Ngô thị Thu Thủy
1. Giới thuyết chung về Tư tưởng Lão Trang
1. 1. Lão Tử, “Đạo đức kinh” và những vấn đề cơ bản.
Lão Tử, nhà triết học Trung Quốc thời Xuân Thu, là người khai sinh ra trường phái triết học Đạo gia. Theo “Sử ký” Tư Mã Thiên và truyền thuyết, Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, thụy là Đam, còn gọi là Lão Đam. Ông người làng Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở (nay thuộc Hà Nam , Trung Quốc). Ông là quan sử, từng giữ chức Thư tùng thất cho nhà Chu , sau lui về ở ẩn.
Toàn bộ tư tưởng của Lão Tử được trình bày ngắn gọn và súc tích trong cuốn “Đạo đức kinh” gồm 81 chương, chia làm 2 thiên: “Đạo kinh” (quyển thượng) và “Đức kinh”(quyển hạ).
Cốt lõi triết học của Lão Tử là “Đạo”. Đạo vốn là nòng cốt, cơ sở và tinh hoa của tư duy triết học phương Đông. Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử đã trình bày một khái niệm rất mới, rất thâm viễn về “Đạo”, đem lại cho “Đạo” một nội dung mới mà trước đó trong tư duy triết học Trung Quốc chưa hề có và sau này cũng chưa có văn triết nhân nào có thể vượt xa hơn.
Lão Tử cho rằng “Đạo” là bản nguyên của thế giới, “thứ hình thành trong cõi hỗn độn, sinh ra trước cả trời đất, là mẹ cả thiên hạ” [7;25]. Ở đây, Đạo là thực thể khách quan sinh ra trước muôn vật, là chủ tể của mọi hiện tượng tự nhiên xã hội. Bản chất của Đạo là “vô”: “thiên hạ vạn vật sinh ở hữu, hữu sinh ở vô”[18;37], tuy nhiên Đạo là “thường vô”(cái vô hằng thường) mà cũng là “thường hữu”( cái hữu hằng thường). Như vậy, “Đạo” trong nhận thức của Lão Tử là một phạm trù rất trừu tượng.
Cũng trong bộ thánh điển này của Đạo gia, Lão Tử quan niệm rằng tri thức là điều có hại đối với Đạo. Vì thế ông phản đối việc học tập theo thói thường, chủ trương “tuyệt học vô ưu”, nhằm đạt tới trạng thái hồn nhiên vô tri vô thức, về lại với sự hồn thuần của trẻ thơ mới là đắc đạo. Để đưa đức tính con người trở về với thời kỳ trẻ thơ hồn nhiên chân chất và vô dục, Lão Tử răn : “Thánh nhân không làm cho dân sáng mà làm cho dân ngu” [7;65]. Ngu ở đây chính là đức tính chất phác, giản dị tự nhiên. Người lý tưởng trở về với đức tự nhiên vô vi là người “lù mù”, “hỗn độn”, “thô lậu”, “ngu dốt”. Cái “lù mù”, “hỗn độn”, “thô lậu”, “ngu dốt” ấy của Lão Tử chính là cái thấu suốt mọi lẽ của tự nhiên. Cái ngu đó là đại trí.
Mở rộng tư tưởng về Đạo đến lĩnh vực đời sống xã hội, Lão Tử đề xuất học thuyết “vô vi” như là một học thuyết về nghệ thuật sống của con người trong sự hoà hợp với tự nhiên.
Vô vi không phải là không làm gì mà theo Lão Tử là hoạt động một cách tự nhiên không làm trái với quy luật tự nhiên, không làm những việc gò ép giả tạo đến thái quá hoặc bất cập. Nếu không thuận theo tự nhiên, đem ý chí, dục vọng của con người cưỡng ép vạn vật là trái với đạo vô vi, tất nhiên sẽ thất bại.
Vô vi còn có nghĩa là không là mất cái đức tự nhiên thuần phác vốn có của vạn vật, không ham muốn những gì trái với bản tính tự nhiên của mình. Nếu cố tìm cách thoả mãn dục vọng tất sẽ can thiệp tự nhiên và chuốc lấy tai hoạ.
“Đạo đức kinh” là tác phẩm kinh điển của Đạo gia. Với tác phẩm này, Lão Tử đã khai sinh ra một trường phái triết học, một học thuyết, tư tưởng đối cực với Nho gia, cùng Nho gia ngự trị tâm hồn người Trung Hoa và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của các nước nằm trong vùng văn hoá Hán trên 2000 năm lịch sử.
1. 2. Trang Tử và sự kế thừa tinh hoa “Lão Tử” trong “ Nam Hoa kinh”.
Trang Tử (369 -286 tr. CN) tên thật là Trang Chu, nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thời Chiến Quốc, là một đại biểu quan trọng của Đạo gia. Ông là người xứ Mông, nước Tống, từng làm quan coi Tất viên, sau về ẩn cư tại núi Nam Hoa.
Tác phẩm "Nam Hoa kinh" được lưu truyền đến nay còn 33 thiên, chia làm 3 phần lớn: Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên. Tuy nhiên theo phỏng đoán của nhiều nhà nghiên cứu, chỉ có Nội thiên là do Trang Tử viết, còn phần lớn là do người đời viết thêm vào.
Trung tâm toàn bộ học thuyết triết học của Trang Tử là quan niệm về đạo đức, “cái cốt yếu nhất vẫn quy về thuyết Lão Tử”[15;432]. Và như vậy, so với học thuyết của Lão Tử, học thuyết của Trang Tử có điểm tương đồng và có tính kế thừa. Cả hai ông đều có tư tưởng chống lại giáo điều truyền thống và chế độ đương thời.
Học thuyết của Trang Tử ra sức bài xích Nho, Mặc, lấy bản thể vũ trụ làm chủ. Xuất phát từ ý tưởng chống lại học thuyết “chính danh” của Khổng Tử, nghĩa là chống lại đường lối “hữu vi”, Trang Tử đề xuất khái niệm “vô danh”. Mặt khác, ông cũng tuyên bố đường lối triết học của mình là xuất phát từ tự nhiên để giải thích nó. Như vậy, “vô vi” chính là điểm cốt lõi trong triết lý nhân sinh của Trang Tử . Ông đã phát triển hơn nữa tư tưởng “vô vi” của Lão Tử, chủ trương thuận tự nhiên, chống lại tất cả những gì gọi là “nhân vi’’ và coi đó là “mẫu mực sống của các bậc thánh nhân”[18;96].
So với “Lão Tử”, nội hàm “vô vi” của Trang Tử được mở rộng đến hành vi nhân cách của con người, đó là làm cho mọi vật đều được tự do bình đẳng sống theo bản tính tự nhiên để đạt tới hạnh phúc tuyệt đối. Đó chính là cái đức thuận tự nhiên, không chịu sự ràng buộc bởi các mối liên hệ xã hội của con người.
Đối với một đất nước chuyên chế, cuồng tín và bảo thủ như Trung Hoa cổ đại thì học thuyết của Lão Trang như là tiếng nói của một khuynh hướng chính trị lãng mạn không ít lần đã giúp những nhân vật tiến bộ của lịch sử giáng những đòn đích đáng xuống hệ tư tưởng Nho giáo trong những giai đoạn suy thoái của nó, vào những hiện tượng đen tối trong xã hội phong kiến.
1. 3. Ý nghĩa thực tiễn của học thuyết Lão Trang đối với đời sống văn hoá người phương Đông.
Từ hai bộ kinh điển trên, học thuyết Lão Trang dần hình thành từ sau thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Tuy nhiên, những biến thái đa dạng phức tạp của nó đòi hỏi phải có sự phân biệt tế vi. Trên phương diện triết học, người Trung Quốc xưa gọi nó là Lão Trang hoặc Đạo gia. Đánh giá nó với tư cách là một trong ba tôn giáo lớn, người ta gọi là Đạo giáo hoặc đạo Hoàng Lão.
Nhìn chung, học thuyết Lão Trang đã phát huy ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với nền tảng văn hoá dân tộc Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, triết học, văn chương nghệ thuật, dưỡng sinh, y khoa, hoá học, mỹ thuật, địa lý…
Với tư cách là một tôn giáo, Đạo giáo cũng là một hiện tưọng nhiều khía cạnh. Hơn 2000 năm qua, nhiều hệ thống và chi phái khác nhau của nó đã hình thành. Từ triết học Lão Trang kết hợp với Kinh dịch đã bắt gặp niềm tin thần tiên trong dân gian để trở thành một tôn giáo được người đời nôm na gọi là Lão giáo hay đạo Hoàng Lão.
Hoàng Lão ra đời sớm nhất trong số những chi phái này. Từ giữa thời Chiến Quốc(478- 221 tr.CN) học thuyết Hoàng Lão của Đạo gia đã có vị thế nhất định. Đến thời Hán Vũ Đế, Nho học độc tôn nên Hoàng Lão mất vị trí phép trị quốc để trở thành pháp môn tu tâm. Kế đó, kết hợp với các phương thuật thần tiên, Hoàng Lão đặt ra những nền tảng đầu tiên cho Đạo giáo với tư cách là tiền thân của nó. Đến thế kỷ III sau CN, Hoàng Lão trở thành cơ sở cho đạo Thái Bình của Trương Giốc và đạo Ngũ đấu mễ của Trương Lăng. Lão giáo được định chế hoá với các đạo sỹ, chân nhân, tịnh thất và các địa điểm thờ phụng, nghi lễ phụng sự cùng một hệ thống thần linh từ Ngọc Hoàng thượng đế đến Tây Vương Mẫu và vô số thần tiên cùng ma quỷ khác. Đạo thần tiên cũng có những nghi thức luyện đan, cúng bái, trừ tà, bùa chú và đặc biệt là thuật tu tiên để tự giải thoát mình hay tìm chốn Bồng lai tiên cảnh. Lão giáo cũng từng là niềm hứng khởi, niềm tin cho một số hội kín hay phong trào nông dân nổi dậy: Hoàng Cân, loạn Quyền phỉ, Bạch liên hội, Thiên địa hội… Ngày nay, nó là nguồn cảm hứng cho những pháp môn dưỡng sinh luyện khí của Pháp Luân Công.
Trong văn học, Đạo gia đã để lại những dấu ấn đậm nét.
Bắt đầu từ thời Nguỵ Tấn, khi tư tưởng đại nhất thống sụp đổ thì tư tưởng sống hoà hợp tự nhiên, tự tại tiêu dao của đạo Lão Trang được tôn sùng. Giới trí thức Nho học từ đó về sau tìm đến học thuyết Lão Trang như là một phương thức để cân bằng giữa con người hành động và con người tư tưởng, nhà chính trị - nhà thơ. Hoặc khi bất mãn với thời cuộc, họ tìm đến với Đạo gia để tỏ chí lánh đời. Giới trí thức Nho học đã tìm thấy ở thánh điển của Đạo gia tư tưởng thoát tục, gần gũi cuộc sống tự nhiên. Tư tưởng phủ nhận danh lợi, coi danh lợi là đầu mối hư nguỵ của Lão Trang cũng được các nhà nho tiếp nhận như là một cách thức bày tỏ cái chí thanh cao của mình. Nguỵ Văn đế Tào Phi coi khinh lễ tiết, ưa chuộng phong cách tự nhiên. Lưu Linh say rượu mê thành tiên. Nguyễn Tịch coi thường danh lợi, xem thường cả cái danh Lưu, Hạng. Kê Khang thì “vượt danh giáo buông thả tự nhiên”. Thi tiên Lý Bạch từng nói:
“Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch
Chỉ hữu ẩm giả lưu kỳ danh”
Thiên tử gọi về, thưa “thần nhờ rượu đã thành tiên”. Kim Thánh Thán thị tài, tự phụ, coi đời là cuộc chơi, đề cao tự do tự tại. Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha, Nghiêm Tử Lăng…đều là những cá nhân kiệt xuất ưa chuộng tiêu dao trong đời, coi thường danh lợi, đã để lại cho đời vô vàn những vần thơ bất hủ.
2. Văn học Việt Nam trong mối quan hệ với tư tưởng Lão Trang.
2. 1. Đạo giáo trong tín ngưỡng người Việt.
Suốt ngàn năm Bắc thuộc, đất Giao châu không thể tránh khỏi ảnh hưởng của Đạo giáo, nhất là dưới thời Đường với sự cai trị của thái thú Cao Biền. Lão giáo ở Việt Nam không có tính hệ thống thuần nhất với giới tăng lữ, đạo sĩ, đạo trưởng chuyên luyện đan, làm bùa chú và những danh gia nghiên cứu học thuật thánh điển như ở Trung Quốc. Tuy vậy nó vẫn luôn sinh động trong sự thờ phụng của dân gian.
Thời Đinh Tiên Hoàng, Lão giáo đã phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ. Các phủ đền điện với các thần linh, cá biệt như Cửu Thiên huyền nữ, Liễu Hạnh công chúa, Sơn thần Tản Viên, Tiên Dung, Chử Đồng Tử. . . có mặt khắp nơi trên cả nước. Hàng năm, đạo Mẫu hoặc các thiên tiên thánh giáo có ngày kỵ huý và lễ nghi và kể cả các hoạt động như ngồi đồng, hầu bóng, gọi hồn, xin xăm, đoán thẻ. Len lỏi vào dân gian còn có các thầy cúng, thầy phù thuỷ và một vài tông phái sử dụng ma thuật.
2. 2. Ảnh hưởng của Đạo gia trong văn học trung đại Việt Nam .
Trên phương diện triết học, tư tưởng Lão Trang khi đi vào đời sống văn học đã tạo cảm hứng tiêu dao cho giới trí thức Việt Nam . Từ nguồn tác động này đã sản sinh ra nhiều nhà thơ lớn cho dân tộc.
Trí thức Việt Nam thời trước đều được đào tạo theo nền Hán học, trưởng thành từ cửa Khổng sân Trình. Con đường trong đời của họ là chăm lo đèn sách để làm quan tham chính, mặc dù không phải lúc nào con đường công danh cũng thuận lợi cả. Cuộc đời của một nho sĩ thường chia làm ba giai đoạn: hành nho, hiển nho, ẩn nho. Ngoài thời kỳ làm quan lập danh còn thì họ lui về ẩn dật. Thú vui của họ lúc lui triều là cầm kỳ thi tửu, triết lý sống của họ là an bần lạc đạo, vui thoả trong cảnh tiêu dao, thanh nhàn, rời xa công danh phú quý.
Đó là những con người tự chọn thú vui nhàn tản, không ưa hành động, không màng danh lợi. Nhưng cũng có những nhà nho buộc phải lựa chọn con đường ẩn dật vì bất mãn và bất lực. Khi không thể thích ứng với cục diện xã hội, họ phản ứng lại với trật tự xã hội ấy bằng những hành vi khác nhau: hoặc tự đặt mình ra khỏi vòng xã hội ấy hoặc sống như những “ẩn quân tử”, “dật nhân”. Họ đã tìm thấy ở học thuyết Lão Trang niềm an ủi cho tâm trạng bất đắc chí trước thời cuộc của mình. Không hành thì tàng, không xuất thì xử, họ rời bỏ chính trường và thế tục để giữ thân cao quý, di dưỡng tính tình, giữ trọn khí tiết chốn lâm tuyền điền viên. Tư tưởng phủ nhận danh lợi và lối sống ẩn dật thanh nhàn gần gũi tự nhiên đã trở thành nguồn cảm hứng ngợi ca trong thơ của các nhà nho sau khi lui triều.
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những nhà nho tiêu biểu cho tầng lớp nho sĩ lựa chọn con đường ẩn dật sau những năm tháng tận lực cống hiến tài lực cho triều đình phong kiến. “Quốc âm thi tập” và “Bạch Vân quốc ngữ thi” đã bày tỏ tư tưởng tự do, khát vọng nhàn tản và lối sống thanh sạch, rũ bỏ công danh phú quý trong văn học cổ Việt Nam . Thơ văn hai ông nói nhiều đến chữ “nhàn”- trạng thái tinh thần thoát khỏi danh lợi và các sự vụ của chính trường. Tuy là những người đã đóng góp rất tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước song Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn luôn mong ước được sống nhàn tản, ngày ngày thong thả tiêu dao kết bạn với thiên nhiên, xem đó là hạnh phúc để nghỉ ngơi thân xác, thanh thản tâm hồn.
Phùng Khắc Khoan cũng từng là nho sĩ quan liêu nhưng rồi cũng lựa chọn con đường ẩn dật giữa thời cuộc hỗn loạn của cuộc chiến tranh Lê - Mạc. Trong những ngày ẩn chí đợi thời, những khi bị biếm trích, ông đã say sưa với thú lâm tuyền trong tâm trạng của một ẩn sĩ. Ý chí của nhà nho yêu cuộc sống gần gũi tự nhiên, ước vọng rũ bỏ bụi hồng chốn kinh kỳ náo nhiệt được ông bộc lộ rõ trong “Lâm tuyền vãn”.
Đào Duy Từ lúc trưởng thành cũng là một nhà nho hành động nhưng trước khi ra giúp đời, ông cũng đã từng sống như một dật tiên. ”Ngoạ Lọng cương vãn" là tác phẩm phản ánh tâm trạng của ông trong những ngày ẩn dật đó.
Trong “Tuyết Trai thi tập”, Ngô Thì Ức cũng thể hiện cái chí vui thú ruộng vườn, tự cho mình là “chàng tiêu dao bên bờ sông Nhuệ”, “thung dung, phóng khoáng chẳng chịu để cho mực thước bó buộc”.
Đặc biệt, có một cái tôi ngoại cỡ, phóng túng, ngất ngưởng trên thi đàn văn học Trung đại Việt Nam : Nguyễn Công Trứ. Ông là nhà thơ lớn, hiện thân của con người tự do trong cõi tục, có được phong thái tiêu dao nội tại của kẻ “đứng trên tình thế, đứng ngoài trần ai, không vướng tục, như tiên”[12;413]. Ông nhàn ngay cả khi đang làm quan, ung dung tự tại ngay cả khi bị biếm trích. Cái ngông của Nguyễn Công Trứ kế tục cái ngông của Trang Tử. Thơ ông thể hiện ước vọng được du lãm đến cùng cốc thân sơn với thơ rượu địch đàn, tỏ với đời phẩm chất thanh cao của kẻ sĩ không màng danh lợi. Cũng như nhiều nhà nho khác, ông cũng nhiều khi mơ về “toà đá Khương công”, “áo xuân Nghiêm tử”. Tất cả những điều đó nói lên phản ứng của ông đối với xã hội đương thời.
Nguyễn khuyến - nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, khi nhận thấy bản thân không thể đem tài lực ra mà cống hiến được nữa, giữa thời cuộc xô bồ, đành lui về vườn quê vui thú tuế nguyệt thảo hoa, nhắc tới “ông Đào” để nhắc mình giữ thân thanh sạch, lánh xa chốn quan trường vụ lợi bon chen.
Tiếp nhận học thuyết Lão Trang ở những khía cạnh tích cực nhất của nó, các tác gia Việt Nam tiêu biểu trong thời kỳ trung đại đã tạo ra một truyền thống hưởng nhàn với cuộc sống thanh bạch nơi làng quê. Đồng thời, đối với nền văn học dân tộc, họ đã tạo ra một không gian thanh thoát trong một xã hội kỷ cương chặt chẽ, xô bồ và nhiều ngang trái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét