nâng lên đặt xuống tác phẩm này nhiều đến vậy?
Đó là vì tác giả của đã khẳng định rằng mình không viết về tính dục mà viết về điều khác, tức là chị chỉ sử dụng sex như là một phương tiện. đối với một số đông bạn đọc thì điều này rất khó thuyết phục bởi yếu tố tính dục trong Bóng đè dày đặc và trần trụi tới mức dung tục, thấp hèn. Mà đằng sau cái vỏ bọc bạo liệt ấy còn có thể là cái gì khác đáng trăn trở hơn thì họ không thừa nhận.
Không cần phải tinh tường lắm mới có thể nhận ra ý đồ của tác giả là không muốn sex trở thành mục đích của Bóng đè. Đỗ Hoàng Diệu muốn chọn một cách viết theo lối ẩn dụ và tình dục cũng chỉ là một ẩn dụ. Ẩn dụ cho cái gì? Phải chăng là “những ám ảnh sâu xa của người phụ nữ về quá khứ, đời sống tinh thần, khao khát bản năng..” như chị đã mớm lời cho truyền thông, hay là “quá trình giao lưu có tính chất cưỡng bức trong lịch sử giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Việt Nam” theo lời Nguyễn Hòa? Vậy phải chăng là từ sự vay mượn ý tưởng từ Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp, Diệu đã mặc cái áo tính dục một cách gượng gạo cho Bóng đè và làm một khâu cuối cùng là quả quyết với mọi người rằng cái vỏ sex ấy chắc chắn truyền tải một thông điệp về quan hệ của con người với quá khứ?
Về điểm này, có thể thấy Đỗ Hoàng Diệu có ý thức đổi mới, sáng tạo. Tuy vậy, tôi cho rằng Đỗ Hoàng Diệu đã thất bại trong việc cố gắng canh tân hình thức cho bạo liệt để rồi nó trở thành cái áo gớm ghiếc khiến cái ý nghĩa quá to tát kia trở nên sống sượng, lố bịch.
Thứ nhất, sex đáng lẽ ra là phương tiện như tác giả tuyên bố, đã bị Hoàng Diệu lạm dụng tới mức sự khủng khiếp của nó ám ảnh người đọc nặng nề về mặt tâm lý. Không phải ai trong chúng ta cũng có thể bình tĩnh mà ngồi đọc từ đầu chí cuối Bóng đè, không đỏ mặt, không sượng sùng, không cảm thấy hổ thẹn cho người phụ nữ tìm thấy hoan lạc tột đỉnh khi bị cưỡng hiếp bởi vong linh bố chồng. Cho rằng đó chỉ là ẩn dụ thôi thì rất khiên cưỡng: ẩn dụ thế nào khi mà nó nhầy nhụa, ngập ngụa như thế, khiến nhiều bạn trẻ kinh hãi, ghê tởm, thậm chí nổi giận với tác giả và chính mình (vì đã lỡ mua và đọc một thứ “phỉ báng con người”). Văn chương phải nâng đỡ tâm hồn con người, miêu tả cái xấu cũng là để con người vươn lên thoát khỏi nó. Tình dục đáng được tôn trọng, nó chẳng có gì xấu cả, thậm chí rất tốt đẹp nữa. Nhưng Hoàng Diêu đã lột truồng nó với một cách sỗ sàng nhất, đè ngửa nó trên trang văn, bắt nó dạng chân ưỡn ngực một cách thô bỉ, khiến nhiều độc giả không khỏi cảm thấy kinh sợ. Trong Bóng đè, thứ tính dục ấy thực sự đã trở thành một mục tiêu miêu tả, một thứ khiêu dâm, bạo dâm chứ không còn là phương tiện như lời tác giả nói nữa.
Thứ hai, về cái gọi là “trạng thái truyền kiếp của dân tộc”, “hình ảnh người phụ nữ bị đeo đuổi bởi một thứ tội tổ tông”, “thông điệp về quan hệ giữa con người và quá khứ”..theo tôi, thứ nhất, không phải là sáng tạo của Hoàng Diệu. Những điều này không còn mới mẻ nữa; có chăng chỉ là với một sự kết hợp với lối viết nói trên. Thứ hai, vấn đề người phụ nữ ở Bóng đè không quá đặc sắc. Cho rằng nhân vật của mình “thông minh nhưng quá cả tin” nhưng Diệu không chứng minh được điều này. Người đàn bà trong truyện không có một đời sống tinh thần cao quý, không một lần biểu hiện một trí tuệ sắc sảo hay sự phong phú của một tâm hồn ẩn khuất. Thỉnh thoảng nhân vật cũng suy tư, cũng luận những điều to tát về tương lai, nhưng vụng về hời hợt. Tất cả những gì đáng kể được phơi bày ở cô ta là nỗi thèm khát được thỏa mãn bản năng và những lần đợi chờ hân hoan được nộp mình vào cuộc hiếp dâm (mà thực tế đâu còn ý nghĩa hiếp dâm nữa, phải gọi là thông dâm, gian dâm. Vừa phi luân, vừa trắng trợn, “nạn nhân” ban đầu đã trở thành con nghiện tình dục, thèm khát được bạo dâm). Nhân vật nữ này không thể đại diện cho một lớp phụ nữ bị dồn nén, đầy ẩn ức; càng không thể là tiếng nói của chủ nghĩa nữ quyền.
Mặt khác, cũng chẳng thấy một sự liên hệ nào với văn hóa hai nước Việt Nam , Trung Quốc, quá khứ quay về ám ảnh hiện tại. Bố chồng Trung Quốc và con dâu Việt Nam với “đứa con di sản” (như tác giả gọi tên) cũng chẳng giúp gì cho việc cõng một sự suy đoán, gán ghép ngoài văn bản trên lưng tác phẩm. Cho rằng “Bóng đè là tác động dồn nén của một truyền thống văn hoá lỗi thời, áp bức, biểu hiện qua bức màn đỏ “loang rộng” phủ khắp bàn thờ tổ tiên.. việc ẩn dụ tên anh hùng gian tặc Trung Quốc hiếp dâm con dâu Việt Nam đã minh hoạ một cách cụ thể sự áp đặt cưỡng bách của một nền văn hoá vọng lai, với cái ý thức hệ phi nhân, phi nghĩa, phi luân, phi lí mà dân tộc Việt Nam vẫn bị mê hoặc, thu hút: “Lão Tầu xa xăm, bí ẩn, vừa đen tối vừa có sức hút lạ kỳ, quyến rũ khác thường…”, Lưu  Nguyễn Đạt đã gán ghép những biểu tượng trong tác phẩm với những ý nghĩa hoang đường, sống sượng không nhằm trên bất cứ một căn cứ nghệ thuật nào ngoài những chỉ dẫn thực chât rất võ đoán của tác giả. Ám ảnh nhục cảm trong Bóng đè mạnh hơn rất nhiều so với cái ý nghĩa biểu trưng lộ liễu mà tác giả đề cập đến một cách bất thành.
Không thể phủ nhận ý thức đổi mới và sáng tạo ở Đỗ Hoàng Diệu. Chị đã không thỏa mãn với chính mình, với những gì chị đã có trước đó. Tuy nhiên, Bóng đè không phải là một hoạt động sáng tạo mang ý nghĩa cá nhân mà là sáng tạo văn chương, và cái mới chỉ thật sự là cái mới khi mà nó ra đời như là một sự tiếp nối logic của sự phát triển. Do vậy, Diệu chỉ mới với chính mình chứ không hẳn đã đem đến một sự sáng tạo bất ngờ, mở ra một con đường riêng đi vào văn chương.
Ý đồ nhà văn đã rõ. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi độc giả lại có những phản ứng trái ngược với mong muốn của tác giả. Đỗ Hoàng Diệu thực sự đã rất bản lĩnh khi dám thể nghiệm một cách viết khiêu khích, đi đến tận cùng cảm nhận với tư cách là một tác giả nữ. Tuy nhiên, vì vấn đề nóng bỏng thái quá này được cảm nhận, khai thác từ một tầm nhìn văn hóa hạn hẹp và với một kỹ thuật viết thiếu chuyên nghiệp, cho nên, ý tưởng của tác giả- vốn dĩ được cấy ghép trên mảnh đất được bón quá nhiều sex- đã không thể nhú lên thành hình hài ngay trong tác phẩm, mà tiếc thay, chỉ trong sự suy đoán, gán ghép của một số người.
Sinh thành một sinh mệnh, nhà văn chưa thể hoàn thiện các phẩm chất cho nó. Ý nghĩa của nó là do người đọc đem đến và nhà văn không thể can thiệp bằng những phát ngôn kiểu như “tôi không viết về cái này, cái tôi viết là cái khác..”. Bóng đè càng không thể ngoại lệ. Tranh cãi chung quanh nó, đáng tiếc, không phải về những tầng ý nghĩa uyên áo đặt ra nhiều vấn đề nhân sinh cao quý, giá trị thẩm mỹ cao đẹp, mà chỉ về việc nó thật sự có một ý nghĩa sâu sắc nào đó đằng sau một sự lột trần bản năng con người đến mức quái dị hay không. Không phải Bóng đè đã “lựa” những độc giả đặc tuyển, có trình độ thẩm văn như Dương Tường, Nguyên Ngọc, Hồ Anh Thái..để sống trong vinh quang và với những người còn lại, nó chỉ là thứ văn chương rẻ rúng. Nó vốn dĩ chỉ là một văn bản được người đọc bằng cảm xúc, bằng kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ, cộng thêm trí tưởng tượng cụ thể hóa để trở thành tác phẩm. Cũng thêm một điều đáng tiếc rằng, Bóng đè thực sự chưa có những khoảng trắng, những thách đố người đọc để có thể trở nên một tác phẩm đa nghĩa, đầy hoài nghi.
Tiếp nhận văn học sẽ không bao giờ là vấn đề cũ chừng nào còn sáng tạo nghệ thuật, sáng tác văn học. Nó ra đời ngay từ khi sáng tạo nghệ thuật ra đời và nó cùng tồn tại song hành đến khi nào nghệ thuật chấm dứt vai trò xã hội của mình. Các nhà văn đương đại hướng tới những văn bản cho phép huy động tối đa sự tham gia của người đọc vào quá trình xây dựng nội dung và ý nghĩa tác phẩm.Lí thuyết tiếp nhận do vậy đã có những tác động nhất định trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn học. Sự đóng góp của trường phái này trong sáng tác và nghiên cứu, phê bình là không thể phủ nhận. Cùng với lý thuyết của các trường phái khác, Mỹ học tiếp nhận đã làm nên diện mạo đa dạng của Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX.
Ngô Thị Thu Thủy 

1 nhận xét:

  1. thích câu này khá hay và đúng : tôi nên để ông bằng lòng với những gì ông yêu thích. Mở rộng chân trời lý luận nghiên cứu văn học cho ông bây giờ không hẳn có thể khiến ông thay đổi cách đọc. Mời các bạn tham khảo các thông tin của bài viết Chăm sóc răng miệng sao cho đúng cách ?

    Trả lờiXóa