Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong "Bạch Vân quốc ngữ thi'' .

Ngô thị Thu Thủy
1. Nguyễn Bỉnh Khiêm, cuộc đời và sự nghiệp.
1. 1. Cuộc đời.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay thuộc Vĩnh Bảo, ngoại thành Hai Phòng). Ông xuất thân trong một gia đình trí thức phong kiến, song thân đều là những người có văn tài học hạnh nên từ sớm Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được hấp thụ truyền thống hiếu học của gia đình. Thấy con mình tướng mạo khôi ngô, cha mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi gắm con cho thầy học - Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Với trí tuệ mẫn tiệp lại gặp thầy giỏi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm trở thành tài năng kiệt xuất và sau này học vấn uyên thâm hơn cả thầy.
Lớn lên giữa thời nhà Lê suy thoái, các phe phái tranh chấp lẫn nhau, Nguyễn Bỉnh Khiêm bất mãn không chịu ra thi. Khi nhà Mạc lập vương triều mới, cần tranh thủ sĩ phu, đã mở khoa thi để thu phục nhân tài. Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên và ra làm quan với tân triều, giữ chức Tả thị lang. Nhất thời thấy cảnh thái bình, ông đặt nhiều kỳ vọng vào vị vua trẻ Mạc Đăng Doanh và tin tưởng vào một thời đại mới. Nhưng rồi ông sớm thất vọng. Làm quan được 8 năm, ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần nhưng không được nhà vua chấp thuận. Ông thác bệnh về trí sĩ lúc 52 tuổi.
Tuy đã về hưu quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được vua nhà Mạc tôn kính như thầy, thường mời về triều luận bàn chính sự và tham gia việc quân. Trong những năm tháng đó, ông trải thăng từ Thị lang lên thượng thư rồi Thái phó Trình tuyên hầu. Người đời do vậy thường gọi ông là Trạng Trình.
Trở về làng Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân trên bến Tuyết Giang, xây chùa mở trường học. Học trò của ông có nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Quyền, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ…
Tháng 11 năm 1592, ông mất, học trò truy tôn là Tuyết Giang phu tử. Triều đình phong cho ông là Trình quốc công.
1. 2. Sự nghiệp thơ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn thơ có giá trị: tập thơ Bạch Vân gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại, Trình quốc công Bạch Vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là "Bạch Vân quốc ngữ thi'' gồm hàng trăm bài thơ chữ Nôm.
Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa, phê phán gay gắt bọn tham quan hút máu mủ của dân. Thơ ông còn truyền đạt lại cho đời sau những đạo lý đối nhân xử thế tốt đẹp của dân tộc: đạo vua tôi, cha con, chồng vợ và quan hệ láng giềng, bầu bạn…Đọc thơ ông thấy một tấm lòng lo cho nước, thương dân và một tâm hồn suốt đời “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”.
2. Về tập thơ "Bạch Vân quốc ngữ thi'' .
Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thơ rất nhiều, đặc biệt là thơ Nôm, tự bạch có đến nghìn bài. Thơ quốc âm của ông hiện còn 177 bài, tuyển vào tập "Bạch Vân quốc ngữ thi'' . Trong tập này có khỏang mấy chục bài giống với thơ quốc âm của Nguyễn Trãi, do người đời sau sưu tập, chép lẫn lộn vào.
Tập thơ thể hiện một cách phong phú và sâu sắc diện mạo tinh thần của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước hết, đó là con người trung quân ái quốc, luôn mong mỏi cho đất nước đựơc thái bình, nhân dân đợc ấm no, hạnh phúc:
“Niềm xưa trung ái thề chăng phụ”
(Thơ Nôm bài 12)
“Quân thân thề hết lòng thờ một”
(Bài 14)
Trong tập thơ, những nỗi niềm khắc khoải ưu tư về nhân tình thế thái, về đạo lý cương thường cũng được phản ánh rõ nét, bộc lộ một tấm lòng ưu thời mãn thế của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Giàu người hợp, khó người tan
Thói ấy hằng lề sự thế gian”
(Bài 49)
Được thời thân thích chen chân đến
Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi”
(Bài 58)

"Bạch Vân quốc ngữ thi'' cũng đã thể hiện một con người cá nhân phóng khoáng, tự tại an nhiên, lánh xa khỏi bụi bặm kinh kỳ, tìm về cuộc sống nhàn tản gần gũi thiên nhiên, ngày ngày ngâm phong vịnh nguyệt và coi đó là cuộc sống lý tưởng:
“Nước non có mùi lòng khách chứa
Trúc mai làm bạn hứng thơ nồng”
(Bài 33)
Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc
Bó củi cần câu chốn nước non”
(Bài 32)
"Bạch Vân quốc ngữ thi'' khai thác những nội dung tư tưởng lớn lao bằng những phương thức thể hiện giản dị. Trước hết, cần thấy kho tàng tục ngữ, ca dao, thành ngữ. . trong vốn văn học dân gian được tác giả vận dụng rất khéo léo:
“Gần thời son đỏ, mực thời đen”
(Bài 70)
“Vuốt mặt còn chừa qua mũi nọ”
(Bài 96)
Ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm giản dị, gần gũi lời ăn tiếng nói của nhân dân lao động, đặc biệt là khẩu ngữ hàng ngày. Ông không dụng công trau chuốt, gọt giũa ngôn từ mà để cho cái thanh đạm tự nhiên của ngôn ngữ đời sống đi vào thơ như là một phương cách bộc lộ “sự chân tình của ông đối với đời”.
3. Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Bỉnh Khiêm
“Văn học là nhân học”. Con người là đối tượng đồng thời là cứu cánh của văn học và do đó, giá trị đích thực của văn học là ở chỗ nó đã thấu hiểu, cảm nhận và chiếm lĩnh con người sâu sắc đến mức độ nào. Chính vì vậy, quan niệm nghệ thuật về con người được xem là trung tâm của văn học.
Có thể thấy trong sự nghiệp thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm tồn tại nhiều kiểu quan niệm nghệ thuật về con người. Tuy nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một kiểu nhà Nho điển hình trong thời kỳ trung đại, do đó con người trong thơ ông chủ yếu là con người nhân cách. Đối với một tập thơ đậm màu sắc Lão Trang như “Bạch Vân quốc ngữ thi”, cái đẹp nhân cách ấy cũng mang đậm dấu ấn của “Đạo”, đó là nhân cách con người an phận, con người biết xử lý tốt đẹp mối quan hệ hành – tàng, xuất – xử, và con người ý thức đạo đức.
3. 1. Con người an phận.
Sinh trưởng trong một thời đại loạn lạc, lại là con người ý thức sâu sắc về thời cuộc và nhân tình thế thái, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bày tỏ phản ứng của mình bằng cách sống an phận, tuỳ thời. Đó không phải là lối sống tiêu cực mà là phương cách bảo toàn thân danh, giữ tròn mối đạo của một nhà nho hiểu thuật quyền biến, biết lẽ đạo trung dung.
Là nhà tư tưởng lớn trong thời đại mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận thức rõ quy luật biến dịch trong cuộc đời, rằng không có sự thịnh mãn nào là vĩnh cửu. Cho rằng phú quý chỉ là giấc mộng, lợi danh là thứ hư nguỵ, ông khuyên con người ta nên yên phận mà giữ lấy đạo:
“Yên phận mà thôi chớ có cầu”
Bản thân ông cũng trung thành sống với triết lý ấy:
“Yên đòi phận, dầu tự tại
Lành dữ khen chê ai mặc ai”
(Bài 15)
Hơn ai hết, Nguyễn Bỉnh Khiêm ý thức rõ thời đại của mình là thời đại đảo điên, đồng tiền đã trở thành biểu trưng của sức mạnh địa vị xã hội và quyền lực kinh tế. Ông quan niệm muốn giữ được phẩm cách phải tránh xa vòng đua tranh bon chen danh lợi. Do đó, con người nên có tư tưởng an phận, không nên nhọc đua tranh:
“Mấy người phú quý nên an phận”
(Bài 28)
Đề cao tư tưởng an phận, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ thái độ chống lại lối sống danh lợi ích kỷ. Tư tưởng “an bần lạc đạo” của ông cũng như của Trang Tử đều xuất phát từ niềm tin đối với thiên mệnh. Trang Chu chủ trương sống thuận theo bản tính tự nhiên là an phận và phục tùng số mệnh. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng khuyên người ta yên với mệnh trời:
“Được thua, phú quý dầu thiên mệnh
Chen lấn làm chi cho nhọc nhằn”
(Bài 87)
An phận theo Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là đức tính khiêm nhu, không cậy tài với người đời mà Lão Tử từng khuyên dạy:
“Dù hay phận mới, yên dầu phận
Dẫu có tài hơn, chớ cậy tài”
(Bài 42)
Đó có lẽ là lý do tại sao Nguyễn Bỉnh Khiêm thường tự nhận mình là “dại”, “dại dột”, “khách dại ngây”…
An phận đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là phương thức xử thế mà còn là thú vui, là cơ sở cho một cuộc sống an nhàn:
“Yên phận ta nhàn được thú
(Bài 21)
“Hay yên thửa phận mới nên vui”
(Bài 3 )
“An phận là tiên, lọ phải cầu”.
(Bài 4)
Đó chính là nét nhân cách cao quý của Nguyễn Bỉnh Khiêm, là thái độ sống tích cực trước thời cuộc ngang trái, cương thường đảo lộn bấy giờ. Xét cho cùng, tư tưởng an phận của ông cũng là một cách phản ứng của nhà Nho tiết tháo đối với tư tưởng vụ lợi, hám danh tham tài của người đời.
3. 2. Con người biết xử lý tốt đẹp mối quan hệ hành tàng, xuất xử.
Là nhà nho chính thống và là một nhà nho uyên bác, Nguyễn Bỉnh Khiêm ý thức rõ trách nhiệm của một nho sĩ là phò vua trị nước theo chủ trương “nhập thế hành đạo” mà Khổng phu tử đề ra. Người quân tử sinh ra ở đời phải lập thân giương danh, đem hết tài đức ra phụng sự vương triều, đất nước. Nhưng Khổng Tử không phải là không có lúc ước mơ cảnh ẩn dật an nhàn, cùng học trò tắm sông Nghi, hóng mát trên lầu Vũ. “Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng”, đó là phương châm sống Khổng Khâu đề ra mà nho sĩ đời sau đều muốn theo gương.
Từ nhỏ thấm nhuần thánh điển Nho gia, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lấy đạo Nho làm chuẩn mực sống ở đời. Chí lớn của ông là cái chí nhập thế muốn được cống hiến sức lực tài năng của mình cứu nước cứu dân. Nhưng khi đứng trước những mâu thuẫn của chế độ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như rất nhiều nhà Nho trước và sau ông không thực hiện được lý tưởng chính trị của mình, đã phải lựa chọn học thuyết Lão Trang làm cơ sở cho việc lui quan, lánh đời của mình. “Tàng thân”, “xử thế” do đó, có cơ sở khách quan của nó.
Dẫu vậy, lựa chọn đó không bao giờ là dễ dàng đối với nhà Nho. Mâu thuẫn giữa lý tưởng hành đạo với hiện thực khách quan đẩy nhà Nho tới chỗ phải rời bỏ chính trường trong tâm trạng bất đắc chí. Ngay cả khi tự nguỵên lựa chọn con đường ẩn dật, xa lánh đường công danh để tỏ cái chí thanh cao thì khát vọng giúp đời của họ không phải là đã nguội lạnh hoàn toàn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm về am Bạch Vân ẩn dật là đã giữ tròn mối đạo, biết nghĩa tuỳ thời, tức là hiểu rõ lẽ xuất xử. Giữa thời đại nhiễu nhương, hành vi xuất - xử của Nguyễn Bỉnh Khiêm có ít nhiều đặc biệt. Bỏ qua tám khoa thi, nhà nho uyên bác này đã lựa chọn thái độ khôn ngoan của bậc triết nhân trong thời loạn, không chen chân vào hàng với bọn tham quan vô lại để công danh làm bẩn danh tiết. Ngày ngày tiêu dao, kết bạn tương thức với thiên nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thực sự “dĩ thân tuẫn đạo” để “độc thiện kỳ thân”.
Nhưng tài đức Nguyễn Bỉnh Khiêm đâu thể chỉ dành cho việc ngâm phong vịnh nguyệt! Mấy năm đầu thời Mạc, cảnh thái bình thấy rõ, Nguyễn Bỉnh Khiêm có ý muốn giúp Mạc Đăng Dung, tưởng như đã gặp được thời, gặp được chân chúa. Lòng trung hiếu của ông hướng cả vào nước vào dân. Không câu chấp phương tiện, ông ra làm quan với tân triều.
Nhưng rồi thời thế xoay chiều, lý tưởng “trí quan trạch dân” tan vỡ, Nguyễn Bỉnh Khiêm bất lực, cáo quan. Đắc chí thì cùng dân hành đạo, khi bất đắc chí thì một mình theo đạo, bởi xuất xử cốt ở vẹn toàn hai chữ hiếu trung. Có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm ý thức rằng về quê mở trường dạy học là cách bày tỏ lòng hiếu trung hay hơn cả.
Không day dứt trăn trở như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm có thái độ dứt khoát khi lựa chọn con đường trở về:
“Cầu lui đường lợi khôn đi, đỗ
Rộng hẹp lòng nhân mặc nghỉ ngơi”
(Bài 24)
Cái lẽ tuỳ thời ở Nguyễn Bỉnh Khiêm là đáng xử thì cần phải xử (thuở loạn lạc Lê mạt - Mạc sơ), khi cần xuất thì phải xuất (trong thời kỳ vãn hồi hoà bình lúc Mạc Đăng Doanh ở ngôi); khi thấy mình không thể làm gì cho đất nước giữa bọn nịnh thần đang khống chế vương triều, ông trả ấn mũ, lại trở về với mây trắng Trung Am, vầng trăng sông Tuyết. Thà sống cảnh thanh bần mà vui với đạo lý, tâm hồn thanh thản với gió mát trăng thanh, với câu thơ chén rượu còn hơn nhọc nhằn đua tranh với bọn tham quan tài hèn đức mọn. Đó chính là chỗ thức thời, biết chọn thời điểm hành - tàng của một nhà nho có khí tiết:
“Quân tử niệm đời nơi xuất xử”
(Bài 42 )
Những lần “nhập” rồi lại “ xuất” thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải nghe không ít tiếng nghị khen của người đời. Nhưng khi ông đặt ra câu hỏi :
“Thuở nơi xuất xử đâu là phải “
và tự trả lời:

“Ở cũng nên, về ắt cũng nên”
(Bài 7)
thì lại không phải là thái độ lúng túng phân vân khi lựa chọn xuất hay xử mà là thái độ ứng xử linh hoạt, quyền biến, không hề câu chấp phương tiện. Cuộc đời ông đã thực hành đúng bổn phận bề tôi trung, giữ trọn thân danh, vẹn toàn mối đạo, xét cho cùng là bởi vì ông quan niệm được một cách rõ ràng :
“Quân tử mới hay nơi xuất xử
Ắt cùng khôn hết cả hoà hai”
(Bài 42)
3. 3. Con người ý thức đạo đức.
Nguyễn Bỉnh Khiêm được mệnh danh là nhà thơ của đạo lý. Thơ đạo lý chiếm một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp thơ của ông. Ở mảng thơ này, những vấn đề chính yếu nhất trong cương thường, trong đời sống đạo lý dân tộc xoay quanh các mối quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, họ hàng bè bạn… được Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập một cách phong phú, sâu sắc. Ông khuyên răn con người sống khoan hoà, nhân ái trong gia đình và trong cả cộng đồng làng xóm. Vì thế thơ Nôm của ông đậm chất giáo huấn. Giữa thời cuộc ngang trái, đảo điên, Nguyễn Bỉnh Khiêm ra sức giữ gìn thế đạo, phong tục. Có thể nói, ông là nhà thơ rất ý thức về đạo đức, trong từng bài thơ, ”câu nào cũng có quan hệ đến sự dạy đời”[2;300].
Bài “Vi nhân tử” đứng đầu chương cương thường tổng quát đã nêu rất rõ mụch đích giáo huấn của phần thơ này:
“Tôi hết ngay chầu chực chúa
Con hằng thảo kính thờ cha
Anh em mựa nữa điều hơn thiệt
Bầu bạn cho hay nết thực thà
Nghiã vợ chồng xem rất trọng
Ở đâu phong hoá phép chưng nhà”
(Bài 154)
Nói về chữ hiếu, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có những câu thơ rất thấm thía. Đạo làm con phải thờ kính cha mẹ đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm răn dạy rất rõ trong bài thơ Nôm 156:
“Hay khi ôn sảnh bề cung dưỡng
Siêng thuở thần hôn việc hỏi han”
(Bài 156)
Về tình nghĩa anh em, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có lời khuyên nhủ:
“Chân tay gẫm lại ai hơn nữa
Trạnh canh làm chi lỗi phép nhà”
(Bài 157)
Trong đạo vợ chồng, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ ra cái lẽ của “đạo đàn bà” là chữ “tòng”, chữ “nhẫn” :
“Tuy khó cũng đừng nặng nhẹ
Dẫu hèn phải nhẫn chớ sai ngoa
Trước sau tín cẩn niềm ân ái
Khuya sớm hằng thìn nét thuận hoà”
Một mặt khuyên răn con cháu sống với nhau phải ôn nhu khoan hoà, giữ gìn đạo lý, mặt khác ông phê phán thói đời bạc bẽo, sự đảo lộn cương thường đạo lý đang diễn ra trước mắt :
“Còn tiền còn bạc còn đệ tử
Hêt cơm hết rượu hết ông tôi”
(Bài 77)
Có khi ông tự nhủ thử đặt con người và tiền của lên bàn cân đong đếm theo thước đo đạo đức đương thời, và cay đắng thừa nhận:
“Người của lấy cân ta thử nhắc
Mới hay rằng của nặng hơn người”
(Bài 80)
Ý thức đạo đức ở Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là cái chất giáo huấn, chất đạo lý thấm nhuần trong thơ ông, đó còn là niềm về nhân cách sống của mình. Từng thở than rằng “đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười”, hơn ai hết Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu rõ cảnh đời đen bạc ấy là hệ quả sự thống trị của đồng tiền. Nhưng xã hội càng đảo lộn, ông càng tha thiết giữ gìn đạo lý dân tộc. Đó là điều đáng quý trong nhân cách một bậc cao sỹ như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi suy cho cùng, nhà Nho trung chính Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn tâm niệm rằng : lập chí chính ở hành đạo. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét