Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Tư tưởng Lão Trang trong "Bạch Vân quốc ngữ thi'' của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ngô thị Thu Thủy
I. Tư tưởng phủ nhận danh lợi và thái độ ung dung tự tại của Nguyễn Bỉnh Khiêm  
1. Tư tưởng phủ nhận danh lợi
1. 1 Cơ sở nhận thức và quan niệm
Chiều sâu triết học trong nhận thức về bản thể vũ trụ theo quan niệm của Lão Trang là tiền đề tư tưởng đầu tiên cho thái độ phủ nhận danh lợi của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Học thuyết Lão Trang vốn quan niệm Đạo – bản thể vũ trụ là một tồn tại phổ biến và vô hạn. Nó là sự thống nhất giữa thường vô và thường hữu, cái trống không và cái có hình thể.
Theo Lão Tử, “đạo” có tính khách quan, tự nhiên thuần phác; do vậy, trời đất hóa sinh phó mặc tự nhiên, con người không thể can thiệp. Nhưng trong sự vĩnh hằng của bản thể vũ trụ có bao chứa sự lưu chuyển sinh hóa, tức là trong hằng có biến, trong cái vô hạn của đạo có sự hữu hạn của đời người. Với Lão Tử, đời người cũng là một phần của tự nhiên, con người sẽ trở về với đạo sau khi đã trải qua cuộc đại chuyển hóa. Do vậy con người không thể làm chủ tự nhiên bằng ham muốn, bằng hành động tự giác và có ý chí. Dục vọng của con người là vô tận, là trái với tự nhiên. Đó là lý do vì sao Lão và Trang đều coi hám danh cầu lợi là đi ngược lại với tính thuần phác của tự nhiên. Từ đó, hai ông đề xướng tư tưởng không theo đuổi danh lợi, coi “hám danh cầu lợi là đầu mối của tranh chấp, là đại địch của an định”[18;52].
Sách Lão Tử viết: “không tôn sùng bậc hiền tài, khiến dân chúng không tranh giành (công danh lợi lộc). Tôn sùng bậc hiền tài sẽ khiến những người có dã tâm đứng ra tranh quyền đoạt lợi làm nhiễu loạn lòng dân dẫn đến xã hội rối loạn”[7;23]. Coi danh lợi là thứ hư ngụy, Lão Tử cho rằng cái thứ danh ấy có thể khiến tâm trí bị dày vò, lo lắng không yên, “người thực sự có danh thì nghèo khó, người cầu danh một cách giả dối thì giàu sang”[18;68]. Bởi thế, “người chân thực thì không cầu danh, người cầu danh không chân thực, danh thực ra là một thứ giả dối”[2;148]. Lòng ham muốn lợi danh tột cùng của con người khiến cho con người luôn bị dằn vặt vì không được thỏa mãn. Coi trọng tiếng khen chê phú quý ở đời chỉ khiến cho hình hài tiều tụy, tinh thần mỏi mòn lo lắng không yên.
Sách Trang Tử cũng viết “chí nhân thì không kể mình, thần nhân thì không kể công, thánh nhân thì không kể danh” [17;217]. Để đạt tới hạnh phúc tối cao, thánh nhân đã thực hiện sự vũ trụ hóa con người mình, tâm linh hòa cùng vạn vật, không còn coi trọng chuyện lợi danh ở đời nữa. Đối với cha đẻ học thuyết chính danh – Khổng Trọng Ni, Trang Tử cho rằng danh của Khâu đối với người đời là một thứ phiền toái, tội trời, một hình phạt như cái gông suốt đòi phải mang mà thôi. Xét cho cùng, danh lợi chỉ là gông cùm trói buộc, giam cầm cả đời người trong khổ đau.
Con người khi hiểu rõ cái lẽ hóa sinh biến dịch đó của bản thể vũ trụ tức là nắm được cái quy luật hóa sinh của đạo thì sống thanh thản, coi lợi danh chỉ là ngoại vật, phù vân giữa cuộc đời.
1. 2. Tư tưởng phủ nhận danh lợi của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”
Đời cũng như thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đều luôn được soi tỏ bởi cái chí thanh cao, lánh xa chốn quan trường hiểm độc, những nơi đua chen giành giật lợi danh. Là nhà nho lỗi lạc nhưng cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm lại chủ yếu là những tháng năm sống ngoài phú quý vinh hoa. Ông ra tham chính vì lương tri của người nam tử ý thức về bổn phận phò vua, về ẩn dật lại vì không ham bổng lộc triều đình. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh vị tiền tài chỉ là giấc hòe an phù vân hư ảo:
“Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa”
(Bài 1)
“Phú quý bao nhiêu người thế gian
Mơ màng chăng thưở giấc hòe an”
(Bài 46)
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
(Bài 79)
Thấm nhuần tư tưởng phủ nhận danh lợi mà Lão Trang đề xướng, trong rất nhiều bài thơ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bày tỏ quan niệm rằng danh lợi là nỗi phiền lụy, đường danh lợi là hiểm nguy cạm bẫy:
“Nẻo có công danh là có lụy”
(Bài 18)
Vì danh cho phải lụy đòi phen”
(Bài 20 )
“Ải Tần non Thục đường nghèo hiểm
Cửa Khổng làng Nhan đạo khó khăn”
(Bài 23)
Đó không hẳn là thái độ tiêu cực hay là một sự chối bỏ đối với trách nhiệm của nhà nho. Đạo gia ra đời như một phản ứng đối với sự loạn ly thời Xuân Thu - Chiến Quốc; những vần thơ phủ nhận danh lợi của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ra đời trong một thời đại nhương nhiễu, đảo điên, những kẻ hám quyền hám lợi đang gây ra cảnh khói lửa tương tàn, chém giết lẫn nhau. Những câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ nói lên được hiện thực mà còn bày tỏ thái độ của một bậc cao nhân căm ghét lợi danh, xa lánh bụi bặm kinh kỳ:
“Rượu năm ba chén đổi công danh”
(Bài 138)
“Công danh hai chữ đã nhường người”
(Bài 51)
“Áng công danh xem trễ nải”
(Bài 20)
Ý thức được sự nghèo hiểm của con đường danh lợi, ông khuyên con người ta rời bỏ chốn thị thành, tránh xa chốn bán lợi mua danh. Bản thân ông cũng đã sáng suốt cân nhắc, lựa chọn con đường “Dĩ thân tuẫn đạo” để “cái công danh không làm lụy khách Nam Dương”, rũ bụi phồn hoa để không phải vướng lời thị phi đàm tiếu:
“Vật vờ thành thị làm chi nữa
Ít tiếng khen thì vắng tiếng chê”
(Bài 66)
Cũng xuất phát từ tư tưởng phủ nhận danh lợi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cực lực phê phán xu hướng chạy theo lợi danh và những kẻ xu phụ lợi danh, tham phú phụ bần đương thời. Giữa một giai đoạn lịch sử đa đoan, đầy những biến cố và những kẻ cơ hội không biết nhân, không yêu nghĩa, chỉ thích điều lợi, chăm chăm xâu xé nhau vì bổng lộc, chức tước, người có nhân cách như Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể không lên tiếng. Đó là tiếng nói phẫn nộ mà đầy chua xót của một nhà Nho giàu ý thức về đạo đức:
“Của nhiều thôn dã chen chân đến
Khó ở thành thị ít kẻ han”
(Bài 70)
“Trước đến tay không nào đoái hỏi
Sau vào nặng túi lại vui cười”
(Bài 80)
“Thưở khó dẫu chào, chào cũng lảng
Khi giàu chẳng hỏi, hỏi thời quen”
(Bài 5)
Sống trong bối cảnh đảo điên của thế thái nhân tình như vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn cách sống của một triết nhân: ông đề cao cuộc sống an bần lạc đạo, chủ trương không đua tranh giành giật danh lợi với người đời. “Phú quý giai do mệnh”, đua tranh chỉ đem đến sự tiều tụy cho hình hài, làm tổn hại tâm trí:
“Làm chi đo đắn nhọc đua tranh”
Bản thân ông cũng chủ trương an phận, xa lánh nơi danh lợi hiểm hóc:
“Quyền môn chốn ấy biếng bon chen”
(Bài 94)
Lựa chọn cuộc sống an bần lạc đạo cũng là một cách Nguyễn Bỉnh Khiêm phản ứng với thói đời tham quyền cố vị lúc bấy giờ; đồng thời tỏ với người đời nhân cách của một nhà Nho trung chính, noi gương người xưa lập chí, bảo toàn thân danh:
“Ấm cật no làng hay phận đủ
Đổi công toan lợi mặc ai dầu”
(Bài 131)
Lợi danh từng biết chốn lao xao
Dấu cũ đành mong nối họ Sào”
(Bài 152)
Lựa chọn đó đối với một bậc cao sĩ không phải là khó khăn. Đặc biệt với Nguyễn Bỉnh Khiêm, người từng trải tám năm giữa một triều đình nhiễu loạn, ý thức về sự phiền lụy mà lợi danh đem lại càng sâu sắc. Pháp luật đảo điên, thau vàng lẫn lộn, dân chúng không có nơi nương tựa tấm thân, hiền tài không có nơi thi thố năng lực; cứ tham quyền cố vị ở triều đình ấy không phải là việc thức thời. Ngay cả thân danh, phẩm tiết của kẻ sĩ có khí tiết cũng đâu cho phép Nguyễn Bỉnh Khiêm đứng ngang hàng với bon tham quan nhũng lạm. Không thể cống hiến tài lực cho đất nước, không muốn phục vụ cho những ông vua tài hèn đức mọn, không thể cộng tác với bon tham quan chỉ chăm chắm giành giật chức tước, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn con đường của các bậc tiền bối: an bần lạc đạo, lánh xa vòng lợi danh, giữ vẹn phẩm tiết trong sạch. Đó là thái độ ứng xử của kẻ sĩ đã thấu đạt lẽ đời, nắm được quy luật hóa sinh của đạo, ung dung tự tại trước cảnh phù vân hư ảo của lợi danh.
2. Thái độ sống ung dung tự tại của Nguyễn Bỉnh Khiêm
2. 1. Cơ sở nhận thức và quan niệm
Biện chứng pháp trong học thuyết Lão Trang đã chỉ rõ : bản thể vũ trụ là vĩnh hằng nhưng trong thế giới không có gì tĩnh tại. Vạn vật luôn luôn lưu động, chuyển hóa lẫn nhau, phát sinh từ Đạo rồi trở về với Đạo. Thế giới vạn vật đều có sẵn một năng lực nội tại tự sinh tự hóa vận động không ngừng. Sự sinh hóa ấy là cuộc đại chuyển tiếp giữa vũ trụ và vạn vật, là trạng thái của “Đạo” theo trật tự của tạo hóa. Thuộc tính khách quan đó khiến cho đất trời sinh hóa phó mặc tự nhiên không một lực lượng nào có thể can thiệp.
Như vậy, “Đạo” của Lão Trang là cái thế giới thường xuyên vận động biến đổi không ngừng, có sinh mà không có tử, tử cũng chỉ là một hình thái biến hóa của sinh. Do vậy, con người khi nắm được cái quy luật hóa sinh ấy của “Đạo” rồi thì bình thản sống theo quy luật tự nhiên, không ham sống lâu, không ham danh vọng tiền tài, có được phong cốt ung dung tự tại của bậc cao nhân thấu đạt đạo trời, thủ tiêu được những ràng buộc của ngoại giới, ly khai với mọi biến động ở đời. Đối với kẻ thấu đạt được tinh thần ấy của Đạo gia thì vinh nhục, lợi danh, thanh sắc, giàu nghèo không còn là mối bận tâm nữa. Bậc chân nhân vượt qua được giới hạn quan niệm sinh - tử tầm thường sẽ đạt tới sự giao hòa với vạn vật, sự sống chết trở nên nhỏ bé trước tự nhiên. Lẽ Đạo ấy có thể khiến con người ta sống bình thản, an nhiên tự tại trong đời.
2. 2. Thái độ sống ung dung tự tại của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”
Nguyễn Bỉnh Khiêm có lẽ là một trong số ít người thấu đạt được quy luật sinh hóa ấy. Do vậy mà suốt cuộc đời, ông có được phong thái của một bậc cao sĩ tháng ngày nhàn du chốn nước non. Vẻ an nhiên tự tại ấy cùng với cảnh sống thanh bần chốn quê đã tạo nên một bầu không khí nhàn dật bao trùm tập thơ “Bạch Vân quốc ngữ thi”.
Trong truyền thống tư tưởng của văn học trung đại Việt Nam, quan niệm về “nhàn” hoàn toàn không có tính chất thoát ly thực tại xã hội. Đó không phải là mục đích sống mà chỉ là một lối sống, một cách ứng xử và cao hơn, là phẩm chất, nét đẹp văn hóa của một dân tộc yêu nghĩa tình đạo lý hơn danh lợi của cải. Được giáo dục theo nền kinh học Nho gia, từ khi còn nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thấm nhuần học thuyết đạo đức chính trị này. Lúc trưởng thành ông đã sống và hành động theo phận vị mà Khổng Phu tử đã đề ra cho Nho sinh: lo tu dưỡng để trí quân trạch dân. Và cũng như những nhà nho khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm ý thức rằng muốn hành đạo giúp đời phải khắc kỷ, vị tha nhân. Do vậy, đối với học thuyết Lão Trang – một học thuyết chủ trương coi con người là một tồn tại tạm thời của tự nhiên, đề cao cái tôi cá nhân, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ coi đó như là một phương thức để tự cân bằng giữa con người tư tưởng và con người hành động, hoàn toàn không phải là giải pháp thoát ly hay là cứu cánh, càng không phải là sự ích kỷ của kẻ trốn tránh trách nhiệm để hưởng lạc vinh thân phì gia.
Khởi nguyên từ vũ trụ quan của Lão Trang, tư tưởng “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng trên nền tảng của một triết lý nhân sinh nhằm hài hòa với quy luật tồn tại. Nhận thức sâu sắc về quy luật hóa sinh của Đạo và đi theo con đường của các bậc tiền bối Chu An, Nguyễn Trãi. . . Nguyễn Bỉnh Khiêm “đã thực sự thấu đạt đạo trời, đạo người”[16;249]. Giữa bối cảnh lịch sử bấy giờ, quy ẩn là con đường duy nhất giữ được tiết tháo hiếu trung cho kẻ trượng phu. Không hề cuồng phóng cũng không vô trách nhiệm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống an nhiên tự tại, thoát khỏi cảnh đời đua chen để giữ trọn thanh gia lạc đạo vong bần. Chữ nhàn trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" do vậy có một nội hàm ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, là một quan niệm sống mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn.
Tìm về cảnh nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm thực sự muốn có được cái nhàn của tâm – sự tĩnh tâm, là cái nhàn nội tại của tâm hồn đem đến cho ông phong thái ung dung của bậc tiên phong đạo cốt. Nhưng chữ nhàn đó không phải là không có tính cá nhân. Trong con người Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên cạnh con người chức năng nghĩa vụ còn có con người cá nhân muốn hưởng lạc thú, ít nhiều muốn tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc chặt chẽ của kỷ cương Nho giáo để mà tự tại an nhiên. Tuy vậy, ông không bao giờ ham muốn được giải thoát. Trong tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm, cái cổ điển của Nho học luôn giữ địa vị chính thống so với cái lãng mạn của Đạo gia. Chính điều đó đã tạo nên một Bạch Vân cư sĩ - nhà thơ, ẩn quân tử bên cạnh một Trình quốc công - nhà chính trị.
Tập thơ "Bạch Vân quốc ngữ thi" nói rất nhiều đến cảnh nhàn, người nhàn, tâm nhàn. Theo thống kê của chúng tôi, trong suốt 177 bài thơ của tập thơ này, có đến 38 câu thơ với 41 lần xuất hiện của của chữ nhàn. Trong truyền thống văn học trung đại, không ít nhà thơ nói đến chữ nhàn nhưng ít ai nói một cách thiết tha sâu sắc như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chính vì lẽ đó mà người ta gọi ông là “ông nhàn”, là “tiên giữa cõi tục”. Với ông, nhàn không chỉ là thú vui thanh tao thưởng ngoạn thiên nhiên mà còn là nơi gửi gắm tình yêu đối với cuộc sống, bày tỏ thái độ đối với nhân sinh và thể hiện phẩm tiết của bậc trượng phu giữ thời đại loạn. Say sưa với cảnh nhàn dật, Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày ngày tiêu dao ở thảo am, dạo chơi trên bến nguyệt và vui thỏa trong nếp sống thanh bần với túi thơ bầu rượu. Giữa cảnh trí nước non chốn quê mùa, thưởng thức những thú cao nhã của một triết nhân, Nguyễn Bỉnh Khiêm có được phong thái ung dung của người tiên giữa cõi tục. Rũ áo từ quan, lánh xa nơi huyên náo của đường danh chợ lợi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sẵn sàng đổi công danh phú quý lấy cái thanh thản của tâm hồn - đỉnh cao của con đường nhàn dật:
“Người xem phú quý người hằng trọng
Ta được thanh nhàn ta sá yêu”
(Bài 51)
Đó là sự trải nghiệm của kẻ sĩ đã nắm được quy luật nhân sinh, là hạnh phúc của người làm chủ đời sống tinh thần của mình. Lúc đó, hưởng nhàn là hưởng một điều vui thú, sống nhàn là để chống lại thói đời cố hữu tham công danh và cao hơn hết, sống nhàn là để hướng đến một cuộc sống như thần tiên ngay giữa cõi tục.
Nếu Nguyễn Trãi về nhàn là bất đắc dĩ thì đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm lại là sự tự nguyện. Đó là sự lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm như là sự lựa chọn một lối sống, một cách ứng xử, một thú vui, sở thích:
“Cảnh có nước non nhàn được thú
Hứng làm thơ rượu chứa qua ngày”
(Bài 35)
“Đắc thú thanh nhàn ấy dưỡng thân”
(Bài 142)
“Thú nhàn mừng thấy bạn ngâm nga”
(Bài 129)
Giữa thời cuộc ấy, muốn hưởng trọn thú thanh nhàn không phải dễ. Nếu không có cái tâm tịnh khiết, cái trí thấu suốt lẽ đạo thì không thể dựng lên được một không khí nhàn dật thanh thoát đến thế. Mọi phiền não, lo toan đời tục dường như đã được trút sạch, chỉ còn lão tiên khách tự tại ung dung giữa đất trời, thỏa lòng vui với thú quê vườn ruộng. Lựa chọn cuộc sống này có nghĩa là Bạch Vân lựa chọn cuộc sống thanh bần nhưng tinh thần thì giàu có:
“Giàu mặc phận, thác ai bì
Đọ thanh nhàn, khá nhất nhì”
(Bài 92)
Cuộc sống thanh nhàn ở vườn xưa làng cũ đem lại cho thi nhân nhiều lạc thú: được thưởng thức tửu cúc, trà mai ngay bên hiên nhà, được làm chủ cả kho phong nguyệt, được sống chan hòa cùng thiên nhiên và những con người chất phác chốn quê, được ăn bát canh cua róc buổi hè, đắp ổ rơm ngày đông, ngày vịnh gió đêm ngâm trăng, khi đánh cờ lúc buông câu. . . những thú thanh tao của những bậc hiền sĩ vui với thiên mệnh. Đó có lẽ là điều mà Khổng Trọng Ni suốt đời ước ao mà không thực hiện được.
Những bài thơ vịnh cảnh nhàn ấy vừa phóng khoáng thanh tao, vừa bộc lộ phẩm chất của một vị dật tiên không còn vương tục lụy, biết thưởng thức vẻ hữu tình của non nước. Rõ ràng, tiếp biến Đạo gia ở Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khiến cho màu sắc Nho gia bớt đi sự cứng nhắc khô khan để dựng lên bầu không khí thanh tao, tươi tắn trong những bài thơ Nôm này.
Để được thanh nhàn, tâm không thể vướng bụi tục. Cái phong thái ung dung đó là cái cốt cách của bậc cao nhân rũ bỏ được bụi bặm của công danh, xa lánh khỏi chốn quan trường lao xao, không còn phải nhọc lòng bon chen với người đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm có được vẻ tự tại an nhiên ấy chính là nhờ dứt khoát đánh đổi vinh quý chốn vương triều lấy cảnh lạc đạo chốn điền viên:
“Được thua thấy ắt đã nhiều phen
Để rẻ công danh đổi lấy nhàn”
(Bài 13)
Ngợi ca cảnh sống thanh nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt nó trong sự đối lập với danh lợi. Đó là một cách sống, một quan niệm sống tích cực, một cách phản ứng đối với xu hướng chạy theo danh lợi đầy rẫy đương thời.
“Tử mạch đường người la ỷ rợp
Bạch Vân am tớ cỏ hoa tươi”
(Bài 118)
Một am phong nguyệt tớ vui tớ
Hai chữ công danh người mặc người”
(Bài 51)
Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là một sự lựa chọn dứt khoát không cần cân nhắc đắn đo hay nuối tiếc. Bổng lộc triều đình, lầu son gác tía cửa quan không có ý nghĩa gì so với cảnh đẹp quê nhà mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói tới bằng những vần thơ tha thiết say mê. Đó thực sự là cuộc sống đáng mơ ước đối với những người từng biết cái hiểm hóc của đường lợi danh, từng phải nhọc lòng vì gió bụi kinh thành:
“Thư song vắng vẻ nhàn vô sự
Tai chẳng còn nghe tiếng thị phi”
(Bài 58)
“Án cũ giở xem ba quyển sách
Song thưa ngơi nghỉ một con lều”
(Bài 40)
Cuộc sống thanh thản, bình yên ấy quý giá vô ngần giữa thời cuộc đảo điên mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đang sống. Vì thế, trước sau như một, ông nhàn khẳng định: dù ai phú quý vinh hoa, riêng ông vẫn một lòng vui cảnh an bần lạc đạo, lấy gió trăng làm của cải nhà. Mà quả thực, chọn cuộc sống thanh bần, Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu có vô cùng: giàu có thư nhàn, giàu có gió trăng, giàu có tinh thần. Không những được nhẹ gánh phong trần trong những ngày tháng vô sự, tiêu dao, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có nước non làm bầu bạn được hưởng cuộc sống của lão khách tiên thảnh thơi không vướng tục:
“Dửng dưng một sự nay ngoài hết
Nhàn một ngày là tiên một ngày”
(Bài 10)
“Thân nhàn ấy ắt là tiên khách”
(Bài 34)
“Chữ rằng vô sự tiểu thần tiên”
(Bài 5)
Trong thơ ca trung đại không có nhiều hình ảnh tiên khách thảnh thơi ngày ngày ở am phong nguyệt, dạo chơi nước trí non nhân như vậy. Đó là tột đỉnh của cảnh nhàn: cảnh thần tiên. “Tiên” trong tâm thức người Việt có ý nghĩa vô cùng cao quý: người tiên, cõi tiên là ước mơ đẹp nhất của con người hướng về cõi cực lạc. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy cảnh tiên ngay ở cõi tục, hạnh phúc thần tiên ngay ở cõi lòng thanh tịnh của mình. Có được điều đó là nhờ người quân tử đã thấu đạt lẽ hóa sinh ở đời, nhẹ đường công danh, xa vòng phú quý, an nhiên tự tại ngay giữa cõi đời vốn nhiều tục lụy.
Ngay trong thái độ sống ung dung tự tại ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bộc lộ một cái tôi. Tuy không bao giờ có ước vọng giải thoát, ly khai với mọi biến động ở đời, nhưng đối với ông, mọi vinh nhục, thanh sắc, lợi danh ở đời. . hết thảy đã thành phù vân ngoại vật. Ông nhàn đã đạt đến trạng thái tự do tinh thần, vượt lên trên những ràng buộc của ngoại giới để ung dung tự tại hóa thân thành tiểu thần tiên ở đời.
Tuy thấm nhuần tư tưởng của đạo gia nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không ảo tưởng về nó. Dù tiêu dao, phóng túng nhưng ông không bao giờ tự đặt mình ở ngoài vòng vận mệnh cộng đồng và bản sắc dân tộc. Do vậy, cái tôi Bạch Vân cư sĩ không bao giờ thoát ly, xa lạ với hiện thực cuộc đời. Chính trị gia, nhà thơ ưu thời mẫn thế Nguyễn Bỉnh Khiêm ngoài những khi kế tục các vị tiền bối đạo gia lưu giữ một giấc mơ an lạc đang dần mất, vẫn thường trực nỗi lo luôn đi trước thiên hạ, bày tỏ một tấm lòng hiếu trung với dân mình, nước mình.
Cặp phạm trù đối lập “Danh lợi – Thanh nhàn” trở đi trở lại trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" như là những điểm sáng thẩm mỹ biểu trưng cho phong cách nghệ thuật và phong cốt bậc triết nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bỏ lầu son gác tía, xa ngai vàng bệ ngọc, người nam tử cốt cách thanh cao ấy đã tìm về với xóm chài, vườn rau, gần gũi đứa mục đồng, người hái củi, tìm thấy hạnh phúc thần tiên ngay giữa làng cảnh quê nhà.
Kế tục những Dương Chu, Hàn Dũ, Tô Đông Pha, Khương Công, Nghiêm Tử. . . , hay gần gũi hơn là Chu An, Nguyễn Trãi. . , Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lựa chọn con đường quy ẩn để giữ trọn phẩm tiết kẻ trượng phu giữa thời loạn. Tư tưởng phủ nhận danh lợi, thái độ sống ung dung tự tại của nhà thơ đã bộc lộ triết lý nhân sinh cao đẹp, một quan niệm sống tích cực đối với cuộc đời. Đó là lý do vì sao có thể khẳng định Nguyễn Bỉnh Khiêm có “nhân cách một bậc cao sĩ”[10;387].
II. Thuyết vô vi và triết lý sống thuận theo tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong “Bạch Vân quốc ngữ thi”.
1. Đại đạo tự nhiên trong học thuyết Lão Trang .
Thừa nhận vị trí chính thống của học thuyết “hữu vi”, ”chính danh” mà Khổng phu tử đề xướng, có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lấy luân lý Nho gia làm cơ sở cho triết lý nhân sinh trong cuộc đời mình. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, ý thức nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn luôn thường trực những dấu ấn của Lão Trang. Đặc biệt trong thi phẩm "Bạch Vân quốc ngữ thi", thuyết “vô vi” để lại những dấu ấn rất đậm nét.
Với Lão Tử, hạnh phúc của đời người có được là nhờ biết thuận tự nhiên, bằng lòng với thực tại, là nhờ “vô vi” nhưng không gì không làm. Với Trang Tử, hạnh phúc của bậc chân nhân là đạt đến tự do tinh thần tuyệt đối, biết sống theo bản tính tự nhiên, được phát triển những năng lực, sở thích tự nhiên của bản thân và tạo vật. Gần trọn cuộc đời sống an lạc trong sự hòa hợp với tự nhiên, hẳn Nguyễn Bỉnh Khiêm thấu đạt và tâm đắc với lẽ đạo ấy của Đạo gia.
“Vô vi” dịch theo nghĩa đen là không làm gì. Nhưng hơn 2000 năm nay, người Trung Hoa vẫn hiểu nó theo nghĩa hành động một cách tự nhiên, không làm gì trái, không can thiệp vào guồng máy tự nhiên, không giả tạo hay cưỡng ép. “Đạo đức là cái luật tự nhiên”[7;52]. Nếu không thuận theo lẽ đạo ấy mà đem ý chí dục vọng con người ra cưỡng ép vạn vật tất sẽ chuốc lấy khổ đau thất bại. Vì vậy, con người không nên làm mất cái đức tự nhiên thuần phác vốn có của tạo vật, ham muốn những gì trái với bản tính tự nhiên của mình.
Mở rộng khái niệm này, Lão Tử còn chống lại những chuẩn mực đạo đức và thể chế pháp luật, coi đó là sự áp đặt cưỡng chế đối với bản tính tự nhiên của con người, là nguyên nhân của sự giả dối và điều ác. Chống lại luân lý cứng nhắc của Nho gia, Lão Tử cho rằng “nhân, lễ, nghĩa” chỉ là giả dối, trái tự nhiên; những kẻ thực hành điều ấy đều xa rời Đạo bởi người sống theo Đạo vô vi không xem quý ngay đến cả bản thân mình.
Trang Tử còn xem”vô vi” là mẫu mực sống của các bậc thánh nhân, “rong chơi ở cõi vô cùng, tâm hồn hòa đồng cùng vạn vật thản nhiên trước sự sống chết”, được thỏa mãn mọi ý thích và phát triển một cách trọn vẹn bản tính tự nhiên vốn có của mình. Đó là “chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh”.
Lão Trang đề cao “vô vi” là để cho người đời được sống thuần phác, yên ổn, thiên hạ được thái bình, tạo nên mối tương giao cộng đồng xã hội theo tinh thần giản dị hồn nhiên, bình đẳng, tự do và nhân ái. Tuy vậy, ngay trên lý thuyết, tư tưởng của Lão Trang đã mang nặng tính cực đoan và ảo tưởng.
Nhưng xét cho cùng, sự ra đời của học thuyết Lão Trang là một phản ứng tất yếu đối với cục diện xã hội thời Xuân Thu- Chiến Quốc. Trong đại cục rối loạn ấy, người sáng lập Nho gia mong muốn vãn hồi cảnh thái bình thời Nghiêu- Thuấn bằng luân lý, kỷ cương còn người khai sinh ra trường phái Đạo gia lại đưa ra học thuyết đối lập, chủ trương buông thả tự nhiên, quay về với thời kỳ hồn nhiên giản phác cuả lịch sử. Nhà nước phong kiến Trung Hoa hơn 2000 năm đã dùng Nho học để đào tạo ra những chính trị gia còn Đạo gia lại có công bồi đắp nên những tâm hồn thi sĩ và mở ra những không gian thi ca thanh thoát. Lịch sử Trung Hoa đã ghi nhận tên tuổi những chính trị gia – nhà thơ kiệt xuất như là một hiện tượng phổ biến: đó là sự điều hòa hai trường phái, học thuyết chính trị- đạo đức đối lập: trường phái cổ điển Nho gia và trường phái lãng mạn Đạo gia. Lý Bạch, Tô Đông Pha, Đào Uyên Minh. . . không nằm ngoài số ấy. Họ đã để lại cho hậu thế vô vàn những bài thơ đẹp về mối giao hòa giữa con người và tạo vật.
2. Triết lý sống thuận theo tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong "Bạch Vân quốc ngữ thi".
Tiếp thu có chọn lựa tư tưởng của người xưa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã loại bỏ những gì cực đoan thái quá trong triết lý phóng nhiệm của Lão Tử và Trang Tử. Nhân sinh quan của Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng trên cơ sở nhận thức sâu sắc về thời đại ông đang sống và sự đồng nguyên các luồng tư tưởng ngoại lai với tâm thức, văn hóa dân tộc Việt. Cái tích cực của nhất trong tư tưởng của Đạo gia mà Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp thu được chính là tinh thần sống hòa hợp tự nhiên. Chính ở điểm này, Đạo gia đã góp phần tạo nên một Bạch Vân thi sĩ với những vần thơ về thiên nhiên bay bổng, mềm mại, trữ tình.
Không có những tuyên ngôn phóng nhiệm tới mức độ cuồng phóng nhưng Bạch Vân thi sĩ cũng đã bày tỏ một phong cách sống mang đậm tính Lão Trang :
“Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên”
(Bài 48)
“Tới lui thửa phận mặc tự nhiên”
(Bài 56)
“Làm người thìn được tính tự nhiên”
(Bài 53)
Khoát đạt, ung dung không chỉ trong phong thái, cái cốt cách bậc chân nhân ở Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thể hiện rõ nét trong một triết lý sống hài hòa tương hợp với tự nhiên. Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm đến thiên nhiên không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp của tạo hóa mà còn coi đó như là nguồn di dưỡng tinh thần, nguồn hứng khởi thi ca. Nhưng trước hết, thiên nhiên là nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi gắm một quan niệm nhân sinh :
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”
Người khôn người đến chốn lao xao”
(Bài 79)
“Hoa càng tươi tốt hoa càng rữa
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi”
(Bài 52)
Cái lẽ biến dịch của tạo hóa, sự dại – khôn trong cõi thế nhân được Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận thức không phải bằng những lời triết thuyết chứa đựng huyền học cao siêu mà bằng những hình ảnh gần gũi trong tự nhiên. Bản thân điều đó đã cho thấy thiên nhiên đi vào hồn thơ Bạch Vân và thường trực ở đó như là đối tượng để gửi gắm tâm tình. Nỗi buồn thế sự, cảm xúc trữ tình trước tạo vật hay đơn giản chỉ là cuộc sống dân dã thôn quê. . . đều trở thành suối nguồn thi ca, thành đề tài ngâm vịnh của ẩn giả Bạch Vân.
Là một ẩn sĩ, một nhà thơ, một vị khách tiên yêu cảnh nước trí non nhân, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy nguồn mỹ cảm dồi dào phong phú từ chốn lâm tuyền quê nhà. Ông từ quan quy ẩn một phần rất nhiều là vì tình yêu đối với thiên nhiên quê nhà thôi thúc giục giã. Trở về Trung Am, vui sống giữa am vân bến nguyệt, lão khách tiên ngày ngày tiêu sái, thưởng ngoạn vẻ mỹ lệ của nước non quê nhà:
“Bến nguyệt thuyền kề hai bãi mía
Am vân cửa khép một cần câu”
(Bài 38)
“Thu êm cửa trúc hồng vân phủ
Xuân tĩnh đường hoa tử cẩm phong”
(Bài 60)
“Trăng thanh gió mát ta đà sẵn
Nước biếc non xanh tự nhởn nhơ”
(Bài 87)
Đó có lẽ là những bức tranh thiên nhiên tinh tế thanh nhã hiếm có trong văn học Việt Nam: vừa trữ tình phóng khoáng vừa bộc lộ một mối tình tương giao hòa hợp giữa tạo vật với con người. Thiên nhiên ấy chính là chốn thanh u tịnh khiết để mỗi khi trở về từ kinh kỳ bụi bặm, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tìm thấy sự thư nhàn, bình thản. Hòa mình vào phong cảnh hữu tình ấy, có lẽ nhà thơ ưu thời mẫn thế Nguyễn Bỉnh Khiêm được phần nào xoa dịu nỗi buồn thế nhân. Có được điều đó có lẽ là nhờ giữa thi nhân và tạo vật đã có mối duyên hẹn hò từ trước:
“Non nước cùng ta đã có duyên”
                                                                   (Bài 127)
“Non xanh nước biếc xưa nay hẹn”
(Bài 40)
Chính trong mối giao hòa ấy, thiên nhiên đã đem lại cho ẩn sĩ những lạc thú thanh tao mà trong đời thường ít ai được hưởng trọn vẹn:
“Bàn cờ cuộc rượu vầy hoc trúc
Bó củi cần câu chốn nước non”
(Bài 32)
“Đem quyến trăng xem bóng trúc
Ngày chờ gió hẹn tin hoa”
(Bài 19)
“Bốn mùa đều hưởng thiên nhiên lộc”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt tới đỉnh cao hạnh phúc của bậc chân nhân hòa đồng tâm hồn cùng vạn vật, thưởng ngoạn và hưởng thụ vẻ tinh túy của tự nhiên. Có được hạnh phúc ấy ngay giữa trần thế này, có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thấu đạt đến tận cùng lẽ “vô vi” của đại đạo tự nhiên, cùng thiên nhiên rong chơi đến cõi vô cùng và sống cuộc đời thanh tịnh:
“Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình”
(Bài 91)
Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó không còn là một thiên nhiên tĩnh lặng vô tri nữa. Dưới ngòi bút Nguyễn Bỉnh Khiêm, những núi non, sông nước. . đều trở nên sống động hữu tình như có linh hồn. Trăng hoa, mây gió dường như là bầu bạn, Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày ngày tâm tình với thiên nhiên ấy như với một người bạn cố tri để tỏ mối tình tri âm tri kỷ:
“Trăng thanh gió mát là tương thức
Nước biếc non xanh ấy cố tri”
(Bài 92)
“Ngày ngày họp mặt hoa là khách
Đêm vắng hay lòng nguyệt ấy đèn”
(Bài 13)
Mối tình gắn bó thắm thiết với người bạn cố tri ấy đã giúp Nguyễn Bỉnh Khiêm vẽ nên những bức tranh thiên nhiên hữu tình, kỳ thú với những đường nét thanh thoát nhẹ nhàng như những nét tranh thủy mặc. Ôm trọn gánh yên hà, thuyền phong nguyệt, Tuyết Giang phu tử đã làm giàu cho tâm hồn mình bằng một tình yêu thiên nhiên đến say mê. Quả thực, thiên nhiên trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" mang những nét đẹp điển hình của làng cảnh Việt Nam và kín đáo bày tỏ một tình cảm thắm thiết, sâu sắc của tác giả đối với quê hương, đất nước mình.
Lối sống tương giao hòa hợp với tự nhiên có lẽ thể hiện rõ nhất ở thái độ ứng xử của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với cảnh vật sống động quanh mình. Đối với người bạn cố tri đã đem lại cho thi nhân nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào, Nguyễn Bỉnh Khiêm có thái độ vô cùng nâng niu quý trọng. Nhà thơ dường như luôn có ý thức giữ gìn vẻ đẹp của tạo vật, không nỡ làm tổn thương một cánh hoa rới, không nỡ ngăn ánh trăng vào cửa
“Bóng hoa lệ động am chưa quét”
(Bài 11)
-“Khép song ngày tiếc mùi hương lọt
Nối chén đêm âu bóng quế tan”
(Bài 26)
Tình yêu thiên nhiên cũng đã giúp Nguyễn Bỉnh Khiêm khám phá ra những vẻ đẹp tinh tế của tạo vật. Trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" có những vần thơ ngợi ca vẻ gấm vóc lộng lẫy của thiên nhiên với ngôn từ đầy trang nhã:
“Thi nên ngồi đòi vầng đan quế
Rượu chác hoa lầm ngõ hạnh hoa
Lục ỷ tiếng thanh đêm tựa ngọc
Lan châu chèo vỡ nước bằng là”
(Bài 129)
“Thu êm cửa trúc hồng vân phủ
Xuân tĩnh đường hoa tử cẩm phong”
(Bài 60)
Đẹp nhất trong những hình ảnh thiên nhiên mỹ lệ này là hình ảnh trăng. Trăng xuất hiện trong thơ Bạch Vân với nhiều dáng vẻ: có khi là vầng nguyệt vằng vặc trên cao, có khi là vầng trăng long lanh đáy nước; vầng trăng có khi gần gụi treo trước hiên nhà, có khi là vầng “lãnh nguyệt” ở mãi xa xôi:
“Thu nguyệt sáng soi thông tư phủ”
(Bài 97)
“Một thuyền phong nguyệt chở đầy then”
            (Bài 12 )
“Trăng kề sửa kẻo đèn treo”
“Song Bắc kìa ai ngâm lãnh nguyệt”
             (Bài 30))
Trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, trăng không chỉ tỏa ánh sáng của tinh cầu đẹp nhất vũ trụ mà còn là nguồn cảm hứng thơ bất tận, là người bạn tri kỷ của thi nhân và hơn thế, còn là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho phẩm chất của người nam tử:
“Có ai biết được lòng tri kỷ
Vời vợi non cao nguyệt một vừng”
(Bài 6)
Có thể nói trăng đã thâm nhập vào đời sống của thi nhân và trở nên gần gũi thân thuộc. Trăng trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" cũng đã trở thành một nhân vật sống động, hữu tình soi tỏ tâm tư, lắng nghe những lời tâm tình và xoa dịu nỗi đau nhân thế trong lòng nhà thơ.
Vẻ tao nhã thanh thoát ấy của thiên nhiên tự bản thân nó cũng đã nói lên được tâm hồn cao quý không vương tục lụy của thi nhân. Có thể cảm nhận hết vẻ đẹp “phong cảnh khác phàm gian” của tự nhiên, Bạch Vân đã thực sự đạt đến tâm thế của bậc thiên tiên.
Cạnh những bức tranh thiên nhiên tinh tế đượm màu sắc Đường thi cổ kính, trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" còn hiện lên những bức tranh quê mộc mạc, thân thiết và gần gũi, thể hiện một mối tình đồng điệu chan hòa giữa tác giả và tạo vật :
 “Dạng dõi bên tai cầm suối
 Dập dìu trước mặt tán sen
Xuân về hoa nở mùi hương nức
Khách đến chim mừng dáng mặt quen”
(Bài 127)
  “Hoa nở luống hay tin gió
Đầm thanh còn thấy triều trăng”
(Bài 18)
  “Phất phơ gió lay phiến trúc
Thánh thót mưa lọt cửa lan”
(Bài 50)
Cảnh sống ẩn dật ở làng Trung Am đã đem lại cho “ông tiên giữa cõi tục” Bạch Vân đời sống nhàn tản với những lạc thú dân dã chốn thôn quê. Những hình ảnh thơ thanh đạm giản dị đi vào thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhuần nhị, chân thật và tự nhiên như được thổi hồn từ một mối giao hòa thân thiết giữa thi nhân và tạo vật. Cái mộc mạc, tự nhiên ấy của cảnh vật, của lòng người trong thơ Bạch Vân mang đậm dấu ấn, linh hồn dân tộc. Đó là cảnh làng quê Việt Nam xưa với phong vị của cuộc sống dân dã vốn đã trở nên quen thuộc với người Việt bao đời. Cảnh trí thôn quê thanh đạm mà hữu tình, cuộc sống thôn quê bình dị mà chứa đầy lạc thú:
“Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
(Bài 79)
Tâm nhàn, lòng giao hòa cùng cuộc sống tự nhiên chốn quê mùa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy bến đậu của cõi lòng tĩnh tại ở thiên nhiên, tìm thấy lạc thú ở những sản vật tự nhiên:
“Nhớ măng còn tiếc mùi canh ngọt
Nếm ếch còn kiêng có giống măng”
(Bài 96)
Nếu không có cái cốt cách ung dung tự tại của bậc cao sĩ biết quý trọng tự nhiên, cái tâm hòa đồng cùng vạn vật, thi nhân không thể cảm nhận, phát hiện được vẻ hữu tình của thiên nhiên ngay trong những điều giản dị của cuộc sống thường ngày.
Dẫu sử dụng bút pháp ước lệ, ngôn ngữ trang nhã để miêu tả thiên nhiên lộng lẫy gấm vóc hay thổi hồn sống động tự nhiên cho những cảnh vật thanh đạm nhẹ nhàng thì thiên nhiên trong "Bạch Vân quốc ngữ thi" vẫn hiện lên rất tươi tắn, hữu tình bởi với thi nhân, đã là cảnh trí “nước non nhà” thì “chốn nào là chẳng chốn xuân phong”; tác giả có thể tìm thấy niềm hứng khởi thi ca ở bất cứ nơi đâu.
Đoạn tuyệt với thói ô trọc ở đời để trở về bến Trung Tân, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy ở thiên nhiên nguồn nuôi dưỡng tinh thần, nguồn suối di dưỡng cho tâm hồn thanh tịnh. Vẻ thuần phác của tự nhiên chính là gốc thanh khiết đưa con người trở về với trạng thái nguyên sơ, hồn nhiên của cảm xúc. Cái thuộc tính “phác” của tự nhiên mà Lão Tử thường đề cập đến chính là khả năng giúp con người tu tâm dưỡng tính để sống an lạc trong cảnh tự tại, tiêu dao:
  “Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình”
(Bài 91)
 “Cảnh cũ điền viên tìm tính cũ
    Khách nhàn sơn dã dưỡng thân nhàn”
(Bài 44)
          “Thanh nhàn dưỡng tính được tự nhiên”
(Bài 127)
Tìm về bến đỗ bình yên cho tâm hồn và thân xác sau mỗi lần trở về từ kinh kỳ bụi bặm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự được thiên nhiên tắm gội tinh thần. thi nhân nhờ đó mà trút sạch được gánh nặng lợi danh, gột rửa được nỗi ưu tư nhọc nhằn về thời thế. Thiên nhiên lại gieo vào lòng nhà thơ những nguồn hứng khởi mới về thi ca. Sống giữa mối giao cảm chan hòa ấy với thiên nhiên, Bạch Vân thi sĩ có được những khoảnh khắc vượt lên trên mọi giới hạn khách quan của cuộc đời đầy biến động để tự tại, thung dung hưởng “ thiên nhiên lộc” đến thỏa chí:
“Đủng đỉnh hôm mai chơi nước trí
Nghêu ngao ngày tháng dạo non nhân”
(Bài 142)
“Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích
Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao”
(Bài 89)
Với một nguồn cảm hứng dạt dào, Tuyết Giang phu tử đã trao cho thiên nhiên một vị trí đặc biêt trong thơ ông : là nguồn hứng khởi thi ca, là người bạn cố tri để gửi gắm tâm sự, nơi thanh tịnh để di dưỡng tinh thần. Tình yêu tha thiết và sự quý trọng ấy đối với thiên nhiên đã bộc lộ nét đẹp trong nhân cách Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như trong tâm hồn bao đời người Việt: luôn biết đặt mình trong mối tương giao hòa hợp với tự nhiên để sống tốt đẹp hơn.
Phong cách sống thuận tự nhiên theo thuyết vô vi của Lão Trang đã đem đến cho thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm những tứ thơ đẹp lạ lùng về thiên nhiên va tâm hồn con người. Tinh túy của Đạo gia đã được ông chắt lọc, kế thừa để làm nên một "Bạch Vân quốc ngữ thi" ngập tràn cảm hứng tiêu dao với những mảng thiên nhiên thanh nhã, tươi tắn bên cạnh mảng thơ luân lý đậm màu sắc Khổng Mạnh. Có được điều đó là nhờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự thấu đạt cái “phi thường đạo”- cái Đạo bắt chước tự nhiên mà Lão Tử nói đến trong “Đạo đức kinh” để sống tương hợp thuận hòa với tạo vật.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn bài viết của bạn. Tôi rất thích bài viết này. Rất mong được đọc kiến giải của bạn về triết lí dâu bể trong thơ Nguyễn Du!

    Trả lờiXóa