Ai
quan tâm tới nền giáo dục của chúng ta hiện nay cũng phải than phiền vì sản
phẩm giáo dục của chúng ta khiếm khuyết nhiều quá. Tinh hoa cũng có, nhưng hiếm
hoi đến đau lòng. Phần đông học sinh của chúng ta trưởng thành trong môi trường
giáo dục đang khủng hoảng ngày càng trầm trọng, rồi ra đời ngơ ngáo vì thiếu kĩ
năng, bị kiềm tỏa trí lực và tệ nhất là xơ cứng cảm xúc. Nhưng vì thiếu hiểu
biết nên nhiều người trưởng thành không nhận ra, và có nhận ra thì cũng không
chịu thừa nhận rằng mình là một sản phẩm giáo dục hạn chế. Nếu hài lòng về bản
thân, tại sao chúng ta vẫn ao ước mình được là một sản phẩm giáo dục của Mỹ,
của Đức, Phần Lan? Và tại sao trong khi thế giới đang tiếp tục đào tạo ra những
thế hệ năng động, những nhà khoa học lớn, những nghệ sĩ bậc thầy, những công
dân có trách nhiệm và có khát vọng dấn thân cống hiến; thì chúng ta chỉ có thể
sản xuất ra những người đi làm mải mốt kiếm tiền đến nỗi trơ lì cảm xúc, những
người có nhiều bằng cấp leo lên những vị trí cao để tham nhũng…Chúng ta còn có
cả một thế hệ trẻ ngồi đồng chém gió ở vỉa hè, quán café, tiệm net hay lang
thang trên mạng để nhập vào một đám đông bạo lực, vô cảm và, trong thích phán
xét đạo đức người khác lại cũng không ngần ngại bình phẩm tục tĩu về người mẫu
này, hoa hậu nọ. Sản phẩm giáo dục của chúng ta lạc lối và hoang mang như vậy
là do đâu?
Vấn
đề của chúng ta là gì?
Hãy
nhìn vào thực tế: chúng ta có rất nhiều học sinh điểm cao, học giỏi, nhưng điều
đó không đồng nghĩa với việc học sinh của chúng ta có tư duy. Chúng ta ngộ nhận
rằng nhồi nhét cho học sinh thật nhiều kiến thức, biến các em thành những cỗ
máy học bài và làm bài chuyên nghiệp thì các em sẽ trở nên thông minh và giỏi
giang. Nhưng, kiến thức không làm nên trí tuệ; học sinh có thể có rất nhiều tri
thức, nhưng nếu không có khả năng tái tạo kiến thức thành những sản phẩm sáng
tạo thì tri thức chỉ là vũng nước đọng, là những con điểm vô nghĩa.
Mặt
khác, với sự hạn chế của chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay, những học
sinh chạy đua thành tích, có điểm số cao còn mắc phải vấn đề thiếu cảm xúc,
niềm tin, giá trị sống. Nền giáo dục không giúp học sinh giàu có, phong phú nội
tâm, không hạnh phúc thì học giỏi làm gì, điểm cao làm gì? Nhiều người ra đời
thì có dáng vẻ của người thành đạt nhưng không biết đồng cảm, không khao khát
vươn lên những giá trị sống cao quý, sống quay quắt vì đồng tiền và cứ mải miết
chạy theo những gì mà người khác kì vọng: thăng chức trong nghề nghiệp, có địa
vị xã hội, có uy quyền chính trị hay kinh tế. Tiếc thay, đó đều là những điều
nằm bên ngoài tinh thần của một con người, không giúp hoàn thiện một con người
chân chính, không giúp khẳng định phẩm tính NGƯỜI, và do vậy con người thành
đạt đó không vươn tới hạnh phúc tối thượng với ý nghĩa là những khoái lạc tâm trí.
Người học không giải phóng được hoàn toàn năng lực và phẩm tính của bản thân
thì suốt đời chỉ luẩn quẩn với những giới hạn mà thôi. Một con người như thế
tôi cho rằng còn chưa được khai minh. Và tiếc thay, họ tăm tối nên dễ dãi hài
lòng với giá trị của bản thân, trong khi vẫn ao ước những giá trị của người
khác, đất nước khác. Nền giáo dục như vậy ai cũng biết là thất bại.
Giáo
dục, xét cho cùng là khiến con người sống hạnh phúc với những giá trị nhân bản.
Xã hội nào có nhiều người hạnh phúc thì xã hội đó phát triển nhân văn. Nhân
loại coi đó là những giá trị phổ quát. Xã hội Việt Nam trọng tình cảm, người ta
thường dễ tìm thấy hạnh phúc trong đời sống tình cảm. Nhiều người do đó mà ngộ
nhận rằng chúng ta là một dân tộc hạnh phúc. Cái dở ở chỗ sự trọng tình và dễ
dãi thỏa mãn của chúng ta lại đi kèm thái độ coi thường tri thức và trí tuệ,
cho rằng học vấn không quyết định con người có hạnh phúc hay không. Người Việt
vốn không quan niệm được rằng trí tuệ đem lại khoái lạc tâm hồn. Chúng ta không
theo đuổi tri thức suốt cả cuộc đời mình; chúng ta ngừng học ngay sau khi kiếm
được việc làm; sự học cũng chỉ là để có bằng cấp nhằm tiến thân hoặc lòe thiên
hạ. Sùng bái sách nhưng lại không đọc sách; thích là doanh nhân thành đạt hơn là
nhà khoa học nghèo khổ; đi học chỉ chăm chăm mục đích kiếm được việc làm ngon lành
chứ không muốn kết hôn với công việc… Tri thức với chúng ta chỉ là một công cụ
đem lại tiền bạc, địa vị- những thứ mà người Việt chúng ta cho là đem lại hạnh
phúc. Vậy nên, trong khi quay quắt với giấc mơ thành đạt, chúng ta tạm an ủi
rằng mình có gia đình, có người xung quanh để yêu thương, mình sống đời tử tế, đó
chính là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc này không khác một đứa trẻ có đồ chơi, một
con cừu no cỏ hay con bò được mát xa trước khi vào lò mổ là bao. Chúng ta không
thể khiến cuộc đời mình cao đẹp hơn nhờ thứ hạnh phúc đó.
Triết
gia Spinoza đã nói: cuộc đời đạo đức chính là phần thưởng đẹp nhất dành cho con
người, là hạnh phúc. Platon và Aristotle cũng để lại cho nền văn minh châu Âu
một lẽ sống mà cả ngàn năm châu Âu đã tôn thờ, rằng hạnh phúc không nên là
những khoái lạc giác quan, mà nên là khoái lạc tâm trí, một tâm trí được khai
sáng dẫn dắt cho tâm hồn. Chúng ta nên truy cầu hạnh phúc ở một lương tri sáng
suốt. Khi đó, hạnh phúc tối thượng sẽ là trạng thái đạo đức viên mãn của con
người và xã hội nhân bản sẽ là nguồn nuôi dưỡng niềm hạnh phúc đó. Nền giáo dục
của chúng ta đã bao giờ quan niệm được điều đó hay chưa? Hãy nhìn lại, nhìn thẳng
vào nền luân lí Nho giáo đề cao nhân nghĩa nay đã đổ nát của chúng ta; hãy thừa
nhận rằng thói trọng tình cảm tính, bản năng và thuần túy tự nhiên của cha ông
ta là một thứ rất chông chênh, dao động và không kiểm soát được; cả hai nguồn
giá trị nhân đạo từng làm nên cốt cách đạo đức của con người và luân lí xã hội
ta đó đều đang chết mòn trước sự lên ngôi của đồng tiền và thói giả dối. Chúng
không thể ràng buộc đạo đức con người được nữa, không thể cứu vãn một xã hội
đang trượt dốc ở mọi phương diện, càng không thể làm con người hạnh phúc nữa. Thay
vì tìm nguồn hạnh phúc ở những giá trị bền vững do nhận thức đem lại thì chúng
ta quẩn quanh với những tình cảm nhỏ mọn và khiến hạnh phúc của chúng ta thấp
bé và đơn sơ như những bản năng tự nhiên. Vì thiếu hiểu biết mà thế giới của chúng
ta nhỏ bé; hệ quả là chúng ta cứ tưởng hạnh phúc của mình lớn lao. Tôi có cảm
tưởng nhiều người quanh mình tự tại rằng mình viên mãn và hạnh phúc, thực ra chỉ
lạc quan tếu mà thôi.
Đã
vậy, người Việt hiện nay chọn kiểu sống lập lờ nước đôi, vừa hài lòng với bản
thân để ngừng tu dưỡng phẩm tính và trau dồi tri thức, lại vừa ao ước những thứ
mà bản thân mình, xứ mình không có. Cả cuộc đời chúng ta chỉ cố gắng để có công
ăn việc làm, có chút của cải và địa vị, thế là coi như viên mãn và hạnh phúc.
Nhưng thực tế là chúng ta vẫn khao khát một thứ hạnh phúc cao hơn: được thụ
hưởng nền giáo dục khai phóng của Thụy Điển, bầu không khí học thuật của nền
giáo dục Mỹ, những phẩm chất lí tưởng của người Đức, không gian văn hóa của
Anh, lối sống của người Australia..Chúng ta ước có nhiều nhà khoa học và nghệ
sĩ bậc thầy, còn giới trẻ của chúng ta tài giỏi, năng động và đầy trách nhiệm..
Điều đó có nghĩa rằng chúng ta vẫn ước ao được phát triển đầy đủ năng lực và
phẩm tính hơn so với chúng ta hiện tại; và nhiều người trong số chúng ta không
chịu thừa nhận rằng nếu trí tuệ của chúng ta được khai mở, chúng ta sẽ có được
tất cả những hạnh phúc đáng mơ ước đó. Với tình trạng khiếm khuyết hiện nay, việc
vừa lười biếng tự giáo dục bản thân lại vừa cứ mơ ước được hít thở bầu không khí
văn hóa giáo dục Anh, Mỹ, Úc của chúng ta thực là lố bịch.
Muốn
xây dựng đạo lý xã hội từ đạo đức con người thì tinh thần nhân đạo, phẩm chất
của người tử tế phải được bồi bắp bằng con đường giáo dục, nghĩa là phải kiến
tạo từ bên trong, từ sự nhận thức. Những tình cảm nhân đạo tự nhiên chưa thông
qua giáo dục khó mà bền vững được. Những phẩm chất tốt đẹp của con người phải
xuất phát từ trí tuệ đã được khai sáng. Con người tử tế, tốt lành và hữu ích là
con người có tâm hồn được khai mở, được trí tuệ dẫn đường. Những giá trị nhân
văn do đó mới bền vững.
Nền
giáo dục của chúng ta phải chịu trách nhiệm cho tình trạng thấp kém và những mơ
ước tội nghiệp của người Việt hiện nay. Một nền giáo dục khiến người học ra đời
chỉ quẩn quanh kiếm tìm hạnh phúc ở chuyện có công ăn việc làm, kết hôn, mua
nhà, sinh con, đi du lịch mỗi năm hai lần, có nhiều bạn bè, không vi phạm pháp luật..
khiến con người dễ dãi chấp nhận một đời sống hạn hẹp với trí tuệ vụn vặt nghèo
nàn trong bối cảnh đạo đức xã hội ngày một chông chênh… rõ ràng là đang kìm hãm
con người.
Và,
trong khi chúng ta cứ cố biến học sinh thành nô lệ cho những tri thức cùn vẹt
vô bổ thì thế giới tri thức đã đang phát triển với tốc độ tên lửa; nhiều phát
minh, nhiều học thuyết mới ra đời, đặc biệt là các tri thức về tâm lý, nhân
học, xã hội học. Xã hội đang báo động rằng chúng ta cần những con người mới, có
đam mê và lý tưởng, có tiếng nói nội tâm mãnh liệt, hiểu biết về bản thân trước
khi hiểu biết về thế giới, được sống trong niềm hạnh phúc là chính mình, được
xã hội tôn trọng vì sự nhân bản và độc đáo của nó, được xã hội khuyến khích và
bảo vệ. Trong khi đó, nhà trường của chúng ta thì vẫn hì hụi đào tạo ra những
kẻ săn việc làm, thúc ép học sinh phải trở thành con người hay cái máy lao động
sản xuất mà xã hội yêu cầu; và người đi học, đi làm thì bị đánh giá năng lực và
phẩm giá dựa trên những giá trị ảo vốn làm thấp kém con người như tiền bạc, hư
danh, địa vị…Chúng ta muốn có những sản phẩm giáo dục mà ở họ ta có thể thấy
trí lực, phẩm giá được thăng hoa thì phải được dẫn đường bởi một triết lí giáo
dục nhân bản, khai phóng, vì con người; một chương trình giáo dục chú trọng xây
dựng ở người học những giá trị sống và năng lực thực tiễn, khiến người học được
khai minh cả về trí tuệ lẫn tâm hồn, nhân cách. Con người như thế sẽ biết tự
xoay xở với cuộc sống của mình, dù thế giới có thế nào đi nữa.
Cách
đây vài thế kỉ, những nhà khai sáng như J.J Rousseau, Diderot, Voltaire,
Montesquier đã bàn về triết lí giáo dục. Từ khi khoa học bắt đầu phát triển,
các triết gia này đã biết rằng tình trạng nô lệ tăm tối do thiếu hiểu biết phải
chấm dứt. Decartes nói con người không gì hơn là một cây sậy biết tư duy. Nhờ
tri thức, con người sẽ giành lấy quyền thống trị thế giới từ tay thần thánh.
Tri thức ngày càng rộng mở, người đi học phải học cách tự học và học suốt đời.
Giáo dục do vậy không phải là dạy cho trẻ em kiến thức, mà dạy cho trẻ biết làm
thế nào để có kiến thức. J J Rousseau viết trong cuốn Emile hay là bàn về giáo
dục: “Vấn đề là chỉ ra cho nó cần làm thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn
là nói cho nó biết một sự thật. Nhờ tự học mà đứa trẻ sẽ có một đầu óc cởi mở,
thông minh, sẵn sàng cho tất cả, có khả năng lĩnh hội bất kỳ điều gì”. Đó chính
là đặc điểm của CON NGƯỜI TỰ DO. “Con người tự do là con người khi tư duy, khi
hành động không bị ràng buộc bởi vật chất, thành kiến, không bị những đam mê mù
quáng khống chế. Đó là con người trưởng thành và độc lập trong tư duy, tự chủ
trong phán đoán, biết sử dụng lý trí của mình để suy xét, quyết định và hành
động một cách hợp lẽ. Con người đó không “phục tùng luồn cúi như một nô lệ”, cũng
không có “giọng điệu hách dịch của một chủ nhân” . Con người đó luôn sống và tỏ
ra chính là mình, là chủ nhân của chính mình. Đến nay, rất nhiều quốc gia đã áp
dụng triết lý giáo dục này để xây dựng nền giáo dục tiến bộ và nhân văn. Đây à
một triết lý giáo dục mà chúng ta rất cần bây giờ.
Để
đạt được mục tiêu giáo dục khiến học sinh trở thành những con người tự do, thì
phải có chiến lược phát triển con người. Xã hội tôn trọng con người là xã hội có
bản chất nhân văn và nó đương nhiên sẽ khuyến khích con người cống hiến vì
thông qua cống hiến mà con người tỏa sáng. Xã hội nào bắt ép con người phải hi
sinh chính nó cho những mục tiêu chính trị xã hội, tước đoạt của con người sự
hiểu biết, phẩm giá, làm thui chột năng lực tư duy, sự sáng tạo và bắt con
người chạy đua theo những giá trị thấp kém, xã hội đó không đáng được con người
dấn thân cống hiến. Nó sẽ sản sinh ra rất nhiều những con người nô lệ cho ngu
dốt, khuất phục và bám víu vào thần linh, sợ hãi tri thức vì tri thức làm đau
trí não. Nó sẽ đẻ ra đầy rẫy hạng người sẵn sàng bẻ vụn từng miếng nhân phẩm để
đổi ấy danh vọng, của cải. Đó là những cá thể sinh ra lành mạnh nhưng càng
trưởng thành thì sẽ càng khiếm khuyết. Những cái họ tưởng có thể xoa dịu, lấp
đầy sự khiếm khuyết của họ là những thứ phù phiếm nhất: vật chất để thỏa mãn
giác quan và hư danh để lừa mị, trấn an bản thân.
Hãy
thừa nhận, trong bối cảnh thế giới khai sáng với những giá trị nhân văn thì
chúng ta cứ luẩn quẩn với cách giáo dục thiển cận và vô minh. Chúng ta đang
tước đoạt đi của lớp trẻ cơ hội sống hạnh phúc với những giá trị chân chính mà
thời đại đòi hỏi. Bi kịch của các thế hệ học sinh bây giờ là khi chúng trưởng
thành mà không được trở thành chính mình, chúng phải trở thành những kì vọng
tàn nhẫn của người lớn thì chúng sẽ không chịu trách nhiệm về chính mình. Chúng
sẽ đổ lỗi hoàn toàn cho người lớn. Người học đó vừa tối tăm, nô lệ, vừa vô
trách nhiệm.
Chúng ta phải thay đổi.
Chúng ta phải thay đổi.
Muốn
vậy, phải tiễu trừ tư tưởng đàn áp cá thể và tinh thần sùng cổ, nhường chỗ cho
trí tuệ nảy nở và sự sáng tạo thăng hoa; tận diệt thói chạy đua những giá trị
ảo từ trong nhà trường và chú trọng con người tư duy và con người cảm xúc. Nền
giáo dục của chúng ta cũng cần thay đổi từ lối dạy áp đặt, nhồi sọ những tri
thức lỗi thời sang hình thành cho học sinh năng lực tự học. Làm mới tri thức,
sáng tạo nghệ thuật và thực hành lối sống đẹp phải trở thành mục tiêu dạy học.
Sự thực hành và sự sáng tạo cần được đề cao. Học sinh được hoạt động, tự làm ra
sản phẩm giáo dục cho chính mình. Giáo viên phải lấy học sinh để đánh giá kết
quả giáo dục. Việc học phải làm cho học sinh thấy được đi học là niềm vui, niềm
hạnh phúc. Chương trình giáo dục mới cũng cần phải tôn trọng người học thay vì
chỉ tôn trọng người dạy.
Tôi
đã tìm thấy một bộ sách giáo khoa đáp ứng được nhưng mục tiêu và phương pháp
giáo dục đó, dựa trên triết lí giáo dục của Hegel, J J Rouseau và Piaget. Bộ
sách giáo khoa văn, tiếng Việt và lối sống do nhóm Cánh Buồm thực hiện dưới sự
chịu trách nhiệm chính của nhà giáo Phạm Toàn và Gs. Hồ Ngọc Đại. Dù đã ngoài
tuổi 80, nhà giáo Phạm Toàn vẫn đang hết sức mình cống hiến cho mục đích khai
dân trí. Ông vẫn ngày đêm trăn trở tìm cách cống hiến nhưng tinh hoa trí tuệ sư
phạm cho nền giáo dục Việt Nam.
Từ
năm 2009 đến năm 2014 nhóm Cánh buồm đã hoàn thành bộ sách giáo khoa Văn, Tiếng
Việt bậc Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 và đã hướng dẫn thực hành, áp dụng thành
công ở Trường Olympia International tại Hà Nội, chỉ với phí thực hiện chừng 300
triệu đồng trong 5 năm, do các nhà hảo tâm tài trợ, không mất một đồng thuế nào
của người dân VN.
Ở
bài viết này, tôi chỉ xin điểm qua nội dung bộ sách dạy văn THCS do nhóm Cánh
Buồm biên soạn.
***
Sự ưu việt của bộ sách đọc văn này là gì: sự phong phú và tự do của nó.
Sự ưu việt của bộ sách đọc văn này là gì: sự phong phú và tự do của nó.
Bộ
sách này giàu có, phong phú vì so với cách xây dựng chương trình văn học hiện
nay, nhóm soạn sách đã thay đổi hoàn toàn trục tác phẩm. Với cách giới thiệu hệ
thống theo trục thể loại, chia ra làm ba bộ phận cơ bản là trữ tình, kịch và tự
sự, nhóm biên soạn Cánh Buồm có cơ hội giới thiệu cho người học một khối lượng
khổng lồ vô cùng đa dạng thành tựu văn học của nhân loại. Từ trước đến nay sách
giáo khoa văn học của chúng ta theo trục thời gian, nghĩa là lịch sử đi tới
đâu, văn học minh họa tới đó; và do đó văn học bị dính liền với lịch sử. Văn
học do đó gần như là da thịt đắp ngoài bộ xương lịch sử, thậm chí là minh họa
cho tư tưởng của thời kì lịch sử đó. Học sinh của chúng ta đã quá ngán vì phải
học thứ văn chương tuyên truyền non kém về chất lượng nghệ thuật và nghèo nàn,
áp đặt về nội dung tư tưởng.
Bộ
sách còn là một thế giới nghệ thuật tự do vì nó không giới hạn người học; không
phân biệt, không định hướng đầu óc học sinh. Tác phẩm văn học nào trăn trở với
phận người, tôn vinh những giá trị làm người cao đẹp, khơi gợi những cảm xúc
cao quý, được nhân loại tiến bộ thừa nhận thì được Cánh Buồm giới thiệu đến người
học.
Điều
đáng nể nữa là, song song với việc giúp học sinh tiếp cận các tác phẩm văn học,
nhóm biên soạn đã khéo léo và rất tinh tế lồng vào đó tri thức về rất nhiều nhóm
ngành khoa học, nghệ thuật đồng thời đặt những nền tảng kiến tạo giá trị sống,
lối sống cho học sinh. Tôi khó hình dung được bao nhiêu chất xám đã đổ vào bộ
sách này để học sinh có được những bài học nhẹ nhàng mà tinh diệu, sâu xa và
đẹp đẽ như thế.
Với
bộ sách này, văn học được tiếp cận dưới góc độ là một bộ môn nghệ thuật và nhóm
biên soạn rất chú trọng khả năng tác động đến cảm xúc, thanh lọc tinh thần
người học của văn chương. Bấy lâu chúng ta quan niệm về nghệ thuật khác nhiều
so với người phương tây, nói rộng ra là chúng ta một mình một phách, đi ngược
lại với cả thế giới. Thái độ cơ bản của chúng ta đối với nghệ thuật là thái độ
vừa sùng kính vừa miệt thị, lại phân biệt nghệ thuật thuần túy vị nghệ thuật và
nghệ thuật vị nhân sinh. Chúng ta hô to “nghệ thuật không có biên giới” nhưng
chúng ta lại kì thị, phân biệt giới nghệ sĩ với các giới khác và đặt ra nhiều
rào cản khiến nghệ thuật trở nên èo uột, không có đất phát triển. Điều này có
lỗi một phần lớn từ Nho giáo, song chủ yếu là vì chúng ta không chịu thay đổi lối
sống bất cần nghệ thuật. Hậu quả là chúng ta chưa bao giờ vươn lên được tầm cao
văn hóa nghệ thuật tương đương với thế giới. Thành thử chúng ta với nghệ thuật,
chúng ta vừa xa lánh, lại vừa thèm muốn.
Bộ
sách này có tham vọng vừa khơi gợi tri thức, vừa mở ra thế giới cảm xúc cho
người học, chủ trương phát huy những cảm xúc tự nhiên và nhân bản. Bởi vì, đối
với nghệ thuật, không thể có sự cưỡng ép và giả dối trong cảm xúc, cả ở người
nghệ sĩ lẫn người tiếp nhận. Học sinh phải được tiếp cận tác phẩm nghệ thuật
với tâm hồn và cảm xúc tự nhiên của mình. Việc bồi đắp tâm hồn phải thông qua
những cảm xúc tự nhiên và với một tình yêu hoàn toàn tự nguyện chứ không thể
bằng những mệnh lệnh đạo đức, và sự cưỡng chế cảm xúc. Người sáng tác văn
chương tuyên truyền không thể có cái chân thật và nhân bản này, sao có thể đòi
hỏi người đọc cảm xúc lành mạnh, nhân văn. Người giáo viên cũng không có quyền
đòi hỏi học sinh phải trả bài cảm xúc cho mình, vì điều đó có nghĩa là bắt ép
học sinh phải giả dối. Có cái giả dối nào tệ hại bằng giả dối cảm xúc?
Bộ
sách này giúp học sinh làm giàu tri thức khoa học về các môn nghệ thuật nói
chung, nghệ thuật ngôn từ nói riêng, gợi mở suy tư và dẫn lối tâm hồn của người
học. Chúng ta hãy yên tâm rằng nhóm biên soạn đã chọn cho học sinh của mình
những tuyệt phẩm có ý nghĩa nhân văn rất đẹp đẽ và có giá trị vượt thời gian.
Thử
nhìn vào cuốn sách văn lớp 6 xem học sinh của chúng ta sẽ học được gì.
Cuốn
sách có tên là CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT gồm 6 bài chính, giới thiệu về thơ, tự sự,
hội họa-mỹ thuật, âm nhạc và kịch.
Trước
khi dẫn dắt học sinh khám phá nghệ thuật, người biên soạn muốn đặt nền móng đầu
tiên cho học sinh, đó là sự đồng cảm đối với người nghệ sĩ. Muốn thưởng thức nghệ
thuật, trước tiên phải hiểu thiên chức của nghệ sĩ, có thái độ trân trọng đối
với nghệ thuật và người sáng tạo nghệ thuật. Những phần dẫn luận này rất
giản dị nhờ được trình bày bằng văn phong trong sáng dễ hiểu và lôi cuốn. Bằng
việc trả lời các câu hỏi vì sao người ta làm thơ, vì sao người ta viết văn tự
sự, vẽ, sáng tác nhạc, chơi kịch… nhóm biên soạn dẫn dắt người học đi qua lí
luận nghệ thuật để lấy đó làm công cụ suy tư, đồng thời giúp người học học cách
làm bài nghiên cứu.
Những tác phẩm được giới thiệu là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, thơ ngụ ngôn của La Fontain, bài thơ Cánh buồm của Lermontov; tập truyện của Duy Khán, Cuốn sách của bạn tôi của nhà văn Anatole France với lời giới thiệu của thầy giáo Andre Menras, bài viết tìm hiểu về họa sư Nam Sơn- người đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại của VN và Tranh Tết …
Những tác phẩm được giới thiệu là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, thơ ngụ ngôn của La Fontain, bài thơ Cánh buồm của Lermontov; tập truyện của Duy Khán, Cuốn sách của bạn tôi của nhà văn Anatole France với lời giới thiệu của thầy giáo Andre Menras, bài viết tìm hiểu về họa sư Nam Sơn- người đặt nền móng cho nền mỹ thuật hiện đại của VN và Tranh Tết …
Phải
nhắc lại lần nữa là những bài học này được thiết kế giản đơn nhưng hấp dẫn,
giàu có tri thức đến không ngờ, chắc chắn học sinh rất yêu thích. Sau khi được
học, các em có được một nền tảng tri thức phong phú, cảm xúc đẹp và tinh thần
trân trọng đối với khoa học và nghệ thuật. Đó là nền tảng của trí tuệ và xúc
cảm rất cần thiết cho sự phát triển con người. Bài học cuối năm rất quan trọng
là bài cảm hứng nghệ thuật, đặt ra một số đề tài để học sinh lựa chọn viết bài
luận thu hoạch để tự tổng kết một năm học của mình.
Sách
văn lớp 7 có tên là GIẢI MÃ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT
Giải
mã tác phẩm nghệ thuật không phải là chụp mũ cảm xúc cho học sinh, đánh giá cảm
xúc của học sinh đúng hay sai. Với bộ sách này, học sinh sẽ không phải đọc hiểu
tác phẩm qua những câu hỏi định hướng một chiều kiểu độc quyền lẽ phải hay áp
đặt cảm nhận; năng lực học văn của học sinh cũng không bị đánh giá dựa trên
những kiến thức máy móc mà các em phải trả lại cho giáo viên. Như đã nói, cảm
nhận của các em là tự do, hồn nhiên và chân thật; việc đồng cảm với tác giả
không bóp chết sự tự nhiên lành mạnh trong tiếp nhận của các em.
Chương
trình dành cho lớp 7 bao gồm Giải mã tác phẩm trữ tình thông qua ca dao VN, thơ
ca phương Đông, thơ ca phương Tây và thơ ca VN hiện đại; các em sẽ tìm hiểu
cách thức mà các bài thơ ra đời, tìm hiểu về nhạc tính, ngôn từ, tứ thơ, cảm
hứng, tìm hiểu về nhà thơ và tâm hồn của họ; Các em cũng sẽ tìm hiểu cảm hứng
nhân sinh, cảm hứng thiên nhiên, cảm hứng tôn giáo trong thơ của Đào Uyên Minh,
Vương Duy, Đỗ Phủ, thơ đường ở VN. Ngoài ra, học sinh cũng sẽ tự dịch thơ của
các nhà thơ phương Tây. Tôi cho rằng đây là hoạt động thú vị mà học sinh sẽ
hưởng ứng nhiệt tình. Hoạt động này cho phép học sinh tự do cảm nhận tác phẩm
đồng thời đi đến chỗ đồng cảm với người nghệ sĩ. Đây chính là sự đồng sáng tạo,
là sự thưởng thức nghệ thuật ở mức độ cao nhất.
Các
em cũng sẽ tham gia hoạt động giải mã tác phẩm kịch nghệ qua kịch chèo dân
gian, vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long, kịch cổ điển châu Âu với vở Trận
bão của Shakespeare, Những tên cướp của thiên tài Schiller, Tucaret của Lesage
và cuối cùng là chuyển thể kịch với vở Đám cưới Chuột và Hà bá lấy vợ.
Kịch
dường như chưa bao giờ được coi là loại hình nghệ thuật đỉnh cao ở VN. Việc dạy
kịch trong nhà trường từ trước đến nay chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Việc dạy kịch
như một loại hình nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật sân khấu rất bị xem thường ở
VN. Điều này xuất phát từ thực tế chúng ta có thói quen chỉ coi trọng nội dung
mà bỏ qua sự độc đáo về hình thức của cái Đẹp. Kịch có đặc thù nghệ thuật
riêng. Học kịch, học sinh biết thêm những phương thức sáng tạo ra cái Đẹp. Các
giá trị nhân văn phải được thấu cảm thông qua hình thức độc đáo. Không phải
ngẫu nhiên mà những tác phẩm được nhân loại sùng bái nhất lại là kịch của
Eschyle, Euripide, Dante, Goethe, Schiller hay Shakespeare.
Cuốn
văn 8 GIẢI MÃ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TỰ SỰ có thể nói là cuốn thú vị nhất. Nội
dung của nó dành cả cho văn xuôi, từ tự sự truyền miệng như truyện cổ tích,
thần thoại Hy lạp, sử thi Đăm Săn và một số truyện dân gian; tự sự đương đại:
tiểu thuyết lịch sử Chín mươi ba của V.Hugo, Hồ Qúy Ly của Nguyễn Xuân Khánh;
Gulliver du kí, Hoàng tử bé, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Những lời bộc
bạch của JJ Rousseau, Bút kí từ nhà chết của Dostoievski, Thân phận tình yêu
của Bảo Ninh, Linh sơn của Cao Hành Kiện..
Tôi
đảm bảo đây sẽ là cuốn sách quan trọng nhất và cũng được yêu thích nhất. Vì sao
ư, vì nó còn hơn một cuốn sách văn học. Nó còn là cả một thế giới nghệ thuật
đẹp đẽ để trí tưởng tượng của học sinh bay bổng khám phá. Nó cùng học sinh đi
tìm phẩm chất người, tính người trong tác phẩm văn học. Nó mở ra một thế giới
rộng lớn của văn chương nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, nhân học, xã
hội học, tâm lý người.. khắp đông tây, từ cổ chí kim. Học sinh vừa học văn vừa
khám phá thế giới tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như nghi lễ
tưởng nhớ thần Promethee của người Hy Lạp cổ đại, nguồn sống và tập tục của
người Ê đê, cải cách tôn giáo ở nước Anh, thậm chí là biết đến bối cảnh hoang
tàn về phương diện văn hóa tư tưởng của cả châu Âu cũng như thấu cảm với con
người cô đơn không biết đi đâu về đâu trong Hoàng tử bé…Đây là một chương trình
văn học vô cùng rộng lớn, đầy xúc cảm, bay bổng, tự do, nhân văn và chắc chắn
sẽ khai sáng cho học sinh của chúng ta rất nhiều.
Những
lời cuối cùng của cuốn sách này dành cho văn hóa đọc mà việc học văn lớp 8
chính là những gợi ý cho việc tiếp cận thư viện và tìm kiếm sách. Cuốn sách
nhắn nhủ học sinh rằng văn hóa đọc nâng cao trình độ hiểu biết và tâm hồn con
người. Việc đọc theo hướng đối thoại với tác giả sẽ khiến cho người đọc được
khai minh về trí tuệ và tâm hồn.
Cuốn
Văn 9 có chủ đề NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT bao gồm hai tác phẩm Truyện Kiều và
Faust. Đây là năm học của nghiên cứu nghệ thuật, việc chọn hai kiệt tác nghệ
thuật của dân tộc và thế giới là không khó hiểu.
Tại
sao lại là Truyện Kiều thì chúng ta đều biết, đây là kiệt tác văn học của dân
tộc, cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật đều cao cả không tác phẩm nào của nền văn
học ta sánh kịp. Bản thân Nguyễn Du cũng là một nghệ sĩ đích thực, đúng nghĩa
nghệ sĩ theo quan niệm nghệ thuật phổ quát, chứ không phải là kẻ sĩ làm thơ như
nhiều trí thức phong kiến khác vốn làm thơ để ngôn chí, tải đạo. Nghệ thuật cao
đẹp ở chỗ nó không phải cưỡng ép mà đồng cảm với con người, không phải giáo
huấn mà nâng đỡ con người. Nghệ thuật do đó có giọng điệu bi thương và đời
người nghệ sĩ nói chung là bi kịch. Điều này trong thơ và đời của Nguyễn Du khiến
cho ông trở thành người nghệ sĩ lí tưởng của nền nghệ thuật Việt Nam.
Nhóm
biên soạn đã đưa ra rất nhiều gợi ý cho học sinh chọn lựa hướng nghiên cứu: bài
tổng quan về Truyện Kiều giới thiệu về tác giả và dẫn dắt người học đi qua
nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Du; bài cách thức truyện Kiều lan tỏa trong đông
đảo nhân dân và trong giới trí thức cũng giúp học sinh tiếp cận các giá trị văn
hóa của tác phẩm ở những góc độ khác nhau- góc độ văn hóa dân gian và góc độ
nghệ thuật bác học. Ngoài ra học sinh nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của
Nguyễn Du, ngôn ngữ nhân vật trong truyện Kiều.
Còn
về Faust, đây là kiệt tác hàng đầu của nhân loại mà tác giả của nó được mệnh
danh là một trong tứ đại danh hào của thế giới. Ông đã sáng tạo nên một nhân
vật mà mọi người dân Đức đều coi là nguyên mẫu lí tưởng của mình. Đó là tiễn sĩ
Faust, một nhà khoa học khao khát làm đầy tri thức, một người yêu lí tưởng và
một tâm hồn dằn vặt đau khổ. Chúng ta cũng biết dân tộc Đức là một dân tộc tinh
anh đã cống hiến cho nhân loại vô vàn triết gia và nghệ sĩ bậc thầy. Không hề
lạ khi dân tộc này đã khai sinh ra một thi hào toàn năng như Goethe. Bậc thầy
này đã tặng cho nhân loại một kiệt tác uyên bác về phương diện triết học và cao
cả ở phương diện nghệ thuật. Tôi vẫn thường nói với học trò rằng: dân tộc nào
yêu triết học và nghệ thuật, dân tộc đó cao cả. Với tác phẩm này, Goethe đã
vinh danh loài người, nâng địa vị con người lên hàng thánh thần.
Nếu
phải chê điểm gì ở bộ sách này thì tôi cảm thấy phiền lòng vì những tác phẩm
văn học lớn của những nhà văn lớn như Lev Tostoy, văn học châu Mỹ, tiểu thuyết
cổ điển TQ, Thơ ca Nhật Bản, nghệ thuật phục hưng và các trào lưu nghệ thuật
hiện đại và đương đại chưa được điểm qua, rất đáng tiếc. Hy vọng mảnh đất ngon
lành đó các tác giả đang để dành cho bộ sách THPT hoặc dự bị đại học.
7-12-2016
Xin chào !
Trả lờiXóaCảm ơn bài viết hay của bạn. Điện Máy Đại Nam chuyên cung cấp máy thái thịt tươi sống và đông lạnh uy tín và chất lượng trên thị trường hiện nay.
Vui lòng tham khảo tại:
Điện Máy Đại Nam
Địa chỉ: Số 250 Phố Minh Khai,Hai Bà Trưng,HN
Điện thoại: 0986 982 710 - 0949 28 18 18
Website: http://dienmaydainam.com/may-thai-thit
máy thái thịt |máy thái thịt đông lạnh | máy thái thịt bò | máy thái thịt chín | máy thái thịt tươi sống | máy thái thịt SS-70 | máy thái thịt ES-250 | máy thái thịt ES-300 | máy thái thịt QX-250 | máy thái thịt DQ-1