Nếu phải nói về bản thân...



Ngô thị Thu Thủy

17/11

Giáo viên

Thạc sỹ văn chương

Phật tử tại gia

Đọc sách trồng hoa làm bánh ngắm trẻ con du lịch một mình




**************************************************************************************

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

NỖI ĐAM MÊ CỦA LOL V STEIN - MARGUERIT DURAS


Ngô thị Thu Thủy 
1.Tóm tắt tác phẩm
Câu chuyện này khó tóm tắt. Nó không có một cốt truyện điển hình. Người kể chuyện chỉ kể nó theo tiệm tiến thời gian, có đan xen ký ức. Câu chuyện do đó không liền mạch, không có kết cấu văn bản chặt chẽ kiểu truyền thống. nó thực chất là câu chuyện của sự cô đơn, nỗi đau riêng và bản sắc rối loạn. Đó cũng là một đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại.
Lola Valery Stein trải qua thời thiếu nữ êm đềm của mình trong nhận định của mọi người  là cô gái xinh đẹp dịu dàng nhưng rất đỗi vô tâm; trong lòng dường như có nỗi buồn khổ không gọi tên được song cô không từng khóc bao giờ. Có cái gì đó ở cô khiến cho người ta nghĩ rằng trái tim cô còn là trái tim trẻ con, ở đó có một sự lơ đãng bệnh tật.Cô có khiếm khuyết gì đó trong tâm hồn và đó là nơi khởi phát mầm mống của căn bệnh mất trí của cô sau này.
Cô yêu và đính hôn với một thanh niên đẹp trai giàu có trong sự ngạc nhiên của hầu hết mọi người, nhất là cô bạn gái thân Tatiana. Tatiana luôn cho rằng đó là sự nhầm lẫn của Lola và đồng thời cũnglà một biểu hiện của sự mất trí nơi cô.
Trong một đêm khiêu vũ, vị hôn phu của cô đã yêu say đắm một người đàn bà lớn tuổi. Sự phản bội trắng trợn đó ngay trong đêm vũ hội trước mắt mọi người có thể là nguyên nhân khiến cô loạn trí. Lola rất khó khăn để bình phục sau đó, rồi nhận lời cầu hôn của một người đàn ông rộng lượng. Cô lập gia đình, có con và xa quê hương trong mười năm. Suốt mười năm đó cô sống bình yên như một phụ nữ bình thường, song chồng cô luôn cảm nhận thấy ở cô một điều bất ổn..một cái gì đó sâu thẳm trong cô sẽ rạn vỡ một ngày, bởi cô dường như không sống ở thì hiện tại và sự rối loạn bản sắc cho thấy biểu hiện bề ngoài và những điều cô suy nghĩ không thống nhất với nhau, cho dù anh có thể khẳng định tình yêu của cô với kẻ phản bội kia đã chết và cô không còn đau khổ vì hắn. Anh đã cứu vớt cuộc đời cô.
Họ trở lại sống ở thành phố quê hương cô sau mười năm. Cô tình cờ gặp lại bạn gái cũ Tatiana- đã có chồng và bị thu hút bởi người tình của bạn. Lola do thám mối quan hệ cuả bạn mình và người đàn ông đó, nhưng bị anh ta chú ý.Các nhân vật đó  nhận ra nàng chưa bao giờ khỏi bệnh và nàng không hề biết gì về những điều đã xảy ra cho mình xung quanh buổi dạ vũ năm đó. Nhưng cũng có thể nàng nói dối về tất cả. Không ai có thể tiếp cận tâm hồn nàng,cũng không thể rời xa nàng, và dường như càng ngày họ càng biết ít hơn về nàng, hoặc giả như nàng là một con người không thể biết được. Với Jacques Hold, người tình của Tatiana, Lola cũng không biết nàng muốn gì ở anh ta, dù nàng đã chọn anh. Nàng bày tỏ tình yêu với anh nhưng không cho phép anh rời bỏ Tatiana. Jacques có lúc có cảm giác anh bị sử dụng thay cho người tình bất tử năm xưa của nàng, bởi vì nàng lẫn lộn hiện tại và quá khứ, “nàng không nhận ra ai là ai, ai trước ai sau, hiện tại và quá khứ, hòa lẫn tất cả làm một”. một ngày nàng có dự định trở lại căn phòng khiêu vũ năm xưa cùng Jacques. Họ qua đêm với nhau và Jacques quyết định gặp  Tatiana lần cuối.


2.Dấu ấn chủ nghĩa hiện đại
Điều có thể dễ nhận thấy ở cuốn tiểu thuyết này của Duras là một sự trải nghiệm mới khác của người phụ nữ luôn đam mê bứt phá với th nghiệm.
 Nếu như tiểu thuyết Đập ngăn Thái Bình Dương được viết theo lối văn truyền thống với các tình tiết xây dựng trên cùng một trục thời gian, với cách sử dụng thống nhất một đại từ nhân xưng trong suốt câu chuyện thì tác phẩm Người tình ra đời năm 1984, 34 năm sau đó, lại gây sốc bởi một lối viết "không giống ai".Trong cuốn Viết, Duras đã nói về cái mà bà gọi là "văn chương của cái-không-viết-ra", một thứ văn chương chỉ có thể có được khi người cầm bút dám vượt lên trên mọi phê bình chỉ trích để tìm đến với cái mới mẻ. Mắt xanh tóc đen là một cuốn tiểu thuyết còn dữ dội. "Đó là câu chuyện về một tình yêu vĩ đại nhất và khủng khiếp nhất mà tôi từng viết. Tôi biết thứ tình yêu ấy. Người ta giữ nó cho riêng mình". Tình yêu này không có danh xưng. Nó cũng không có từ ngữ..”
Quá trình theo đuổi nghiệp viết của Duras cho thấy bà luôn tìm cách làm mới mình, luôn tìm cách phá vỡ mọi nguyên tắc, mọi thông lệ văn chương.
Có một thứ văn chương của cái-không-viết-ra. Một ngày nào đó nó sẽ đến. Một thứ văn chương ngắn gọn, không ngữ pháp, một thứ văn chương chỉ toàn các từ.
Đó phải chăng có thể là “Nỗi đam mê của Lol V Stein” với một kỹ thuật viết rất mới thời đại ấy- kỹ thuật dòng ý thức? Vậy kỹ thuật tự sự dòng ý thức là gì?
Theo từ điển Wikipedia, dòng ý thức là một thuật ngữ văn học chỉ một xu hướng sáng tạo văn học (chủ yếu là văn xuôi) khởi điểm từ đầu thế kỷ 20, tái hiện trực tiếp đời sống nội tâm, xúc cảm và liên tưởng ở con người.
Thuật ngữ tiếng Anh "stream of consciousness" được nhà tâm lý học người Mỹ William James đưa ra trong cuốn The Principles of Psychology (Cơ sở tâm lý học) xuất bản năm 1890, khi cho rằng ý thức là một dòng chảy, một dòng sông mà ở đó những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt luôn lấn át nhau và đan bện một cách kỳ quặc, "phi logic". Ở một phương diện khác, có thể nói dòng ý thức là mức tới hạn, là dạng cực đoan của độc thoại nội tâm. Là một kiểu dạng đặc biệt của độc thoại nội tâm,kỹ thuật tự sự dòng ý thức thể hiện dòng chảy bất tận của ý thức cá nhân trên cảm nhận của các giác quan cá nhân. Dựa trên sự kết hợp tự do của ý thức và hình ảnh, ngôn ngữ trong tự sự dòng ý thức dường như không có sự mạch lạc ngữ pháp nhưng nó không thực sự sử dụng độc thoại nội tâm.  
Ở những tác phẩm chủ yếu của văn học dòng ý thức như tiểu thuyết của Marcel Proust, Virginia Woolf, James Joyce sự quan tâm đến cái chủ quan, bí ẩn trong tâm lý con người trở nên sắc nhạy tới mức tới hạn; sự phá vỡ cấu trúc trần thuật truyền thống, sự xáo trộn các bình diện thời gian và đôi khi mang tính chất là sự thể nghiệm hình thức. Tác phẩm được xem là trung tâm và đỉnh cao của văn học dòng ý thức, tiểu thuyết Ulysses đã đi đến cùng những khả năng nghệ thuật của xu hướng này: sự nghiên cứu đời sống nội tâm con người kết hợp với sự xói mòn ranh giới tính cách, sự phân tích tâm lý đôi khi trở thành mục đích tự thân. Những sáng tác của James Joyce đã ảnh hưởng rõ rệt đến văn học châu ÂuHoa Kỳ; phần đông các nhà văn lớn đều trải qua thời kỳ say mê dòng ý thức và kinh nghiệm của nó còn in đậm trong nhiều sáng tác của họ (Ernest Hemingway, William Faulkner, Aldous Huxley, Graham Greene...) trong đó có Marguerite Duras.
Trong “Nỗi đam mê của Lol V Stein”, Marguerite Duras đã thể nghiêm một cách xuất sắc kỹ thuật viết mới này, khiến cho thiên ký ức của Lol V Stein trở nên ám ảnh người đọc một cách sâu sắc. Đó chính là một nét mới của chủ nghĩa hiện đại trong tiểu thuyết của Duras nói chung.
Trước hết, cần thấy tư tưởng nghệ thuật về hiện thực trong tác phẩm như thế nào.
a.Hiện thực tư tưởng
Hiện thực trong tác phẩm được tái hiện trong tác phẩm chủ yếu thông qua cái nhìn- thế giới tinh thần của các nhân vật thuộc tầng lớp thượng lưu, trong đó có nhân vật loạn trí, có nhân vật bị ám ảnh bởi kẻ loạn trí. Sự phi tâm hoá của tổ chức trần thuật một mặt giúp nhà văn mở rộng ngưỡng cửa sáng tạo, khơi sâu hiện thực tâm tư trong các nhân vật.Họ sống trong một thế giới buồn tẻ, chán nản, không bằng lòng, có sự rạn vỡ và cô đơn. Bản thân họ cũng không thể vượt qua  giới hạn của bản thân để hiểu nhau một cách sâu sắc. Đáng chú ý là hai cô gái trẻ Tatiana và Lola: họ không có thú vui gì khác ngoài việc nhảy theo bản nhạc của một chương trình radio cũ rích sau giờ tan học.
Và đó là cái hiện thực vây quanh Lol V Stein. Trong cơn mê sảng nhiều ngày liền sau cơn chấn động, Lola đọc to tên mình, liên tục phàn nàn vô cùng mỏi mệt khi phải chờ đợi một điều gì đó. Nàng cần cái gì lấp đầy sự trống vắng. Nàng than vãn liên tục về sự buồn chán. Không ai biết nàng nghĩ gì, hỏi nàng nhưng  nàng không hiểu câu hỏi. Phải chăng nàng trả giá vì sự hờ hững trước nỗi đau khổ của chính mình trong đêm vũ hội định mệnh, nơi  nàng đã bị phản bội một cách bẽ bàng? Tình yêu với Micheal chấm dứt nhưng nàng không bao giờ lấy lại toàn bộ lý trí như trước nữa. “Thời gian đối với tôi quả thật là dài”, nàng nói.
Và từ đó, nàng không thoát ra được bầu không khí đó, suốt cuộc đời.
Các nhân vật nam rồi nữ, họ kết hôn và có con cái, cuộc sống không có gì thay đổi. Tatiana chán nản với người chồng bác sĩ, nàng có người tình là Jacques Hold. Lola suốt mười năm sống với chồng cũng lặng lẽ như cái bóng, không có việc gì khác ngoài việc dọn dẹp bài trí nhà cửa, chợ búa, chăm lo giờ ăn giấc ngủ cho bọn trẻ.Thì giờ còn lại nàng lang thang vô định trên những con đường, thả cho trở lại với ký ức trước đây. Phải chăng chính cái không khí tẻ nhạt ấy là một nguyên nhân thúc đẩy Lola phiêu lưu vào cuộc tình tay ba với bạn gái thân và người tình của bạn, bất chấp hậu quả.
-                      Anh luôn chờ đợi cái ngày sẽ xảy ra một chuyện gì đó.
-                      Chúng ta sẽ đi đến một điều gì đó. Thậm chí nếu không có sự cố nào xảy ra thì chúng ta vẫn tiến đến một đích nào đó.
-                      Đích nào cơ chứ?
-                      Em không biết. Em chỉ biết một điều là cuộc sống quá đơn điệu. Bởi vậy khi nào sự đơn điệu ấy chấm dứt em sẽ biết đích xác.
Trong nỗi buồn chán, nàng cố lắng nghe một tiến ồn ào từ trong tâm khảm nhưng nàng bất lực, kết quả điều mong muốn không thành đạt đã xâm chiếm lấy nàng..nàng vẫn luôn trong trạng thái nửa biết nửa không về tương lai do mình quyết định. “Liệu chúng ta sẽ biến nó thành cái gì”, nàng hỏi.
Còn Tatiana, “bị những lời nói dối bao quanh, nàng thấy chóng mặt và nghĩ đến cái chết và đến nước mắt để nàng đắp lên cái vết bỏng kia vì rằng sự thật sẽ xảy ra”. Một ngày nào đó nàng phải chấp nhận mãi mãi trở lại với chồng buồn tẻ của mình. Tatiana cố gắng trong tuyệt vọng muốn biết được điều mang lại hạnh phúc cho bạn mình là gì, đồng thời “nỗi sợ hãi ám ảnh nàng”: phải chăng đó có thể là Jacques? Phải chăng hai người than yêu của nàng cướp mất hạnh phúc của nàng?
Còn chính Jacques, anh lại đang sợ hãi chính mình cũng đang bị lừa và có thể sẽ bị lừa bởi sự điên dại của Lola.
Các nhân vật của thiên truyện bị mắc kẹt trong một thế giới mà không có gì họ khao khát thuộc về họ, dành cho họ. Cả Lola và Tatiana đều không nắm chắc được khát vọng trong tay. Lola chìm ngập trong ký ức- theo kiểu của người khuyết tật thần kinh, Tatiana bị nỗi sợ hãi ám ảnh khi đối diện với thế giới tẻ nhạt không có người tình Jacques Hold. Cũng trong thế giới rối loạn bản sắc ấy, không làm sao ta nhận diện được nhân vật bằng cách chúng ta nhìn thấy họ. Không có một điều gì nhất quán mạch lạc đằng sau gương mặt của Lola. Chính vì vậy mà những người gần gũi nàng nhất, chồng, bạn gái, người tình..đều không sao tiếp cận được với tâm hồn nàng. Nàng tha thiết với họ đấy, nhưng toàn bộ sự tồn tại của họ với nàng cũng không có ý nghĩa gì mấy. Nói tóm lại, họ không thể biết nhau và càng không thể hiểu nhau. Nỗi cô đơn vì vậy đeo đuổi họ, ám ảnh họ.
Và đó là thê giới của nỗi đau không gọi tên được, của cô đơn, của cá thể lạc lõng. Tất cả ta biết về những điều đó là nhờ thông qua những mảnh chắp vá của ngôn ngữ đối thoại, của đối thoại rơi vào trống không, của dòng ý thức.
b.Nhân vật
Nhân vật của chủ nghĩa hiện đại luôn cảm thấy hoài nghi, lạc loài, vong thân, hồ nghi về tồn tại và tự mình luôn cảm thấy bất an trước cuộc sống thiên biến vạn hóa.Họ chính xác là nạn nhân thần kinh của xã hội tư bản hiện đại.
Nhân vật trung tâm của thiên truyện là một cô gái bị mất trí. Vẻ bè ngoài hiền lành, dịu dàng, yên ổn của nàng không nói lên được điều gì trong nội tâm của cô. Không ai dám chắc Lola đã khỏi bệnh sau chấn động đó, cũng không thể dám chắc nàng có yêu người đàn ông ấy bội bạc ấy không, và có đau khổ hay có còn đau khổ vì anh ta không. Dường như cái chấn thương kia -theo cách nhìn của người đời thì nguyên nhân là do bị phản bội tình yêu- lại không phải là lý do cho căn bệnh của nàng. Tatiana không tin vào vai trò quyết định của đêm vũ hội đáng ghi nhớ ấy trong nỗi đau của Lol…Căn bệnh vốn nảy sinh trong Lol ngay từ khi nàng còn nhỏ, nhưng vì nàng luôn sống trong tình cảm lớn lao của gia đình và bạn bè nên nó không được bộc lộ ra…ở Lol có một cái gì đó không ổn. Nàng làm cho mọi người có cảm giác là nàng luôn sống trong nỗi đau buồn sâu lắng, thế nhưng bất chợt nàng có thể quên ngay người đã làm cho nàng u sầu. Lola rất dịu dàng nhưng người ta cũng có thể phát hiện một cách nhanh chóng sự lãnh đạm khủng khiếp của nàng. Nàng chưa bao giờ cảm thấy khổ sở hay đau đớn; chưa bao giờ người ta thấy trên mặt nàng một giọt lệ…bọn con trai tranh nhau tán tỉnh nàng nhưng họ cũng biết  nàng có thể tuột khỏi tay họ bất cứ lúc nào, vì họ phải cố gắng lắm mới có thể chiếm được một cái gì thuộc về nàng.
Vì vậy nên tin về lễ đính hôn khiến của Lola khiến Tatiana ngạc nhiên: phải chăng Lol đã tìm được một người có khả năng chiếm toàn bộ sự chú ý của nàng, hay là Lol đã kết thúc thời kỳ chưa hoàn thiện của trái tim mình?
Đã có đôi lần tôi hỏi Tatiana rằng cơn khủng hoảng sau này của Lol có chứng tỏ rằng nàng đã nhầm không, nàng nhắc lại là không và tin rằng sự khủng hoảng đó với sự nhầm lẫn ở Lol chỉ là một”. Đó là cách lý giải khả dĩ nhất về căn bệnh đãng trí ngơ ngác của Lola.
Trong đêm vũ hội, trước mắt nàng, vị hôn phu và người đàn bà nọ nhảy với nhau một cách say đắm. Nhưng ngay cả khi thấy sự thay đổi trên gương mặt vị hôn phu, điều đó cũng ko làm nàng tỏ ra đau khổ chút nào.
Chỉ khi mẹ nàng chạm vào nàng, nàng mới hiểu rằng mọi sự sẽ chấm dứt, nhưng còn mơ hồ, chưa phân biệt rõ sẽ như thế nào. Nàng trở thành nạn nhân của một sự phản bội khủng khiếp. Đôi tình nhân bỏ đi và nàng ngã lăn ra bất tỉnh.
Rồi nàng lấy chồng, chỉ sau một lần gặp. Mười năm bên cạnh chồng, nàng lúc nào cũng như đang mơ ngủ. Chồng nàng đôi khi có những cơn sợ hãi chính căn nhà do vợ mình sắp đặt, khi không có nàng ở đó. Anh sợ một ngày nào đó anh sẽ phải nghe những tiếng đổ vỡ như tiếng vỡ vụn của những tảng băng mùa đông. Vợ anh thủy chung, trầm lặng, dịu dàng. Nhưng anh mơ hồ thấy ở nàng ngày nào đó, điều gì đó trong nàng sẽ thức tỉnh và rạn vỡ. Nàng là một nguy cơ. Ở những con bệnh thần kinh luôn có những nguy cơ khiến chúng ta sợ hãi. Ngay cái việc nàng không bao giờ đau khổ cũng khiến người ta sợ hãi nàng. Như người ta sợ người điên, không phải vì những cơn chấn động tâm lý bộc phát mà là vì ở họ có cái gì không yên ổn, đầy ám ảnh, méo mó. Họ có thể tuôn ra những tràng cảm thức vô nghĩa mà với họ nó phải có một ý nghĩa nào đó.“Cô ta bị điên và cô ta sẽ không bao giờ đau khổ, anh có biết như vậy không?”Tatiana nói. Nàng quan tâm tới bạn nhưng nagf thự sự nghĩ về bạn mình như nghx về một người điên đáng sợ: một cách thường xuyên, Lola tuôn ra những lời nghe thì có vẻ khôn ngoan tỉnh táo của một người phụ nữ lịch lãm tế nhị, nhưng sự nghễnh ngãng của nàng cho thấy nàng từ lâu đã không sống với hiện tại hiện hữu. Nàng thuộc về nơi nào khác trong quá khứ và nàng dường như không biết.
Một nhân vật đáng lưu ý nữa đó là Jacqué Hold. Anh là bạn của chồng Tatiana, cũng là tình nhân của nàng. Bề ngoài có vẻ Jacques là anh chàng vật chất, say mê phụ nữ và đặc biệt và người đàn bà quyến rũ Tatiana. Nhưng gặp Lola, anh ta nhanh chóng bị cuốn hút bởi vẻ đãng trí ngơ ngác dịu dàng của nàng, dù trí óc nàng tẻ nhạt kinh khủng đối với anh. Anh yêu nàng và sợ mất nàng. Tình yêu đó có thể nói là hoàn toàn thuần khiết. Anh đứng chới với giữa hai bờ: tình yêu đầy màu sắc nhục dục với Tatiana và một tình yêu đầy lo âu thảng thốt nhưng rất trong lành với Lola. Đôi lúc ta thấy thương Jacques, thấy anh ta đau đớn không biết mình là ai đối với Lola, có thể là hình ảnh của Micheal- người tình bất tử của Lola chăng, có thể chỉ là một chỗ dựa của nàng trong những cơn phiêu bồng về quá khứ chăng, có thể anh bị nàng lừa chăng…Jacques Hold thực sự bị cuốn hút vào thế giới của Lol- một kiểu cuốn hút khiến người ta mất tỉnh táo- và dường như có lúc anh chạm được vào đáy lòng nàng, nhưng rồi lại thấy ở nàng một con người xa lạ.
Không có kiểu nhân vật truyền thống với tính cách điển hình. Trái lại, nhân vật của Duras lạ lùng. Khó hiểu, khó nắm bắt, thậm chí không thể lý giải, không thể tiêp cận. Không hẳn vì lý do họ điên và khốn khổ vì một người điên, ở đây, ta không đi tìm một kiểu mẫu nhân vật và càng không thể vin vào những câu nói, những cảm xúc của họ để mà phán xét họ là người như thế nào một cách có lý luận. Cũng không phải họ xa lạ với hiện thực. Họ bí ẩn, tâm hồn họ phức tạp, ý thức của họ phi logic, câu chuyện cuộc đời họ  và chính cuộc đời họ họ không có ý nghĩa với sự tiệm tiến thời gian.Câu chuyện không có kết thúc về Lola Valerie Stein chỉ là một câu chuỵên về nỗi đau không hiểu được, về sự nhiễu loạn mối quan hệ giữa biểu hiện và nội tâm, về những uẩn khúc của thế giới tinh thần sâu xa của con người. Và tất cả những điều ấy được biểu hiện bằng lối kể miên man đầy cảm giác, bất chấp yêu cầu mạch lạc về ngữ nghĩa..

c.Ký ức- thời gian- không gian
Ký ức và tâm thức cũng chính là hai hiện thực có tính trội trong tiểu thuyết hiện đại. Nỗi đam mê của Lol V Stein là một thiên tiểu thuyết lãng đãng đầy những tạp ghi rối loạn của cô gái khiếm khuyết thần kinh Lola Valerie Stein.
Bằng kỹ thuật tự sự dòng ý thức, Duras dẫn ta vào một vùng kí ức, mộng huyễn của nhân vật này. Ký ức bám chắt lấy Lol. Hiện thực đã trở thành hoa đốm hư không như là hiện thực hiện sinh trong trí tưởng của nhân vật. Tatiana và Jacques đã làm những cuộc thăm dò đi sâu vào tâm tư sâu kín của Lola nhưng bất lực trước một cánh cửa đóng chặt. “Làm ơn hãy nói điều gì đó đi, Lol”, “Cô muốn gì, Lol”…
Marguerite Duras chú tâm miêu tả rất kỹ tâm lý Lola  trong những cuộc đi dạo bất định. Trước khi đi dạo, nàng thu vén việc nhà chu đáo. Nếu trời mưa không đi dạo được thì nàng không mó tay vào việc gì cả, chứng tỏ những cuộc dạo chơi ấy rất có ý nghĩa với nàng.
Nàng đi dạo là thuần túy đi dạo, dù không mục đích, không bận rộn thì nàng cũng không làm gì trong khi đi dạo. trong những lúc đó, nàng có nhiều suy nghĩ, ý tưởng.Nhưng khi trở về nhà, không một ý tưởng nào có thể lọt vào nhà. Nàng luôn phải làm yên lòng mình sau những cuộc dạo chơi.
Ra khỏi nhà là những ý nghĩ ào đến với nàng. Những ý nghĩ ấy luôn nẩy sinh và hồi sinh và chỉ có một ý nghĩ theo Lol đến cùng. Cùng với thời gian nó theo đuổi Lol hơn bất cứ ý nghĩ nào khác, buộc nàng phải giữ lấy nó. Đêm khiêu vũ đó là phần sót lại duy nhất và đó là lý do nàng đi dạo. Nàng ấp ủ ý nghĩ ấy, nuôi sống nó và nó lớn dần lên để một ngày nào đó hồi sinh. Nàng đi vào trong ánh sáng đêm khiêu vũ hàng ngày, trong tưởng tượng, trong vòng vây chỉ dành riêng cho ánh mắt của nàng, tìm về quá khứ, điều khiển nó, sắp đặt chỗ ở của nó. Và trong rất nhiều chi tiết của đêm khiêu vũ chỉ có đoạn kết giữ nàng lại. Cái giờ khắc chính xác đánh dấu sự kết thúc của nó là khi ánh rạng đông xuất hiện cùng với sự thật tàn nhẫn ghê gớm là nàng bị bỏ rơi bởi một sự phản bội khủng khiếp và trong suốt 10 năm qua nàng sống qua từng ngày là nhờ phục hồi lại khoảnh khắc đó. Nhưng việc phục hồi lại ký ức của nàng chỉ dừng lại ở khoảnh khắc trước nghi nàng bất tỉnh và thực tế sau đó thì nàng đã không thể khôi phục lại lý trí… Nàng không có một ý niệm nào về cái chưa biết ấy. Nàng không gọi tên được cái nỗi đau của mình vì nỗi đau cũng như niềm vui của nàng chỉ là một mớ hỗn độn, nàng không gọi tên được cái nỗi đau đó  bởi vì nó thiếu một từ, nàng im lặng sống với ký ức suốt 10 năm bởi vì nàng biết sự tồn tại của cái từ đó.

Không có một thời gian logic của tư duy lý tính ở đây. Bình diện thời gian bị xáo trộn. Hiện thực thì tiệm tiến nhưng ý thức con người thì có thể đi đường vòng ngược trở lại. Nó có thể rời xa hiện tại, đến tương lai, về quá khứ, không chịu sự điều khiển cả chiều ánh sáng.Nó có thể là sự đan xen hòa trộn thời gian của quá khứ và hiện tại. Quá khứ trong ký ức của Lol thì mờ nhạt, khó định dung, hiện tại của nàng lại thiếu bản sắc một cách trầm trọng, nghĩa là nó không phải là của nàng. “chưa muộn đâu, trời mùa hè mà”, “thời gian với tôi quả là dài”…là những câu nói của Lol cho thấy sự mất dần ý thức của nàng về thời gian. Thời gian tâm lý được đặt cao hơn thời gian vật lý. Cấu trúc, tổ chức trần thuật kiểu truyền thống đã bị phá vỡ.
Và thế là cái quãng thời gian 10 năm đối với nàng hoàn toàn không có nghĩa lý gì cả. Hàng ngày nàng đi vào ký ức của mình, quanh quẩn với 3 nhân vật trong đó. Thời gian trôi qua, người yêu cũ chia tay người đàn bà kia, mẹ nàng mất, những đứa con ra đời..dường như không tác động đến nàng quá nhiều. Nàng chỉ còn sống với buổi vũ hội đã qua, đã bị chôn vùi. Nhưng nàng quá khôn khéo, hầu như lúc nào nàng cũng nói dối về nó để ngụy tạo một bộ mặt khác hẳn trước mắt mọi người.“Chỉ còn lại một dấu vết được giữ nguyên, một dấu ấn không thể xóa nhòa mà người ta không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng cái gì chứ? Người ta có thể biết điều đó hay không. Không có một dấu vết nào cả, tất cả đã bị chôn vùi. Lol và tất cả.” Dấu vết đó chính là ký ức trở đi trở lại của nàng, đan xen trong hiện tại của nàng, khiến nàng lúc nào cũng lãng đãng, ngơ ngác..
Không gian tồn tại của Lola cũng không phải là không gian hiện thực, nó là không gian lờ mờ, không rõ nét. Nàng kể say sưa về ngôi nhà của nàng U. Bridge, nhưng ánh mắt lơ đãng của nàng, lời nói của nàng lại cho người khác thấy cái nàng đang nói đên là thế giới khác, trong ký ức, ở Stahla, đêm vũ hội. Nàng rõ ràng không có nhiều ý niệm về hiện tại, nhất là khi nàng buộc phải nói dối. Không gian của ngôi nhà có giới hạn là không gian thực. Không gian của những ngả đường bát ngát, của cánh đồng, là không gian nàng gửi thân xác để tâm tư thoải mái phiêu bồng về ký ức.
Nhưng  nàng nói rằng nàng đã không còn ở chỗ của mình. Những kẻ phản bội đã dẫn dắt nàng đi rồi bỏ nàng lại một mình. Với nàng đó là “một sự đổi chỗ”. Trái tim nàng vốn dĩ đã không nằm đúng chỗ của nó. Và thế là cú shock ấy đã trực tiếp đưa nàng đến một không gian khác, nàng đã lạc trong không gian ấy suốt 10 năm.
Thế giới bề sâu  này đã được S. Freud phát hiện luôn chiếm vị trí trung tâm trong tinh thần con người. Trước một kẻ loạn rí như Lola, Tatiana và Jacques đã đẩy cuộc thăm dò vô thức trong nàng đi xa nhất có thể, nhưng bất lực.
d.Ngôn ngữ.
Đây quả thực là một tiểu thuyết khó đọc. Ngôn ngữ miêu tả huyễn hoặc, siêu tưởng. Đối thoại của nhân vật có quá nhiều khoảng trống. Họ nói và họ nghĩ những điều hoàn toàn khác nhau, lúc họ nói lại càng khác nữa. Họ đuổi bắt nhau trong những lời nói dối, họ dò xét nhau, van xin nhau nói lên điều gì đó trong tâm tư..họ bất lực trước cánh cửa đóng chặt của mỗi tâm hồn.
Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật bề ngoài có vẻ ăn khớp với nhau, có tính logic, nhưng nếu đọc thêm lần nữa ta sẽ thấy họ không theo đuổi cùng một mục đích đối thoại. Họ thăm dò nhau, khám phá nhau, nói dối nhau, lảng tránh nhau bằng những cách rất tinh tế.
Độc thoại nội tâm chủ yếu là của nhân vật Jacques. Anh cơ bản là một người đàn ông tinh thần lành mạnh, nhưng bên cạnh người tình ngơ ngác Lola, anh rơi vào trạng thái hỗn loạn của cảm xúc: chới với giữa hai người phụ nữ, chới với trong tình yêu của Lola và hoang mang về chính mình, về sự thực. Nhân vật đã có những lời độc thoại đầy huyễn hoặc, đầy đau đớn. “Khoảng trống là bức tượng. Để bức tượng ở đây là câu nói, khoảng trống là Tatiana trần ruồng dưới mái tóc đen: sự thực. Nó biến đổi diệu kỳ, sự thật không còn chứa đựng sự thật nữa.Tatiana thoát khỏi chính bản thân nàng, lảng bảng qua các cửa ngõ, trong thành phố, trên các con đường, trong bùn, chất lỏng, ao tù cảu sự trơ trẽn. Nàng đây rồi, Tatiana Karl, trần truồng dưới mái tóc đen…Câu nói vừa mới tắt, tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa, đó là khoảng im lặng chết dưới chân Lol, Tatiana nằm vào chỗ của nó…Chúng tôi có hai người trong lúc này đang nhìn Tatiana trần truồng dưới mái tóc đen.
Và đáp lại sự mong đợi của Tatiana, Lola chỉ trả lời bằng những câu nói kiểu như:
“Mình chẳng mong muốn gì ở dó cả, cậu hiểu chứ Tatiana, mình chẳng muốn điều gì về những cái đang có và đang xảy ra. Chẳng có gì giữ được cả”.
Khoảng trống, sự im lặng trong tiểu thuyết cũng là một yếu tố cấu trúc đậm màu sắc hiện đại. Các nhân vật đối thoại bằng những điều mơ hồ, điều họ tự nói ra với lòng mình cũng đầy huyễn hoặc. Khoảng trống im lặng của họ cũng không thể rõ ràng phát biểu lên được một điều gì logic.
“Tiếng đàn violon ngừng lại, để lại đằng sau nó khoảng im lặng trống hoắc”.
“tôi lại chìm vào những điều tưởng tượng. Họ vẫn im lặng mãi thế nhỉ, Tatiana nghĩ mình đã quen rồi, mình cũng biết làm cho anh ấy im lặng, ngây ngất hoặc buồn chán..Anh ấy im lặng với Lol V Stein, anh ấy vẫn thường giữ im lặng với mình, thậm chí lần đầu tiên khi anh ấy đến nhà tìm mình khi Pierre không ở nhà, không nói nửa lời, aanh ấy dẫn mình đến khách sạn “những khu rừng”.
“Ánh rạng đông u ám lan khắp kéo đến. Một sự im lặng ghê gớm bao trùm lên tất cả, nhận chìm tất cả.
“Chỉ riêng cái nhìn của nàng cũng đủ làm cho tôi ngất đi. Nó không cần thêm bất cứ lời nào và nàng, nàng có thể chịu đựng một sự im lặng đến vô tận. tôi muốn làm gì đó, muốn gào thét lên với tất cả những từ tan ra và kết cục thành một mớ bòng bong chỉ để dễ hiểu với mình Lola. Nhưng rồi tôi vẫn im lặng”.
            Sự im lặng của không gian, của tiếng lòng người- hai người thân cuả Tatiana có lúc khiến nàng phải hét lên vì không chịu đựng nổi. “Tatiana la hét muốn biết sự thật của Jacques. “Có phải là con bé ngốc nghếch ấy không?”
“Hoặc là anh hãy nói với em có phải là Lola không hoặc là em sẽ hét lên bây giờ”
Cái im lặng của ý thức có thể chăng là tiếng nói riêng của nó, cách biểu hiện của nó? Im lặng cũng là một thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ trong ý thức. Nó vẫn tồn tại ở đó khi không có âm thanh, nó chảy trong tâm tư, nó là sự liên kết của hình ảnh ngẫu nhiên và cảm giác. Nó là tiếng nói của ý thức bất tận không cần một hình thức vật chất để tồn tại.
Giọng điệu trần thuật là thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn.
Giọng điệu là một yếu tố đặc trưng của hình tượng tác giả trong tác phẩm. Nếu như trong đời sống, ta thường chỉ nghe giọng nói nhận ra con người thì trong văn học, giọng điệu giúp chúng ta nhận ra tác giả. Người đọc có thể nhận thấy tất cả các chiều sâu tư tưởng, thái độ, vị thế, phong cách, tài năng cũng như sở trường ngôn ngữ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ thông qua giọng điệu. Nền tảng của giọng điệu là cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Trong khi trần thuật, tác giả sử dụng nhiều giọng điệu, nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo, chứ không đơn điệu.
e.       Điểm nhìn trần thuật-ngôi kể
Những kỹ thuật thường gặp của tiểu thuyết hiện đại là sự dịch chuyển liên tục các điểm nhìn, điểm nhìn được phân tán về mọi phái, mọi góc độ. Vai trò của người trần thuật phần lớn chuyển trao cho các nhân vật và chúng tự nói lên tiếng nói của mình. tính chất hiện đại thể hiện ở chỗ ngôn ngữ trần thuật không còn là tiếng nói quyền uy, lý trí phán xét mà nó là thữ ngôn ngữ hỗn loạn, không có logic, đầy cá nhân, đầy ám ảnh, thứ ngôn ngữ của người loạn trí và người bị ám ảnh bởi người loạn trí. Với tác phẩm này, kỹ thuật dòng ý thức đã thể hiện một cách rõ rệt cách cảm nhận của Duras về ý thức của người có tâm bệnh thông qua điểm nhìn chủ yếu của nhân vật Jacques Hold.
Đối với người bình thường, nhiều trang tự sự trong câu chuyện này đôi khi là mớ ngôn từ hỗn độn vô ý nghĩa của một câu chuyện kể rất phức tạp, chằng chịt không ngừng với những hồi tưởng chập chờn, rộng trải với quá khứ, hiện tại. Một câu chuyện thiếu thốn ý nghĩa, thông điệp không rõ ràng và phát ngôn của nhân vật thì không đáng tin cậy, mặc dù nó được che đậy bởi những gương mặt bình thản bề ngoài, nhịp điệu sống êm ả, buồn tẻ. Nhưng khi những nhân vật ngồi lại với nhau, họ vật vã trong sự cố gắng che giấu chính mình. Họ liên tục nói dối nhau và dò xét nhau.
Trong tác phẩm này Jacques là nhân vật kể chuyện. Hình thức kể theo ngôi thứ nhất. Chủ thể xưng “tôi” trong tác phẩm. Khác với hình thức tự sự ngôi thứ ba, chủ thể kể chuyện trong trường hợp này được đặt vào trong chính các sự kiện, tình tiết với tâm thế người trong cuộc.
Ngôn ngữ trần thuật chủ yếu là của Jacques. Tuy đó là người trần thuật biết tuốt  và là nhân vật kể chuyện nhưng cái nhìn lại tương đối khách quan. Nhân vật này xưng tôi từ đầu nhưng chỉ đến giữa tác phẩm ta mới biết “tôi” chính là Jacques. Trước đó, “tôi” vẫn là người trần thuật biết tuốt và tuy chứng tỏ có liên quan tới câu chuyện nhưng dường như lại đứng ngoài câu chuyện. “Tôi” miêu tả chính mình dưới nhân xưng “anh ta”. “anh ta” được miêu tả như là một đối tượng thứ ba thông qua cái nhìn của Lola, điểm nhìn trần thuật vẫn là của người kể chuyện vô hình. Đến giữa tác phẩm, khi Lola có cuộc gặp mặt chính thức với Jacques, ta mới biết “tôi” chính là Jacques.
Trong câu chuyện, lúc ta đã biết nhân vật lể chuyện là Jacques thì lại cũng có lúc bất ngờ tác giả để nhân vật này đánh mất điểm nhìn, chuyển ngôi trần thuật từ “tôi” sang “anh ta” mà ta có quyền nghĩ rằng đó không pahir là tiếng nói của người trsaanf thuật vô hình. Dường như đó là ý đồ của tác giả như là một cách để nhân vật đặt điểm nhìn lên chính mình, soi vào chính mình, chiêm nghiệm về cuộc sống và con người một cách đa diện và có chiều sâu hơn.Không hiểu về mình, anh ta cũng như các nhân vật khác, không tiếp cận được với tâm hồn Lola Valerie.
Sự di chuyển điểm nhìn cũng có thể là một phương diện hình thức của tác phẩm: trong dòng suy tưởng hỗn loạn, cái tôi di chuyển cái nhìn của mình, nhìn mình như một đối tượng thứ ba.Sự cần thiết phgải có cái nhìn khách quan như vậy về chính cái tôi là
3. Kết luận
Câu chuyện của Duras như thế, thật sự là một thiên tẻ nhạt từ đầu tới cuôí như một bản đàn cổ điển, nhưng khi gấp trang sách, lại, nó ám ảnh day dứt không thôi về cái mỏng manh của mối quan hệ giữa con người, về sự cô đơn, về nỗi đau và về sự nhiễu loạn bản sắc. Ai có thể hiểu nguồn gốc sự cô đơn này. Ai có thể nhìn thấy họ không phải như cái cách mà họ thể hiện trên bề mặt? Làm thế nào mà ta có thể chạm được tâm hồn của nhau?   
Một câu chuyện về nỗi đau và tình yêu là điều muôn thuở Duras quan tâm. Tình yêu có thể kết thúc nỗi đau chăng khi vốn dĩ trước đó nó đã là khởi nguồn của nỗi đau? “Em nói thế là để anh hiểu rằng không thể tưởng tượng được ta có thể đi đến đâu trong cuộc đời thiếu vắng tình yêu”, người đàn bà mất trí Lola đã nói một điều rất chân thực như thế với người tình. Một kết thúc lửng lơ không nói cho ta biết câu trả lời của tác giả. Một kết thúc bắt đầu cho một sự đồng sáng tạo.
Vấn đề ở tiểu thuyết này cũng không hẳn là ở việc tác giả nó viết cái gì, mà viết như thế nào. Nó lạ lùng chưa từng có. Không điên cuồng, náo động và day dứt như Âm thanh và cuồng nộ, nó tinh tế sâu lắng, nhẹ nhàng cuốn ta vào mê cung ngôn từ trần thuật và đối thoại, những miên man ký ức, những không gian mờ ảo của hiện tại, sự dịch chuyển điểm nhìn, sự lộ diện bất ngờ của ngôi kể, sự kết thúc hờ hững…và đặc biệt ấn tượng sâu lắng về tác phẩm, đó chính là gương mặt của nó. Nó chính là hiện ảnh bề mặt của nhân vật Lola Valerie: dịu dàng nhưng vô tâm, ngơ ngác trước hiện thực và không thể hiểu được. Do vậy, thông điệp mà bạn nhận được từ tác phẩm này là do bạn tự tìm lấy.
Thủ Đức, 13/4/2010

1 nhận xét: