Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Tào Tháo: anh hùng, gian hùng hay gian tặc?


Ngô Thị Thu Thủy

I.Con người lịch sử
Sự thật lịch sử hoàn toàn có thể chứng minh trong nhiều thế kỷ, Tào Tháo nổi tiếng là vị chủ soái có tài thao lược, công bằng trong đối xử với thuộc hạ, tài giỏi thi phú. Công lao của Tào Tháo trong việc kết thúc nhà Hán là điều không thể phủ nhận - Ngụy Vũ vương là người phi thường, kiệt nhân xuất thế. Một số sử gia cho rằng, cách dụng binh cũng như tư tưởng thi ca của Tào Tháo đã trở thành tác phẩm gối đầu giường của nhiều nhà quân sự sau này. Tào Tháo dưới trướng văn thì không có những đại hiền như Khổng Minh ,Bàng Thống ,Chu Du ; võ thì lại không có những dũng tướng như Quan Vân Trường , Triệu Tử Long, Trương Phi, Huỳnh Cái .Mỗi lần xuất trận đều tự mình cầm quân . Vậy mà không biết bao nhiêu lần Tào Tháo khuynh đảo Lưu Bị và Tôn Quyền, đó là thực tài quân sự. Tuy lấn áp thiên tử, hoành hành bá đạo ,một tay che trời nhưng hạ Đổng Trác ,diệt Viên Thiệu ,trừ Lữ Bố ,mấy ai làm được những kỳ công như vậy?
Lỗ Tấn viết: “Tào Tháo là một con người rất có bản lĩnh, ít nhất cũng là anh hùng. Tôi không phải đồng đảng của Tào Tháo, nhưng tôi khâm phục ông ta” (Lỗ Tấn - Mối quan hệ giữa phong độ và văn chương Ngụy Tấn với thuốc và rượu). 
Một lãnh tụ của nước Trung Hoa hiện đại đã nhận xét: "Không những thống nhất miền Bắc, sáng lập nhà Ngụy, Tào Tháo còn cải cách nhiều hủ tục của triều Đông Hán, thẳng tay với cường hào, phát triển sản xuất, thực hiện chế độ đồn điền mới, đôn đốc khai hoang, thực thi pháp chế, đề xướng tằn tiện, biến một xã hội bị phá vỡ nghiêm trọng đi vào ổn định, khôi phục, phát triển". Mạo Trạch Đông từng viết về Tào Mạnh Đức như sau: "Tào Tháo thống trị miền Bắc Trung Quốc, sáng lập nước Nguỵ, ông đã cải cách nhiều hủ hóa trong triều Đông Hán, áp chế cường hào, phát triến sản xuất, thực hiện chế độ quân điền, còn đôn đốc khai hoang, cho thực thi pháp chế, đề xướng tằn tiện, biến một xã hội đã bị phá vỡ nghiêm trọng bắt đầu đi vào ổn định, khôi phục và phát triển. Ngần ấy chẳng lẽ không đủ để khẳng định, chẳng lẽ không phải là tài cán phi thường hay sao?"
 Nhà văn Quách Mạt Nhược cũng có quan điểm tương tự. Sử gia nổi tiếng Tiễn Bách Tán cũng đồng với quan điểm này. Học giả Dịch Quân Tả cho rằng, vì cuộc đời Tào Tháo là một cuộc chiến trường kỳ nên thơ ca của ông cũng từ đó mà ra.
Tào Tháo là nhà thơ hiện thực kiệt xuất của thời đại ông.Thơ ông là tiếng nói thời đại, phản ánh trung thực hiện thực xã hội ông đang sống.Trong nhiều bài thơ, Tào Tháo dã thể hiện lý tưởng chính trị, cũng như ý chí quật cường và tinh thần tiến thủ. Qua nhiều bài thơ như "Độ Quan sơn - Vượt Quan sơn", bài "Đối tửu - Cùng uống rượu", "Cảo lý hành" và "Giới lộ hành" … Tào Tháo muốn phản đối việc vua làm khổ dân, bắt đi phu, đóng thuế nặng, hy vọng triều đại có vua anh minh, đồng thời cảm thông với những nỗi thống khổ của người dân phải sống trong chiến tranh, thời loạn Đông Hán. Thơ ông vừa thể hiện niềm yêu thiên nhiên, vừa thể hiện ý chí tung hoành của kẻ sỹ thời loạn. Nhiều nhà thơ khẳng định, Tào Tháo đã rất khéo trong việc thể hiện cái hùng tài về chính trị và quân sự của mình vào thi ca với những bài thơ tứ ngôn. Tuyệt đại đa số những bài thơ hay của Tào Tháo đều được ông sử dụng những từ ít hoa mỹ, lời lẽ thuần phác, nhưng ý thơ rõ ràng, hùng hồn, bi tráng khiến người đọc luôn phấn khích. Có người nói, thơ Tào Tháo hào sảng, đầy khí phách của một kẻ hùng tài, đầy mưu lược.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê từng đánh giá cao ca từ trong thơ của Tào Tháo - lời thơ cực kỳ bi tráng. Theo Nguyễn Hiến Lê, bài "Đoản ca hành - Bài hát ngắn" đã thể hiện rõ tài năng của Tào Tháo - dùng binh đã giỏi, thơ văn cũng hay.
Với chính sách “Duy tài thị cử”,Tào Tháo là người thành công trong việc áp dụng chính sách tôn trọng trí thức và trọng dụng nhân tài. Tào Tháo vẫn sử dụng Trần Lâm cho dù ông là người đã viết bài hịch sỉ nhục 3 đời nhà mình. Với những gì đã làm, Tào Tháo không hổ danh là anh hùng thời loạn. Sử sách cũng từng ghi, Tào Tháo là vị Vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã đưa ra quan niệm chôn cất đơn giản.
Về quân sự, Tào Tháo tích cực chống lại sự xâm lăng từ bên ngoài.
Vương Thẩm trong Ngụy thư và Tư Mã Bưu trong Độc Hán thư đều khẳng định Tào Tháo là chính nhân, thậm chí còn công khai bảo vệ ông. 
I.                  Nhân vật văn học
Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ lịch sử,hình ảnh Tào Tháo bắt đầu bị bóp méo vào thời nhà Đường (năm 618 đến 907). Những sử gia theo Nho giáo của thời này do không thích việc Tào Tháo chiếm ngôi của nhà Hán nên đã miêu tả ông là một nguyên mẫu phản diện vô liêm sỉ. Do đó mà có không ít tai tiếng xung quanh nhà quân sự lừng danh.
Rất nhiều sử gia đã gọi Tào Tháo là kẻ thoán nghịch, lên án Tào Tháo về những hành vi gian trá của ông. 
Trong các vở tuồng Trung Quốc, nhân vật Tào Tháo thường được bôi mặt trắng toát, thể hiện bản chất dối trá, phản bội. Đó là sắc diện của kẻ gian hùng, ngược lại với sắc mặt đỏ lựng, đặc trưng của người quân tử.
Đó phải chăng là cái nhìn của giai cấp thống trị phong kiến?Hiển nhiên giai cấp nào thống trị xã hội thì hệ tư tưởng của giai cấp ấy thống trị đời sống tinh thần. Khỏi nói suốt hàng ngàn năm xây dựng nền quân chủ chuyên chế, đế chế Trung Hoa đã ghi tạc vào máu quần chúng ý thức hệ của bọn quý tộc “con vua thì lại làm vua”, bất kỳ hành vi chống đối nào cũng đều bị khép vào tội “khi quân”, mà “khi quân” có nghĩa là “bất trung”,“phản quốc”. Hệ tư tưởng đó đã trở thành hệ tư tưởng chính thống (hễ tư tưởng nào của giai cấp thống trị hiển nhiên nó có tính chính thống) Do vậy không có gì khó hiểu khi mà Tào Tháo lạm quyền, thoán ngôi nhà Hán, dẫu cho ông có công lao mấy đi nữa thì cái ý thức ăn sâu trong máu người Trung Hoa thì  với cái tội danh ấy, ông  khó mà được tha thứ.
Huống chi, La Quán Trung lại viết nên một bộ sách để đời như “Tam quốc chí”, Tào Tháo hết đường thanh minh!
Huống chi, anh em Lưu, Quan, Trương được xây dựng đẹp đẽ như thế, là minh quân ,đầy lòng nhân,thương dân như con, thiết tha trừ bạo yên dân,là dũng tướng, chính trực, khảng khái, xả thân vì minh chủ…là hình ảnh mẫu mực về quân tử trong tâm hồn người Trung Quốc. Yêu người nứoc Thục không thể ưu ái thêm người nước Ngụy. Con người thời ấy chỉ biết yêu ghét phân minh, chính tà rạch ròi, không có lý nào vừa kể công vừa bắt đền tội, không thể đứng giữa hai chiến tuyến mà cùng nói ai cũng phải như ai…
 Trong thế kỷ thứ 14, tiểu thuyết gia La Quán Trung đã viết tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa", một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc. Tiểu thuyết này cũng lấy nhiều cảm hứng từ tuồng, nhưng việc người Trung Quốc nào cũng thừa nhận Tào Tháo luôn bị coi là gian thần hung ác,  chủ yếu là do tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa" của ông mà ra.
Bên cạnh nguyên nhân chính khiến thiên hạ ghét họ Tào đó là vì Tào thoán ngôi nhà Lưu. Và một trong những đặc điểm của  Tào Tháo được người đời hay nêu lên là khi thì thành thực, khi thì gian dối. Vả chăng, chỉ cần một câu “ta thà phụ người thiên hạ chứ không để người thiên hạ phụ ta” mà khiến người ta ngàn đời oán thán.Sự vụ giết cả nhà họ Lã dẫu cho là ngộ sát rồi sau đó day dứt cũng không thể biện minh được.

 Trong lịch sử đã xấu, bôi xấu mãi thì tạo nên thành kiến. Thành kiến truyền từ đời này sang đời khác thì biến thành sự thực. Đi vào văn học với “Tam quốc diễn nghĩa” thì khỏi nói, La Quán Trung cũng gọi Tào Tháo là quốc tặc. Với tư cách là một trong bốn bộ danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc, “Tam quốc diễn nghĩa" đã định hướng cho người đọc những nhân vật trong đó. Theo đó, Tào Tháo là một kẻ thoán nghịch, đa nghi xảo quyệt, giết người không ghê tay, ngang ngược bạo hành. Chính vì mê say với tác phẩm này, với các hình tượng anh hùng được xây dựng theo quan niệm chính thống như anh em Lưu, Quan, Trương mà nhân vật Tào Tháo được xây dựng ở phía đối nghịch đã khắc ghi vào tâm hồn người Trung Hoa bao đời về một Ngụy Vương gian hùng, đa nghi, tàn nhẫn.
 “Khi nghe kể Tam quốc, người nghe thấy Lưu Bị thua thì chau mày, thậm chí chảy nước mắt, thấy Tào Tháo thua thì vui mừng hớn hở”. Đó là thời Bắc Tống. Còn Nam Tống gọi Tháo là giặc. Từ Nguyên, Minh, Thanh trở đi, Tào Tháo đồng nghĩa với câu chửi. Đến đời Càn Long (giữa thế kỷ XVIII) dứt khoát gọi ông ta là kẻ thoán nghịch (cướp ngôi vua). 
Còn trong văn học, cụ thể trong tác phẩm “Tam quốc chí”, trên cơ sở cái nhìn chung dưới sự tác động của tư tưởng chính thống và sự thật lịch sử bị bóp méo, cùng với tài nghệ xây dựng nhân vật của La Quán Trung theo quan điểm của giai cấp thống trị thì việc độc giả “Ủng Lưu phản Tào” là điều đương nhiên, Lưu Bị là con cháu nhà Hán, việc ông hội tụ anh hùng giương ngọn cờ chống Tào tất yếu được nhân dân, bấy giờ đang thống khổ vì chiến tranh ắt ủng hộ.
Nhưng xin phép đựơc biện minh cho họ Tào một câu; làm chính trị thời buổi ấy, không đa nghi, không trí xảo thì hẳn không làm được việc lớn. Vả chăng, văn học thời trước chịu ảnh hưởng của những tín điều đạo đức, chịu áp lực hệ tư tưởng của giai cấp thống trị mà ít bao giờ nghiêng xuống quan tâm tới mặt cá nhân, do vậy người đời và văn học một thời ít nhiều khiến họ Tào chịu không ít thiệt thòi.
Tuy vậy,như Lỗ Tấn đã từng nói, đọc Tam quốc diễn nghĩa, xem kịch Tam quốc không phải là phương pháp đúng đắn để nhìn nhận Tào Tháo. Phải dựa vào sử sách, nhưng sử sách cũng có nhiều chỗ không đáng tin, vì rằng triều đại nào bền, ắt hẳn có nhiều người tốt, triều đại nào ngắn thì hầu như không có. Tào Tháo lại sống đúng vào một giai đoạn rất ngắn, tất nhiên bị đời sau xuyên tạc là lẽ thường. 
Cách đây khoảng 30 năm, trên văn đàn Trung Quốc từng xuất hiện khuynh hướng xem xét lại sự đánh giá đối với các nhân vật trong Tam Quốc. Theo đó, Tào Tháo đã trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển lịch sử Trung Hoa, đồng thời có nhiều công lao trong những cải cách xã hội thời kỳ bấy giờ.Đấy hiển nhiên là việc làm cần thiết không chỉ về mặt lịch sử mà còn có ý nghĩa văn học,văn hóa.



1 nhận xét:

  1. Tào Tháo – Chương 1: Kế thừa dự ngôn, minh chủ xuất hiện
    Xem thêm tại: Anh Hùng Thiên Cổ

    Trả lờiXóa